Trong những năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khu dân cư, gia đình đoàn viên, hội viên và Nhân dân thi đua thực hiện có hiệu quả 5 nội dung cuộc vận động, qua đó đã tạo được phong trào thi đua sôi nổi, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu.
Đến nay, toàn huyện Cam Lộ đã có 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Cam Chính được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. 59/104 khu dân cư xây dựng khu dân cư kiểu mẫu nông thôn mới, đô thị văn minh. Huyện Cam Lộ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Những thành quả đó là sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và Nhân dân huyện Cam Lộ, trong đó các tôn giáo trên địa bàn huyện có sự đóng góp hết sức ý nghĩa.
Từ năm 2017, Mặt trận huyện phối hợp với Công an huyện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, các mô hình, nội dung kế hoạch đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, thực hiện hiệu quả 5 nội dung cuộc vận động và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Hiện nay trên địa bàn huyện Cam Lộ có 10 cơ sở thờ tự, trên 4.000 tín đồ Phật giáo. Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, nhiều tăng ni, phật tử luôn quan tâm phối hợp với Mặt trận huyện để triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện đã vận động ban hộ tự các chùa, niệm phật đường, tịnh xá trên địa bàn huyện hưởng ứng và tham gia tích cực, xây dựng nội dung tuyên truyền, gắn việc tuyên truyền với việc giảng pháp đến các tăng ni, tín đồ phật tử để nêu cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Coi trọng việc giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; thường xuyên đưa giáo lý của nhà Phật vào thực tiễn cuộc sống bằng những bài giảng thiết thực cho các phật tử có tâm thức hướng thiện, khuyên bảo con cháu trong gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân; thực hiện ba an toàn là: “An toàn về người, an toàn về tài sản và an toàn về công tác phật sự”. Đồng thời tích cực vận động gia đình tín đồ phật tử ký cam kết với chính quyền trong việc giáo dục, quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, ra sức bảo vệ tài sản nơi thờ tự, tài sản, tính mạng của bản thân và của Nhân dân.
Để mô hình phát huy hiệu quả ở cơ sở, ban trị sự luôn trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, chính quyền các xã triển khai các bước cụ thể tại tất cả các cơ sở phật giáo trên địa bàn huyện. Định kỳ luân phiên, các chùa, tịnh xá, niệm phật đường đều đăng cai tổ chức hội nghị trực báo đánh giá tình hình hoạt động hằng quý, 6 tháng, 1 năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ cho thời gian tới. 10/10 ban hộ tự các chùa, tịnh xá, niệm phật đường được hướng dẫn thực hiện theo trình tự thống nhất.
Việc sinh hoạt mô hình được diễn ra vào ngày 14 âm lịch hằng tháng tại các cơ sở phật giáo do chức sắc trụ trì các chùa, tịnh xá, hoặc ban hộ tự các niệm phật đường chủ trì điều hành hoạt động của mô hình. Các nội dung sinh hoạt bao gồm: Thông báo tình hình về an ninh trật tự, tuyên truyền pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội để bà con phật tử và Nhân dân nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Các nội dung tuyên truyền thiết thực, xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của tăng ni, đồng bào phật tử để nêu cao tinh thần tự giác, tự nguyện của tăng ni và đồng bào phật tử trong đảm bảo an ninh trật tự; gắn hoạt động của mô hình với sinh hoạt và các nghi lễ tín ngưỡng phật sự được bà con phật tử hưởng ứng thực hiện.
Ngoài ra, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện kêu gọi tăng ni, bà con các gia đình phật tử hưởng ứng, đồng hành với chính quyền và Nhân dân cùng chung tay đóng góp sức người, sức của thực hiện những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các hoạt động nhân đạo, từ thiện như chủ trì tổ chức việc đền ơn đáp nghĩa tại các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn huyện nhân dịp 27/7 hằng năm để tri ân các anh hùng liệt sĩ; vận động các tổ chức và cá nhân trong và ngoài giáo hội ủng hộ với số tiền trên 5 tỉ đồng để hỗ trợ các gia đình khó khăn bị thiên tai, học sinh nghèo vượt khó; nuôi dạy các cháu khuyết tật tại cơ sở từ thiện của Tịnh xá Ngọc Lộ. Bên cạnh đó, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức tôn giáo bên ngoài ủng hộ xây dựng 2 ngôi nhà tình thương cho 2 hộ nghèo trị giá hơn 80 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoàng Bá Tiệu cho biết: “Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực trong việc vận động các phật tử tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Quá trình thực hiện mô hình đã góp phần lan tỏa trong quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực chủ động ngăn ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm, làm giảm đáng kể những vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình này, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục phối hợp với Công an huyện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện chú trọng công tác tuyên truyền vận động các tăng ni, phật tử hưởng ứng tham gia mô hình, đồng thời phát huy vai trò, uy tín của các chức sắc, chức việc để mô hình thực sự trở thành điểm mới trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)