Từ “Lễ hội vì hòa bình” đến “Thành phố hòa bình”

Lê Đức Dục |

 

Có những “điểm rơi” không hẹn mà gặp.

Lễ hội Vì hòa bình lần đầu tiên tổ chức ở Quảng Trị mở màn với hoạt động “đạp xe vì hòa bình” vào ngày 29 và 30/6 thì tại Hà Nội, cũng trùng thời điểm này, ngày 30/6/2024, một cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Hướng đến xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị” do Viện Phát triển Công nghệ và Văn hóa - Giáo dục (TCE) tổ chức.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên cán bộ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các trường đại học: Sư phạm Hà Nội, Văn hóa Hà Nội, Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Viện Văn học đã dự tọa đàm để tiến tới một cuộc hội thảo vào mùa thu năm 2024.

Tiến sĩ Nguyễn Ái Học, Viện trưởng TCE khi trả lời báo chí về sự kiện này, đã nói: “Trước khi TCE chuẩn bị tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Hướng đến xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị”, chúng tôi không hề biết thông tin về Lễ hội Vì hòa bình 2024 sẽ được tổ chức tại Quảng Trị. Công việc của chúng tôi là hoạt động từ một ý định đã nung nấu từ lâu của một nhóm người. Tuy nhiên, khi được biết thông tin này, chúng tôi cảm thấy có duyên gặp gỡ. Công việc của chúng tôi cùng chung một ý hướng, chung một tình yêu với mọi người. Đó là tình yêu Quảng Trị, tình yêu Việt Nam, bao trùm lên tất cả là tình yêu hòa bình. Thật ý nghĩa!”.

Tất nhiên, Lễ hội Vì hòa bình là hoạt động lễ hội nghiêng về phương diện văn hóa, lịch sử còn hội thảo xây dựng thành phố hòa bình lại là hoạt động khoa học nhằm xây dựng lộ trình để từ đất Quảng Trị, một đô thị mang đầy đủ ý nghĩa sâu sắc và thiết thực nhất của khái niệm này.

Nhiều hoạt động liên quan đến Lễ hội Vì hòa bình diễn ra hai tuần qua trên đất Quảng Trị như lễ khai mạc, các hoạt động văn hóa thể thao, triển lãm nghệ thuật với chủ đề hòa bình như “Khát vọng hòa bình” của danh họa Lê Bá Đảng, “Hồi sinh” của hai họa sĩ thuộc hai thế hệ về những tác phẩm ở hai giai đoạn cùng trên một vùng đất, hay đêm nhạc “Trịnh Công Sơn - Khúc ca hòa bình” thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách... Dễ nhận thấy những hoạt động này đã tạo ra nguồn năng lượng tích cực lan tỏa đến tất cả mọi người trong suốt những ngày qua.

Một lễ hội chỉ có khai mạc mà không có bế mạc, như cách đặt vấn đề của ban tổ chức: là một lễ hội mở. Chính vì khái niệm “mở” này nên lễ hội có thể được hiện ra như đêm khai mạc hoành tráng, rực rỡ sắc màu và âm thanh, ánh sáng lay động lòng người.

Nhưng lễ hội hòa bình ấy cũng có khi hiện ra một cách lặng lẽ trong cuộc trở về hành hương miền gió cát của những cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ với cành hoa trên tay đặt nhẹ trên các nấm mộ người lính. Là lễ hội mở nên mỗi bờ cây mái phố, bãi cỏ đầu làng hay góc nhỏ công viên đều có thể trở thành sân khấu để cất vang tiếng hát ngợi ca hòa bình.

Từ câu chuyện Lễ hội Vì hòa bình đến việc xây dựng thành phố vì hòa bình chắc chắn sẽ là một hành trình dài. Nhưng nói theo khái niệm triết học “tiến hành đi rồi hãy bắt đầu”, những gì đang diễn ra chính là chúng ta đang “tiến hành” để “bắt đầu”.

Có lẽ không phải nhắc mãi về những địa danh lịch sử, về những vùng đất thiêng và hàng vạn người lính nằm lại nơi này nhưng ai cũng thừa nhận một điều rằng: nếu xây dựng một TP. Hòa bình, chắc chắn nó phải được xây trên miền đất Quảng Trị.

Một thành phố được kết nối bởi những di tích lịch sử huyền thoại, được ghi đậm vào biên niên sử của dân tộc những trang lẫm liệt, đủ cho du khách đến đây, cúi đầu trước những tượng đài Tổ quốc ghi công dựng khắp chốn rừng sâu đến miền biển thẳm để nhận ra giá trị của một ngày hòa bình bình thường.

Để Lễ hội Vì hòa bình duy trì đến hẹn lại lên, để thành phố hòa bình trở thành hiện thực trên miền đất đang cần mẫn hồi sinh này đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía. Có rất nhiều địa phương phát triển vượt bậc nhờ vào tài nguyên thiên nhiên nhưng chắc chắn không có tài nguyên nào, sự ưu ái nào lớn bằng máu xương đổ xuống mảnh đất này.

Một vùng đất thấm đẫm máu của bao người lính, bao đời dân chắc chắn sẽ chọn cho mình cách để ngày một mạnh giàu hơn. Không chỉ vì đó là mệnh lệnh của cuộc sống mà còn để những người nằm lại trên mảnh đất này thấy rằng sự hy sinh của mình thực sự ý nghĩa, thực sự xứng đáng!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức đêm nhạc “Khúc ca hòa bình” và Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế

Trúc Phương |

Ngày 11/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình Hoàng Nam đi kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình” và Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế sẽ được tổ chức tại Công viên Fidel, TP. Đông Hà và Khu du lịch – dịch vụ biển Cửa Việt, huyện Gio Linh.

Người dân và du khách đón chờ đêm khai mạc Lễ hội Vì hòa bình

Minh Đức |

Ngày 6/7, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 - lễ hội mang thông điệp hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” sẽ chính thức khai mạc tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Đêm khai mạc với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu” gồm các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc đang được đông đảo người dân và du khách trong, ngoài tỉnh đón chờ.

Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024

Minh Đức |

Ngày 6/7, tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”.

Bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ Lễ hội Vì Hòa bình

Kiều Hảo |

Lễ hội Vì Hòa bình khai mạc vào tối 6/7/2024 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế, thu hút sự tham dự, tham gia thi đấu của các tổ chức, cá nhân, du khách quốc tế, trong nước và trong tỉnh Quảng Trị. Lực lượng công an tỉnh đã chủ động xây dựng các kế hoạch, triển khai phương án bảo vệ an ninh, an toàn các chuỗi hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội.