Ngày 21/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Thu Hằng chủ trì buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Lãnh đạo Sở VH,TT&DL báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng hoạt động năm 2023; dự kiến chủ trương đầu tư đối với dự án Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, dự án Công viên Thống Nhất tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022: Lĩnh vực văn hóa và gia đình được quan tâm triển khai hiệu quả, nhất là công tác xây dựng văn hóa cơ sở và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; công tác quản lý nhà nước về gia đình; hoạt động thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, bản quyền tác giả…
Tiếp tục ưu tiên thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, lập hồ sơ các di tích. Lĩnh vực thể dục, thể thao phát triển sâu rộng, chất lượng...
Ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phục hồi du lịch sau COVID-19; xây dựng sản phẩm du lịch đêm tại các Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị; phối hợp với VNPT Quảng Trị triển khai thực hiện Cổng du lịch thông minh Quảng Trị. Hoạt động kinh doanh du lịch tăng trưởng mạnh, tính đến ngày 31/10/2022, Quảng Trị đón 1.495.300 lượt khách, doanh thu đạt 1.422 tỉ đồng.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, ngành xác định: Phấn đấu trên 93% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; trên 96% làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt văn hóa; trên 65% số phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; tỉ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt 36,8% dân số, tỉ lệ gia đình thể thao đạt 27,8% số hộ; tổng lượng khách du lịch ước đạt 1.830.000 lượt, tổng doanh thu ước dạt 1.680 tỉ đồng...
Đối với nội dung tờ trình bãi bỏ Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND ngày 20/4/2010 của HĐND tỉnh về quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo Sở VH,TT&DL cho rằng, hiện các quy định không còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước và cần thực hiện đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Do đó, Sở VH,TT&DL trình UBND tỉnh dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở VH,TT&DL sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh quan tâm đến một số vấn đề như: Công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích phải tương xứng với tầm vóc, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích; bảo tồn gắn liền với phục vụ tham quan, phát triển du lịch; đánh giá lại chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa; rà soát lại các thiết chế văn hóa tại các địa phương sau khi sáp nhập bởi có tình trạng một số nhà văn hóa bị bỏ hoang không sử dụng…
Lãnh đạo Sở VH,TT&DL làm rõ những nội dung trên, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp để có sự điều chỉnh, bổ sung trong thực hiện nhiệm vụ của ngành thời gian tới.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành VH,TT&DL, nổi bật là công tác tham mưu tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng trong năm 2022; công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; tổ chức thành công đại hội TDTT các cấp; du lịch phục hồi và phát triển sau COVID-19.
Đề nghị ngành VH,TT&DL nêu cao tinh thần quyết tâm hành động thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển du lịch, đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc… Về lĩnh vực du lịch, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và đổi mới trong phát triển; chủ động tạo ra những sản phẩm du lịch mới; liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư phát triển du lịch; hỗ trợ các mô hình du lịch cộng đồng phát triển…
Quan tâm đến các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở, nhất là ở các địa phương sau sáp nhập; đảm bảo các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, gắn bảo tồn và phát huy các giá trị di tích với phát triển du lịch.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)