Cần sớm tu bổ các hạng mục xuống cấp ở Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Lê Trường |

Trải qua một thời gian khai thác, mặc dù đã được phục dựng, tôn tạo nhưng đến nay, nhiều hạng mục quan trọng của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Trong đó, cầu Hiền Lương lịch sử phục dựng và nhà trưng bày cấp thiết cần được trùng tu, tôn tạo để đảm bảo mỹ quan, tính an toàn trong quá trình sử dụng.

Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có diện tích 9 ha gồm các hạng mục: Nhà trưng bày lịch sử; cột cờ giới tuyến; nhà liên hợp; đồn công an; cầu Hiền Lương lịch sử; các dàn loa; tháp canh...Trong đó, cầu Hiền Lương lịch sử được phục dựng vào năm 2003 theo thiết kế cầu sắt của Pháp xây dựng vào năm 1952.

Cầu có 7 nhịp với chiều dài 189 m, rộng 11,5 m. Tháng 3/2014, cầu Hiền Lương lịch sử được sơn 2 màu, màu xanh hòa bình ở bờ Bắc và màu vàng ở bờ Nam giống màu sơn cầu trước năm 1960.

Trải qua thời gian, dưới tác động của thời tiết khắc nghiệt, hiện một số hạng mục của cầu xuống cấp nghiêm trọng. Quan sát trực tiếp cho thấy, phần kết cấu thép của cầu đã bị han rỉ, thậm chí một số chỗ bị mất cấu kiện; mặt cầu ốp gỗ bị mục và co ngót, nhiều vị trí bị mất thanh gỗ mặt cầu.
Các thanh sắt, điểm đấu nối trên thành cầu Hiền Lương lịch sử bị gỉ sét khiến ốc vít bung ra - Ảnh: L.T
Các thanh sắt, điểm đấu nối trên thành cầu Hiền Lương lịch sử bị gỉ sét khiến ốc vít bung ra - Ảnh: L.T
Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải Lê Thị Tố Hoài cho biết, sau một thời gian đưa vào sử dụng, đến nay, nhiều hạng mục trong di tích đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Mặc dù có sửa chữa, tu bổ hằng năm nhưng từ sau đợt mưa lũ vào năm 2020 thì các hạng mục càng ngày càng hư hỏng nặng.

Ngày 29/3/2022, thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải, nhằm đảm bảo an toàn các công trình cầu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) quản lý, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức đoàn kiểm tra tình trạng kỹ thuật và khai thác cầu Hiền Lương lịch sử phục chế.

Kiểm tra cho thấy, qua quá trình khai thác sử dụng, hiện hệ dầm dọc, dầm ngang xuất hiện bong tróc lớp sơn và rỉ rét; nhiều vị trí, đặt biệt là hệ thống bulông liên kết giữa dầm ngang với giàn chủ, giữa thanh chống xiên và giằng đỉnh, giữa các bệ kê gối bị rỉ rét hoàn toàn làm mất khả năng chịu lực.

Ngoài cầu Hiền Lương, tại nhà trưng bày nhiều đai đặt các hiện vật bị mục do mối mọt, một số kệ đỡ, tường làm bằng thạch cao bị bong tróc, thủng lỗ. Tại khu vực kỳ đài, cột cờ phần đế bị lún sụt, gạch lát bong tróc, tường xây bị mục vửa trát; hệ thống ròng rọc vận hành khó khăn; bản đồ Việt Nam mặt trước kỳ đài bị lún.

Hiện trạng toàn bộ mái tranh, cột gỗ của nhà liên hợp bị mục nát, sàn và trần gỗ mối mọt…“Mong muốn cấp thiết của chúng tôi là các cấp, ngành có thẩm quyền sớm đầu tư trùng tu, sửa chữa các hạng mục trên để việc khai thác, phục vụ hoạt động du lịch tốt hơn và đảm bảo an toàn. Trước mắt, chúng tôi chỉ cho phép lượng khách dưới 200 người lên cầu một lần và hạn chế việc chạy nhảy trên cầu”, bà Hoài thông tin.

Đối với hạng mục cầu Hiền Lương, qua kiểm tra, Sở GTVT đã có báo cáo tình trạng kỹ thuật và khai thác cầu Hiền Lương lịch sử gửi Sở VH,TT&DL.

Theo đó, để đảm bảo kéo dài tuổi thọ, an toàn cho công trình cầu và an toàn cho người dân, du khách tham quan, Sở GTVT đề nghị đơn vị quản lý hạn chế cho người qua lại cầu.

Đồng thời, sớm lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát chi tiết các mức độ hư hỏng, đánh giá độ an toàn trong khai thác công trình, đề xuất phương án bảo trì, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới thay thế.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, lãnh đạo Sở VH, TT&DL tỉnh cho biết, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và đề nghị của Sở GTVT, đơn vị đã có đề xuất lên các cấp.

Ngày 9/2/2023, UBND tỉnh có tờ trình gửi Bộ VH,TT&DL về việc đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Cụ thể, tổng diện tích lập quy hoạch khoảng hơn 104 ha với vốn đầu tư gần 1.800 tỉ đồng trong giai đoạn 2023 - 2030.

Trước đó, ngày 29/11/2022, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 79/ NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Công viên Thống nhất tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với tổng vốn 80 tỉ đồng. Mục tiêu dự án nhằm đầu tư tu bổ, bảo tồn Công viên Thống Nhất tại đây trở thành công viên chuyên đề lịch sử, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, phát huy hiệu quả và giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di tích.

Giám đốc Sở VH,TT&DL Lê Minh Tuấn cho biết, trước mắt, việc khai thác du lịch tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải vẫn được diễn ra.

Tuy nhiên, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của một số hạng mục, trong đó có cầu Hiền Lương lịch sử, đơn vị đã chỉ đạo Ban Quản lý khu di tích, đối với các đoàn du khách đông, đề nghị chia thành từng nhóm nhỏ khi qua cầu tham quan nhằm đảm bảo an toàn.

“Đến nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang hoàn tất các thủ tục liên quan đến dự án Công viên Thống nhất nói trên.

Dự kiến, thời gian tới, nếu được triển khai thực hiện, riêng đối với cầu Hiền Lương lịch sử sẽ thay thế một phần khung kết cấu sắt, thép cấu tạo cầu đã rỉ rét, hư hỏng; thay thế phần gỗ bề mặt cầu theo nguyên bản; sửa chữa mố cầu...”, ông Tuấn thông tin.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gio Linh chú trọng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Hoài An |

Những năm qua, huyện Gio Linh (Quảng Trị) luôn chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đơn vị liên quan và Nhân dân, công tác đầu tư, tôn tạo các di tích được thực hiện hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, trở thành những điểm đến hấp dẫn về du lịch đối với du khách trong nước, quốc tế.

Khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch

Thanh Trúc |

Thị xã Quảng Trị gắn với nhiều di tích lịch sử, chiến tranh cách mạng. Vì thế, việc phát huy các giá trị lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cũng như phát triển du lịch là yêu cầu và mục tiêu phát triển của thị xã.

Đồi A Bia được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia

Bảo Phú |

Địa điểm Chiến thắng Đồi A Bia (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) chính thức được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.

Tình bạn đẹp bên cầu Hiền Lương

Quốc Nam |

Cùng là cảnh sát gác ở cầu Hiền Lương nhưng ở hai phía đối diện khi đất nước còn chia cắt, hai người đàn ông gặp lại nhau một cách tình cờ khi đất nước đã thống nhất. Suốt 20 năm kể từ ngày gặp lại đó, họ đã trở thành những người bạn tri kỷ, thâm giao như chưa từng ở hai bên chiến tuyến. Nay một người đã qua đời vì bạo bệnh nhưng ký ức về ông vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại.