Và sỏi đá cũng thành cơm

Minh Hà |

Vừa bước chân đến thôn Tiến Hòa (xã Gio Hòa, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã nghe âm thanh “óng” lên từ đá. Trong cái rét ngọt hòa quyện với ánh nắng hiếm hoi của những ngày cuối đông, tiếng đục đá cứ âm âm cứ thúc giục lòng người. 

Cánh đồng đá Gio Hòa (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là nguyên vật liệu chính của nghề chẻ đá của người dân miền tây Gio Linh.
Cánh đồng đá Gio Hòa (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là nguyên vật liệu chính của nghề chẻ đá của người dân miền tây Gio Linh.

Chúng tôi đến cánh đồng đá Gio Hòa, qua hơn ba mươi cây số từ thành phố Đông Hà lên huyện Cam Lộ rồi rẽ ngang qua đường mòn Hồ Chí Minh thuộc miền tây Gio Linh, nơi ngút ngàn caosu, hồ tiêu, nghệ... và đá. Đá ở Gio Hòa có từ trước khi con người sinh ra, người dân miền tây Gio Linh biết biến đá thành cơm, cho cuộc sống ngày thêm khởi sắc.

Về miền cỏ cây chen đá

Cụ ông Hồ Văn Hạnh, 75 tuổi người làng Hà Thanh (Gio Châu, Gio Linh) là người nắm hết nguồn gốc của nghề đá. Trước lúc đến Tiến Hòa, ông Hạnh đưa chúng tôi đi khắp làng để đếm những chiếc cối giã gạo được đục ra từ đá. Đó là sản phẩm đầu tiên của nghề đá ở đây. Ông Hạnh cho chúng tôi thấy sức vóc của trai tráng một thời, câu chuyện có từ ngày xưa, theo ông Hạnh nó cách đây chừng hơn hai trăm năm, cũng có thể hơn. Khi làng Hà Thanh chỉ là một vùng đất cát nghèo nàn thì những hòn đá to đùng nằm giữa ruộng nương, nằm khắp trong làng đã khiến những người khai thiên lập địa chú ý. Ông Hạnh không tưởng nỗi sức mạnh đó sinh ra từ đâu, khi mọi thứ còn rất đỗi khó khăn thì ý chí con người như ánh nhìn thẳng băng vào tương lai phía trước “nghe kể, ngày xưa Hà Thanh đá chồng lên đá, thanh niên trong làng tập trung nhóm năm đến bảy người có sức vóc, dùng sức mạnh và ý chí của mình để làm ra cối đá, làm ra những dụng cụ bằng đá khác như rìu đá, nồi đá, chum đá, hũ đá... sức mạnh đó đến chừ nghĩ thấy vô biên, đôi lúc nghĩ không ra, ở mô người tổ tiên có ra sức mạnh như rứa. Chừ chỉ nhìn quanh cái cối đá, tôi cũng thấy khâm phục cha ông”.

Đá là tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Gio Hòa và mọt số địa phương lân cận như Gio An, Linh Hải. Xứ sở này khắp thôn xóm ở đâu cũng có đá. Đá nằm ngay cửa, đá ở trong vườn, đá chất thành phên dậu. Và thích nhất là giữa đám gừng, đám nghệ, giữa nương hồ tiêu ngút ngàn xanh mướt có khối đá nằm xen vào. Đó vừa là của để giành ở vùng đất miền tây Gio Linh vừa là tấm lá chắn giữ cho cây cối xanh tươi. Theo các bậc cao niên ở làng, ở đâu có đá đằn lên thì đất đai ở đó được giữ ẩm tốt. Một lẽ khác, đá giữ cho đất khỏi bị rửa trôi. Trong nhung nhúc những chồi nghệ mới nhú mầm là từng khối đá to tướng nằm liền kề nhau tạo nên bức tranh đầy chất trữ tình, giữa cái nhỏ bé có cái to tướng, giữa cái yếu mềm có cái vững chãi. Những chồi nghệ như bàn tay thon đặt vào khối đá để sau đó đá được tạo thành khối đi khắp nơi để xây dựng công trình. Ông Hạnh chia sẻ thêm với chúng tôi “ngó trong nương trong vườn đá lổ chỗ như rứa nhưng đó là tiền cả đó. Ngày trước vùng này đá ngổn ngang làm ngày làm đêm không xuể, chừ lượm mãi cũng hết, người dân muốn có nguyên vật liệu để làm phải thuê xe múc từ dưới lòng đất. Miền tây Gio Linh cứ múc cần cẩu xuống sâu lại đẩy lên những hòn đá tròn, đây là loại đá tốt nhất để làm nên vật liệu xây tường rào, xây đền đài lăng tẩm. ngót ngét mấy trăm năm, nghề đá ngày càng hưng thịnh”.

Tuổi thanh xuân trút vào đá, sức lao động cần cù của mỗi một người dân ở đây khiến chúng tôi rất đỗi tự hào. Những ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi được dựng xây từ nguồn thu nhập nghề đá. Cái cặp sách con đi học, chiếc xe gắn máy cha đi, ngôi nhà che chở cho cả gia đình anh Lê Nam Định ở thôn Tiến Hòa được anh dựng nên từ nguồn thu nhập làm đá. Sự kiên trì, nhẫn nại của người đàn ông sinh năm 1977 khiến chúng tôi “dán mắt” không rời. Anh Định nói với chúng tôi “với đá thì phải nhẹ nhàng, nhẫn nại. Càng nhẹ nhàng bao nhiêu càng dễ nhấc bấy nhiêu và càng nhẫn nại bao nhiêu thì đá nghe lời người bấy nhiêu”. Chúng tôi rất đỗi ngỡ ngàng bởi triết lý từ câu nói của một người nông dân khai thác đá “tôi có biết triết lý triết lơ chi mô, chỉ tại làm đá lâu ngày ngẫm ra như rứa. Nghề chẻ đá nghe âm thành ồn ào rứa thôi nhưng trong lòng lại rất đổi thanh bình”.

Giọt mồ hôi ngọt

Người khai thác đá ở xã Gio Hòa (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) thực hiện động tác “mồi” đá.
Người khai thác đá ở xã Gio Hòa (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) thực hiện động tác “mồi” đá.

Nghề đá ở miền tây Gio Linh ngày càng hưng thịnh, khi quy mô của nó ngày càng được mở rộng hơn. Từ bàn tay và khối óc của con người thì việc khai thác đá thành phẩm không mấy khó khăn. Ông Hạnh cho chúng tôi hay “ngày trước khai thác đá phải cậy vào sức vóc cường tráng của thanh niên, ngày nay nghề đá càng hưng thịnh và kiếm được nhiều tiền nhờ có máy móc hiện đại”. Cái máy móc hiện đại mà chúng tôi được biết là mũi khoan để thực hiện động tác “mồi” đá. Một mũi khoan được cắm vào chừng 2-3cm cho đá có lỗ rồi sau đó đường “ve” được chỉa thẳng vào, cây búa từ sức người thả xuống và hòn đá có to lớn bằng cỡ mấy cũng được bổ đôi. Sau đó những khối đá có kích thước 10x25cm được làm thủ công hoàn toàn. Dụng cụ cắt đá cũng từng được đưa vào thử nghiệm một thời gian thì hoàn toàn bị loại bỏ vì đường cắt phẳng lỳ khi dùng xây dựng vửa xi măng bám không chắc nên không được ưa chuộng. Và đến giờ thì người khai thác đá ở Gio Hòa hoàn toàn không dùng phương pháp này. Anh Lê Nam Định cho chúng tôi biết như thế. Không cứ cái gì áp dụng kỹ thuật hiện đại cũng dễ ăn, với nghề chẻ đá nó có điều đặc biệt như thế. Chỉ mồi bằng mũi khoan, công việc sau đó hoàn toàn thủ công và hồi trước làm như thế nào bây giờ làm như thế ấy.

Hơn mười năm làm nghề đá, những giọt mồ hôi nhỏ ra trên trán anh Định là những giọt mồ hôi của người yêu nghề, hăng say lao động. Ngày nắng cũng như mưa, dưới tấm bạt anh Định cần cù lao động. Đôi bàn tay rắn rõi của người đàn ông 40 tuổi đời đã lật trở từng tảng đá để làm ra những viên đá chở đi khắp nơi. Chúng tôi mãi nhìn, trên đôi bàn tay đó rịn mồ hôi. Người đàn ông đã từng làm ra hơn 45 ngàn viên đá trong hơn 10 năm lao động có dáng vẻ hiền từ, cách ăn nói khiêm nhường đầy triết lý nhân sinh “làm đá vội nỏ xong mô, người chẻ giỏi cũng độ 15 viên/ngày, tháng làm được khoảng 20-25 ngày, giá đá chừ giao động từ 7.000-10.000 đồng/viên, thua nhập thường 5-6 triệu/tháng, thấp nhất tầm 3,5 triệu/tháng nên cũng sống được. Nghề chẻ đá là nghề của đàn ông. Đúng với câu đàn ông là trụ cột gia đình. Đá làm ra không đủ cung cấp cho các tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế và Quảng Bình. Có người phụ đá chớ đá không phụ người mô mấy chú”.

Bước qua tuổi 50, anh Trương Công Quảng ở thôn Trí Hòa có hơn 10 năm gắn bó với nghề chẻ đá. Với anh Quảng, đây là sự lựa chọn để sinh tồn. Sau những ngày tháng long đong khắp xứ người, làm lụng đủ nghề anh Quảng trở về với nghề chẻ đá. Không lãng phí bất cứ thứ gì, đá nhỏ đá vụn được đục ra từ đá thành phẩm được bán để rãi đường. Đây là loại đá phổ biến nhất và được làm nhiều nhất hơn chục năm trước. Với nghề đập đá thành vụn thì phụ nữ cũng có thể tham gia. Anh Quảng nhớ lại “hơn chục năm trước, đàn bà ở đây cũng tham gia đập đá. Từ khi làm đá thành viên thương phẩm phụ nữ không tham gia nữa. Mặt vì có hơi nặng nhọc, mặt vì chỉ đàn ông làm cũng có thể nuôi sống gia đình. Phụ nữ chọn nghề trồng tiêu và cây dược liệu”.

Thu nhập ổn định từ nghề chẻ đá

Miền tây huyện Gio Linh có 3 xã làm nghề chẻ đá: Gio Hòa, Gio An và Linh Hải. Trong đó xã Gio Hòa với hàng trăm hộ gia đình làm nghề chẻ đá. Nhưng cội nguồn của nghề đá là làng Hà Thanh thuộc xã Gio Châu. Chúng tôi nghe ông Hồ Văn Hạnh tâm sự về điều này “trước vùng này làng Hà Thanh làm nghề đá đầu tiên, sau đó lan dần lên các làng Đồng Tâm, Trí Hòa... đất lành chim đậu, nghề làm ra tiền thì có người theo. Tôi thấy vui vì nghề đá ngày càng hưng thịnh, mặc dù nghề này ở làng “tổ nghề” Hà Thanh không còn nhưng mỗi lần nhắc đến nghề chẻ đá người ta đều nhắc đến làng Hà Thanh”. Cái lẽ uống nước nhớ nguồn đó là mạch nguồn xuyên suốt đối với người dân miền tây Gio Linh. Có không ít sự hàm ơn của người dân làm nghề chẻ đá nơi đây với “tổ nghề” và đặc biệt là sự hàm ơn của con người vào đá. Cứ mỗi năm tết đến xuân về, khắp trong làng ngoài xã tiếng hò reo vang lên khi có người chiến thắng trong hội thi chẻ đá. Ông Dương Bá Đăng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Quang, nơi cung cấp cho thị trường hơn 100 ngàn viên đá mỗi năm hồ hởi kể với chúng tôi “cứ đến tết lúc làm lễ nhớ ơn tổ nghề xong là hội thi chẻ đá. Hoạt động này vừa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn vừa duy trì giá trị bản sắc văn hóa của người dân miền tây Gio Linh. Công ty của tôi lúc cao điểm nhất có 60 công nhân, bình thường chừng 30 công nhân, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng cũng ổn định cho cuộc sống gia đình”. Ông Đăng còn cho chúng tôi biết thêm, nghề đá ở đây đủ nuôi sống gia đình những người làm nghề, nhiều gia đình có nguồn thu phụ từ hồ tiêu, gừng, nghệ... có của ăn của để. Cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khấm khá hơn.

Xuôi theo Đường 74 trở về, chúng tôi vẫn nhớ đến khắc khoải âm thanh của đá, nhớ những giọt mồ hôi giữa ngày đông, nhớ những khóm nghệ chen lên từ đá xanh mướt trong những khu vườn tiêu đang mùa no quả. Những hình ảnh hằn sâu trong trí nhớ của chúng tôi. Và âm thanh chẻ đá như sự sống khởi nguồn từ lao động. Vốn thế, ở đâu có bàn tay của con người thì sự sắp đặt của tạo hóa lại vô cùng hữu ích. Trong đó, sức lao động của con người là mùa xuân kết nối mùa xuân./.

Hội thi chẻ đá trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 của người dân miền tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - ảnh H.T
Hội thi chẻ đá trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 của người dân miền tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - ảnh H.T
Hội thi chẻ đá trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 của người dân miền tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - ảnh H.T

TAGS

Thiếu nữ miền sơn cước

Hồ Tịnh |

Hướng Hoá là huyện miền núi tỉnh Quảng Trị với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô.

“Ai có về Phước Thị, Gio Linh”

Việt Hà |

Phước Thị là một làng cổ của Huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Trãi qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, ngày nay làng Phước Thị ngày càng đổi thay và phát triển.

Nhà thờ cây Da bên dòng Ô Lâu

BTV |

Nhà thờ Cây Da nằm ở thị trấn Diên Sanh (xã Hải Thọ cũ), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Níu giữ Ta lư

Hoàng Tiến Sĩ |

Có thể, trong khoảnh khắc yên lặng hiếm hoi của chiến tranh, tiếng đàn Ta lư của chàng trai, cô gái Vân Kiều, Pa Kô bỗng vang lên giữa núi rừng Trường Sơn là cảm hứng rung ngân tận thẳm sâu tâm hồn nghệ sĩ, để rồi các nhạc sĩ Huy Thục, Phương Nam cho ra đời ca khúc “Tiếng đàn Ta lư”, “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” sống mãi với thời gian…