Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác, khuôn khổ quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” vào năm 2002 lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2006, “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2009 và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” vào năm 2014.
Tuy nhiên, theo các tài liệu nghiên cứu, việc kết nối giao thương giữa Nhật Bản- Việt Nam được bắt đầu từ rất lâu và khởi đầu chính từ đất Quảng Trị với những quyết sách đúng đắn cùng tầm nhìn vượt trước thời đại của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Dấu ấn giao thương Việt - Nhật từ Quảng Trị
Theo nhiều tài liệu cổ của Nhật Bản, ngay từ rất sớm Nhật Bản đã tăng cường giao lưu với bên ngoài, đặc biệt là với các nước như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha... Chính sự giao lưu này không những làm phát triển Nhật Bản, mà còn làm thay đổi tư duy vốn từ lâu bị lệ thuộc vào tư duy truyền thống. Việt Nam là một trong những vùng đất mà người Nhật hướng tới. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh ngay từ đầu thế kỷ 15 đã có một số ít người Nhật Bản tới buôn bán ở Việt Nam.
Tuy nhiên, thời điểm được xem là mốc quan trọng trong mối quan hệ giao thương này bắt đầu vào thời kỳ Toyotomi Hideyoshi (1536 - 1598), thương gia Shirahama Kenki đã cùng năm chiếc thuyền lớn đến buôn bán ở Cửa Việt (Thuận Hóa - nay là Quảng Trị). Sau đó, ngoài thương gia này còn có nhiều thương gia khác tới Đàng Trong với mục đích buôn bán.
Tại hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” (Meet Japan 2020) do Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2020, ông Nakamura Norimichi, Thống đốc tỉnh Nagasaki gửi đến thông điệp: “Tôi là Nakamura Norimichi, Thống đốc tỉnh Nagasaki. Tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” được tổ chức ngày hôm nay. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn thế giới, nhiều hoạt động giao lưu với Việt Nam đang tiếp tục trong tình trạng khó khăn, phải hủy bỏ hoặc hoãn lại nhưng tôi đặc biệt cảm ơn các bạn Việt Nam đã nỗ lực hết sức mình để thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tỉnh Nagasaki và Việt Nam đã gắn kết với nhau bằng tình hữu nghị sâu sắc từ rất lâu rồi. Đầu thế kỷ 17, một thương gia của tỉnh Nagasaki là ông Araki Sotaro đã nỗ lực phát triển quan hệ giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua Châu Ấn thuyền và cưới Công chúa của Hoàng tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Câu chuyện này vẫn được lưu truyền đến ngày nay và trở thành dấu ấn quan trọng trong lịch sử giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam. Công chúa đã sống cả cuộc đời ở tỉnh Nagasaki và được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến là Anio-san. Hình ảnh lễ cưới của Công chúa hàng năm được tái hiện trong điệu múa dâng lên thần linh tại Lễ hội đại diện cho tỉnh Nagasaki - “Nagasaki Kunchi”...
Lễ hội được Thống đốc tỉnh Nagasaki nhắc đến trong thông điệp trên chính là Lễ hội Okunchi tổ chức hằng năm ở Nagasaki (từ ngày 7 đến 9 tháng 10) có đám rước do thiếu nhi đóng vai vợ chồng Công nữ Ngọc Hoa đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn với bé trai đóng vai Araki và bé gái đóng vai Ngọc Hoa. Bé trai mặc trang phục truyền thống Yukata, còn bé gái mặc áo dài Việt Nam. Con thuyền vượt trùng khơi rồi trở về với một cặp uyên ương. Có người cho rằng người dân Nagasaki ảnh hưởng văn hóa Việt Nam do chính Ngọc Hoa đã truyền lại cho họ, ví dụ như người dân ở đây thường ăn trên bàn tròn trải vải đỏ, trong khi truyền thống Nhật ăn trên bàn chữ nhật màu nâu. Người Nhật thường ăn uống theo khẩu phần riêng mỗi bữa ăn, mỗi người một khay nhỏ với nhiều đĩa thức ăn nhỏ, trong khi dân ở đây thường bày thức ăn trong đĩa lớn để mọi người cùng gắp ăn chung như người Việt.
“Con của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) còn tìm cách đẩy các mối quan hệ này đi xa hơn nữa. Vào năm 1619, ông gả con gái cho một thương gia người Nhật khác tên là Araki Sotaro. Người con rể mới này lấy tên Việt Nam và trở thành hoàng thân ở Đàng Trong. Các quan hệ có tính cách cá nhân này đã hướng tàu bè của Nhật tới Đàng Trong. Trong số 84 châu ấn thuyền được phái đến Annam và Đàng Trong từ 1604 đến 1635, có đến 17 chiếc do Araki và Hunamoto cầm đầu” (Li Tana, Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18, sđd, tr. 105). Năm 1619, lúc gả con gái cho Araki Sotaro, Nguyễn Phúc Nguyên vẫn đang đặt dinh tại Quảng Trị.
Theo thông tin wikipedia, Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn lưu giữ chiếc gương soi của Công nữ Ngọc Hoa - tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, được nhắc đến như người kết nối với mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản chính là con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Nguyễn Phúc Nguyên - Sãi Vương hay là chúa Phật - là con thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng, sinh năm Quý Hợi (1663), sau khi chúa Nguyễn Hoàng đã vào trấn thủ ở Thuận Hoá được 5 năm. Những gì mà chúa Sãi thực hiện có thể nói là “sự kế tục” đầy đủ và trọn vẹn tất cả những gì mà người cha đã trông đợi và uỷ thác. Đó là thực hiện chiến lược mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài và thúc đẩy kinh tế hàng hoá và đô thị trong nước phát triển lên một trình độ mới.
Học theo cha - chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản. Thế nên, nếu nhắc đến mối quan hệ giao thương Việt - Nhật thì không thể không nói đến mảnh đất Quảng Trị và tầm quan trọng của chúa Tiên.
Chúa Tiên và việc thiết lập mối quan hệ đặc biệt với Nhật Bản
Để mở mang quan hệ thương mại với Nhật Bản, Nguyễn Hoàng đã viết nhiều thư trao đổi, bàn bạc chuyện buôn bán với chính quyền Tokugawa (chính quyền quân sự ở Nhật Bản), đồng thời, tìm cách khuyến khích thương gia Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong. Theo Li Tana, từ 1601 đến 1606, hằng năm, Nguyễn Hoàng và Tokugawa đều có trao đổi thư từ với nhau. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng tỏ ra là người bạn hàng hăm hở hơn và thường đóng vai trò chủ động (Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18, NXB Trẻ, TP. HCM, 2013, tr. 99).
Tại Nhật Bản, các bức thư trong An Nam quốc thư gốc, có ấn triện đã dần được công bố. Trong đó, bức An Nam quốc thư đầu tiên giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản năm 1601 thực sự góp phần đem lại những nhận định mới mẻ, bổ khuyết thêm những cứ liệu lịch sử cho việc nghiên cứu lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn này.
Trong sách Dị quốc vãng lai nhật ký có ghi một bức thư của Đoan quốc công (tức chúa Nguyễn Hoàng) gửi Mạc Phủ Tokugawa đề ngày 5/5 năm Hoằng Định thứ 2 (1601). Qua bức thư này, Nguyễn Hoàng muốn thanh minh với Togugawa về sự kiện thuỷ quân của chúa Nguyễn đã tấn công nhầm vào tàu buôn của thương nhân Nhật tên là Bạch Tần Hiển Quý vào năm 1585. Sự kiện này có chép trong Đại Nam thực lục tiền biên - bộ chính sử của nhà Nguyễn. Căn cứ vào lời lẽ bức thư, chúng ta biết rằng từ trước năm xảy ra sự kiện đó (năm 1585), Bạch Tần Hiển Quý đã thường xuyên đến Đàng Trong để buôn bán.
Tháng 10/1601, Nguyễn Hoàng nhận thư hồi đáp của Ieyasu, có đoạn: “... đã thu nhận các di sản của quý quốc, thật là quý hiếm ở chốn xa. Nay nước tôi bốn biển đều ổn định, các nơi thanh bình, thương nhân lui tới buôn bán trên biển và đất liền, không thể làm trái với chính sách, nên cũng an tâm. Thuyền của nước tôi ngày sau đến vùng này, lấy ấn trong thư làm tin, thuyền không có dấu ấn này thì không chấp nhận. Binh khí của nước tôi làm ra xin gởi tặng, vật ít nhưng tình sâu...”.
Qua nội dung các bức thư giúp chúng ta biết nhiều điều về cung cách giao thương của Nguyễn Hoàng và người kế vị ông là Nguyễn Phúc Nguyên. Sự chủ động mời gọi với lời lẽ nhún nhường mềm dẻo luôn là ý cơ bản. Những bức thư cấp nhà nước như trên - ghi dấu mối quan hệ giao thương giữa chúa Nguyễn và Mạc phủ Tokugawa trong khoảng thời gian từ 1601 - 1635; riêng Lê Dư (Sở Cuồng) sưu tập được 15 bức, chúng nằm rải rác trong các nguồn sử liệu Nhật Bản. Sau phong trào Đông du, khi trở về nước làm trợ bút phần chữ Hán cho tạp chí Nam Phong, Lê Dư công bố nguyên văn bộ sưu tập này ở số tháng 12/1921, với tiêu đề “Cổ đại Nam Nhật giao thông khảo”. Hoàn toàn có thể xem các văn thư ấy là những hiệp nghị thương mại đầu tiên giữa chính quyền Đàng Trong và chính phủ Nhật Bản.
Theo số liệu thống kê từ năm 1604 - 1634 trong số 331 giấy phép cấp cho các tàu thuyền giao dịch buôn bán với nước ngoài có 121 giấy phép cấp cho các tàu thuyền Nhật Bản buôn bán với Việt Nam. Trong giai đoạn này Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu hàng tơ lụa, trầm hương, gỗ, thạch anh, sơn mài, đồ sứ, dầu thông, nhục quế, kẽm, tô mộc… và xuất khẩu chủ yếu sản phẩm công nghiệp, đồ dân dụng như kim loại, gươm, áo giáp, thuỷ tinh, đồ trang sức… Rõ ràng, việc chúa Nguyễn tranh thủ lấy lòng Mạc phủ Tokugawa bằng việc gởi tặng sản vật quý hiếm thường xuyên theo những đợt xuất cảng có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo sự thuận lợi mua bán.
Trước khi Nguyễn Phúc Nguyên kết tình “thông gia” với phía Nhật, Nguyễn Hoàng đã nhận ông Hunamoto Yabeije (Di Thất Lang), một thương gia Nhật Bản và là phái viên đầu tiên của chính quyền Tokugawa tới Đàng Trong làm con nuôi và viết thư báo cho phía Nhật Bản biết về mối giao hảo tốt đẹp này vào năm 1604. Đây cũng chính là cơ sở để các nhà nghiên cứu khẳng định rằng: “Nguyễn Hoàng người có tầm nhìn vượt thời đại của ông và không gian ông đang sống để đặt nền móng cho Đàng Trong và tạo mối quan hệ thông thương với Nhật Bản” (PGS.TS Đỗ Bang). Sự hưng thịnh của hoạt động kinh tế ngoại thương, sự xuất hiện tấp nập của những đoàn thuyền buôn ngoại quốc đã mang lại cho vương quốc của chúa Nguyễn một mô hình phát triển hoàn toàn khác so với vùng đất Đàng Ngoài của họ Trịnh.
Tôn vinh “Người đi mở cõi”
Với tầm nhìn vượt thời đại, chính sách phát triển đúng đắn, Nguyễn Hoàng đã mang đến sự hồi sinh và một diện mạo mới cho vùng đất cực Nam của Tổ quốc thời bấy giờ. Chính vì vậy, Hội thảo khoa học quốc gia về “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn” tại Thanh Hóa nhân 450 năm nhà Nguyễn (kể từ khi Nguyễn Hoàng vào khởi nghiệp ở Quảng Trị năm 1558) tổ chức vào 2 ngày 18 - 19/10/2008 đã được nhiều sử gia trong và ngoài nước đánh giá rất công tâm.
Theo PGS.TS Đỗ Bang, song song với quá trình mở đất Đàng Trong từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Khoát, các chúa Nguyễn đã tiến hành khai chiếm, khai thác và thực thi chủ quyền biển đảo tại biển Đông. Quá trình này diễn ra từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Nguyên với Hoàng Sa, Lý Sơn; từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu với Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… đã tạo nên vóc dáng một Đàng Trong hoàn chỉnh về thiên nhiên và con người, từ Quảng Bình đến Kiên Giang, từ Trường Sơn xuống Biển Đông trong sự hợp lực lao động của cư dân người Việt, người Chăm, người Khmer cùng nhiều cộng đồng dân tộc anh em khác đã tạo nên di sản lịch sử lãnh thổ và dân cư hết sức đặc sắc trong lịch sử Việt Nam. Việc mở mang các cảng thị như: Cửa Việt, Hội An đã đưa kinh tế giao thương của Đàng Trong tiến ra biển lớn… PGS.TS Trần Thị Mai cũng có nhận xét tương tự: “Từ tầm nhìn phi thường của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người Việt đã tiến những bước dài, vững chắc trên dải đất Đàng Trong, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn về phương Nam tiếp sau đó”.
Khởi nghiệp trên một vùng đất vốn được coi là nơi “Ô châu ác địa”, mảnh đất dung chứa muôn vàn khó khăn, tuy nhiên, Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên, suốt gần 70 năm (1558 - 1626) đã đưa Quảng Trị trở thành thủ phủ của xứ Đàng Trong. Vì sao Quảng Trị lại được chọn là đất khởi nghiệp và hưng thịnh trong một thời gian rất dài? GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã phân tích rất xác đáng về sự lựa chọn của Nguyễn Hoàng qua sự kiện năm 1558: “Thuận Hóa thực sự là đất “dụng võ” của Nguyễn Hoàng. Việc Nguyễn Hoàng chọn Thuận Hóa hoàn toàn không phải là sự lựa chọn cho riêng cá nhân, hay một mưu đồ cá nhân, mà có sự tham vấn của bậc trí thức hàng đầu đất nước Nguyễn Bỉnh Khiêm, được sự chấp thuận và ủy thác của cả chúa Trịnh và vua Lê, trong sự ủng hộ của nhiều quan chức cao cấp ở cả Nam triều và Bắc triều và nhất là được sự hưởng ứng của đông đảo dân chúng hai vùng Thuận Hóa và Thanh Nghệ. Đây rõ ràng là một sự lựa chọn công khai, chuẩn xác vì sự phát triển của vương triều Lê - Trịnh và của đất nước, trong bối cảnh vô cùng rối ren và bế tắc ở giữa thế kỷ XVI”.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu phân tích: “Thiết lập dinh trấn Ái Tử hướng mạnh mẽ về biển là một trong những chính sách mở đầu cho thời đại thương mại ở Đàng Trong” (Vũ Thị Xuyến), từ đó khẳng định “những đóng góp có tính khai mở của vùng đất Quảng Trị” (PGS.TS Ngô Minh Oanh) trong lịch sử dân tộc.
Với mong muốn Nguyễn Hoàng được sớm nhìn nhận đúng đắn, đánh giá khách quan để tỉnh có kế hoạch tôn tạo và phát huy di sản thời Nguyễn Hoàng, ngày 25/9/2013 tại huyện Triệu Phong, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” (1558 - 2013). Các ý kiến đều cho rằng cần xây dựng Nhà lưu niệm và tượng đài chúa Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong mà Quảng Trị là nơi khởi đầu cho tiến trình lịch sử “Người mang gươm đi mở cõi” là xác đáng. Cần quy hoạch các làng Tả Kiên, Hữu Kiên, Trung Kiên, Tiền Kiên, Hậu Kiên nằm trong quần thể di tích của chúa Nguyễn vì các làng này đều đã thống nhất lấy chúa Tiên Nguyễn Hoàng làm vị tiền khai canh của làng mình.
Mặc dù thời gian và nhiều yếu tố khách quan tác động nhưng đến nay vẫn còn nhiều dấu vết của Nguyễn Hoàng nơi làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - xưa kia đây chính là dinh trấn Trà Bát. Ngày 20/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong.
Thực tiễn đang đòi hỏi tỉnh Quảng Trị triển khai diện rộng việc nghiên cứu lịch sử, điều tra khai quật khảo cổ học toàn diện, công phu để tiến hành khoanh vùng bảo vệ những giá trị Dinh Chúa Nguyễn. Bên cạnh đó là, thực hiện công tác đầu tư, kêu gọi xã hội hóa để hình thành lễ hội về chủ đề chúa Nguyễn Hoàng tầm cỡ quốc gia và mang đặc trưng của vùng đất Thuận Hoá trong thời kỳ khai mở. Không gian nghệ thuật tái hiện hành trình mở cõi của chúa Tiên và chúa Sãi cần được phục dựng lại để tôn vinh xứng tầm vai trò Người đi mở cõi. Không gian nghệ thuật đó còn là sự tái hiện lại các mối quan hệ kết nối, thúc đẩy các quan hệ hợp tác với các nước đã được đặt nền móng từ thời chúa Nguyễn Hoàng mà cụ thể là mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)