“Cổng trường chải mái tóc xưa” - một hoài niệm đẹp!

Trang Thùy |

“Cổng trường chải mái tóc xưa” là ấn phẩm nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Nguyễn Hoàng của nhà thơ Võ Quê. Là món quà tặng quý thầy cô, đồng môn nên ông đã dành sự trân trọng, nâng niu trìu mến đối với ngôi trường cũ của mình.


Đọc“Cổng trường chải mái tóc xưa”, tôi cứ nghĩ rằng đây là một cuốn phim tư liệu thật gần gũi, hiển hiện ra trước mắt mình. Mặc dù tôi không có một khái niệm gì về ngôi trường Nguyễn Hoàng yêu dấu ngày xưa của ông nhưng tôi vẫn ngỡ như đang rộn ràng, háo hức trong ngày trở về bên mái trường xưa gặp gỡ bạn bè đồng môn và thầy cô giáo cũ.

Có lẽ ai cũng từng có một thời hoa niên bên mái trường xưa của mình để khi lớn lên, cuộc đời xô dạt ta với nhiều ngã rẽ, đi trên những con đường khác nhau để rồi ngoảnh lại, mái tóc đã chuyển màu. Nếu có một lần được sống lại cùng những hồi ức tươi đẹp ấy, trở về những tháng ngày như mới hôm qua là tay bắt mặt mừng. Nụ cười, tất nhiên trong ngày hội trường luôn thường trực trên môi nhưng chắc rằng sẽ không ít những giọt nước mắt trong ngày hạnh ngộ.

Tuổi hoa niên -Tranh: TRẦN SONG
Tuổi hoa niên -Tranh: TRẦN SONG

Đọc bút ký “Cổng trường chải mái tóc xưa”, đó không chỉ là miền cảm xúc chân thành, tha thiết của nhà thơ dành cho ngôi trường kỷ niệm mà còn là những hồi ức tuổi thơ cơ cực với thùng cà rem và giọng rao lảnh lót của cậu bé Cười (tên hồi nhỏ của nhà thơ lúc còn ở Quảng Trị). Tôi tưởng tượng một cậu bé với nụ cười răng khểnh khi thì vác một thùng cà rem, khi thì một bao bố đựng mì ổ trên vai len lỏi trong những con đường quanh thị xã Quảng Trị. Hay cậu bé Cười hồn nhiên và chịu thương chịu khó đội trên đầu thúng cơm, bưng cơm giúp mẹ trong chợ Quảng Trị sau mỗi buổi trưa đi học về.

Cậu bé những lúc rảnh rỗi còn theo những đứa bạn nghèo khó đi nhặt những cọng chè người ta bỏ rơi để bòn mót kiếm tiền về giúp mẹ. Cậu bé khát khao được đi học lại lắm sau chuỗi ngày gián đoạn từ Huế dạt theo mẹ ra Quảng Trị, khi người ta nhờ đi thuê truyện giùm đã tranh thủ đọc ké mọi lúc mọi nơi có thể để thỏa niềm say mê đọc sách của mình. Cậu bé đó sau này là nhà thơ Võ Quê, cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng-Quảng Trị ngày ấy.

Chắc chắn rằng trí nhớ của nhà thơ rất tốt và kỷ niệm ở ngôi trường thân yêu của mình thật đậm sâu nên ông mới nhớ tên thật nhiều những thầy cô giáo cũ của mình. Những cô Mai Thị Hảo, Bùi Ngọc Lan, Phan Ngọc Lan, Lê Thị Tránh, Nhụ Hương, cô Táo, Toàn, Nhạn, thầy Nguyễn Đăng Ngọc, Nguyễn Diên... được ông nhắc lại tên một cách trân trọng, mang đầy sự biết ơn. Thầy cô, bạn bè giờ người còn người mất, chỉ còn những dòng hồi tưởng thiết tha trong tim người học trò cũ.

Chuỗi hồi ức cùng trường xưa đan xen cùng thế vận của đất nước, của những ngày chiến tranh khốc liệt. Giọng văn của ông bỗng chùng xuống khi nhắc lại những ngày tháng buồn đau nhưng không kém phần hào hùng một thời:“Lớp học tôi thỉnh thoảng vắng một người và có lẽ những lớp học khác nữa trong trường cũng vậy. Lớp học tôi thường thì thầm với nhau khi có người bỏ học lên xanh. Những khoảng trống trên bàn học thành những dấu hỏi buồn. Nhức nhối.”... “Thuở bằng hữu lên xanh thương người ở lại/ Xuống đường, hào khí tiếng loa vang/Quảng Trị rung lên mấy mùa tranh đấu/ Em bên anh, sát cánh Nguyễn Hoàng...”.

Trong mạch hồi tưởng của nhà thơ, vẫn còn đây những mối tình học đường trong sáng ngày nào. Những mối tình ngây thơ vụng dại không phải lứa đôi nào cũng nắm tay nhau cập bến bờ hạnh phúc. Nhưng thật vui thay nhà thơ Võ Quê không quên đưa vào bút ký hình ảnh có những mối tình nên duyên đôi lứa từ đó, bây giờ đang nắm tay nhau cùng trở về thăm lại mái trường xưa.

Hình ảnh nhà thơ Võ Quê đưa vào đẹp quá! Đẹp đến nao lòng, đẹp như hình ảnh những cựu nữ sinh dưới tàng cây trước cổng trường cầm lược chải mái tóc dài. Chao ơi, sao mà đẹp, mà thơ: “Cổng trường chải mái tóc xưa/Mi tau cùng ngẩn cùng ngơ...Nguyễn Hoàng”. Hình ảnh hiện tại cũng là hình ảnh của quá khứ đan xen vào nhau, tiếp nối những thế hệ tóc xanh hôm nay với màu áo trắng tinh khôi muôn thuở. Tiếc thay cảnh cũ, trường xưa còn đây nhưng tên trường giờ đã thay đổi, hỏi lòng ai không nuối tiếc, không muốn níu giữ những gì quý giá của ngày hôm qua. Không ai nói ra nhưng chắc rằng ai cũng muốn cái tên Nguyễn Hoàng gắn liền với mái trường thân thuộc. Đó là nguyện vọng thiết tha và cũng rất chính đáng của bao thế hệ học trò trường Nguyễn Hoàng trong đó có nhà thơ Võ Quê.

Với một tình yêu tha thiết, những hồi ức tươi đẹp ngày xanh từ Thành Cổ Quảng Trị luôn sống mãi, bút ký “Cổng trường chải mái tóc xưa” là tiếng lòng, là tâm nguyện của nhà thơ với mong muốn gắn kết bao thế hệ học trò trường Nguyễn Hoàng xưa. Dù bôn ba chân trời góc bể, sinh sống trong hay ngoài nước, thành đạt hay sống đời bình dị vẫn luôn đoàn kết, trên tinh thần tôn trọng chí hướng của nhau. Chỉ còn lại những hồi ức thật đẹp, thật hồn nhiên trong sáng dưới mái trường Nguyễn Hoàng như thuở nào.

Xin cảm ơn tác giả của ấn phẩm gây xúc động trong tôi, đưa tôi cùng trở về dưới mái trường thân yêu một thuở mà có lẽ ai cũng đã có một lần nhớ nhung bồi hồi, xao xuyến: “Năm tháng đi tình yêu vẫn ở/Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau!”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Một thập kỷ giải mã biểu tượng Thăng Long - Hà Nội

PV |

Mười năm tiến hành khai quật, diễn giải, đến nay công tác nghiên cứu điện Kính Thiên phần nào cho thấy kết quả quan trọng, góp phần củng cố thông tin, dữ liệu, giúp hiện thực hóa mục tiêu phục dựng công trình trong tương lai gần. Điều này không chỉ đáp ứng mong mỏi của cộng đồng yêu di sản, mà còn thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Xuân Quỳnh và "Trời xanh của mỗi người"

PV |

Với “Trời xanh của mỗi người”, chúng ta sẽ được tiếp cận gia tài văn học trọn vẹn của Xuân Quỳnh với mảng đề tài viết cho thiếu nhi.

Người Ai Cập cổ đại phát minh ra robot đầu tiên cách đây 4.000 năm

PV |

Một nghiên cứu mới đây cho thấy hơn 4.000 năm trước người Ai Cập cổ đại đã phát minh ra những robot đầu tiên trên thế giới là những bức tượng bắt chước hành động của con người, nhờ sử dụng hệ thống điều khiển cơ học.

Triển lãm về những gánh hàng rong cách đây gần 100 năm

PV |

Ngày 23/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra khai mạc triển lãm “Gánh hàng rong” do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tổ chức.