5 năm qua, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý, đầu tư, tôn tạo, chống xuống cấp đối với di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trên địa bàn huyện Triệu Phong có 2 địa điểm di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích quốc gia, 1 quần thể di tích quốc gia (các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn 1558-1626, gồm 10 địa điểm) và 76 di tích cấp tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch số 4525/KHUBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2013/ NQ-HĐND ngày 31/7/2013 của HĐND tỉnh về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hoá tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020, huyện Triệu Phong đã chủ động xây dựng kế hoạch lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý, thực hiện đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện. Việc triển khai kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và chống xuống cấp các di tích, phát huy giá trị di tích đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn huyện đối với công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa; đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di tích; thực hiện tốt việc giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, kết hợp phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế-xã hội…
Từ sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện Triệu Phong, các xã, thị trấn có di tích lịch sử, văn hóa đã thực hiện tốt việc quản lý, xác định vị trí cụ thể và dành quỹ đất phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền để thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ, chống xuống cấp và xâm lấn di tích, phát huy giá trị của di tích, làm nơi tưởng niệm, ghi dấu và tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa.
Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, trên địa bàn xã có 3 di tích lịch sử, văn hóa là Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, di tích Cồn Mụ Bạt và di tích Miếu Bà Giàng. Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện, xã Triệu Thuận có điều kiện thuận lợi trong việc tôn tạo, đầu tư, nâng cấp và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Xã cũng sử dụng ngân sách địa phương và vận động Nhân dân ủng hộ đầu tư nâng cấp, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. UBND xã giao nhiệm vụ cho Trường Tiểu học và THCS Trần Hữu Dực thực hiện chăm sóc, làm vệ sinh ở Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực; các tổ chức đoàn thể thực hiện chăm sóc, bảo vệ di tích Cồn Mụ Bạt và di tích Miếu Bà Giàng. Xã đã thực hiện tốt việc cắm mốc, lập báo cáo về các di tích, tuyên truyền cho người dân cùng chung tay gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, xã Triệu Thuận đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí cũng như các công việc liên quan khác để thực hiện tốt công tác bảo tồn, đầu tư và chống xuống cấp các di tích, phát huy giá trị trong giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước.
Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Triệu Phong Trần Văn Thi cho biết, 5 năm qua, công tác giữ gìn, tôn tạo và phát huy những giá trị di tích được UBND huyện triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao vào Du lịch hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2018 xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với di tích lịch sử Địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (Triệu Ái, Triệu Giang, thị trấn Ái Tử); UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh đối với các di tích Đền thờ và lăng mộ Kỳ vĩ quận công Nguyễn Văn Tường (Triệu Phước), Địa điểm lưu niệm sự kiện chống càn của Tiểu đoàn 814 tháng 6/1968 (Triệu Vân), Địa điểm Chùa Cộ (Triệu Phước), Địa điểm ghi dấu trận chống càn ngày 20/9/1964 (Triệu Trạch), Địa điểm Dốc Bốm (Triệu Ái). Công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp di tích được tích cực thực hiện với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa; việc định vị cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích được các cấp khẩn trương triển khai theo đúng tiến độ dự án. Tuy nhiên, ngân sách địa phương có hạn mà yêu cầu bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp di tích lại khá lớn nên UBND huyện chủ động chọn lựa một số di tích có tầm quan trọng đặc biệt để đầu tư tôn tạo, phục dựng, ngăn ngừa xuống cấp, gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện trong từng thời điểm cụ thể.
Hiện nay, các di tích lịch sử, văn hóa đã được phân cấp quản lý nhằm bảo tồn, phát huy, gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử. Cụ thể, đã có 31 di tích có đầy đủ hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý; 29 di tích có hồ sơ pháp lý nhưng chưa có hồ sơ khoa học; 2 di tích có hồ sơ khoa học nhưng chưa có hồ sơ pháp lý; 28 di tích chưa có hồ sơ pháp lý và hồ sơ khoa học. Đến cuối năm 2020, huyện sẽ hoàn thành việc định vị cắm mốc cho 33 di tích trên địa bàn 18 xã, thị trấn, tiếp tục hoàn thành định vị cắm mốc cho các di tích còn lại trong giai đoạn tiếp theo. Công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp di tích được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Thời gian qua, đã đầu tư cho các địa điểm di tích với nguồn kinh phí hơn 34 tỉ đồng, cụ thể như:
Định vị cắm mốc (giai đoạn 1) 400 triệu đồng từ ngân sách huyện; di tích Lùm Đình (Triệu Trạch) 60 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa; di tích Quân cảng Cửa Việt (Triệu An) 30 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa; di tích Địa điểm nhà ông Nguyễn Ngọc Châu (Triệu Đại) 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa; di tích Địa điểm ghi dấu trận chống càn thôn Nại Cửu (Triệu Thành) 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa; di tích Địa điểm Trường cấp I, II (Triệu Giang) 150 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa; di tích Địa điểm bến đò Phú Liêu (Triệu Tài) 30 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa; Địa điểm lưu niệm sự kiện chống càn của Tiểu đoàn 814 tháng 6/1968 (Triệu Vân) 1,1 tỉ đồng, từ nguồn xã hội hóa; Địa điểm đình làng Gia Đẳng (Triệu Lăng) 1,2 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa; di tích Địa điểm Miếu Lôi chấn Cồn Khoai (Triệu An) 300 triệu đồng từ ngân sách huyện; di tích Địa điểm Dốc Bốm (Triệu Ái) 120 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa; Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (Triệu Thành) 500 triệu đồng từ ngân sách tỉnh. Từ việc đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp đã góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Triệu Phong với bạn bè trong nước và thế giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)