Đất lành chim đậu, con người cũng thế, luôn cần một chốn bình yên để quay về, để an trú. Biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường và đại dịch Covid khiến con người nghĩ nhiều hơn về lối sống thuận tự nhiên và muốn tìm về với tự nhiên để được ôm đỡ và chữa lành.
Câu chuyện của những người làm vườn dưới đây chia sẻ hành trình trở về với tự nhiên của họ. Trên hành trình ấy, họ nhận được nhiều hơn những gì mình tìm kiếm. Họ tạo cho chúng ta niềm tin rằng: thay vì chinh phục, thì quay trở về chung sống hòa hợp, tôn trọng và thậm chí nương tựa vào tự nhiên mới là hướng đi bền vững mang lại tối đa phúc lợi cho con người và tự nhiên.
Câu chuyện của anh Hoàng Thông - chủ khu vườn Năm Mùa Bungalows:
Vườn là một cánh rừng nhỏ,
nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên
Chỉ có thể dùng từ “định mệnh” mới lý giải được chuyện tôi - một người Huế đang sống ở Sài Gòn và đã đi đến nhiều quốc gia trên thế giới - có mặt ở miền rừng phía tây Quảng Trị và gắn bó với ngôi làng nhỏ giữa rừng nhiệt đới cho đến hôm nay.
Chuyện bắt đầu từ mười năm trước, tôi có duyên gặp gỡ và giúp đỡ một người em lập nghiệp ở làng Xa Ry, xã Hướng Phùng. Vì thế tôi thường xuyên lui tới ngôi làng này. Đến đây, tôi được sống trong không gian núi rừng hoang sơ trong lành và khí hậu quanh năm ôn hòa. Đặc biệt, phong cách sống tốt bụng và thân thiện của người dân nơi đây gây ấn tượng với tôi, nên tôi quyết định mua đất dựng một căn bungalow nhỏ để lâu lâu lên đây ở lại. Sau đó một vài người bạn tôi làm du lịch đến bungalow chơi, ai cũng trầm trồ thích thú và khuyên tôi làm thêm vài căn nữa. Thế là tôi dồn hết tâm sức để xây dựng nên Năm Mùa này với mơ ước công trình để lại dấu ấn cho làng Xa Ry.
Tôi và các cộng sự xây dựng Năm Mùa một cách từ từ, chứ không ồ ạt, vội vã. Thời điểm tôi tiếp nhận khu đồi 2,5 ha để xây dựng Năm Mùa, nó ở trong tình trạng trơ trọi bị nông dân bỏ phế sau khi khai thác hết phần đất màu mỡ trên bề mặt. Một dự án cải tạo khu đồi trọc được chúng tôi vạch ra chi tiết với yêu cầu tạo ra một khu vườn như là một cánh rừng nhỏ, nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên.
Tôn trọng và nương nhờ vào thiên nhiên là nguyên tắc trong quy hoạch và xây dựng Năm Mùa. Những căn bungalow nhỏ được xây quanh khu đồi. Không có căn nào được xây mới, mọi vật liệu đều được chúng tôi nhặt nhạnh về, thổi hồn vào để chúng được tái sinh. Đá ở dưới suối, tre mọc trên rừng, những cây cà phê già phải chặt bỏ, gỗ mục nát, bị đổ gãy do mưa bão là những vật liệu tại chỗ, kết hợp với phế liệu gỗ công nghiệp chúng tôi thu gom từ nhiều nơi. Tất cả được bàn tay của người dân chính nơi đây xây dựng nên những bungalow.
Năm đầu xem như chúng tôi chỉ tập trung vào xây bungalow, làm hệ thống dẫn nước từ núi về, rồi làm các vườn ươm cây giống. Sau đó chúng tôi mới thực sự bắt tay cải tạo lại khu đồi trọc theo phương thức vườn rừng, nghĩa là trồng cây đa loài và đa tầng tán. Trong quy hoạch vườn rừng Năm Mùa, cà phê Arabica sẽ nằm ở tầng tán thấp. Phía dưới nó sẽ là một thảm lạc dại, vừa để che phủ đất, vừa để cố định đạm cho cây trồng ở những tầng tán cao bên trên. Tầng tán cao được ưu tiên cho cây bản địa, gồm bằng lăng, trẩu, mân và tà rổ. Tầng cây giữa sẽ được ưu tiên trồng cây ăn trái và trồng hoa.
Một người bạn gọi đùa tôi là nhà di thực bởi tôi đã đem rất nhiều giống hoa đặc trưng trong Nam, ngoài Bắc, hoa từ xứ hoa Đà Lạt, hoa anh đào từ Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc... về đây sánh vai cùng cỏ hoa bản địa. Chúng đang được thuần hóa và quen dần với đất đai, thổ nhưỡng nơi đây. Ngoài bốn tầng tán đó, sườn phía đông vườn Năm Mùa có một rừng thông đổ bóng xuống con suối nhỏ chảy quanh đồi. Sườn phía nam là một đồi sim mộng mơ cho những tự tình của thanh niên thôn bản.
Nguồn nước cung cấp cho vườn rừng được chúng tôi lấy từ đầu nguồn thác cách Năm Mùa 1 km. Nước suối là nguồn dinh dưỡng vô giá cho cây trồng nơi đây. Chưa kể vườn còn có một hệ thống hồ nhỏ dùng trữ nước tưới cho mùa hạn, đảm bảo sự xanh tươi của toàn bộ khu vườn.
Chúng tôi cũng nương vào rừng để tạo nên một hệ thực phẩm của riêng mình, gồm thực phẩm bản địa có sẵn trong tự nhiên và thực phẩm nuôi trồng được canh tác trong vườn rừng Năm Mùa hoặc từ các nông trại xung quanh. Tất cả rau trong vườn đều được tưới nước suối đầu nguồn và canh tác thuần hữu cơ, không dùng bất kỳ loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nào.
Để làm được mô hình vườn rừng cần rất nhiều thời gian và công sức. Do đó điều tôi và cộng đồng làm mô hình này hướng đến trước tiên phục hồi tự nhiên, lợi ích kinh tế có thể đến muộn nhưng bền vững, lâu dài. Đã gần 5 năm trôi qua, giấc mơ hình thành nên một vườn rừng của chúng tôi hiện thực hóa được nhiều phần. Đất đã bắt đầu mát hơn, ẩm hơn và có mùn hơn. Cây cỏ tự tái sinh rất nhiều, chỗ nào ẩm là chúng tự lên. Màu xanh của cỏ cây dần xóa nhòa màu bạc trắng cằn cỗi của đất. Động vật côn trùng các loài bắt đầu kéo về sinh sống. Rất nhiều hoa bản địa và hoa ôn đới cùng vườn sưu tập lan rừng đủ làm nơi đây thành một khu sinh thái có đặc trưng xứ lạnh trong rừng nhiệt đới.
Câu chuyện của chị em Hồ Thị Phượng và Hồ Hữu Thăng - chủ nông trại
Khe Sanh Valley Farm:
Làm nông thuận tự nhiên tái sinh cho đất
Năm năm trước, khi chúng tôi đi cùng ba mẹ vào thăm khu vườn rộng 7 ha của gia đình ở Khe Sanh, nó đã cằn cỗi sau nhiều năm khai thác lớp đất mặt để trồng cây cà phê. Trước đây khu vườn nằm giữa một thung lũng, có dòng suối nhỏ
chảy ngang qua nên nguồn nước dồi dào, khí hậu mát mẻ và đất bazan màu mỡ, trồng mọi thứ đều có thể lên.
Sau chuyến đi, chúng tôi mong ước tái tạo khu vườn của gia đình nên liền xin ba mẹ chuyển đổi vườn sang hướng làm trang trại nông nghiệp sinh thái không sử dụng hóa chất. Nhưng đó không phải là một quyết định dễ dàng. Hai chị em đã nhiều lần thuyết phục với ba mẹ về việc này. Thấy chúng tôi quyết tâm, ba mẹ cũng đành cho chứ cũng không có yên tâm lắm.
Lúc ấy, hai đứa rất trẻ, lại chưa từng trải qua công việc nhà nông, nên chúng tôi hiểu cần trang bị cho mình kiến thức nông nghiệp. Chúng tôi đi Hà Nội tham gia khóa học về trồng trọt chăn nuôi của giáo sư Nguyễn Lân Dũng và mò mẫm tìm hiểu các ý tưởng xây dựng nông trại thành công trên cả nước.
Giữa năm 2017, chúng tôi khởi đầu một khu vườn mới với việc đào ao nuôi cá và nuôi dê thả đồi. Dần dà chúng tôi tiếp tục đầu tư nuôi thêm heo, gà và quy hoạch một số khu đất trồng cây ăn trái, rau màu để hình thành hệ sinh thái đa dạng cây con.
Mới đầu về làm vườn, hai chị em tưởng tượng sẽ muốn thế này thế kia, ở đây rồi mới thấy có khi không làm được, hoặc không phù hợp. Chúng tôi đã gặp một chút khó khăn và áp lực khi sống giữa núi đồi heo hút không điện đài, chỉ có đàn dê và cây cỏ làm bạn. Chưa kể, thực tế câu chuyện làm nông nghiệp thuận tự nhiên không đơn giản chỉ là chuyện gieo hạt mầm xuống và tuyệt giao với mọi loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học mà khó khăn hơn nhiều ở vùng đất chịu nhiều thiên tai.
Trận mưa lũ cuối năm 2020, đất đồi sạt xuống đã làm vườn cây xác xơ, cá cũng theo dòng nước lũ mà trôi đi, chúng tôi phải vất vả thức trắng nhiều đêm để bảo vệ tài sản. Trận lũ đó đã giúp chúng tôi nhận ra là cần tôn trọng và nương dựa vào tự nhiên để làm nông nghiệp bền vững. Thế là mỗi năm mùa bão lũ sẽ nghỉ tiết nông nhàn hai tháng. Chúng tôi cũng ưu tiên gieo trồng xen canh, luân canh để tăng độ màu mỡ cho đất và chống xói mòn. Sau mỗi vụ thu hoạch, đất luôn có đủ thời gian nghỉ ngơi và nguyên lý “trả lại cho đất” luôn được áp dụng triệt để. Ngoài ra, cả hai cũng xác định rõ ràng là hai, ba năm đầu tiên ở vườn sẽ không có thu nhập gì nhiều, nên tốt nhất sức tới đâu thì làm tới đấy, làm thật chậm rãi tiết kiệm, vừa làm vừa quan sát và học hỏi, rồi sẽ từ từ hoàn thiện mọi thứ trong quá trình sống.
Hai chị em thích khu vườn đẹp, có sự bố trí gọn gàng và có một hệ sinh thái tự vận hành. Thế nên Khe Sanh Valley Farm được chăm sóc trên tinh thần tận dụng những gì có sẵn, giảm thiểu hỗ trợ từ bên ngoài. Các nông sản từ nông trại sẽ tự cấp phần nào cho việc ăn, làm dư đem bán để đổi lấy những nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Các phế phẩm như vỏ các loại cây ăn quả và rau củ sẽ được tận dụng trở thành phân bón nuôi dưỡng cây trồng và thức ăn cho chăn nuôi.
Kết quả đất không phụ công người. Sau 5 năm miệt mài kiến tạo, chúng tôi có được một nông trại giữa đồi núi tương đối khỏe mạnh để tự vận hành. Cây cối sống nương tựa vào nhau mà không tốn nhiều công chăm bón. Người ngoài nhìn vào nói nông trại chưa đa dạng cây trồng vật nuôi, còn với chúng tôi thì quả thực tốt hơn cả mong đợi. Dọc lối đi vào vườn là những hàng cây ăn quả: chuối, mít, cam, bơ, dứa, thanh long... Trên các luống rau, mùng tơi, xà lách, rau cải, rau thơm… mọc chen với vài loại rau dại. Bầu bí các loại thì dọc hàng rào không thiếu, còn nhiều loại cây đang tái sinh. Mấy hồ nước giữa đồi càng ngày càng nhiều cá hơn, dê heo gà được nuôi thả trong khu đất riêng. Và khắp trong không gian, chim chóc cùng muôn loài côn trùng liên tục vận động.
Nông trại mới bắt đầu cho thu nhập đủ cơ bản các loại rau trái giúp chúng tôi tự chủ được thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày. Dư ra có thể bán cho chợ trong vùng, và tuỳ từng thời điểm phát triển của vườn sẽ có nguồn thu thêm, giúp chúng tôi an tâm canh tác thuận tự nhiên và không hóa chất. Chúng tôi cũng có thời gian để trồng hoa, đặt một vài tiểu cảnh chăm chút cho khu vườn đẹp chứ trước đây chỉ suốt ngày lo trồng cây phủ xanh đất là cũng hết ngày.
Gần đây có nhiều khách từ xa tới thăm nông trại và cùng tham gia vào việc trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch rau củ quả tại vườn. Rất vui vì chúng tôi góp được một khu vườn trên núi xanh lành để lan tỏa lối sống thuận tự nhiên đến mọi người. Chúng tôi cũng có được thêm nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp và bán sản phẩm từ nông trại cho du khách. Sắp tới có thể chúng tôi sẽ mở rộng quy mô nông trại hơn chút nữa, trồng cây đa loài đa tầng tán, kết hợp tổ chức dịch vụ lưu trú và ẩm thực. Mong vài năm nữa có một khu vườn bền vững sẽ cho chúng tôi cả thu nhập ngắn hạn và dài hạn.
Hiện tại Khe Sanh Valley Farm vẫn đang thay đổi xanh tươi hơn mỗi ngày. Hai chị em vẫn đang nỗ lực cùng nhau, hỗ trợ lẫn nhau, mỗi ngày ở vườn làm đất, trồng cây, gieo hạt đã không còn vất vả nữa mà trở thành niềm vui. Vườn cho chúng tôi nương tựa, để rồi có lòng tin và đủ vững vàng sống bình yên trong vườn.