Cuba ở Trường Sơn

Bút ký: Nguyễn Hữu Quý |

Đại tá Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam điện thoại cho tôi: “Chuẩn bị nhé, 30 phút nữa chúng tôi sẽ đến đón nhà thơ đi Đakrông”. Theo kế hoạch, sáng hôm đó lãnh đạo hội sẽ tổ chức khánh thành bia lưu niệm “Đoạn đường Hữu nghị Việt Nam - Cuba” xây dựng năm 1974 - 1975.

Quốc lộ 9 mờ sương trong cái lạnh se se. Ngồi trên xe tôi miên man nghĩ, hòa bình rồi nhưng mảnh đất Quảng Trị còn lưu lại không ít dấu tích chiến tranh như cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ, Thành Cổ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn… Có lẽ chưa nơi nào lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ với số lượng người hy sinh lớn như ở Quảng Trị. Chỉ tính riêng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đã có trên 10 nghìn người từng là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Họ ngã xuống giữa tuổi thanh xuân trở thành bất tử trong tâm tưởng của đồng đội và Nhân dân. Không ai khác, chính sự hy sinh của những người lính, người dân ấy đã dựng nên những đỉnh Trường Sơn tâm linh trong bát ngát sắc xanh bồ đề, mỗi tia nắng, giọt mưa, tiếng chim nơi thượng nguồn sông Bến Hải mang những thầm thì khuất vắng nhưng quá đỗi thiêng liêng.

Cầu treo Đakrông -Ảnh: TRẦN TUYỀN​
Cầu treo Đakrông -Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Nói sao hết được về Trường Sơn, cả anh hùng kỳ tích và mất mát đau thương. Không phải vô cớ mà thế giới cũng kinh ngạc và khâm phục về cái họ gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Trong những người nước ngoài yêu Việt Nam, Fidel Castro là số 1. Vị lãnh tụ kính yêu của Nhân dân Cuba, người bạn thân thiết của Nhân dân ta có câu nói bất hủ: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình". Từ năm 1965, Fidel đã khẳng định: "Lập trường của chúng ta chỉ có một. Đó là phải dành cho Việt Nam tất cả sự hỗ trợ cần thiết! Phải hỗ trợ bằng cả vũ khí và con người”. Với Fidel, nói và làm luôn song hành. Năm 1967, giữa lúc chiến tranh diễn ra ác liệt, một đoàn cán bộ Cuba được cử sang Việt Nam và những người anh em được Fidel rất tin tưởng ấy đã bí mật vào Trường Sơn để khảo sát nghiên cứu thực địa tuyến chi viện chiến lược này. Không để bất cứ điều gì bị lộ ra, đoàn cán bộ quân sự của bạn cũng phải lấy danh nghĩa là chuyên gia nông nghiệp và mang tên Gia đình Lê. Được tận mắt chứng kiến những người lính Trường Sơn “xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”, các bạn Cuba vô cùng khâm phục. Ngày 15/9/1973, Fidel lừng lững trong bộ quân phục màu xanh ô liu quen thuộc đến cao điểm 241 (Cam Lộ, Quảng Trị) còn ngổn ngang dấu tích chiến cuộc, phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lời Chủ tịch Fidel dõng dạc: “Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến bách thắng này cắm giữa Sài Gòn”. Sau chuyến thăm Việt Nam này, Chủ tịch Fidel thông báo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ Cuba yêu cầu của Việt Nam về việc mở rộng, nâng cấp đường Trường Sơn và được nhất trí hoàn toàn. Liền đó, hai công trình sư giàu kinh nghiệm của Cuba tập trung nghiên cứu kỹ các yêu cầu của Việt Nam rồi bay sang Hà Nội. Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh trực tiếp trao đổi với các công trình sư về việc tổ chức các đơn vị cầu đường, mua sắm trang thiết bị thi công, kinh nghiệm làm đường…

*

Cầu treo Đakrông sau cơn đại hồng thủy miền Trung vào tháng 10/2020 vẫn vững chãi soi bóng xuống dòng sông cùng tên còn đục ngầu nước. Những đám mây màu xám phủ đầy trên bầu trời đang lác đác mưa. Xe chúng tôi qua cầu bon nhanh trên con đường đông Trường Sơn. Con đường ghi dấu tháng ngày lịch sử hào hùng, dân tộc dồn sức cho những chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để cuối cùng Sài Gòn vỡ òa trong niềm vui toàn thắng ngày 30/4/1975. Mươi phút sau chúng tôi đã có mặt tại Đakrông, hiện lên trước mắt tôi tấm bia bằng đá được chế tác tại Ninh Bình có in quốc kỳ Việt Nam và Cuba với dòng chữ màu vàng nổi bật trên nền đen: “Đoạn đường hữu nghị Việt Nam – Cuba”.

Tôi gặp được nhiều người lính Trường Sơn ở buổi lễ này, trong đó có những tướng lĩnh từng gắn bó với tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Theo Thiếu tướng Võ Sở thì từ trước tới nay, công binh Trường Sơn chỉ xây dựng các tuyến đường “quân sự làm gấp” với những trang thiết bị thô sơ. Nay xây dựng “đường cơ bản” là một thử thách lớn với bộ đội Trường Sơn. Tuy vậy, với quyết tâm cao, Bộ Tư lệnh đã huy động gần như tất cả lực lượng công binh đồng loạt thi công đường đông Trường Sơn đoạn từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Bù Gia Mập (Bình Phước). Riêng đoạn từ Đakrông đi Bù Lạch do hai Trung đoàn của Sư đoàn 473 thi công. Trung đoàn 6 thi công nền, Trung đoàn 515 thi công mặt. Trong quá trình xây dựng, bộ đội Trường Sơn nhận được món quà quý báu do các bạn Cuba gửi tặng như máy đào, xe cẩu, máy san, máy ủi, máy rải nhựa, xe ben, các thiết bị rất hiện đại mua từ nước Nhật lúc bấy giờ. Riêng đoạn đường 42 từ Bến Tắt đi Cam Lộ dài 22 cây số; đoạn từ Đakrông đến Bù Lạch 110 cây số được bộ đội Trường Sơn và đội xây dựng Cu ba góp trí tuệ, công sức làm nên. Một dấu ấn không thể quên của tình hữu nghị có một không hai giữa Việt Nam – Cuba.

Cũng xin nói thêm, trước đó, 43 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 559 đã được cử sang Cuba học tập về cách tổ chức thi công đường liên hoàn và kỹ thuật vận hành xe máy công trình mới. Cựu chiến binh Hoàng Long Giang là một thành viên trong đoàn. Anh kể, để giữ bí mật, đoàn ta mang tên là đoàn thực tập sinh Hà Nam Ninh trước khi bay sang nước bạn. Ngày 30/12/1973, từ Gia Lâm đoàn xuất phát bay sang Liên Xô sau đó mới bay tiếp sang Cuba (có ghé lại Maroc) để cuối cùng tập trung tại trường đào tạo của Cục Công binh quân đội Cuba. Các bạn vô cùng yêu quý bộ đội Việt Nam, nhiệt tình truyền đạt kiến thức nên chỉ bốn tháng sau anh em ta cơ bản đã làm chủ được kỹ thuật để trở lại Việt Nam tiếp nhận máy móc và vào Trường Sơn thi công đường. Anh còn nhắc đến một người phụ nữ Cu ba được cán bộ, chiến sĩ ta gọi là “Mẹ”. Mẹ Cuba. Đó là bà Melbahecnade, một thành viên của Chính phủ Cuba thời đó đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ ta học tập ở trường.

Đến bên tấm bia lưu niệm, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Chính ủy Trung đoàn 515, đơn vị thi công mặt đường bồi hồi nói: “Khi làm xong đường, chuẩn bị chuyển quân sang nơi khác, chúng tôi thấy bâng khuâng lạ. Rồi đây, các bạn Cuba sẽ về nước, anh em ta cũng dời đi, chỉ có con đường ở lại…”. Tôi hiểu lòng anh. Bao nhiêu mưa nắng Trường Sơn cũng từng trải. Bao nhiêu vui buồn đã chia sẻ. Ta và bạn. Bạn với ta. Năm 1975. Ngày nghe tin năm cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, lá cờ vinh quang được kéo lên trên Dinh Độc lập, các bạn Cuba và Việt Nam ôm nhau hò reo, nhảy nhót. Vui quá! Mừng quá! Không cầm nổi nước mắt. Nước mắt Việt Nam. Nước mắt Cu ba. Hòa vào nhau. “Phải xây một cái bia lưu niệm. Ý nghĩ chợt lóe lên trong tôi. Và đơn vị chúng tôi đã thực hiện điều đó”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn xúc động hồi tưởng.

Bia lưu niệm Đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cuba -Ảnh: TRẦN TUYỀN​
Bia lưu niệm Đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cuba -Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Hãy sống trong một thế giới biết ơn. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên ơn bạn bè quốc tế đã giúp chúng ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập tự do, hòa bình cho đất nước. Công trình lưu niệm được dựng lên trên đoạn đường Hữu nghị Việt Nam - Cuba ở đông Trường Sơn cũng nằm trong ý nghĩa tốt đẹp đó. Trong dịp khánh thành công trình, Đại sứ quán Cuba có tặng Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam một bức ảnh quý chụp Chủ tịch Fidel Castro trong bộ quân phục quen thuộc thời còn trẻ. Đôi mắt sáng nhìn về phía trước, bộ râu quai nón đen nhánh, toát rõ thần thái của một con người phi thường. Ông đã mất nhưng chẳng bao giờ khuất, như hôm nay vẫn đang đứng giữa Trường Sơn trùng điệp chuẩn bị bước vào một mùa xuân mới. Xuân của những hy vọng sáng tươi sau một năm đặc biệt có quá nhiều gian nan, thử thách với Việt Nam và Quảng Trị. Trong rào rạt gió rừng thổi trên con đường Trường Sơn huyền thoại, tôi vẫn nghe ông nói về đất nước chúng ta: Chỉ có một dân tộc đấu tranh để bảo vệ một sự nghiệp rất chính nghĩa, một sự nghiệp vì tự do, độc lập và những quyền lợi thiêng liêng nhất của mình và chỉ có một dân tộc với lòng yêu nước sâu sắc, một tinh thần cách mạng phi thường mới có thể lập nên những chiến công lịch sử như vậy. Ông là Cuba, ông cũng là Việt Nam. Huyền thoại bất tử Fidel Castro!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Săn mây trên đỉnh Trường Sơn

Xanh EWEC |

"Xứ sở mây" Hướng Hoá (Quảng Trị) có nhiều điểm săn mây lý tưởng như Cu Vơ (Hướng Linh), thị trấn Khe Sanh, đèo Sa Mù (Hướng Phùng) hay Đồi Chua (Lao Bảo)...

Nghiên cứu xây lò đốt rác khu vực Nghĩa trang Trường Sơn và các xã lân cận

Tiến Nhất |

Ngày 5/8, UBND tỉnh Quảng Trị có buổi làm việc với các ngành chức năng liên quan về lập Dự án “Xây dựng lò đốt chất thải sinh hoạt khu vực Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và vùng lân cận”.

Nghĩa trang Trường Sơn - công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô nhất

PV |

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn có tổng diện tích 140.000m2, tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ và quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao.

Giải Tennis Quảng Trị mở rộng lần thứ I-2020 VTR 1280 tranh Cup Xi măng Trường Sơn

Minh Đức |

Trong 2 ngày 20 và 21/6/2020, tại TP.Đông Hà, Công ty cổ phần Minh Hưng Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Alliez Sport Quảng Trị tổ chức Giải Tennis Quảng Trị mở rộng lần thứ I-2020 VTR 1280 tranh Cup Xi măng Trường Sơn.