Thú chơi tranh Tết

Tạ Thu Phong |

Trong phong tục đón Tết của người Việt thì chơi tranh không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng mà còn là thú chơi tao nhã.

Xưa, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về trong từng gia đình người Việt lại rộn ràng sắc xuân. Khung cảnh giản dị thường ngày được trang hoàng bằng nhiều màu sắc rực rỡ. Bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa, mua tranh Tết về treo trong nhà là nét văn hóa lâu đời của nhân dân ta. Sau ngày tiễn ông Công ông Táo, dù nhà giàu hay nghèo mỗi gia đình đều đi chợ lựa mua cho mình những bức tranh mới thay thế tranh cũ với hy vọng đón những điều may mắn, tốt lành trong năm mới.

Trong phong tục đón Tết của người Việt thì chơi tranh không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng mà còn là thú chơi tao nhã. Chẳng thế mà xưa các cụ có câu:  “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” để nói đến vị trí quan trọng của tranh Tết trong các thú chơi ngày Tết (cùng với câu đối, gốm sứ và cây cảnh).

 

Nhà thơ trào phúng Tú Xương trong bài “Xuân nhật ngẫu hứng” đã cảm tác:

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,

Om thòm trên vách bức tranh gà.

Hoặc Tố Hữu trong “Bài ca xuân 61” cũng viết:

Ta còn nghèo phố chật nhà gianh

Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết.

Nói vậy đủ hiểu vị trí của những bức tranh Tết quan trọng thế nào trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm thức của người Việt.

Nói về lai lịch của tranh Tết, có ý kiến cho rằng thú chơi tranh Tết xuất hiện cả ngàn năm rồi, từ thời nhà Lý và phát triển cực thịnh dưới thời Lê. Do xuất hiện khá sớm nên tranh Tết mang đặc tính dân tộc rất cao và đậm đà bản sắc con người Việt Nam.

Trước hết nói về dòng tranh dân gian truyền thống

Ở nước ta có 3 dòng tranh dân gian rất nổi tiếng là tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) và tranh Kim Hoàng (thuộc làng Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Ngoài ra còn có tranh của làng Sình (Huế) và tranh Nam Đàn (Nghệ An).

Tranh Đông Hồ vốn đã nổi tiếng không chỉ khắp vùng Kinh Bắc mà trong cả nước. Tranh Đông Hồ đã hấp thu những màu sắc trữ tình hiện hữu trong đời sống hàng ngày của người dân Việt như màu đỏ của hoa hòe, lá sồi thắm, bột điệp trắng, hoa hiên vàng, hoa lý tím, tro nứa đen...

Từ những chất liệu gần gũi trong sinh hoạt, các nghệ nhân Đông Hồ cho ra mắt những sản phẩm tranh khắc vô cùng độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc như tranh gà (gà đàn, gà trống và mẫu đơn) tranh lợn (lợn độc, lợn đàn), tranh phú quý, vinh hoa (bé trai ôm gà vịt) hoặc tranh đề tài nhân nghĩa lễ trí (em bé ôm con ếch, con rùa, cá chép).

Ngoài tranh Đông Hồ, một sản phẩm tranh dân gian khác vô cùng độc đáo là tranh Hàng Trống. So với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống mang những nét riêng biệt. Theo nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền, tranh Hàng Trống có màu sắc và phối trộn cầu kỳ và đường nét tinh xảo. Sở dĩ có những đặc điểm này là bởi tranh Hàng Trống xuất xứ ở kinh kỳ nên mang phong cách người Tràng An thanh lịch, tinh tế và cầu kỳ.

Lý ngư vọng nguyệt (Tranh Hàng Trống).
Lý ngư vọng nguyệt (Tranh Hàng Trống).

Tranh Hàng Trống cũng được in trên giấy dó nhưng có khổ lớn hơn nhiều tranh Đông Hồ. Tranh Hàng Trống chỉ màu đen là được in từ bản khắc, sau đó nghệ nhân mới dùng màu nước tô vờn màu cho bức tranh. Vì thế nên tranh có độ sâu, độ rung và uyển chuyển hơn. Những bức tranh Hàng Trống nổi tiếng qua thời gian có thể kể đến Cá chép trông trăng, Công múa, Tứ quý, Tố nữ. Ngày Tết, tranh Hàng Trống có các bức Thất Đồng, Tiến Tài, Tiến Lộc, Lưỡng nghi sinh tứ tượng hoặc các tranh thờ như Ngũ hổ, Quan âm Bồ tát, Tứ phủ công đồng...

Việc treo tranh Tết cũng có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa nhà giàu có và gia đình bình dân. Ở nông thôn, do điều kiện sinh hoạt và nhà cửa còn sơ sài nên người ta chỉ mua vài bức tranh nhỏ, giá cả phải chăng để treo trên vách cho có không khí Tết mà không cần quá cầu kỳ.

Ở thành thị lại khác. Việc treo tranh Tết thể hiện sự lễ giáo gia phong và cầu kỳ của chủ nhà. Ngoài cổng phải dán bức tranh Tiến Tài và Tiến Lộc để đón những tài lành phúc ấm cho gia đình. Cánh cửa chính ra vào dán ông thần hộ mệnh xua đuổi tà ma và ông phúc thần cầm hoa quả tượng trưng cho vinh hiển. Trong nhà thường dán những tranh thể hiện sự sum vầy, no đủ như Gà đàn, Lợn đàn. Dĩ nhiên không thể thiếu tranh Hàng Trống nổi tiếng như bức Tứ quý và Lý ngư vọng nguyệt.

Người xưa thường dùng tranh tặng nhau trong dịp Tết bởi những bức tranh ẩn chứa lời chúc tụng bằng hình ảnh. Muốn vậy cần phải hiểu quy ước, hình tượng trong mỗi bức tranh. Chẳng hạn quả đào (hoặc ông cụ già) tượng trưng cho sống lâu, con công tượng trưng cho bình an, thịnh vượng; cá chép vượt vũ môn tượng trưng cho đỗ đạt. Ví dụ: muốn chúc gia chủ Phú- Thọ- Khang ninh thì dùng tranh Ngũ phúc (quả đào với 5 con dơi). Chúc gia chủ no đủ, sung túc thì người ta tặng tranh Lợn độc (lợn ăn ráy) hoặc tranh Lợn đàn, Gà đàn là thay cho lời chúc sum vầy quây quần. Hay tranh Gà trống tượng trưng của minh giới, gọi mặt trời xua đuổi tà, ma; tranh Tiến Lộc, Tiến Tài cầu chúc cho sự sung túc dồi dào, thành đạt.

Ngày Tết trẻ con cũng hay được tặng tranh. Những bức tranh đều gửi gắm hi vọng vào thế hệ tương lai. Tranh cho trẻ con thường hướng tới giáo dục truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc (Bà Trưng, Thánh Gióng, Quang Trung, Bà Triệu) hoặc khuyên răn việc tu tập học hành, luân lý đạo đức truyền thống (thầy đồ Cóc, đám rước vinh quy, Nhị thập tứ hiếu). Có thể thấy tranh dân gian xưa thuần túy là những câu chúc hoặc thể hiện đạo lý, ước vọng của người dân Việt Nam. Những bức tranh này không mang yếu tố chính trị hoặc tuyên truyền ủng hộ chính quyền.

Gà đàn (tranh Đông Hồ).
Gà đàn (tranh Đông Hồ).

Đến thời thuộc Pháp, nhận thấy tầm quan trọng của tranh dân gian trong đời sống người dân Việt nên người Pháp đã mượn tranh Tết để truyền tải thông điệp của chính quyền thuộc địa và tuyên truyền ủng hộ “mẫu quốc”. Người ta thấy xuất hiện trên các bức tranh dân gian Gà trống dòng chữ “Pháp Nam phục hưng” và bài thơ sau:

Sung sướng như chúng ta

Thực là nhờ Lãng Sa

Giếng sâu mạch nước tốt

Cây cao bóng rợp xa

Cũng trong giai đoạn này, tranh dân gian đã bắt đầu có sự thêm những đề tài mới. Ngoài các chủ đề truyền thống như tranh chúc phúc, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử thì một số bức tranh Đông Hồ, Hàng Trống thời kỳ này xuất hiện đề tài cổ động như khuyên người ta cắt tóc ngắn, đi xe đạp, chơi tennis, tập thể dục. Chẳng hạn như tranh Thể dục chấn hưng, Văn minh tiến bộ...

Năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Lúc này ngoài dòng tranh dân gian truyền thống còn có thể loại tranh mới với chủ đề cổ động cho “Đời sống mới” theo định hướng của Bộ tuyên truyền chính phủ Việt Minh. Tết Bính Tuất 1946, chính phủ phát động cuộc thi vẽ mẫu tranh Tết với mục đích tuyên truyền, cổ động đoàn kết, chống xâm lăng, chống nạn đói, chống nạn dốt và kêu gọi tăng gia sản xuất.

Theo thời gian, dòng tranh tuyên truyền cho chủ trương, đường lối của nhà nước tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn chiến tranh và nền kinh tế bao cấp trong các thập niên 1960-1970 và 1980. Những bức tranh Tết thời kỳ này do NXB Văn hóa Thông tin, NXB Phổ thông phát hành và in tại nhà máy in Tiến bộ.

Tranh Thầy đồ cóc.
Tranh Thầy đồ cóc.

Tranh Tết trong những năm chiến tranh và dưới thời bao cấp mang luôn không khí vui tươi, lạc quan và rất rực rỡ. Một số tranh đặc trưng của thời kỳ này có thể kể đến tranh Tứ quý (Bốn mùa), Ngũ quả, cuốn thư hoặc các tranh nhân vật lịch sử như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Thạch Sanh. Những họa sĩ đã đóng góp vào mảng tranh này khi đó là Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Huy Toàn, Đỗ Đức, Huy Quang… Người ta nhớ đến Tạ Thúc Bình trong tranh Tết bởi nét vẽ của ông rất khỏe, gân guốc, màu sắc tươi tắn và mang phong cách tranh dân gian. Hoặc Huy Toàn với các bức tranh với đề tài kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Ở Hà Nội, trong những cái Tết thời bao cấp người dân lại đến các hiệu sách nhân dân để tìm mua cho mình bức tranh treo Tết. Tranh Tết lại được bán nhiều nhất ở hiệu sách Nhân dân trên phố Đinh Tiên Hoàng, hiệu sách Quốc văn Tràng Tiền hoặc được bày bán tại chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược.

Những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, nền kinh tế bao cấp bị xóa bỏ, đất nước bước vào thời kỳ mở cửa hội nhập. Hàng hóa trong nước đa dạng và phong phú. Sản phẩm tranh Tết đặc trưng của thời bao cấp dần biến mất trong đời sống người dân. Các hiệu sách nhân dân bày bán tranh Tết cũng dần lùi vào quá khứ nhường chỗ cho các cửa hàng tư nhân.

Tranh Lê Lợi, Nguyễn Trãi của Tạ Thúc Bình.

Người ta thấy trong giai đoạn này những ngày Tết xuất hiện dòng tranh nhập từ Trung Quốc. Đó là những bức tranh bằng nilon mỏng có hình ảnh các cô người mẫu ăn mặc hở hang khêu gợi hoặc các cô diễn viên đóng trong phim cổ trang “Hồng Lâu Mộng” rất ăn khách thời bấy giờ. Dòng tranh này đã có thời kỳ chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần tranh Tết, nhất là ở vùng nông thôn. Thật may, loại tranh “ngoại lai” này chỉ tồn tại trong một thời gian thì không có chỗ đứng trong văn hóa Tết của người Việt. 

Ngày nay khi đời sống vật chất, tinh thần đã cải thiện, người ta có xu hướng tìm về nét đẹp truyền thống và tranh Tết bắt đầu được quan tâm như một thú chơi của những người tao nhã, hào hoa. Sự phục hưng của tranh Tết phải kể đến công của những nghệ nhân làng nghề đã kiên trì níu giữ, bảo tồn nghề cổ của cha ông để lại.

Ngoài ra còn có những nhà sưu tầm, người chơi tranh đã không tiếc tiền bạc, công sức để săn tìm, lưu giữ những bức tranh Tết. Nét đẹp dung dị mộc mạc của những bức tranh xưa cũ đã có sức hút mãnh liệt với người chơi tranh và người sưu tầm bức tranh. Nhờ thế các sản phẩm tranh Tết cổ hoặc tranh Tết thời bao cấp trở nên “hot” hơn bao giờ hết và đã dần lan tỏa thú chơi này ra cộng đồng.

Nuôi con khỏe dạy con ngoan, tranh của Huy Quang tham gia triển lãm tranh Tết năm 1975.
Tranh Lê Lợi, Nguyễn Trãi của Tạ Thúc Bình.

 Một mùa xuân mới đang về. Trong hơi thở gấp gáp của mùa xuân, đâu đó trong những ngày này, nghệ nhân làng nghề Đông Hồ, Kim Hoàng đang tất bật với công việc có từ ngàn đời làm ra những bức tranh phục vụ người dân đón Tết. Và từ đó, mùa xuân theo những bức tranh Tết len lỏi đến từng nhà mang theo bao ước vọng dân sinh về một năm mới “Đa lộc, đa tài, đa phú quý/ Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm”.

Nuôi con khỏe dạy con ngoan, tranh của Huy Quang tham gia triển lãm tranh Tết năm 1975.
Nuôi con khỏe dạy con ngoan, tranh của Huy Quang tham gia triển lãm tranh Tết năm 1975.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Tranh mèo - Sự khởi nguồn sáng tạo của danh họa Lê Bá Đảng

Long Hà |

Lê Bá Đảng (1921 - 2015) là một danh họa - nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng thế giới. Ông sinh ra, lớn lên tại làng Bích La, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và thành danh tại nước Pháp. Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, cùng nhiều giải thưởng quốc tế giá trị, nhận về nhiều danh hiệu tài năng…

Những bức tranh 'mùa thu vàng' tuyệt đẹp ở các nước

PV |

Mùa Thu đang nhẹ nhàng vẽ bức tranh mùa quyến rũ, thơ mộng với gam màu đỏ vàng chủ đạo cho cảnh sắc thiên nhiên nhiều quốc gia trên thế giới.

Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Nhơn Bốn |

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia Phạm Bình Minh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra sáng nay 4/8. Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh Quảng Trị Lê Tiến Dũng dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị. 

Triển lãm tranh gây tranh cãi: Ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm

Thanh Mai |

Câu chuyện những bức tranh bị gỡ bỏ khỏi các buổi triển lãm tranh vì nội dung phản cảm hay chưa phù hợp đã không còn quá xa lạ.