A Bung ngày mới...

Thanh Hải |

Cách đây 5 năm, ngày 24/3/2020, tại xã A Bung, huyện Đakrông, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP. Huế) thực hiện bàn giao toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất, nhân khẩu, hộ khẩu hai thôn Pire 1 (Thôn 6) và thôn Pire 2 (Thôn 7) trước đây thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới để UBND tỉnh Quảng Trị quản lý theo Nghị quyết số 31/NQ-CP, ngày 13/5/2019 của Chính phủ.

 
Cầu Pire nối hai thôn Pire 1 và Pire 2 gần hơn với trung tâm xã A Bung, huyện Đakrông - Ảnh: N.T.H 
      

Sự “trở về” của vùng đất cũ và tên gọi mới sau sáp nhập hai thôn Pire 1, Pire 2 vào xã A Bung, huyện Đakrông, đã giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp địa giới hành chính kéo dài giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế với tỉnh Quảng Trị, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Già làng Hồ Văn Liên, thôn Pire 2, xã A Bung, huyện Đakrông bộc bạch, trước đây người dân hai thôn 6 và 7 thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới “không ưng bụng” chuyện tách nhập về với xã A Bung, huyện Đakrông, vì cái tên A Lưới tồn tại trong tâm thức họ lâu rồi. Nhưng những bất cập về địa giới hành chính do lịch sử để lại thì phải điều chỉnh để mở ra một giai đoạn lịch sử phát triển mới. Từ khi “trở về” thuộc địa giới hành chính xã A Bung, huyện Đakrông, chuyện tranh chấp đất đai nhập nhằng giữa hai địa phương không còn nữa, bà con yên tâm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Đặc biệt, sau ngày phân định địa giới hành chính hai xã A Bung - Hồng Thủy, bà con được chính quyền địa phương hai tỉnh quan tâm, hỗ trợ, được nhiều hơn mất một cái tên. Bà con ở A Bung và Hồng Thủy đều cùng chung dân tộc Pa Kô, văn hóa giống nhau nên hòa nhập dễ dàng.

Từ năm 2020 đến nay, chính quyền xã A Bung, huyện Đakrông đã dồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ xóa nhà tạm, hỗ trợ kỹ thuật và giống cây trồng cho hai thôn Pire 1, Pire 2 sau khi sáp nhập. Từ đó đời sống Nhân dân có nhiều cải thiện đáng kể. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng đều được hưởng thụ những chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Pire 2, xã A Bung Hồ Văn Tích, sau 5 năm sáp nhập trở về xã A Bung, huyện Đakrông, đời sống Nhân dân thôn Pire 2 có chuyển biến tích cực. Trên phần đất trước đây tranh chấp giữa xã Hồng Thủy với xã A Bung, giờ đây khi sáp nhập vào địa giới hành chính xã A Bung thì bà con không còn xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai như trước nữa. Có an cư rồi sẽ lạc nghiệp. Thôn Pire 2 hiện nay bình quân mỗi gia đình có khoảng 2 ha đất canh tác ổn định, không có tranh chấp, bà con yên tâm để đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó có hơn chục hộ gia đình canh tác với diện tích mỗi hộ trên 10 ha, đời sống người dân khá giả.

“Sau khi sáp nhập trở về với xã A Bung, gia đình tôi có 17 ha đất sản xuất không còn tranh chấp như trước đây. Tôi đã trồng 12 ha tràm và 5 ha sắn, nuôi hơn 10 con trâu, bò. Năm 2024, riêng thu nhập từ 5 ha sắn mang về cho gia đình gần 200 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình ở thôn Pire 2 sau sáp nhập về xã A Bung đất đai không còn bị tranh chấp nên yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống như gia đình tôi”, Bí thư Chi bộ thôn Pire 2, xã A Bung Hồ Văn Tích chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền, cho biết: “Sau khi sáp nhập hai thôn Pire 1 và Pire 2 về xã A Bung theo Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ, từ năm 2020 - 2023 huyện Đakrông và xã A Bung đã tập trung dồn nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia hơn 22 tỉ đồng để ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối, phục vụ dân sinh và sản xuất cho người dân hai thôn mới, gồm: cầu nối từ đường Hồ Chí Minh sang hai thôn Pire 1, Pire 2; nhà văn hóa thôn; điện chiếu sáng trục đường chính và đường bê tông trục thôn, xóm...

Địa phương cũng tập trung hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, lồng ghép từ các chương trình phát triển sản xuất cho bà con. Từ chỗ có hơn 80% hộ nghèo, đến nay hai thôn mới sáp nhập Pire 1 và Pire 2 có mức sống và thu nhập cao hơn mức bình quân chung toàn xã A Bung.

Đặc biệt, nhờ thực hiện phân định rõ địa giới hành chính nên đến nay không còn nhập nhằng chuyện tranh chấp đất đai, người dân ổn định tâm lý và sản xuất. Tình trạng một số đối tượng lợi dụng “tranh tối, tranh sáng” khu vực tranh chấp địa giới hành chính để chặt phá rừng, khai thác vàng trái phép trước đây cũng không còn. An ninh trật tự trên địa bàn đảm bảo. Nhân dân vui mừng, phấn khởi trước những thành quả cuộc sống mới”.

Nhiều năm trước đây, do tình trạng tranh chấp địa giới hành chính kéo dài, nên tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã A Bung, huyện Đakrông và xã Hồng Thủy, huyện A Lưới có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở thành điểm nóng.

Với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của chính quyền xã A Bung và huyện Đakrông ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư cho hai thôn Pire 1 và Pire 2 sau sáp nhập, cùng với sự đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, người dân ở đây luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Dù còn lưu luyến với tên gọi cũ ăn sâu vào tiềm thức, nhưng điều quan trọng là sau sáp nhập trở về với xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, dân làng có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc. Ngày mới bắt đầu từ lòng người vơi bớt lo âu, nghĩ về tương lai đoàn kết để xây dựng quê hương mới giàu đẹp hơn.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

TAGS

Khuyến khích phát triển dược liệu theo hướng bền vững

Minh Long |

Để khuyến khích phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, thời gian qua, Quảng Trị có nhiều chính sách, chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phù hợp. Nhờ đó, diện tích trồng cây dược liệu ngày càng được nhân rộng, tạo ra những sản phẩm dược liệu có giá trị, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Cần “tiếp sức” cho các tổ hợp tác phát triển

Thanh Trúc |

Tổ hợp tác (THT) được xem là bước đệm quan trọng để tiến tới thành lập hợp tác xã, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên như giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Nhiều THT đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của nông dân, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển và duy trì hoạt động của THT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Phát triển kinh tế từ chăn nuôi và trồng rừng

Nam Phương |

Đó là câu chuyện của anh Hồ Văn Phong (sinh năm 1981), ở thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Nhờ biết cách phát huy lợi thế của địa phương cùng sự cần cù, chịu khó, anh đã thành công xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi và trồng rừng ngay trên mảnh đất quê hương.

Đông Hà nỗ lực xây dựng thế hệ thanh niên phát triển toàn diện

Bảo Bình |

 Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 hướng đến mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc, có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Đông Hà, chiến lược phát triển thanh niên đã phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên tham gia phát triển KT - XH, giữ vững QP - AN, đồng thời tạo sự đồng thuận và quan tâm rộng khắp của toàn xã hội đối với thanh niên.

Đột phá phát triển, nâng tầm giáo dục Quảng Trị

Đăng Đức |

Nhiệm kỳ qua, ngành Giáo dục Quảng Trị đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đổi mới quản trị, tạo ra bước đột phá phát triển giáo dục và đào tạo.