Khai thác di tích lịch sử, văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch

Nguyễn Vinh |

Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa lớn với Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chùa Sắc Tứ, quần thể Dinh chúa Nguyễn (1558-1626) và 76 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong còn có cảnh quan với hệ thống sông, hồ và bờ biển đẹp với nhiều hải sản tươi ngon nức tiếng trong vùng.

Bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong thu hút đông đảo du khách vào mùa hè. Ảnh: NV
Bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong thu hút đông đảo du khách vào mùa hè. Ảnh: NV

Để khai thác có hiệu quả hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thời gian qua, huyện Triệu Phong thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như mở tour du lịch kết nối nhiều điểm di tích với nhau, phát triển các điểm vui chơi, lễ hội, tắm biển gắn với ăn uống, nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch. Theo thống kê của Phòng Văn hóaThông tin huyện Triệu Phong, hằng năm, lượng khách đến Triệu Phong đạt khoảng 36.300 lượt người, trong đó chủ yếu tham gia lễ hội Chợ Đình Bích La 20.000 lượt, thăm Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn 8.000 lượt, chùa Sắc Tứ 5.000 lượt. Khách du lịch đến Triệu Phong đã thúc đẩy các ngành thương mại- dịch vụ- du lịch phát triển, năm 2019 doanh thu đạt 1.795,925 tỉ đồng.

Du khách đội mưa đi trảy hội. Ảnh: Ảnh: Làng Mai.
Du khách đội mưa đi trảy hội. Ảnh: Ảnh: Làng Mai.

Trưởng Phòng VH&TT huyện Triệu Phong Hồ Ngọc Thiên cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa không những tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân mà còn thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Thời gian qua, Phòng VH&TT phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt phong trào “Chăm sóc các địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện; vận động các dòng họ làm tốt công tác bảo tồn di vật, cổ vật như sắc phong, chiếu chỉ. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm và duy trì thường xuyên nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê như Lễ hội Chợ đình Bích La (Triệu Thành), lễ hội Bài chòi (Triệu Trung), lễ hội đua thuyền truyền thống (các xã: Triệu Giang, Triệu Độ, Triệu Phước), lễ hội Cầu ngư (Triệu An) để thu hút khách du lịch”.

Để cụ thể hóa Chương trình hành động số 83 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Huyện ủy Triệu Phong ban hành Kế hoạch số 61 để thực hiện, HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 06 thông qua Đề án “Phát triển du lịch huyện Triệu Phong đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của UBND huyện. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, huyện Triệu Phong xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Với mục tiêu đặt ra, phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 45.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt 160 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 5,71% tổng giá trị thương mại- dịch vụ, du lịch của huyện; đến năm 2030 thu hút khoảng 66.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt 310 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 8,37% tổng thương mại- dịch vụ, du lịch của huyện. Tạo việc làm ổn định cho trên 800 lao động.

Căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp đề ra, huyện Triệu Phong từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và du lịch trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, nhiều chợ được nâng cấp tạo điều kiện cho tiểu thương phát triển kinh doanh phục vụ du khách. Trong 5 năm từ 2015 đến 2020, huyện Triệu Phong tiến hành định vị cắm mốc, tôn tạo, nâng cấp 12 di tích trên địa bàn các xã với nguồn kinh phí hơn 34 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch được UBND huyện chú trọng. Theo đó, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn về lĩnh vực du lịch, chuyển giao công nghệ cho làng nghề, hướng dẫn chuyển giao mô hình sản xuất, dạy nghề cho người dân nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa tốt nhất phục vụ thị trường và du lịch.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, do lượng khách đến tham quan chủ yếu trong tỉnh và trong nước nên số lượt khách lưu trú ở Triệu Phong ít, chỉ chiếm khoảng 5% đến 10% tổng số lượt du khách. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong đó phải kể đến hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện còn rất hạn chế, chất lượng chưa cao, phục vụ chưa chuyên nghiệp, chủ yếu của các hộ kinh doanh cá thể. Cơ sở ăn uống còn nhỏ lẻ, chưa đủ khả năng phục vụ số lượng lớn du khách. Dịch vụ vui chơi giải trí còn ít, đơn điệu. Dịch vụ bán hàng lưu niệm chưa được đầu tư và tổ chức phát triển chưa chuyên nghiệp, chưa có thương hiệu đặc trưng. Sản phẩm các làng nghề truyền thống như làm bún, bánh (xã Triệu Sơn), làm nón lá (xã Triệu Hòa), làm bánh kẹo, nem chả (xã Triệu Thành), sản xuất nước mắm, ruốc (các xã: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng), đan lát, làm quạt giấy, làm chổi đót (xã Triệu Long)... chưa tạo sự hấp dẫn và đáp ứng thị hiếu của du khách.

UBND huyện Triệu Phong đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành quan tâm, hỗ trợ UBND huyện thực hiện Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Quan tâm, đầu tư nguồn lực giúp địa phương hoàn thiện cơ bản về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn đã được xếp hạng di tích quốc gia do đó cần sớm lập quy hoạch tổng thể, chi tiết và phục dựng. Cùng với đó, tỉnh và các ngành liên quan có kế hoạch hỗ trợ địa phương về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đưa các tour, tuyến du lịch của huyện vào tour, tuyến du lịch của tỉnh, mở các lớp tập huấn về ứng xử trong du lịch cho người dân địa phương nhằm nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa ứng xử đối với du khách. Hỗ trợ trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, khôi phục làng nghề truyền thống... để thu hút khách du lịch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bia tưởng niệm Quán Ngang và tấm lòng người anh hùng

Hồ Nguyên Kha |

Chắc hẳn những người con của mảnh đất Gio Linh (Quảng Trị) sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh đều biết đến căn cứ quân sự Quán Ngang. Đây là căn cứ có quy mô lớn, tập trung bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn để điều hành và quản lý về mặt hành chính, quân sự, làm “bàn đạp” xâm chiếm miền Bắc. Vì thế căn cứ Quán Ngang là chứng tích chiến tranh tiêu biểu trên vùng đất Gio Linh.

Báu vật của làng Phú Kinh

Việt Hà |

Làng Phú Kinh, xã Hải Hòa ( nay là xã Hải Phong), huyện Hải Lăng -  Quảng Trị là một trong những làng cổ của tỉnh Quảng Trị. Là một làng quê thuần nông nằm bên dòng Ô Lâu lịch sử, Phú Kinh có phong cảnh hữu tình của một làng quê Việt Nam. Đặc biệt nơi đây hiện lưu giữ một hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa của quốc gia. Đó là bức Khoán ước của làng được khắc trên thanh gỗ lim và có niên đại xuất xứ hàng trăm năm.

Khách du lịch đến Quảng Trị giảm 90% so với cùng kỳ

Tiến Nhất |

Theo thông tin từ Sở VHTT&DL Quảng Trị cho biết, dịch COVID- 19 đã khiến tổng lượng khách du lịch đến địa phương trong quý I/2020 chỉ đạt 246.600 lượt, giảm 90 % so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội ước đạt 235 tỷ đồng (giảm 65% so với năm 2019).

Và sỏi đá cũng thành cơm

Minh Hà |

Vừa bước chân đến thôn Tiến Hòa (xã Gio Hòa, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã nghe âm thanh “óng” lên từ đá. Trong cái rét ngọt hòa quyện với ánh nắng hiếm hoi của những ngày cuối đông, tiếng đục đá cứ âm âm cứ thúc giục lòng người.