Ở Lào có một nghi lễ đơn giản nhưng thiêng liêng, trang trọng phổ biến trong nhân dân các bản mường gọi là “xù-khoẳn”. Thật vậy, chỉ cần cây nến, bông hoa, bát gạo, sợi chỉ trắng là có thể làm lễ “xù-khoẳn”. Lễ “xù-khoẳn” trở thành nghi lễ rất phổ biến từ nông thôn đến thành thị.
Theo ngôn ngữ Lào thì “xù-khoẳn” có nghĩa là “vía trở lại”, mâm lễ để “xù-khoẳn” gọi là “pha-khoẳn”, người làm lễ gọi là “mỏ-khoẳn” và nội dung cầu mong trong lễ gọi là “xụt-khoẳn”. Xưa nay, người Lào có tập quán làm lễ “xù-khoẳn” trong cả hai trường hợp may và rủi trong cuộc đời mỗi người. Cưới vợ, chuyển nhà mới, sinh con đầu lòng, thoáng khỏi một tai nạn, gặp lại bạn thân, khách quý, đi đường xa đến đích an toàn, kết nghĩa bạn bè, anh em, hoàn thành một việc hệ trọng…đối với người Lào đều coi là sự may mắn.
Còn các trường hợp như làm ăn thua lỗ, không làm xong một việc đã định trước, toàn gặp những điều trục trặc đau ốm, cha hay mẹ chết…đều là những rủi ro trong cuộc sống. Khi gặp toàn những điều may mắn như trên, người Lào cũng làm lễ “xù-khoẳn” để thể hiện sự biết ơn, niềm phấn khởi tư tưởng và cầu mong mọi sự được tốt đẹp hơn nữa. Còn gặp những rủi ro, người Lào làm lễ “xù-khoẳn” cầu mong sự may mắn, để an ủi động viên con người vững tin ở cuộc sống và hành động của mình.
Không chỉ đối với con người, ở Lào còn có tục làm lễ “xù-khoẳn” cho các loại gia súc trực tiếp phục vụ cho sản xuất như trâu, bò, ngựa…các loại nông cụ quan trọng như cày, bừa, xe trâu, kho để thóc lúa. Chẳng hạn, trước và sau khi cày bừa xong, người nông dân Lào thường chuẩn bị cỏ non, nước ướp hoa thơm để làm lễ “xù-khoẳn” cho trâu- nguồn sức kéo chủ yếu trong mỗi vụ sản xuất. Trong buổi lễ gia chủ đọc những lời cầu mong sao cho loài vật ngày càng sinh sôi nảy nở, tránh được các loại dịch bệnh, thuần tính, kéo cày bừa khỏe góp phần làm ra nhiều lúa gạo. Hàng năm, trước và sau khi sử dụng chiếc xe trâu – phương tiện vận chuyển quan trọng ở nông thôn Lào xưa kia, chủ nhân cũng làm lễ “xù-khoẳn”. Họ cầu mong chiếc xe được vững chắc, sử dụng luôn được an toàn. Trước lúc chuyển lúa mới lên kho cất giữ, đa số nông dân Lào làm lễ “xù-khoẳn” cho cái kho đó. Trong buổi lễ, gia chủ thành tâm cầu mong kho luôn được an toàn và quanh năm không lúc nào vơi cạn.
Nhân dân Lào còn làm lễ “xù-khoẳn” trong trường hợp có người thân bỗng nhiên bị ngớ ngẩn, sợ sệt hoặc như người mất hồn, hoảng loạn do vừa trải qua sự việc ghê rợn cận kề cái chết như đi rừng gặp hổ, qua sông thuyền bị lật…Theo tín ngưỡng cổ, người Lào cho rằng mỗi con người đang sống có một linh hồn (vin-nhan) và nhiều vía (khoẳn). Linh hồn luôn tồn tại gắn liền với cơ thể con người, nếu nó tách ra thì con người chết, còn vía thì lúc hợp lúc tan, khi nó rời cơ thể thì con người không còn khôn ngoan như lúc bình thường. Người ta phải làm mọi cách để giữ nó luôn ổn định trong con người, hình thức hiệu nghiệm nhất là làm lễ “xù-khoẳn”. Trong những trường hợp này, lễ “xù-khoẳn” có nét giống lễ cầu vía và đúng với tên gọi của nó. Còn trong nhiều trường hợp khác, lễ “xù-khoẳn” không đơn thuần là lễ cầu vía như tên gọi của nó. Có thể nói thực chất của “xù-khoẳn” là lễ cầu may mắn, yên lành. Phải chăng đó là niềm mong ước lớn lao của người nông dân Lào xưa kia khi trình độ sản xuất còn thấp kém, phụ thuộc vào thiên nhiên.
Tại các bản mường, nhân dân Lào còn có tục làm một nghi lễ khác có nội dung giống “xù-khoẳn” nhưng gọi là lễ “phục-khẻn” nghĩa là lễ buộc chỉ cổ tay. Hình thức buộc chỉ cổ tay là một nghi thức quan trọng trong lễ “xù-khoẳn”. Căn cứ vào nội dung và hình thức của lễ “phục-khẻn”, có thể coi đây cũng là một hình thức của lễ “xù-khoẳn” nhưng nó đơn giản ít tốn kém và qui mô nhỏ hơn. Với lễ buộc chỉ cổ tay, chỉ quả trứng luộc hoặc quả chuối chín, nắm gạo và sợi chỉ trắng là có thể làm lễ. Sau khi đặt quả trứng luộc lên bàn tay trái của người chủ lễ, người làm lễ lấy sợi chỉ trắng cuốn một vòng quanh cổ tay rồi đọc nội dung cầu nguyện trước khi thắt nút vòng chỉ. Những người cùng dự đưa tay vịn tay người làm lễ với thái độ chân thành, thận trọng và tin tưởng.
Lễ “phục khẻn”
Còn lễ “xù-khoẳn” có quy mô lớn hơn lễ buộc chỉ cổ tay, cần có một thời gian chuẩn bị nhất định. Muốn làm lễ “xù-khoẳn”, gia chủ phải chuẩn bị nến, hương hoa, các loại bánh trái, rượu, thuốc lá đặt trên mâm lễ gọi là “pha-khoẳn”. Một số địa phương còn có cả gạo, tiền trên mâm lễ – quy mô của mâm lễ tùy thuộc hoàn cảnh, khả năng của mỗi gia đình. Đối với những gia đình khá giả ở chốn đô thị, trên mâm lễ còn có một số tư trang quý cho chủ nhận lễ như nhẫn, dây chuyền vàng cùng với những đài hoa kết thành hình tháp. Mâm lễ còn được đặt trên một tấm vải đỏ hoặc màu sặc sỡ. Bà con đến dự lễ thường đem theo một khay lễ, một cân gạo hoặc hoa tươi. Các vị sư ở ngôi chùa bản cũng được mời đến dự lễ “xù-khoẳn”, đứng ra làm lễ thường là một cụ già cao niên có uy tín trong bản. Mỗi mâm lễ “xù-khoẳn” có thể lớn nhỏ khác nhau song nội dung cũng như hình thức đều giống nhau, nhất là không khí thiêng liêng trang trọng. Người chủ mâm lễ luôn tỏ ra thành tâm tin tưởng, người đến dự lễ biểu thị sự nhiệt tình, chân thành.
Khi những người dự lễ đến đông đủ, khói hương trên mâm lễ bốc nghi ngút thì cụ già làm lễ đến ngồi xếp chân bên mâm lễ theo hướng đã định. Ngồi sát mâm lễ là người chủ lễ, tay phải vịn vào mâm lễ, tay trái đưa lên, bàn tay để ngửa như chờ đón mọi sự yên lành. Người làm lễ bắt đầu đọc những lời cầu nguyện với giọng nghiêm trang tha thiết. Mỗi lễ “xù-khoẳn” có nội dung mục đích khác nhau nên cũng có những lời cầu nguyện thích hợp. Ở Lào những lời cầu nguyện (xụt-khoẳn) được sưu tầm in thành sách, nhìn chung nội dung cầu nguyện trong lễ “xù-khoẳn” phù hợp với từng trường hợp có thể và lòng mong ước cũng không quá cao xa với cuộc sống thực tại. Sau khi đọc xong lời cầu nguyện, người làm lễ lấy một sợi chỉ trắng trên mâm lễ buộc một vòng lên cổ tay trái người chủ mâm lễ. Tiếp theo bà con dự lễ lần lược buộc những vòng chỉ trắng lên cổ tay trái người chủ mâm lễ. Đến đây, lễ “xù-khoẳn” coi như kết thúc trong không khí cởi mở, vui tươi. Mọi người ăn uống trò chuyện mừng cho chủ mâm lễ vừa được dón nhận những vòng chỉ nhiệt thành báo trước mọi sự tốt lành sắp đến. “Xù-khoẳn” là một nghi lễ rất phổ biến ở Lào.
Do tính đơn giản của nó, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn thì gia đình nào cũng có thể tổ chức lễ “xù-khoẳn”. Và bất kỳ người Lào, dù trai hay gái trong cuộc đời của mình đều trải qua hàng chục, hàng trăm lần làm lễ “xù-khoẳn”. Cùng với thời gian, lễ “xù-khoẳn” không ngừng được biến đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Chẳng hạn, nó hòa nhập với đạo Phật khi tôn giáo này được truyền bá và phát triển rộng rãi ở Lào, nhưng “xù-khoẳn” vẫn giữ được cái cốt lõi của một tín ngưỡng cổ, đó là tính đơn giản, thiêng liêng và quan trọng. Nội dung cầu nguyện trong lễ “xù-khoẳn” được bổ sung phong phú hơn, về hình thức cũng được trau chuốt bóng bẩy, giàu nhạc điệu khi đọc có sức hấp dẫn hơn trước. Tóm lại lễ “xù-khoẳn” đã vượt quá khuôn khổ của một nghi lễ bình thường, trở thành một tình cảm, niềm tin và nguồn động viên lớn về mặt tinh thần đối với người Lào trong cuộc sống, lao động sản xuất.
(Nguồn: Văn hóa Lào)