Tây Nguyên, vùng đất thương nhớ

Phước An |

Từ nhỏ, tôi đã nghe nhiều người nhắc tới vùng đất Tây Nguyên xa xôi với các địa danh như Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đà Lạt, Gia Lai, Kon Tum. Anh ruột của tôi sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1980 được điều vào giảng dạy ở Trường THPT Krông Buk (nay là Trường THPT Buôn Hồ), tỉnh Đắk Lắk. Điều ấy càng thôi thúc tôi mau chóng đi Tây Nguyên.

Vậy nhưng phải sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm được gần một năm tôi mới dành được một ít tiền để đi thăm một số nơi. Hồi đó là mùa hè năm 1984, tôi đi từ nơi đang công tác là tỉnh Phú Khánh (sau này chia tách ra hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa) vào TP. Hồ Chí Minh thăm mấy người bạn sau gần 10 năm xa cách. Từ bến xe Miền Đông, tôi mua vé đi Buôn Ma Thuột. Đó là một buổi chiều, chỉ có nắng hanh vàng, đường phố rộn rã tiếng xe máy, tiếng rao bánh mì, hột vịt lộn, tiếng rao của những đứa trẻ bán báo.

Minh họa: LÊ DUY
Minh họa: LÊ DUY

Đường từ TP. Hồ Chí Minh đi Buôn Ma Thuột tuy không xa nhưng sau những năm giải phóng đã bị hư hỏng, xuống cấp, nên mỗi lần xe lăn bánh nghe tiếng ù ù, chói tai. Nhiều tuyến đường bị tàn phá bởi thời gian cũng không được quan tâm sửa chữa nên phải đi gần một ngày đêm mới tới được Đắk Lắk. Ấn tượng đầu tiên khi tới Buôn Ma Thuột là một thành phố cao nguyên trời xanh lồng lộng, đường phố trải dài với nhiều ngôi nhà gỗ và những con đường uốn lượn, với nhiều hàng cây cổ thụ xanh mát, nhất là ở khu vực gần Sở Giáo dục (cũ) và Biệt điện Bảo Đại.

Anh tôi đi dạy ở thị trấn Buôn Hồ khoảng hai năm, nhờ làm được bài thơ hay về hoa cà phê đăng trên Báo Đắk Lắk, được một nhạc sĩ phổ nhạc, nhiều người biết tới nên năm 1982, anh được Sở Giáo dục rút về làm cán bộ của sở. Tôi còn nhớ căn phòng tập thể nhỏ bé của anh trai, bữa ăn chỉ có nồi cơm nhỏ với mấy con cá đồng, dĩa đậu phụ, rau khoai… Bữa ăn của cán bộ, viên chức những năm đó thật đạm bạc. Đang tuổi thanh niên nên tôi có thói quen ăn nhiều, háu đói, buổi chiều tôi thường ra mua bắp mới luộc còn nóng hổi được bày bán ở ven đường. Những trái bắp to được nấu lên dẻo thơm, ăn vào không chê được.

Chúng tôi là những đứa trẻ lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Trị đầy nắng gió và thiếu thốn trăm bề, thời đó chỉ biết ăn nhiều sắn với khoai chứ mấy khi được ăn bắp nên ăn mãi không thấy chán. Buổi tối anh thường mua về một số trái cây như bơ và mãng cầu. Bơ cũng là loại trái cây đầu tiên tôi được ăn. Không chỉ phong phú về các loại bơ, đu đủ mà ở đây còn có nhiều mít chín, chuối chín, xoài, chôm chôm, thanh long giá rẻ, đôi lúc có cảm tưởng người ta bán mà như cho. Không hiểu vì sao Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản, loại nào ăn vào cũng có hương vị thơm ngon. Còn các loại rau xanh về mùa hè cũng rất phong phú. Ở đây đất ba dan màu mỡ, tốt tươi nên chỉ cần gieo hạt hoặc trồng rau xuống là có ăn.

Buổi sáng rảnh rỗi không biết làm gì, tôi thường đạp xe qua những con phố lúc lên cao, lúc xuống thấp. Rồi ghé vào uống cà phê trong một quán làm bằng gỗ, được bài trí gọn gàng, đẹp mắt. Cà phê ngon, cùng với những bản nhạc trữ tình làm ấm lòng người xa xứ. Có những bản nhạc tưởng đã bị chôn sâu vào dĩ vãng nay nghe lại gợi lên bao kỷ niệm của một thời đã xa như bài Đà Lạt hoàng hôn, Căn nhà màu tím, Ru em từng ngón xuân nồng.

Sau này nhiều lần đến Tây Nguyên bằng xe ô tô, chủ yếu đi từ Đông Hà đến Quy Nhơn, Bình Định rồi lên An Khê, qua đèo đã thấy lành lạnh hơi sương, một không khí dịu mát, rất riêng của vùng đất cao nguyên. Từ cuối năm 1989, khi được chuyển về công tác ở Báo Quảng Trị, tôi được cơ quan cử đi tham gia hội thảo ở Đăk Lăk 2 lần. Cũng ở đây, tôi có dịp làm quen với anh Ma Nhoen, một người dân tộc thiểu số và được mời về nhà ăn cơm, kể những câu chuyện về núi rừng thuở còn hoang sơ với nhiều cây to, với thú rừng và những đêm nằm mơ màng bên bờ suối. Bây giờ thì núi rừng đã bị đẩy ra xa, thật xa. Sự tàn phá của con người thật ghê gớm, có hàng ngàn hec ta rừng tự nhiên bị chặt phá, mở đường, làm nương rẫy…Người dân tộc thiểu số muốn sống với những đêm lửa rừng cũng phải đi vào thật sâu…

Cũng ở tại Tây Nguyên, tôi đã có được những ngày tháng nối dài hẹn hò với em, cùng đi nương rẫy, cùng đón ánh bình minh và đi với nhau trong những buổi chiều ướt đẫm mưa rừng. Những lần đi hái cà phê, gánh máy tưới nước, cơn mưa buổi chiều kéo đến thật nhanh, nước trút xuống xối xả. Rồi những buổi sáng vào rẫy hái đậu, bơ, chuối, bắp và các loại trái cây khác để mang về cho cả nhà cùng ăn.

Mùa hè năm 2009, anh tôi đau nặng không qua khỏi. Vậy là sau gần 30 năm gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, anh đã yên nghỉ trên vùng đất đỏ này, để lại bao tiếc thương cho học trò, đồng nghiệp và những người bà con thân thuộc.

Trời Tây Nguyên vẫn xanh, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng phát triển. Nhiều đêm nằm ở Đông Hà trong tiếng mưa rơi và tiếng nhạc dịu êm, tôi vẫn mơ về vùng đất Tây Nguyên sương mờ, bụi đỏ, nơi có quá nhiều kỷ niệm, vùng đất thương nhớ ấy, làm sao quên được!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cơ hội phát triển du lịch làng quê

Nhật Minh |

Festival Huế 2022 là Festival đầu tiên được tổ chức theo định hướng bốn mùa, điểm nhấn là Tuần lễ Festival văn hóa, nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 25 - 30/6.

Món quê khoái khẩu

Phạm Xuân Dũng |

Mấy đứa cháu đi làm xa quê ở phương Nam buổi tối nào rảnh cứ trò chuyện qua zalo với ngoài nhà. Tết đến nhớ nhà muốn về quê thì hẳn rồi. Nhưng một trong những câu các anh chàng hay nói là nhớ món quê nhà.

Hát tiếp bài ca quê hương

Bội Nhiên |

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức vào tối ngày 29/4/2022, ca khúc "Bài ca Hướng Hóa" của nhạc sĩ Lê Anh do các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội dàn dựng, trình diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt đã chuyển tải cảm xúc âm nhạc về miền biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Trị với giai điệu mang âm hưởng làm khán thính giả hân hoan đón nhận khúc ca đậm phong cách âm nhạc đương đại.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết để khơi dậy khát vọng phát triển quê hương

PV |

Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhất là từ sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự phối hợp và tạo điều kiện của các cấp chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Trị đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết các dân tộc, hướng mạnh về cơ sở, vùng sâu, vùng xa; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết an sinh xã hội, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển quê hương.