Cũng như bao con sông chảy qua những làng quê trên nước Việt thân thương, sông Hiếu an nhiên sống một đời sông nhưng đời sông lại gắn chặt với tình đất, tình người bên lở, bên bồi từ thượng nguồn nơi sông sinh ra cho đến khi sông hòa vào lòng biển lớn.
Sông vui đời sông khi trôi lững lờ bao làng quê thanh bình, no ấm; sông giận dữ cuồng sôi cùng lòng người uất hận khi bao làng quê bị giặc ngoại xâm giày xéo. Sông góp ngàn vạn cơn sóng dữ nhấn chìm lũ bán nước và quân cướp nước khi người dân đôi bờ vùng lên rủ tung xiềng xích, giành tự do cho quê hương mình. Một buổi sáng yên tĩnh, đi qua Đông Hà, tôi nhìn vào gương mặt sông Hiếu xanh như ngọc, phản chiếu bầu trời hòa bình thẳm sâu trong lòng sông, tôi đã đọc được những gì sông đang cất giấu từ đáy nước thuở dậy sóng năm nào...
Cách nay 45 năm trước, nhạc sĩ Trần Tích đã sáng tác ca khúc đóng một mốc son trong sự nghiệp sáng tác của anh, đó là bài hát “Nhịp chèo sông Hiếu”. Anh Tích có lần bộc bạch rằng, vào một đêm vào năm 1979, gió Lào tràn về rào rạt làm xao xác cả đôi bờ tre dọc con sông Hiếu mùa nước ròng.
Anh đứng trên cầu Đông Hà dõi mắt về phía cửa sông. Trăng hạ tuần rải thứ ánh sáng vàng mơ nhuộm từng ngọn sóng. Phía bờ Nam, ánh điện tỏa sáng lung linh, huyền ảo. Một giọng hò ai đó cất lên, lan trên mặt sông khoáng đạt. Một mái chèo nhẹ lướt qua, tạo ra vô vàn vòng sóng lấp lóa.
Trong miên man suy nghĩ, anh nhớ lại chính trên dòng sông Hiếu này, đoạn gần ngã ba Gia Độ, quân và dân Đông Hà phối hợp với bộ đội địa phương đã dựng nên chiến lũy “Bạch Đằng giang” nhấn chìm nhiều tàu chiến Mỹ vào một ngày đầu xuân năm 1968. Ca từ theo từng ký ức đời sông cứ cất lên sâu lắng. Nếu trước đây “chèo em khua quân thù khiếp sợ, giọng em hò giặc Mỹ run tay”, thì bây giờ “thuyền em ra ngoài biển cả, cá đầy khoang tay lưới nặng tình” và “dù hôm nay còn nhiều vất vả, những đã thấy rồi, một ngày sáng ngời”...
Sông vui đời sông khi trôi lững lờ bao làng quê thanh bình, no ấm; sông giận dữ cuồng sôi cùng lòng người uất hận khi bao làng quê bị giặc ngoại xâm giày xéo. Sông góp ngàn vạn cơn sóng dữ nhấn chìm lũ bán nước và quân cướp nước khi người dân đôi bờ vùng lên rủ tung xiềng xích, giành tự do cho quê hương mình. Một buổi sáng yên tĩnh, đi qua Đông Hà, tôi nhìn vào gương mặt sông Hiếu xanh như ngọc, phản chiếu bầu trời hòa bình thẳm sâu trong lòng sông, tôi đã đọc được những gì sông đang cất giấu từ đáy nước thuở dậy sóng năm nào...
Biên niên sử của mảnh đất Đông Hà có ghi lại rằng, vào tháng 2/1968, thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 và Phân khu Trị Thiên, liên Huyện ủy Gio-Cam quyết định tìm cách đánh địch, cắt đứt tuyến vận tải đường thủy của Mỹ-ngụy từ cảng Cửa Việt lên cảng Đông Hà.
Theo đó, thành lập ban chỉ huy tác chiến đánh địch trên sông Hiếu do đồng chí Dương Tú Anh, Huyện ủy viên Cam Lộ làm trưởng ban; huy động lực lượng tham gia chiến đấu gồm du kích Cam Giang, Gio Hà, xóm vạn đò Đông Hà và một trung đội biệt động Đông Hà.
Phối hợp chiến đấu có Đại đội 8, Đại đội 9 Bộ đội địa phương Cam Lộ, Tiểu đoàn 27, Đoàn 31 Bộ đội địa phương liên huyện Gio-Cam. Trận địa phục kích cách ngã ba Gia Độ 300m và cách cảng Đông Hà khoảng 2km về phía Đông Bắc. Ban chỉ huy tác chiến đã huy động gần 100 chiếc thuyền và nhân lực đóng hơn 1.000 cọc tre, gỗ, dây thép gai bùng nhùng, nhiều lớp, với hai bãi cọc có gài ngư lôi và mìn hẹn giờ xuống lòng sông Hiếu.
Trên bờ, lực lượng của ta với hỏa lực mạnh như ĐKZ 75, B41 bố trí thành trận địa liên hoàn sẵn sàng tiêu diệt tàu địch. Đúng 8 giờ ngày 28/2/1968, thủy triều dâng lên ngập hai bãi cọc cũng là lúc đoàn vận tải của Mỹ với 6 chiếc tàu LCU chất đầy hàng hóa, đạn dược, vũ khí từ cảng Cửa Việt lên cảng Đông Hà dưới sự yểm trợ của máy bay trinh sát L19 bay thấp, dọc theo sông dẫn đường.
Khi chiếc tàu thứ 4 lọt vào ổ phục kích, cùng một lúc 4 khẩu ĐKZ 75, B41 phát hỏa dữ dội. Chiếc tàu đi đầu và chiếc thứ 4 bị trúng đạn nổ tung, 4 chiếc còn lại quay đầu tháo chạy nhưng lại bị vướng vào bãi chướng ngại có gắn thủy lôi và mìn hẹn giờ phát nổ, nhấn chìm...
Mô tả trận “Bạch Đằng giang trên sông Hiếu”, phóng viên Mỹ CPU viết: “Chỉ riêng khúc sông từ Cửa Việt đến Đông Hà dài 13 km nhưng cũng đủ gây khiếp sợ cho tàu và xuồng chiến đấu Mỹ. Các tàu của hải quân Mỹ buộc phải chạy thành đoàn với tốc độ 1 dặm 1 giờ” và “Ở đoạn sông này, mìn trôi trên sông, những hàng rào ngăn sông bằng tre, gỗ, cài nhiều mìn và hai bên bờ sông, ngày ngày đạn đại bác, rốc két, súng cối bắn liên tiếp vào các tàu.
Một tàu tuần tiễu bị đánh chìm, 8 tàu vạn năng bị đánh hỏng... chẳng còn biết xoay xở thế nào, vì máy bay, đại bác đã ném bom bắn phá nhưng quân Cộng sản vẫn ở đây, lực lượng ngày càng tăng và cuộc tiến công của họ ngày càng táo bạo...”.
Phóng viên Tân Hoa xã khi có dịp đến thăm Đông Hà sau ngày giải phóng (tháng 4/1972) đã ghi lại những điều mắt thấy, tai nghe qua bài viết: “Xây dựng lại bến cảng Đông Hà-Cửa Việt” với nhiều cảm xúc: “Chúng tôi đáp thuyền đi Đông Hà, theo sông Hiếu ra Cửa Việt. Đôi bờ sông Hiếu đã phủ lên một màu xanh của vụ lúa, màu. Từng xóm làng mới xây dựng lại nối tiếp nhau hiện lên trước mắt. Thuyền đi, rẽ sóng lăn tăn.
Những bộ xương khung tàn tạ của quân hạm Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị đánh chìm dưới sông Hiếu, lúc ẩn khi hiện theo con sóng dập dềnh. Đủ loại thuyền, xuồng treo cờ giải phóng rẽ sóng lao đi ngang bên những xác tàu chưa kịp trục...Qua một tháng trời dọn dẹp, khôi phục, ngày 10 tháng 3, tàu bè đã đi lại được từ Đông Hà ra Cửa Việt. Trên bến cảng, dòng sông đã xuất hiện cảnh tượng rất nhộn nhịp...”.
Cũng sau ngày Đông Hà được giải phóng, một tùy viên sứ quán Cuba, khi nhìn 3 chiếc cầu song song qua sông Hiếu thuộc địa phận Đông Hà nối Quốc lộ 1 vào Nam, ra Bắc đã có một phát hiện thú vị khi nói với mọi người cùng đi: “Chiếc cầu cũ kỹ đã rỉ sắt, ngã gục đó là của thực dân Pháp; chiếc cầu thứ hai cao to, đồ sộ bị đánh sập hoàn toàn là của đế quốc Mỹ- tên thực dân kiểu mới; và kia, chiếc cầu phao gọn nhẹ, đẹp như câu chuyện huyền thoại là cây cầu tiến công thần tốc của quân giải phóng...”.
Trong chùm thơ “3 chiếc cầu ở Đông Hà”, nhà thơ Tế Hanh cũng đã gói ghém sự trìu mến khi thấy dòng sông trôi qua nơi vừa bị chiến tranh tàn phá nặng nề đang bình yên soi bóng: Chiếc cầu Pháp đổ năm xưa/Chiếc cầu Mỹ cũng lại vừa nổ tung/Cầu ta, ta bắc qua sông/Nhìn Đông Hà sáng cả dòng Hiếu Giang...
Trong quá trình đổi mới, thành phố Đông Hà hướng đến cấu trúc “thành phố bên sông”, lấy sông Hiếu làm trung tâm trong quy hoạch phát triển không gian đô thị và ưu tiên mở rộng đô thị về hướng Bắc sông Hiếu, để thành phố phát triển cân xứng cả hai bờ. Đã có nhiều cây cầu đẹp và hiện đại bắc qua sông Hiếu không chỉ nối chiều ngang địa lý của dòng sông, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo nên sự kết nối hài hòa, bền vững của cấu trúc “thành phố bên sông”.
Sông Hiếu, qua một thời dậy sóng, nay đã trở lại với chức phận một đời sông thuận hòa, lặng lẽ tận hiến sự nhân hậu, duyên dáng và thiết yếu của mình cho đô thị đôi bờ Đông Hà trên đường đi lên phía trước...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)