Bên dòng sông đá đổ mồ hôi

Võ Thị Quỳnh |

Thời gian ở quê của tôi càng về sau càng ít, nhưng lòng tôi luôn dìu dịu đằm thắm nghĩ về… Tôi luôn tưởng tượng mình đang ngồi bên dòng sông đá đổ mồ hôi. Có lẽ không chỉ trong nước, mà chắc trên thế giới cũng không thể có con sông thứ hai do đá đổ mồ hôi nhiều đến mức chảy thành một dòng sông liêu trai như ở Quảng Trị.

Thạch Hãn nói với tôi rằng, mồ hôi khi mô cũng mặn nhưng vị ngọt là rất thật của dòng sông hình như luôn trong xanh hiền hòa mềm mại này. Bạn có bao giờ ngồi bên dòng sông như tôi và nghĩ về quê mình với rất nhiều tên bản, làng rất ý nghĩa: An Cư, Ái Tử, Bích Khê, Cam Tuyền, Cổ Lũy, Diên Sanh… Những làng nghề tên càng hay lạ: Cát Sơn (mộc chạm khắc), Phổ Lại (làm vôi và giấy), Bố Liêu (nón lá), Phương Ngạn (làm quạt giấy), Xuân Lâm (dệt chiếu), Lan Đình (đan lát đồ tre), Kim Long (nấu rượu)…

Bạn có bao giờ tha thiết mong được về dự tất cả các lễ hội của quê nhà? Tôi yêu lễ hội dân gian chợ đình Bích La (có tuổi đời trên mấy trăm năm), độc đáo, người người chuẩn bị, chờ đón lễ hội như đón chờ Tết Việt. Vì phiên chợ đặc biệt này chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm, đúng vào đêm mồng 2 rạng sáng ngày mồng 3 tết Nguyên đán…

Có một lễ hội rất lạ là lễ hội rước hến làng Mai Xá, để ghi nhớ một sinh vật nhỏ bé đã giúp người dân nơi này sống và làm nghề đầy sáng tạo.

Bến đò Tùng Luật – biểu tượng anh hùng bên dòng sông Bến Hải - Ảnh: M.L
Bến đò Tùng Luật – biểu tượng anh hùng bên dòng sông Bến Hải - Ảnh: M.L
Mai Xá là nơi có 99 cái cồn lớn nhỏ và truyền thuyết rất đáng yêu về trăm con chim hạc từ núi bay về, do thiếu một cái cồn, con hạc còn lại không có chỗ trú chân, khiến cả đàn cùng bay về phương Nam, đổ xuống làng Thế Lại, vùng đất hai bên bờ sông Hương, về sau nơi này trở thành kinh đô Huế…

Lễ hội Tổ đình Sắc Tứ và lễ hội rước kiệu ở nhà thờ La Vang tất nhiên mang sắc màu tôn giáo nhưng lại đầy chất nhân văn, vì người về dự có đạo hay ngoại đạo đa phần với tinh thần văn hóa khai phóng… Quảng Trị cũng là nơi có nhiều lễ hội đương đại thuần Việt, thuần Quảng Trị, mời gọi hấp dẫn như các lễ hội: đêm Thành Cổ, Trường Sơn huyền thoại, Thống nhất non sông, Nhịp cầu Xuyên Á…

Bạn có bao giờ trăn trở về ngọn núi song hành cùng dòng sông, để người Quảng Trị mình tự hào là người con của Non Mai sông Hãn? Tạm thời mời bạn theo cố nhà thơ Lương An thăm một trong những ngọn núi đẹp của quê nhà: “Mai Lĩnh, cái tên chữ của nó có nghĩa là “ngọn núi vú chuông”, hai sườn cân đối, chóp chĩa thẳng nhọn lên trời, dường như đánh vào thì sẽ thành tiếng ngân xa nghìn dặm. Từ Đông Hà, theo đường số 9 đi lên, khi qua khỏi Tân Lâm, hễ gặp sông Thạch Hãn thì thấy nó. Núi và sông như đôi tri kỷ không rời nhau, tăng thêm vẻ đẹp cho nhau. Mùa xuân hoa mai nở vàng, hoa chè nở trắng hai bên sườn thoai thoải. Một mùi hương dịu tỏa xa, ướp thêm hương vị cho dòng nước thêm trong, thêm thơm ngát”.

Và bạn có bao giờ ngồi bên dòng sông như tôi, để nhớ nhung về những con người Quảng Trị mà bạn kính yêu, trân quý, ngưỡng mộ, tự hào, thương mến thương…? Trong kho tình cảm, túi khôn của người bình dân xưa có khá nhiều câu ca gởi người đời sau lòng yêu đời vô bờ bến nhưng lạc quan nhất vẫn là bài ca dao Mười quả trứng.

Không phải vì đây là bài ca dao dài nhất, có tên đề trong cụm cùng chủ đề, mà vì tình cảnh của nhân vật ở đây đã rớt xuống vực thăm thẳm khó khăn, tuyệt vọng… Bạn có tìm đâu ra “tháng khốn tháng nạn” không? Tháng của quy luật đã không còn số đếm nữa mà thành “tháng khốn nạn” bị bẻ nát thành đôi, thành nỗi ám ảnh lo lắng uẩn ức khôn nguôi (Tháng Giêng tháng Hai/Tháng Ba tháng Bốn/Tháng khốn tháng nạn)…Tiền nhân của chúng ta không bỏ cuộc, dù khó khăn cứ chất chồng như núi. Vậy mà, kết bài lại là lời tự nhắc nhủ mình và nhắc nhớ những ai như mình: “Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”.

Lòng yêu đời và lạc quan như tiền nhân chúng ta đúng là vô cùng tận. Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng càng là một minh chứng hùng hồn hơn nữa. Chưa kể, ở Quảng Trị còn có những làng nghề “đặc biệt” như: Nại Cửu (làng dạy học), Tùng Luật, Vĩnh Hoàng, Như Lệ (làng nghệ sĩ),…Tiền nhân chúng tôi như thế. Chúng tôi hôm nay cần xứng đáng với tiền nhân. Chúng tôi muốn gom thật nhiều hương hoa, hồn người Quảng Trị để bước tới tương lai với “tốc độ hoa”. Tôi muốn như nhà văn Trần Trà My có “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, “Yêu…trên từng ngón tay”, “Tin vào điều tử tế”… Tôi muốn mọi người yêu thương nhau và vươn lên, vượt qua nghịch cảnh bằng tâm hồn trong sáng.

Tôi muốn được hiến tạng như cô giáo dạy âm nhạc tại Trường Tiểu học Hùng Vương (Đông Hà) Nguyễn Thúy Hương - người đã qua đời sau những ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư nhưng vẫn luôn mỉm cười, luôn hiến dâng cho đời nhiều yêu thương mật ngọt…Tôi muốn ôm hôn tất cả những ai luôn biết trân quý, tự hào mình là người con của mảnh đất này...

Và tôi muốn như nhà thơ - nhà giáo Võ Thị Nguyên (Đông Hà) nhắc nhớ mình nói lời cảm ơn”: “Ngọn gió cảm ơn dòng sông/Đã làm vơi bớt oi nồng/Sông khẽ mỉm cười gợn sóng/Cảm ơn gió có tấm lòng/Ngọn gió cảm ơn ngàn xanh/Đã tặng dịu mát trong lành...”.

Sau lời mời chân thành “Eng về Quảng Trị đi eng” của nhà thơ Ngọc Hồ, tôi muốn cùng cố nhạc sĩ - cô giáo Nguyễn Thúy Hương hỏi thiệt và mong được trả lời: rứa khi mô anh về…bên dòng sông đá đổ mồ hôi?

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần sớm tu bổ các hạng mục xuống cấp ở Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Lê Trường |

Trải qua một thời gian khai thác, mặc dù đã được phục dựng, tôn tạo nhưng đến nay, nhiều hạng mục quan trọng của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Đồng ý đầu tư 2 dự án tại khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải

P.V |

Đồng ý về mặt nguyên tắc chủ trương đầu tư đối với 2 dự án: “Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị”; dự án “Công viên thống nhất tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, tỉnh Quảng Trị” - đó là kết luận do UVTƯ Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng thay mặt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa mới ký ban hành sau khi Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế- xã hội.

Báo cáo đồ án quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Cảng Quân sự Đông Hà

Thanh Hải |

Ngày 8/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe Sở VH,TT&DL báo cáo đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Cảng Quân sự Đông Hà.

Gìn giữ văn hóa cồng chiêng nơi thượng nguồn Bến Hải

Trần Tuyền |

Nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), bao đời nay gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Trong những dịp lễ hội của bản làng hay các đám giỗ, việc cưới, việc tang... tiếng cồng chiêng ngân vang giữa bao la đại ngàn đã góp phần gắn kết cộng đồng, hướng dân bản đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.