Về thăm “đất thiêng” Phú Thọ

Tuấn Anh |

Đất Tổ, một vùng đất từ lâu nổi tiếng với “rừng cọ đồi chè”, với những đặc sản, địa danh như bưởi Đoan Hùng, hồng Hạc, cá Anh Vũ, Việt Trì “thành phố ngã ba sông”... Và nhất là trong tâm thức của tất cả những con dân đất Việt từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau hay những người xa Tổ quốc vẫn luôn nhớ và nhắc nhở nhau:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

Từ đời Hồng Bàng, vùng đất Phú Thọ đã là nơi các vua Hùng dựng nước. Vùng đất Phong Châu xưa: Bạch Hạc, trước mặt Việt Trì là kinh đô đầu tiên của nước ta. Sau Việt Trì, núi Hùng có đền thờ và lăng mộ Hùng Vương, cách đó không xa là những khu di chỉ gò Mun và Phùng Nguyên ở Lâm Thao, đánh dấu sự tồn tại nền văn minh của nước Văn Lang từ hàng ngàn năm trước. Phú Thọ cũng là quê hương của bà Thiều Hoa, một tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Bà cũng là người sáng tạo và dạy cho con dân Lạc Việt trò chơi đánh phết, một môn thể thao còn truyền đến ngày nay.

Dâng hương tại Đền Hùng - Ảnh: TL​
Dâng hương tại Đền Hùng - Ảnh: TL​

Trên bản đồ Việt Nam, chúng ta luôn thấy dòng sông Lô nổi tiếng chảy từ Bắc xuống Nam chia Vĩnh Phú (cũ) làm hai phần thì phần phía Tây của sông Lô chính là tỉnh Phú Thọ ngày nay, hoàn toàn là miền đất trung du với những cây công nghiệp nổi tiếng như sơn, dó làm giấy, chè, lá gồi, các cây lấy dầu như trẩu, sở, lai… cùng với nhiều loại cây ăn quả quý như bưởi, cam, dứa, hồng, quýt, vải. Sông Hồng chảy suốt chiều dài Phú Thọ, khi qua Lâm Thao cho dòng sông một cái tên đẹp: Sông Thao; khi chảy đến Bạch Hạc - Việt Trì, sông Hồng gặp sông Lô tạo nên ngã ba sông đầy chất trữ tình. Phú Thọ cũng là nơi phát nguồn của những bài ca nổi tiếng được nhiều người biết đến như: Trường ca sông Lô (Văn Cao); Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)…

Cách đây hơn 60 năm, ngày 19/9/1954 gặp gỡ bộ đội Sư đoàn quân tiên phong tiến về giải phóng Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các chiến sĩ ngay trước đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thực vậy, đất cổ Phong Châu từ ngàn xưa đã nổi danh với các Lạc Hầu, Lạc Tướng. Suốt thời Bắc thuộc cho đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Quang Trung gây nền độc lập chống xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều có những tấm gương nổi tiếng của người Phong Châu đánh giặc giữ nước. Trong kháng chiến chống Pháp, địch chiếm một phần Phú Thọ nhưng không lập được chính quyền bù nhìn. Khi chúng tiến công lên Việt Bắc, quân dân Phú Thọ lại nổi tiếng với những chiến công chặn đánh giặc, diệt nhiều tàu giặc ở Đoan Hùng, trên sông Lô. Trong chiến dịch Tây Bắc, địch bất ngờ tấn công lên Phú Thọ cũng bị ta tiêu diệt hơn 2.000 tên và hơn 400 xe cơ giới. Phát huy truyền thống của quê hương, trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Phú Thọ đã đóng góp nhiều sức người, sức của chi viện cho chiến trường và lập nhiều chiến công hạ nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ quê hương.

Từ Hà Nội theo đường sông Hồng, đường sắt hay Quốc lộ số 2, khoảng hơn 80 km, du khách đã có thể dễ dàng hành hương về với đất Tổ Hùng Vương. Thành phố Việt Trì ngày nay là thủ phủ của tỉnh lỵ Phú Thọ với nhiều nhà máy công nghiệp như nhà máy giấy, nhà máy điện, nhà máy hoá chất, nhà máy đường, mỳ chính… được xây dựng mới từ sau ngày hoà bình lập lại. Bước vào công cuộc đổi mới, diện mạo thành phố Việt Trì đang thay đổi hằng ngày với nhiều dinh thự, công sở và nhà dân có kiến trúc đa dạng, đẹp mắt. Từ Việt Trì nhìn về phía Tây cách khoảng vài chục cây số là núi Hùng.

Hội giỗ Tổ Đền Hùng được mở vào ngày 10, 11 tháng 3 âm lịch hằng năm. Theo chân các đoàn khách hành hương, từ Hà Nội đi Việt Trì đến Km 95 rẽ tay trái 2 km thì đến chân núi. Nếu đi tàu hoả qua ga Việt Trì, tới ga Phú Đức đến Tiên Kiên rẽ tay phải khoảng hơn 3 km, du khách sẽ tới Đền Hùng. Từ chân núi leo gần 300 bậc, sẽ lên được đỉnh núi. Trên núi có đền thờ các vua Hùng và lăng Hùng Huy Vương. Khu vực đền Hùng ngày nay đã trở thành khu rừng cấm bảo vệ di tích lịch sử, rộng 200 ha. Từ trên đỉnh núi Hùng, du khách dễ dàng nhìn thấy sự tụ hội của ba dòng sông, thấy làng Bạch Hạc, kinh đô Phong Châu thời Văn Lang. Tại đây có chùa Hóa Long với quả chuông khắc tên Trần Nhật Duật, một võ tướng nổi danh thời Trần. Trước chùa có hòn đá mang vết chân người, sau làng có khu rừng nhỏ Bồ Sao là nơi vua Hùng cuối cùng và công chúa hóa thân. Khúc sông Bạch Hạc - Việt Trì mỗi năm một vụ có giống cá Anh Vũ nổi tiếng, từ ngàn xưa đã là sản vật để tiến vua. Thong thả, thơ mộng hơn, du khách có thể du ngoạn bằng đường thuỷ. Các sông chảy qua đất Phú Thọ như sông Hồng, sông Lô, sông Đà đều là những con sông lớn ở miền Bắc. Khách du lịch sẽ thấy những bè gỗ, nứa dài nối đuôi nhau từ thượng nguồn mang theo nhiều sản vật từ thượng du chảy về xuôi và những xà lan, ca nô, thuyền mành xuôi ngược quanh năm. Hầu hết các huyện của Phú Thọ đều có thể giao lưu, đi lại với nhau dễ dàng bằng đường sông.

Trên sông Hồng, các bến chính là Việt Trì, Phú Thọ, Vũ Yển, Thanh Ba, tàu thuyền lên tận Yên Bái, Lào Cai. Trên sông Lô, tàu thủy đến tận Tuyên Quang, Chiêm Hoá… Thị xã Phú Thọ nằm kề bên sông Thao có chợ to, bến lớn, phố xá đông đúc từ lâu nổi tiếng là trung tâm phía Tây của tỉnh. Từ đây có đường bộ đi Tuyên Quang (58km); đi Yên Bái (67km); đi Hà Nội (90km); đi Hoà Bình (85km). Từ thị xã Phú Thọ xuôi sông Hồng khoảng 8 km, du khách gặp làng Hiền Quan là quê hương của Thiều Hoa, một nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng; xuôi thuyền 7 km nữa tới Cổ Tiết, từ đó dễ dàng đi Yên Lập thăm cảnh đẹp thác Hương Kiều trên ngòi Mê. Xuôi sông Hồng 7 km, du khách gặp thị trấn Hưng Hoá, những miền đất từng được nhắc trong những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Ai qua Phú Thọ. Ai xuôi Trung Hà. Ai về Hưng Hoá. Ai xuống khu Ba. Ai vào khu Bốn”. Hưng Hoá, ngày nay là lỵ sở huyện Tam Nông nhưng dưới thời Lê, Nguyễn đã từng là trấn sở của trấn Hưng Hoá gồm cả Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Ngày nay vẫn còn vết tích thành Hưng Hoá bên bờ đầm Nậu. Phía Tây đầm là núi Hùng Nhĩ có rừng cây rậm rạp, phong cảnh nên thơ. Từ Hưng Hoá xuống Trung Hà chỉ còn 7 km nữa. Từ đây sang sông Đà, du khách có thể đến được tận Cự Đồng, Cự Thắng có núi Chuyển Phiệt cao gần bằng núi Tản Viên, trên núi có hồ nước trong.

Nếu có dịp, mỗi người dân đất Việt và kiều bào ta ở nước ngoài nên về thăm quê hương Phú Thọ, còn rất nhiều điều bí ẩn, kỳ thú, hấp dẫn đang chờ đón du khách ở phía trước. Cảnh Phú Thọ hữu tình, người Phú Thọ mến khách và đất Tổ luôn bao dung, rộng mở với những con dân đất Việt luôn nhớ tới cội nguồn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hơn 60.000 lượt du khách thập phương đổ về Đền Hùng dịp cuối tuần

PV |

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Ban Quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết chỉ tính riêng 2 ngày 17-18/4 (tức ngày 6-7/3 âm lịch), Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã đón khoảng hơn 60.000 lượt du khách thập phương về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Tour du lịch đêm Đền Hùng - lựa chọn mới trong dịp Giỗ Tổ

Tạ Văn Toàn |

Theo chương trình, sau khi tham quan đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy), khách sẽ tham quan đồi chè Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) và đến 20 giờ 30 bắt đầu tham gia tour đêm Đền Hùng...

Cam Lộ: Nỗ lực xây dựng Đền thờ Vua Hàm Nghi trở thành điểm du lịch

Lê Trường |

Đền thờ vua Hàm Nghi được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 7/2020, song song với đó, huyện Cam Lộ cũng đã tổ chức lễ rước Long vị của Vua Hàm Nghi, Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường về an vị tại đền thờ theo phong tục của địa phương. Công trình nằm trên Di tích căn cứ Thành Tân Sở, ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính (Cam Lộ, Quảng Trị). Đây được xem là điểm đến quan trọng trên chuỗi du lịch tâm linh như: chùa Cam Lộ, Nhà Tằm Tân Tường, Cao điểm 241… mà huyện Cam Lộ đang nỗ lực xây dựng.

Đền thờ vua Hàm Nghi - Điểm đến mới của du khách trong ngày Tết

Anh Vũ |

Ngoài các điểm tham quan, du lịch tâm linh như chùa Cam Lộ, Nhà Tằm Tân Tường, Cao điểm 241… thì năm nay huyện Cam Lộ có thêm một điểm đến mới cho người dân và du khách trong những ngày Tết đó là Đền thờ vua Hàm Nghi vừa mới được xây dựng tại di tích lịch sử Quốc gia thành Tân Sở, ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính (Cam Lộ, Quảng Trị).