Tình bạn đẹp bên cầu Hiền Lương

Quốc Nam |

Cùng là cảnh sát gác ở cầu Hiền Lương nhưng ở hai phía đối diện khi đất nước còn chia cắt, hai người đàn ông gặp lại nhau một cách tình cờ khi đất nước đã thống nhất. Suốt 20 năm kể từ ngày gặp lại đó, họ đã trở thành những người bạn tri kỷ, thâm giao như chưa từng ở hai bên chiến tuyến. Nay một người đã qua đời vì bạo bệnh nhưng ký ức về ông vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại.

Người cảnh sát bờ Bắc tên là Lê Xuân Lực, hiện trú tại đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Đông Hà. Còn người lính phía đối diện tên Huỳnh Đức Trình, còn gọi là Quyết, trú ở bản Pa Nho, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, đã qua đời.

Xếp lại quá khứ

Ông Lực nay đã bước qua tuổi 81. Dấu vết của tuổi già đã “đè” trĩu vai. Còn ông Trình - sau 20 năm tái ngộ người bạn bên kia cầu - đã ra đi vì bạo bệnh. Tuy nhiên, ký ức về người bạn tri kỷ này vẫn rõ mồn một trong tâm trí ông Lực.

Là ranh giới chia cắt hai miền hơn 20 năm, cầu Hiền Lương là hiện thân cho khát vọng hòa bình của người dân hai miền Nam Bắc - Ảnh: Q.N
Là ranh giới chia cắt hai miền hơn 20 năm, cầu Hiền Lương là hiện thân cho khát vọng hòa bình của người dân hai miền Nam Bắc - Ảnh: Q.N

Câu chuyện giữa ông Lực và người tên Trình này bắt đầu từ ngay trên cầu Hiền Lương thời chia cắt. Một nửa cầu phía Bắc thuộc miền Bắc xã hội chủ nghĩa; nửa cầu phía Nam thuộc chính quyền Sài Gòn. Ông Lực là cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ cầu bên bờ Bắc. Ông Trình là cảnh sát ở bờ Nam. Chính nhờ ranh giới làm việc cách nhau chỉ hơn trăm bước chân này mà ông Lực quen biết tất cả những người cảnh sát bên bờ Nam, trong đó có ông Trình.

Khoảng vào năm 1967, khi bom đạn dội xuống dữ dội ở khu vực giới tuyến thì lực lượng cảnh sát canh gác hai bên cầu không còn làm nhiệm vụ nữa. Từ đó, ông Lực không còn gặp ông Trình cũng như những người lính bờ Nam. Ông Lực sau đó bị thương nên đi học Trường Cao đẳng Văn hóa ở Hà Nội rồi về làm ở Ty Văn hóa Bình Trị Thiên thời chưa chia tách tỉnh. Và trong chuyến công tác ở Khe Sanh (Hướng Hóa) giai đoạn đầu những năm 80, ông đã bất ngờ gặp lại ông Trình. “Tui từ nhà khách của huyện đi ra chợ Khe Sanh. Tui ghé lại một sạp bán đầy măng, mít, dứa ở cuối chợ. Người đàn ông khoảng gần ngang tuổi là chủ sạp đang lúi húi sắp hàng thì chợt ngước nhìn lên vị khách trước mặt. Tui cũng ngờ ngợ điều chi đó”, ông Lực nhớ lại.

Hai người đàn ông cứ đứng ngớ người nhìn nhau khá lâu mới dám mở lời. Người bán măng hỏi: “Có phải anh Lương không?”. Lương chính là bí danh khi hoạt động ở giới tuyến của ông Lực, nên ông càng ngạc nhiên hơn khi có người biết đến. Năm tháng chiến trận làm ông Lực dường như chưa nhận ra người đối diện. “Trình, cảnh sát bờ Nam đây” - ông Lực vẫn nhớ rõ lúc đó người bán măng tự chỉ tay vào ngực mình nói nhỏ.

Một hành động sau đó mà có lẽ ngay cả hai người đàn ông đều chưa bao giờ nghĩ là nó sẽ xuất hiện trong đời mình:

Ngay giữa góc chợ, hai người đàn ông từng ở hai bên chiến tuyến bá vai bá cổ nhau vui mừng như những người bạn thân lâu ngày gặp lại. Ngay trong chiều ngày hôm đó, ông Trình kéo ông Lực về nhà riêng ở bản Pa Nho cách đó vài cây số. Suốt buổi tối, bên ly rượu ấm nồng, hai người đàn ông ngồi hàn huyên. Ông Lực hiểu chuyện trước đây hai người từng phục vụ hai phía đối lập nhau nên mở lời ngay từ cốc rượu đầu tiên: “Giờ bỏ qua hết chuyện cộ (cũ) đi nghe, đừng nhắc nữa. Nay hòa bình rồi. Thống nhất là một rồi. Nên cứ làm bạn với nhau thôi hi”. Hiểu ý ông Lực, ông Quyết với tay vặn to cây đèn dầu trước mặt, ngửa cổ uống cạn chén rượu đang cầm rồi gật gật đầu.

“Thống nhất rồi, là người một nhà”

Ông Quyết sau khi giải ngũ đã lấy vợ và sinh con. Cuộc sống sau đó quá khó khăn nên ông đưa cả gia đình lên miền núi Hướng Hóa để làm kinh tế mới. Ông phát rẫy trồng ngô và có thêm một khu vườn khác ở ven sườn đồi trồng dứa nên cuộc sống những năm sau đó cũng có đỡ hơn. Ông Lực “cảm” được sự chân chất thật thà của ông Quyết qua những câu chuyện như vậy nên rất nhiều lần sau đó mỗi khi có việc lên công tác ở Hướng Hóa đều tranh thủ vào bản Pa Nho thăm bạn. Có một lần vào năm 1998, ông còn rủ thêm một người bạn của mình là ông Nguyễn Hữu Ái, thời điểm đó là Trưởng phòng Văn hóa huyện Hướng Hóa vào nhà ông Quyết uống rượu chung. Thời điểm đó ông Lực chỉ nói với ông Ái rằng đây là một người bạn cũ của ông chứ không nhắc gì đến chuyện quá khứ.

Ông Lê Xuân Lực vẫn chưa quên ký ức về người bạn tri kỷ từng ở bên kia chiến tuyến - Ảnh: Q.N
Ông Lê Xuân Lực vẫn chưa quên ký ức về người bạn tri kỷ từng ở bên kia chiến tuyến - Ảnh: Q.N

Sau đó một thời gian, có hôm ông Lực đang ở cơ quan thì bảo vệ báo có người xách theo cả bao bắp ngô và ôm quả mít đến tìm. Ông Lực chạy ra thì thấy ông Quyết, nên kéo luôn bạn về nhà chơi. Ông Quyết nói ngày mai sẽ vào thăm quê cũ ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) và muốn ông Lực đi cùng. Nghe lời rủ của bạn, ông Lực gật đầu luôn. Hai người bạn rong ruổi thêm một ngày một đêm ở Huế. Ông Lực nói những năm đó ông như “quên” hẳn việc hai người đã từng ở hai chiến tuyến. “Thực chất đều là chung một dòng máu, chung một màu da. Chỉ là khi đất nước chia cắt thì mỗi người đều phải làm nhiệm vụ riêng. Còn giờ đất nước thống nhất rồi, như người một nhà cả”, ông Lực nói.

Ông Lực sau nhiều năm làm Trưởng phòng Văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị nay đã nghỉ hưu và dành thời gian cho việc sáng tác dân ca. Cho đến hiện tại, dù sức đã yếu, chân bị thấp khớp đi lại vô cùng khó khăn nhưng ông vẫn đeo đuổi việc sáng tác. Từ sau khi nghỉ hưu, sức khỏe yếu, ông ít có cơ hội ngược lên miền núi Hướng Hóa thăm bạn cũ. Năm 2015, qua một người quen ở Hướng Hóa về chơi, ông nhận được tin ông Quyết đã qua đời vì bạo bệnh nhưng thời điểm đó, ông không thể thực hiện được một chuyến hành trình ngược núi dài như thế nữa. Có một khoảng trống lớn xuất hiện trong đầu ông suốt mấy ngày.

“Dù gì thì chúng tôi cũng đã từng coi nhau như những người bạn. Thậm chí là một mối quan hệ thâm giao và chân thành dài đến hai chục năm. Quá khứ trước đó đã ngủ yên rồi”, ông Lực nói. Trong câu chuyện với chúng tôi về giai đoạn chia cắt ở cầu Hiền Lương, ông Lực kể qua nhiều lần tiếp xúc, dường như hai bên đều ý thức được mỗi bên chỉ đang cố gắng làm tròn nhiệm vụ được giao. Lúc không phải làm nhiệm vụ, những người lính hai bên cầu vẫn trò chuyện cùng nhau. Nên chuyện ông với ông Quyết vẫn có thể coi nhau như bạn bè thâm giao suốt 20 năm cũng là điều dễ hiểu.“Mỗi tuần cả bốt cảnh sát bên bờ Bắc được cấp một cây thuốc lá. Mỗi người mỗi ngày chỉ được hút vài điếu. Cả lính bên bờ kia cũng thế. Nhưng khi gặp nhau trên cầu, hai bên rút thuốc ra mời nhau. Có khi cuối tuần còn qua giao lưu đá bóng với nhau nữa”, ông Lực kể.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cầu truyền hình tái hiện ký ức bi hùng của mảnh đất thép Quảng Trị

Minh Thu |

Qua thông điệp 'Chung một dòng sông,' chương trình kể những câu chuyện về tình yêu bị chia cắt hai miền, câu chuyện về tình đồng bào giữa những người lính ở hai bên bờ chiến tuyến.

Tháo dỡ các hạng mục trang trí cầu Đại An

Lê Trường |

Ngày 24/4, phóng viên báo Quảng Trị Online ghi nhận, các hạng mục trang trí trên cầu Đại An ở đường Hùng Vương, TP. Đông Hà bắt đầu được tháo dỡ. 

Du lịch toàn cầu sẽ phục hồi mạnh về mức trước đại dịch vào 2023

PV |

Ngành công nghiệp này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,8% từ năm 2022-2032 so với mức tăng 2,7% của GDP toàn cầu vào cùng giai đoạn.

Bảo quản, tu bổ Di tích lịch sử 'Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải'

Chí Kiên |

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt 'Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải' trở thành địa điểm nghiên cứu, tìm hiểu, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, giải phóng Tổ quốc cũng như khát vọng hòa bình của dân tộc.