Có một vị Bồ tát bằng xương, bằng thịt, giữa cuộc đời, thậm chí giữa chợ đời để làm lợi ích cho cuộc đời của một chúng sinh từ cái ăn, cái mặc, hạnh phúc cho tương lai nhưng chúng ta ít khi nào biết đến – Bồ Tát giữa chợ đời.
Thông thường nhắc đến Phật, nhắc đến Bồ Tát thì chúng ta cứ đến bàn Phật mà đảnh lễ vì đó được mặc định là một việc làm có công đức, có lợi ích. Nhưng mà có một vị Bồ tát bằng xương, bằng thịt, giữa cuộc đời, thậm chí giữa chợ đời để làm lợi ích cho cuộc đời của một chúng sinh từ cái ăn, cái mặc, hạnh phúc cho tương lai nhưng chúng ta ít khi nào biết đến – Bồ Tát giữa chợ đời.
Bởi vì tất cả chúng ta cứ xem như đấng sinh thành, cha mẹ là một người trần thế, là một người thế tục, còn đó hỷ, nộ, ái, ố. Nhưng bạn biết không? Có những bậc Bồ tát vẫn còn hỷ nộ, ái ố nhưng họ là một bồ tát tuyệt vời, một Bồ tát không ngôi vị!
Bồ Tát luôn được hiểu là người có tình thương bao la, bao dung và che chở cho chúng ta, ban tặng cho chúng ta những điều cần thiết. Và vị Bồ Tát đó không phải là ai xa lạ, không phải ở trên cao hay ở miền rừng núi, không phải là người có thần thông và khó tìm kiếm, mà ngay đây: Chính là cha mẹ chúng ta!
Cuộc đời của cha mẹ chúng ta chịu thương chịu khó giữa cuộc đời để hy sinh cho các con từng chén cơm, manh áo, từng sự hạnh phúc trong cuộc đời bằng tất cả khả năng của mình. Có thể một Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Di Lặc mặc dù công đức của ngài là vô lượng, vô biên, vĩ đại nhưng tự thân giữa cuộc đời này chúng ta chưa bao giờ trực tiếp được cảm nhận được hạnh nguyện, sự ban tặng, hay việc làm nào thiết thực đối với chúng ta.
Nhưng, chúng ta luôn cảm nhận được một người mẹ đội mưa, đội nắng đi giữa chợ đời bán từng ngọn rau, bán từng cây củi, bán cái này cái kia để tìm cho con được no ấm. Như vậy những người đó đối với tự thân mỗi chúng ta, đó có phải là một vị Bồ tát không ngôi vị của cuộc đời chúng ta không?
Rồi đôi khi một lời nói, hành động vô tình chúng ta thấy có lỗi với Bồ tát Địa Tạng, Bồ Tát Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta sợ tội, sợ bị trừng phạt. Còn với cha mẹ chúng ta lại xem đó là bình thường, đâu có trừng phạt ghê gớm thành ra chúng ta đâu có sợ. Vì thế chính chỗ đó mà chúng ta trở thành một người sai lầm, tội lỗi rất vô tình trong cuộc đời của chính mình.
Chúng ta đảnh lễ, cúng dường các vị Phật, các vị Thánh, các vị Bồ tát cũng sinh ra công đức vô lượng, nhưng vì sao chúng ta quên đi công đức từ việc phụng dưỡng, hiếu thảo với cha mẹ?
Đức Phật đã dạy chúng ta rằng “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”, nghĩa là trong cuộc đời nếu chúng ta sinh ra mà không gặp Phật thì chúng ta phụng dưỡng và lo lắng cho hai đấng sinh thành thì công đức này cũng ngang bằng như công đức mà chúng ta cúng dường cho một vị Phật. Cho nên có những cái có công đức đâu có kém đâu mà chúng ta lại vô tình như thế?
Mẹ cha là một vị Bồ tát sống, sẵn sàng hi sinh thân mạng và danh dự của mình một cách vô điều kiện cho chúng ta. Vì con thơ, cha mẹ có thể làm bất kỳ việc gì, thậm chí vi phạm luật pháp nhưng về mặt tình thấy rất là đau xót. Từ những chuyện làm vi phạm luật pháp mà bị xã hội ruồng bỏ, coi thường đó, nhưng người này bất chấp để có được đồng tiền để cho con chai sữa, hay chén cơm manh áo, để cho con được tung tăng đến trường đến lớp như tất cả mọi người.
Ấy thế mà có một số người con nghe xã hội nói là làm nghề này nghề kia, hành động thế này thế kia rồi lại cảm thấy hổ thẹn. Cho dù mẹ mình là một người ăn mày để tạo cho mình được bước chân đến lớp, được quần áo đẹp, sách vở tốt thì cũng là mẹ của mình, tại sao lại mắc cỡ với chúng bạn? Trong khi những người khác người ta có những cái ăn sang mặc đẹp nhưng mà người ta lo cho mình được cái gì? Người ta lo cho mình được chén cơm không? Được mảnh áo không? Còn ba mẹ mình là những người mình từng xem thường như vậy nhưng hình hài này ai cho? Cho nên chúng ta nhớ đến hai câu thơ:
Hình hài con khi còn là hạt bụi
Lớn lên dần qua tim mẹ bao dung
Thậm chí chín tháng mười ngày người ta nghỉ, để người ta dưỡng thai, có những bà mẹ chẳng có một thời gian nào để nghỉ cả, nghỉ rồi lấy cái gì để nuôi cái thai này, nghỉ lấy cái gì để mua sữa, mua tả lót cho nó đây?
Vì thế, cho dù là có Phật tử hay không, cho dù có đạo Phật hay không, tất cả một tín ngưỡng, một giáo lý, một học thuyết mà phủ nhận công đức sinh thành của cha mẹ như thế để quên nghĩa thâm tình thì nó được xem như một loại rác rưởi, không có giá trị ở cuộc đời này. Không thể nào chấp nhận với những tín điều như vậy !
Đời có thể thầm lặng, lơ là với chúng ta, chúng ta có thể đau khổ về một cuộc tình, chúng ta có thể đau khổ vì ai gạt gẫm, chúng ta đau khổ vì chồng chê vợ bỏ thì xã hội dòm dòm chỉ nhìn chúng ta thôi, bạn bè đến rồi nói rằng: Thôi cố gắng đi nó không chung thủy với mình thôi mình đi tìm người khác.
Rồi ai cũng về nhà nấy, nhưng mà mình có biết đâu, một người không bao giờ gạt mình, một người không bao giờ hết lo lắng cho mình mà mình có thể đi mọi nẻo đường không tìm được, cuối cùng quay trở về, đó là nơi mình từng từ bỏ, nơi mình từng xem thường, nơi mà đã từng quên đi, lại là một nơi là tổ ấm cho chính chúng ta. Cho nên có những người sau khi đi rồi, thất bại giữa cuộc đời, bị cuộc đời từ bỏ, chà đạp, lợi dụng rồi mới nói:
Cơm người khổ lắm mẹ ơi
Chẳng như cơm mẹ chỉ ngồi xuống ăn
Một con người mà suốt đời chúng ta không quên là cha và mẹ. Ngoài đời người ta lo cho chúng ta một chiếc áo, cho chúng ta một bữa ăn thôi, chúng ta nhớ, họ nhớ rồi mang nặng ân nghĩa nhau. Nhưng cha mẹ cho chúng ta cả một cuộc đời, có người lại không nhớ mà lại toan tính chi li.
Có một cậu bé cũng chừng tám tuổi, khi đó cậu đã được đi học đến trường nhưng cậu bé này được chăm sóc rất kỹ, được ba mẹ dặn hoài nhưng cũng không bao giờ để ý đến việc làm đó, vẫn bê bối. Một hôm khi người mẹ đang làm buổi ăn trưa cho gia đình, thì cậu bé mới xách một tờ giấy chạy vào bếp lo cho mẹ vài dòng như thế này:
Mẹ hôm nay con đã làm những việc rất tốt, bây giờ mẹ phải trả tiền cho con. Bây giờ mẹ coi cái hóa đơn này, con viết con đưa cho mẹ.
Người mẹ đọc cái hóa đơn đó như thế này:
Sáng hôm nay con thức dậy sớm con cắt cỏ vườn cho mẹ – 5 đồng. Sáng hôm nay con tự đánh răng, súc miệng, rửa mặt và tự thay đồ – 3 đồng. Sáng hôm nay con tự xếp mùng mền ngăn nắp, con sửa lại bàn học, kệ sách của mình ngăm nắp – 8 đồng. Cậu nói: Mẹ tính hóa đơn này cho con.
Người mẹ cầm hóa đơn con trong tay, người mẹ lật bề trái viết:
Mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày – miễn phí. Ba tháng cho con sữa nuôi, tả lót, áo quần – miễn phí. Lớn lên dép giày con đi học, bệnh viện thuốc thang cho con để ngày hôm nay con có mọi thứ – miễn phí. Rồi đưa hóa đơn cho cậu bé, cậu bé hổ thẹn quá ôm mẹ khóc. Đây là hành động của cậu bé nhưng chúng ta thấy dường như hình ảnh của cậu bé cũng ẩn hiện đâu đó trong con người chúng ta. Chúng ta đi đâu về, chúng ta mua cái gì đó chúng ta cũng: Má, hai chục ngàn. Ba, ba chục ngàn, để đó đi chừng nào đủ trăm ngàn rồi lấy. Nhưng mà đôi khi cha mẹ trả chúng ta, họ cũng đâu nói gì.
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mất tầng trời cao
Đố ai đếm đủ vì sao
Đố ai đếm được công lao mẫu từ.
Vì vậy, bài chia sẻ "Bồ Tát giữa chợ đời" muốn gửi gắm một thông điệp rằng: Một vị Bồ tát mà chúng ta thấy rằng không có ngôi vị, không có gì hết, một vị Bồ tát còn tham, còn sân, còn si mà đó là một vị Bồ tát mà ta không thể tính kể.
Chân lý về đạo hiếu với cha mẹ chính là đạo lý làm người của dân tộc ngàn đời không phai được. Ai không có đạo lý này là sự thiếu xót vô cùng lớn và không thể xác định người đó là một con người. Cho nên chúng ta đừng bao giờ suy nghĩ những cái hạn hẹp của chúng ta để trở thành một người con bất hiếu.
(Nguồn: Phật giáo)