“Địa phận Quảng Trị” - tim tôi như lạc nhịp khi nhìn thấy tấm biển này. Quãng đường chỉ hơn 1 ngày từ Hải Dương tôi đến đây chính là quãng đường mẹ tôi và các đồng đội của bà đã phải đi hơn 45 ngày đêm, cách đây gần 50 năm trước.
Dâng một nén nhang cho người nằm dưới cỏ...
"Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”.
Chiều Quảng Trị ngày cuối tháng tư đang nắng gắt bỗng trở gió, dịu mát.
Hòa trong đoàn gần 400 đại biểu của 42 đoàn báo Đảng các tỉnh, thành phố trong cả nước về dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ 10 (vòng 4), chúng tôi thành kính bước vào miền đất thiêng: Thành cổ Quảng Trị – Di tích quốc gia đặc biệt ở trung tâm thị xã.Có đoàn khách là các cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình hòa chung với chúng tôi, nghiêm trang, kính cẩn dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Nhiều nữ nhà báo, cựu chiến binh rơi nước mắt. Khói hương trầm thoang thoảng thơm.Trong số các nhà báo, có nhiều người lần đầu được đến với mảnh đất linh thiêng này.
Nhưng những dòng lịch sử về 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị đỏ lửa (từ 28.6 - 16.9.1972) mà mỗi ngày đêm được ví như một tờ lịch đẫm máu thì chẳng ai còn xa lạ. Nghẹn ngào, chúng tôi cùng lặng đi nghe hướng dẫn viên của Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị nhắc nhớ. 81 ngày đêm lịch sử mùa hè năm 1972, ở đây, mỗi ngày đêm đã từng có từ 150 đến 170 lần máy bay phản lực và 70 đến 90 lần “pháo đài bay” B52 của Mỹ - ngụy đến oanh tạc.
Chưa đầy 3 km2, ước tính, địch đã dội xuống Thành cổ Quảng Trị hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương với 7 quả bom nguyên tử đã dội xuống Nhật Bản. Tính ra mỗi chiến sĩ của ta phải chịu 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo.“Toàn gia đình kính thương! Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột” - đó là những dòng mở đầu trong lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình) đề ngày 11.9.1972 (là ngày thứ 77 của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị).
Theo lời hướng dẫn viên kể lại, trước khi vào Thành cổ chiến đấu, ông Huỳnh là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Trong 10 trang giấy để lại, người chiến sĩ này viết cho mẹ, vợ và những người thân với dự cảm đây là lá thư cuối cùng. Ông xin lỗi vì chưa làm tròn bổn phận của một người con, một người chồng, nhưng “đã sống trọn đời cho Tổ quốc”. Đặc biệt, trong thư ông dặn vợ: “Khi hòa bình, nếu có điều kiện thì vào lấy hài cốt anh về. Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh. Từ thị xã Quảng Trị, qua cầu ngược trở lại về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng, về đó tìm sẽ thấy bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn”.
Giữa năm 2002, theo những dòng nhắn gửi trong bức thư, gia đình về Quảng Trị, tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Huỳnh, đưa ông về quê an táng.Nơi đây, chưa thể thống kê chính xác số các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Nhưng 81 ngày đêm bằng sự kiên cường, quân và dân ta đã bảo vệ thành công Thành cổ và thị xã Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thành cổ Quảng Trị hôm nay - một nghĩa trang không có mộ chí nhưng là nơi yên nghỉ chung của hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại ở đây. Máu và xương của họ đã hòa vào lòng đất.Cũng như mọi người con đất Việt về đây, chúng tôi chỉ dám đi nhẹ, nói khẽ, mong không kinh động đến vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hoà mình với màu xanh cây cỏ.
Sóng Thạch Hãn mải miết ru đôi bờ
Sông Thạch Hãn mà tôi hằng được nghe mẹ nhắc hàng nghìn lần từ thưở ấu thơ hiện ra trước mắt. Những con sóng vẫn nối nhau mải miết vỗ bờ như chưa từng chứng kiến vô vàn mất mát đau thương.Trong gió reo lao xao cả Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn, chúng tôi quây quần, khẽ khàng, kính cẩn thả những bông cúc vàng tươi xuôi nước sông Thạch Hãn, thầm cầu mong các anh linh liệt sĩ an nghỉ thảnh thơi, vĩnh hằng. Gió bỗng lộng lên, cuộn nước sông vỗ bờ ào ạt. Mặc mưa rơi, chúng tôi đứng lặng mà ôn lại những tháng ngày Thạch Hãn - Thành cổ đau thương trong mùa hè đỏ lửa. 81 ngày đêm năm 1972, bến sông này đã trở thành một điểm tập kết quân sự quan trọng trên tuyến vận chuyển huyết mạch cho thị xã Quảng Trị.
Suốt ngày đêm, dưới mưa bom bão đạn, đạn dược, lương thực, thuốc men tiếp tế cho thị xã vẫn được các chiến sĩ vận tải và lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân vùng Triệu Phong vượt qua không biết bao nhiêu “hàng rào lửa” của địch trên bộ, trên sông để giữ vững tuyến liên lạc, tiếp tế cho chiến trường.
Và ngược lại, cũng các tuyến vận chuyển ấy lại khẩn trương chuyển thương binh, tử sĩ từ chiến trường khốc liệt về tuyến sau.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh trên dòng Thạch Hãn.Dòng sông từng là lằn ranh mong manh cho sự sống - cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng cũng chính là cầu nối cho quân dân ta đến ngày chiến thắng. Thị xã Quảng Trị bây giờ không còn nhỏ bé.
Dòng Thạch Hãn ôm trong lòng hàng nghìn chiến sĩ ra đi khi tuổi còn trai trẻ vẫn mải miết trôi, bao quanh thị xã.
Cùng với Bến thả hoa, Nhà hành lễ, Quảng trường Giải phóng, Tháp chuông ở bờ Nam, Bến thả hoa, Đền tưởng niệm, Tượng đài bờ Bắc đã trở thành cụm địa điểm để những người con đất Việt về thăm viếng tại thị xã Quảng Trị.
Cầu Hiền Lương rộn rã vui
Tình cờ, chúng tôi được đi chung với 3 lớp học sinh của Trường Tiểu học Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) khi đến thăm Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Tiếng các em trò chuyện rộn ràng đem đến một khung cảnh tươi vui, hạnh phúc ở nơi đã từng là địa điểm chia cắt 2 miền đất nước suốt 21 năm đằng đẵng. Cầu Hiền Lương được Pháp bắc từ năm 1950, còn trước đó ngàn xưa vẫn “qua sông lụy đò”. Oái ăm thay, chỉ chưa đầy 5 năm sau, chiếc cầu với chức năng nối đôi bờ trở thành chiếc cầu cách chia hai nửa thân mình của đất nước!Cờ dựng lên hai đầu cầu, phía bờ Bắc lá cờ đỏ sao vàng cứ cao bay trong gió. Địch nâng cột cờ phía Nam cao hơn, ta lại nâng tiếp cột cờ lên.Chiến tranh xảy ra, địch điên cuồng đánh phá, quyết làm sập cột cờ, làm sập ý chí đấu tranh thống nhất, làm sập niềm hy vọng của bà con miền Nam trông ra.
Nhưng bom đánh sập hôm trước, hôm sau cột cờ lại được dựng lên, hiên ngang, lá cờ đỏ sao vàng bị mảnh bom xé rách lại được người mẹ Hiền Lương vá lại, kiêu hãnh bay trên trời giới tuyến. Hơn 7.000 ngày chia cắt, tức là cả 21 năm dài (1954-1975) với bao nhiêu nước mắt, máu xương, chia ly và bi tráng, quân và dân ta mới nối liền được bến bờ vui.
Hôm nay, theo chân các em nhỏ đi từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Bến Hải trên cây cầu Hiền Lương được phục dựng theo kết cấu nguyên bản cây cầu cũ mà rưng rưng niềm xúc động. Trên cây cầu di tích vẫn có vạch sơn phân định 2 miền như năm xưa để nhắc nhớ các thế hệ sau. Hòa cùng các em học sinh, có tốp các cô giáo đã về hưu áo dài, nón trắng dịu dàng tạo dáng trên cầu, tràn ngập niềm vui như thể nơi đây chưa từng trải qua mất mát, đau thương.
Quảng Trị, tháng 4.2023
TB: Tôi đã khóc rất nhiều khi lần đầu tiên được về với Quảng Trị - mảnh đất nơi tôi đã được hoài thai. Lần đầu nhưng những Vĩnh Linh, Khe Sanh, đường 9, Hướng Hóa... đã thân thuộc với tôi từ ngày còn thơ bé qua những kỷ niệm, lời kể của cha mẹ tôi - những cán bộ y tế từ miền Bắc vào chi viện chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, yêu thương nhau rồi thành vợ, thành chồng. Những ngày cuối tháng tư lịch sử, Quảng Trị như tấp nập hơn đón đồng bào cả nước về thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)