Bhutan nơi con người lễ độ với thiên nhiên

Lê Đức Dục |

Gần hai mươi năm trước, lần đầu tôi biết đến xứ Bhutan này khi đọc bút ký Thênh thang trên xứ non cao của nhà văn Cao Huy Thuần, và cực kỳ ấn tượng khi ông nhận xét rằng: Nếu muốn, Bhutan sẽ trở thành bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng nếu muốn cũng không có quốc gia nào trên thế giới có thể trở thành Bhutan. Chính nhận xét đó đã khiến tôi ấp ủ giấc mơ đặt chân đến Bhutan và rồi tôi đã đến được.

Đặt chân lên Bhutan rồi, càng ngạc nhiên hơn khi biết cái quốc gia bé nhỏ đó lại lấy hạnh phúc của dân làm thước đo cho sự phát triển chứ không phải là các con số GDP quay cuồng chóng mặt như ở phần còn lại của thế giới. Khi người ta cứ nhất nhất phải là tăng trưởng GDP (viết tắt của Gross Domestic Product - là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi áp dụng cho phạm vi toàn quốc gia, nó còn được gọi là tổng sản phẩm quốc nội) thì xứ Bhutan kia lại đưa ra một khái niệm mới về chỉ số hạnh phúc quốc gia: GNH (Gross National Happiness). Chính Quốc vương Bhutan - Jigme Singye Wangchuck (cha của nhà vua hiện tại - Jigme Khesar Namgyel Wangchuck) từ năm ١٩٧٢ đưa ra khái niệm này với bốn ý tưởng cốt lõi: Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế - xã hội bền vững và công bằng; bảo tồn và cổ súy giá trị văn hóa; gìn giữ môi trường thiên nhiên và thiết lập cơ chế quản lý hiệu quả.

Hoa phượng tím trong một Yong (tu viện) ở cố đô Punakha - Ảnh: L.Đ.D
Hoa phượng tím trong một Yong (tu viện) ở cố đô Punakha - Ảnh: L.Đ.D

Khái niệm Gross National Happiness giờ đang khiến nhiều quốc gia phát triển đến đỉnh như Nhật, Mỹ... phải xem lại mình. GDP của Bhutan là 500 triệu đô la, GDP của nước Nhật là 4.400 tỷ đô la, nhưng một người Nhật có hạnh phúc hơn một người Bhutan không? Câu trả lời khó mà chắc chắn!

Khi thế giới đang kêu gào vì chuyện môi trường, khi ở nhiều quốc gia đang báo động đỏ nạn phá rừng thì những câu chuyện về rừng mà tôi gặp ở Bhutan xin được kể lại đây như một kinh nghiệm, hay xa hơn, như một giải pháp!

Một buổi chiều trên đường từ cố đô Punakha về khách sạn nằm ở thị trấn Wangdue, tôi bất ngờ nhìn thấy một cành thông khá lớn bổ ngang qua đường, điều đáng nói là cành cây ấy lại uốn cong hình chữ V mà đáy của nó nằm ngay giữa tim đường, nếu không cẩn trọng, khi ô tô chạy qua sẽ đâm vào đáy của đoạn cây uốn cong hình chữ V ấy. Và theo như logic thông thường, ở bất cứ xứ nào, nhân viên công trình giao thông công chánh sẽ cưa ngay nhánh cây để đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng người Bhutan đã không ứng xử như vậy, ngay giữa tim đường, phía dưới đáy nhánh cây sà xuống ấy, họ xây một cái trụ tháp nho nhỏ vươn lên, vừa đỡ lấy nhánh cây không bị đổ, vừa chia con đường ra hai luồng cho xe cộ lưu thông hai bên. Cành cây không bị cưa cắt mà giao thông vẫn an toàn. Cái hình ảnh đối xử “lễ độ” với cành cây ấy cứ ám ảnh trong tôi rất lâu trên những dặm đường khám phá đất nước Bhutan xinh đẹp. Đôi khi chỉ cần một hình ảnh như thế, chiếc trụ nhỏ đỡ nhánh cây trên đường đủ nói lên nhiều điều về ứng xử với thiên nhiên và môi trường mà không cần phải kẻ vẽ hay hô hào quá nhiều pa nô và khẩu hiệu.

Cũng chính trong buổi chiều hôm ấy, khi lên tu viện Khamsum Yuley được xây ở phía bắc cố đô Punakha, chúng tôi đã gặp một hình ảnh tương tự, một cây thông cổ thụ cũng sà xuống cản lối lên tu viện vốn rất nhỏ và dốc, nhưng thay vì đi tránh lối khác, lối đi này lại được khoét sâu xuống để lọt vừa tầm vóc một người đi qua bên dưới thân cây, và phía trên gốc cây, ai đó đã trồng thêm vào một khóm hoa giấy, leo quấn quýt trên thân cây thông lão trượng, biến nó thành một chiếc cổng chào tự nhiên xinh đẹp và ấn tượng trên lối lên chùa. Trên dặm dài hành trình qua Bhutan, chúng tôi lại phát hiện thêm những niềm vui cây cỏ như thế, bình dị mà ấm áp.

Những dịp kỷ niệm đại lễ ở quốc gia này, thay vì Nhân dân chờ đợi được xem những cuộc diễu hành huy hoàng và tráng lệ, nhà vua đã tuyên bố đó sẽ là ngày “lâm nghiệp xã hội”, những trường học cũng như cộng đồng dân cư được nghỉ lễ để đi… trồng cây! Mừng sinh nhật nhà vua ư? Cả nước cùng đi trồng cây. Mừng ngày vua đăng quang ư? Cả nước hãy đi trồng cây. Mừng hoàng hậu vừa sinh hạ hoàng tử ư? Cả nước lại đi trồng cây… Và chính thiên nhiên đã đền đáp lại cho đất nước Bhutan những ân tình mà người dân đã đối xử với cây cỏ.

Trên con đường từ thủ đô Thimphu về cố đô Punakha chỉ dài chưa đến 100 cây số, nhưng xe chúng tôi phải đi mất 3 giờ đồng hồ, nói như vậy để biết rằng đường sá rất hiểm trở, nhiều đèo dốc quanh co nguy hiểm, tuy nhiên dù đường sá rất dốc đèo như vậy nhưng hầu như chúng tôi không gặp một điểm sạt lở nào trên đường, điều ấy có được chính là nhờ những tán rừng cổ thụ điệp điệp trùng trùng hai bên đường kiên trung giữ đất. Con đường tuy hẹp nhưng có lẽ người Bhutan không muốn mở rộng hơn bởi sợ rằng sẽ phải phá đi những cây cối bên lề đường. Và con đường dẫu hẹp, thời gian đi lại có lâu hơn, nhưng bù lại, gìn giữ được cây rừng và thiên nhiên, đó cũng là một triết lý “sống chậm” nữa của Bhutan mà chúng tôi đọc được trong những ngày rong ruổi.

Trên đường từ thủ đô Thimphu về Punakha, không thể không dừng lại trên đỉnh con đèo Dochula với độ cao 3050 mét. Không chỉ vì nơi đây có một công trình với 108 ngọn tháp (chortens) được xây để tưởng nhớ những tiền nhân đã mang đạo Phật đến xứ sở Bhutan và may mắn nếu gặp ngày đẹp trời có thể phóng tầm mắt nhìn ra dãy Hymalaya để chiêm ngắm những đỉnh núi phủ tuyết trầm mặc. Trên ngọn đèo này, vẻ đẹp thiên nhiên của Bhutan hiện ra đẹp lộng lẫy và rực rỡ nhất nếu bạn đến đây đúng vào những ngày xuân ấm nắng. Giữa điệp trùng chồi thông cổ thụ đang rực lên như hổ phách dưới sắc vàng của màu nắng xuân trong veo là những thảm hoa đỗ quyên bừng nở đỏ rực, hốt nhiên trong cái khoảnh khắc ấy, giữa trời xanh, mây trắng và những đỉnh núi tuyết trầm mặc xa mờ, sắc hoa đỗ quyên giữa ngàn thông nguyên thủy tinh khôi thực sự mang tới cảm giác của một “Cõi địa đàng trần gian” mà người ta thường ví von khi nhắc đến Bhutan. Địa đàng ấy là đây, trong tầm mắt chúng tôi ngay trên đỉnh đèo Dochula một buổi trưa lồng lộng gió và nắng!

Cây thông cổ thụ sà xuống cản lối lên tu viện được biến thành chiếc cổng thay vì đốn đi - Ảnh: L.Đ.D
Cây thông cổ thụ sà xuống cản lối lên tu viện được biến thành chiếc cổng thay vì đốn đi - Ảnh: L.Đ.D

Hôm đầu tiên từ sân bay Paro về thủ đô Thimphu, chúng tôi cũng bất ngờ gặp ven đường một hình ảnh quen thuộc, gợi nhớ những ngôi nhà chúng tôi đã gặp trên rẻo cao Tây Bắc, Việt Bắc ở nước ta. Đấy là người Bhutan cũng dựng những ngôi nhà của mình theo phương pháp “trình tường”. Hóa ra một đất nước giàu rừng nhiều gỗ như Bhutan nhưng giờ đây gỗ được dùng rất hạn chế trong xây dựng. Những ngôi nhà với lối kiến trúc Bhutan đều từa tựa như các “dzong” (tu viện). Sau khi dựng móng bằng đá, tường sẽ được “trình” bằng các khuôn gỗ, đất được lèn chặt vào khuôn và nén kỹ, chỉ có khung cửa sổ làm bằng gỗ được đặt gọn vào tường. Và thật kỳ diệu, cho dù chỉ trình tường bằng đất nhưng những ngôi nhà chúng tôi gặp ở Bhutan đều có độ cao từ 2 đến 4 tầng lầu. Sau này, khi gặp anh Tashi, một người bạn vừa quen ở Bhutan, khi chúng tôi hỏi về có mâu thuẫn gì không giữa việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, cụ thể ở đây là gỗ rừng và việc những cư dân đang nhu cầu làm nhà ở trước sự phát triển nhanh chóng của các đô thị như Thimphu, Paro, Punakha…, anh cho biết, chính phủ đang khuyến khích dân xây dựng nhà cửa bằng những vật liệu khác thay vì từ gỗ như truyền thống, gạch đá, xi măng được nhập từ Ấn Độ cũng đang thịnh hành thay cho những ngôi nhà bằng gỗ. Bài học gìn giữ những cánh rừng trên đất nước Bhutan cũng đã được nhà vua Jigme Singye Wangchuck rút ra từ kinh nghiệm đau thương của đất nước Nepal “hàng xóm”. Những cánh rừng ở Nepal bị đốn trụi đã mang đến tai ương với lũ lụt và hạn hán triền miên, bởi thế, để không “giẫm lên” vết chân Nepal, người Bhutan đã làm cho xứ sở của mình trở thành quốc gia có độ che phủ của rừng cao nhất thế giới!

Nhưng chuyện “cột trụ môi trường” ở Bhutan đâu chỉ là chuyện vĩ mô với những cánh rừng. Bhutan còn xứng đáng là quốc gia duy nhất trên thế giới không có cư dân hút thuốc lá! Trước ngày đi Bhutan, những bạn bè cùng thiết kế chuyến đi đã nhắc đi nhắc lại rằng nếu nhỡ một ai trong chúng tôi nghiện thuốc lá thì nên nghiên cứu kỹ “luật cấm thuốc lá” của Bhutan. Tuy cấm với cư dân đất nước nhưng du khách đến Bhutan vẫn được mang theo tối đa chừng một cây thuốc (200 điếu) có điều số thuốc lá này phải trải qua nhiều thủ tục rất nhiêu khê cộng với đóng thêm một khoản tiền thuế rất cao để mang được thuốc lá vào. Nhưng mang vào là một chuyện, hút được thuốc lá ở Bhutan lại là một chuyện khác. Bhutan cấm hút thuốc nơi công cộng, và nơi công cộng, theo luật Bhutan là nơi đó có… hai người trở lên. Tôi không nghiện thuốc lá, nhưng một anh bạn cùng đi trong nhóm lại nghiện, và dù nghiện, nhưng để tránh những nhiêu khê mệt mỏi khi khai báo, nộp thuế… lẫn án phạt nếu vi phạm (có thể bị trục xuất) nên dù nghiện thuốc, anh bạn cùng đi cũng không dám mang theo điếu thuốc nào vào Bhutan. Bởi chỉ riêng việc hút thuốc thôi, để “an toàn” anh có thể  hút vào lúc thật khuya, ở ngoài hành lang khách sạn, khi mọi người đã đi ngủ. Và sự dấm dúi như vậy với người nghiện thì còn chi là ngon lành khi… hút (!), thành ra, suốt những ngày ở Bhutan, lần duy nhất tôi gặp người hút thuốc là ở Wangdue, trong cơn mưa đêm tầm tã, có hai vị khách quá nghiện đã lén lút ra hành lang, che ô và đứng hút thuốc dưới màn mưa. Bởi thế nói Bhutan giữ môi trường cho đất nước mình trong từng hơi thở không có gì là quá đáng!

Tác giả và các nhà sư ở Bhutan - Ảnh: L.Đ.D
Tác giả và các nhà sư ở Bhutan - Ảnh: L.Đ.D

Nhưng nếu nói một quốc gia hạnh phúc chỉ căn cứ trên những triết lý thì cũng… mơ hồ quá. Hạnh phúc là một khái niệm vô cùng trừu tượng. Nhà thơ  Bằng Việt từng viết: Hạnh phúc ta cần, thực cũng giản đơn thôi / Như chỉ ở trước ta thêm một tầm tay với / Ngỡ rảo bước là sớm chiều đã tới / Suốt một đời, sao vẫn giục mình đi? Cuộc sống vần xoay chóng mặt, với người này hạnh phúc là có biệt thự to, ô tô xịn, với người kia chỉ là bữa cơm sum vầy ấm áp, với người nọ hạnh phúc là một giấc ngủ an lành. Còn với người Bhutan? Nếu lấy thước đo hạnh phúc là tiện nghi, là sự thụ hưởng vật chất thì nên nhớ những phương tiện bình thường của các nước văn minh có từ đầu thế kỷ 20 thì tại Bhutan cho mãi đến năm 1999 mới có chiếc ti vi đầu tiên (!), và chiếc điện thoại di động, bây giờ vẫn còn là một sản phẩm không phải ai cũng có thể sắm được.

Giữa cõi người đầy sân si, những giá trị vật chất được mang ra làm thước đo hạnh phúc thì Bhutan vẫn điềm tĩnh giữ một sự quân bình hiện diện trên những giá trị vật chất cụ thể, ví như chuyện xe cộ, nhà cửa. Chẳng cần nói đâu xa, ở xứ ta, nhìn vào ngôi nhà chủ nhân đang ở, nhìn vào chiếc ô tô đang đi, nhìn vào nhãn hiệu trên trang phục… người ta có thể phân biệt được sự giàu nghèo qua tài sản được thể hiện. Ở Bhutan thật khó mà nói được điều đó khi nhìn vào nhà cửa hay xe cộ! Kiến trúc nhà ở của Bhutan tuân thủ theo quy định riêng, cùng khuôn mẫu kế thừa như kiến trúc các dzong, có thể thấy nhà này to hơn nhà kia chút ít nhưng không thể nhìn vào đấy để đánh giá khoảng cách giàu hay nghèo, xấu hay đẹp.

Nhà vua Bhutan đã từng ra một sắc lệnh khi một cây rừng bị chặt đi người dân phải trồng lại ba cây khác thay vào đó. 72% diện tích đất nước được che phủ bởi rừng rậm là một con số cao vào hàng nhất thế giới, nhưng không bằng lòng với con số ấy, đất nước này vẫn luôn tìm mọi cách để tăng độ che phủ của rừng.

Cũng tương tự như thế, trên đường phố của các đô thị lớn ở Bhutan mà chúng tôi từng đến, chiếc xe ô tô gia đình thông dụng hầu hết là loại xe nhỏ 4 chỗ ngồi hiệu Maruti của hãng xe Suzuki (nhang nhác như Kia Morning ở Việt Nam), hiếm hoi lắm mới thấy những chiếc Toyota Prado hay Santa Fe... Ngay một người bạn mới quen của tôi, Tổng giám đốc Đài truyền hình Bhutan (Bhutan Broadcasting Service-BBS), anh Tashi Dorji khi đến khách sạn đón chúng tôi đi cà phê, anh và gia đình cùng đi trên một chiếc Huyndai i20 rất bình dân. Trang phục của người Bhutan thì ai cũng như ai, luôn là những chiếc gho và kira truyền thống. Hình như người Bhutan ít mắc phải hội chứng “phải hơn chúng nó” như nhiều xứ khác. Và với sự an lạc nội tâm ấy, họ hạnh phúc hơn nhiều những ai cứ suốt ngày loay hoay “sao nhà mình nhỏ thua nhà nó, sao xe nó đẹp hơn xe mình”…

Bức tranh xã hội không quá đối lập với nhau giữa giàu và nghèo, giữa vua và dân đã khiến cho người dân Bhutan hạnh phúc. Và tôi nghĩ chính sự chừng mực trong khoảng cách ấy chính là một sự chia sẻ. Chia sẻ không phải chỉ là trích một phần thu nhập của mình ra để làm từ thiện, không chỉ san bớt bát cơm trên tay mình cho kẻ hành khất đang đói khát. Chia sẻ còn là sự tiết chế những se sua của mình trước đồng loại. Rất nhiều lần, hình ảnh nhà vua Bhutan cùng gùi hàng lên các tu viện để cúng dường, khi đó vua và dân đều cùng gồng gánh như nhau. Cái hình ảnh ấy cũng là một sự chia sẻ. Không hiểu sao viết đến đây tôi lại nhớ những câu thơ của Phùng Quán:

Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?

Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?

Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở?

Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa

Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?...

Tiger’s Net (Ổ Cọp) hay là Taktsang Palphug (theo tiếng bản địa) tu viện linh thiêng nhất Bhutan ở độ cao hơn 3000m, tương truyền đức Liên Hoa Sinh đã cưỡi cọp bay đến tu luyện tại đây! - Ảnh: L.Đ.D
Tiger’s Net (Ổ Cọp) hay là Taktsang Palphug (theo tiếng bản địa) tu viện linh thiêng nhất Bhutan ở độ cao hơn 3000m, tương truyền đức Liên Hoa Sinh đã cưỡi cọp bay đến tu luyện tại đây! - Ảnh: L.Đ.D

 Trở lại với người dân Bhutan, dường như họ đã đạt đến niềm tin an lạc, chứng ngộ hạnh phúc trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời vì người Bhutan luôn thường trực một đức tin trong thẳm sâu tâm thức. Nhiều khi chúng ta vì cứ trượt theo những clip quảng cáo trên truyền hình, học theo những tập phim xứ người dài lê thê mà không nhận ra chính ta đã đánh mất hạnh phúc ta đang có. Sách xưa nói về hạnh phúc có câu: “Tri túc nhi túc”, biết đủ là đủ, nhưng rồi dân gian cũng có câu “lòng tham vô đáy”. Có khi nào đó chúng ta giật mình để biết rằng những ảo vọng phù phiếm kia rồi cuối cùng cũng chỉ là cát bụi. Bao nhiêu người quay cuồng trong cuộc vần xoay, mong có được cung vàng điện ngọc, mà không nhớ ra rằng, ngày xưa, một vị thái tử con Vua đã từ bỏ hết cung vàng điện ngọc để chọn cho mình một chỗ ngồi dưới một bóng cây Bồ Đề để chứng ngộ sự an lạc mà thành Phật! Những người dân Bhutan, họ hạnh phúc - có lẽ đơn giản là họ hiểu ra rằng cõi an lạc ở ngay dưới chân mình, và thẳm sâu trong chính tâm hồn họ!

Quốc vương Bhutan cùng gia đình - Ảnh: T.L
Quốc vương Bhutan cùng gia đình - Ảnh: T.L


Quảng cáo du lịch qua video 'Việt Nam: Đi để yêu!'

PV |

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 9/7 cho biết: Video clip “Việt Nam: Đi để yêu! - Wonders of Vietnam” đã chính thức ra mắt nhân kỷ niệm 62 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2022).

Trở về nương tựa tự nhiên

Hạnh Nguyên |

Đất lành chim đậu, con người cũng thế, luôn cần một chốn bình yên để quay về, để an trú. Biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường và đại dịch Covid khiến con người nghĩ nhiều hơn về lối sống thuận tự nhiên và muốn tìm về với tự nhiên để được ôm đỡ và chữa lành.

Hội An lấy lại vị thế đầu tàu du lịch

PV |

Tổng Giám đốc Công ty Á Đông Villas, chủ khách sạn 5 sao Silk Sense (thành phố Hội An) Trần Thái Do chia sẻ: Sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, hoạt động du lịch đến Hội An đã bắt đầu lấy lại nhịp đập bình thường. Tuy khách nước ngoài chưa nhiều, song chất lượng dịch vụ luôn được Silk Sense cũng như các cơ sở lưu trú khác đặt lên hàng đầu. Trong các dịp nghỉ lễ vừa qua và những ngày nghỉ cuối tuần, tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn luôn ở mức cao.

Thử nghiệm đón khách đến viếng nghĩa trang liệt sĩ vào ban đêm

Trường Nguyên |

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Quảng Trị cho biết, bắt đầu từ ngày 1/7 đơn vị đã thử nghiệm việc đón tiếp khách đến viếng các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn, Đường 9 vào ban đêm.