Cuộc chiến đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Mạnh Hùng |

Những ngày qua, truyền thông quốc tế tiếp tục đăng tải thông tin về vụ bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, kiện 14 tập đoàn hóa chất đã cung cấp chất độc cho lực lượng Mỹ.

Trong những ngày qua, truyền thông quốc tế tiếp tục đăng tải thông tin về vụ bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, kiện 14 tập đoàn hóa chất đã cung cấp chất độc cho lực lượng Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, gây hủy hoại môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe của rất nhiều thế hệ sau này.

Ảnh chụp màn hình nhật báo Junge Welt viết về vụ bà Tố Nga kiện các công ty hóa chất. (Ảnh: Mạnh Hùng - P/v TTXVN tại Đức)
Ảnh chụp màn hình nhật báo Junge Welt viết về vụ bà Tố Nga kiện các công ty hóa chất. (Ảnh: Mạnh Hùng - P/v TTXVN tại Đức)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một bài viết mới ra trên báo Junge Welt (Thế giới trẻ) của Đức, tác giả Stefan Kühner nhận định vụ kiện được tiến hành ở Evry (Pháp) có thể là một trong những nỗ lực cuối cùng nhằm mang lại công lý cho các nạn nhân Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin mà lực lượng Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh.

Vụ kiện được bà Tố Nga, một người Pháp gốc Việt, nguyên là nhà báo của Thông tấn xã Giải phóng, kiện hàng loạt công ty đã sản xuất chất diệt cỏ cho lực lượng Mỹ, trong đó có chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống các cánh rừng miền Nam Việt Nam trong những năm từ 1964-1971.

Mục đích của việc sử dụng 80 triệu lít chất độc da cam/dioxin cũng như các chất phát quang khác là phá hủy các khu rừng nhiệt đới, nơi những người đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam trú ẩn cũng như làm trạm y tế và cơ sở quân sự. Theo tác giả, ngoài rừng, việc sử dụng các chất dẫn xuất còn nhằm phá hoại mùa màng của dân làng, những người thực sự hoặc bị nghi hỗ trợ quân giải phóng.

Bài viết khẳng định hành động này của Mỹ, xét về luật pháp quốc tế có thể coi như cuộc chiến tranh hóa học, đã và đang tiếp tục gây những hậu quả tàn khốc cho tới ngày nay. Những người bị phơi nhiễm trực tiếp sẽ có những dấu hiệu nhiễm độc đặc trưng và sau đó là mắc ung thư.

Những thế hệ sinh sau phải hứng chịu nỗi kinh hoàng nhất, đó là thường bị dị tật hoặc những bệnh khác và hậu quả kéo dài cho tới tận thế hệ thứ tư hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn từ chối nhận trách nhiệm hoặc thiện chí bồi thường, trong khi các tập đoàn sản xuất hóa chất tới nay cũng lập luận họ chỉ sản xuất theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ.

Theo bài báo, vụ kiện ở Pháp không phải là nỗ lực đầu tiên để buộc các nhà sản xuất hóa chất phải chịu trách nhiệm. Năm 2009, đơn kiện của các hội nạn nhân Việt Nam đại diện cho trên 4 triệu nạn nhân đã bị Tòa án Tối cao Mỹ bác.

Bài báo dẫn lời bà Trần Tố Nga trả lời báo giới bày tỏ mong muốn "tội ác phải được thừa nhận và công lý phải được thực thi", khẳng định bà sẽ "tiếp tục chiến đấu vì hàng triệu nạn nhân khác." Các luật sư của bà Tố Nga cũng cho biết nếu vụ kiện thắng lợi thì sẽ tạo ra được án lệ và chứng tỏ sự liên quan giữa việc hủy diệt môi trường với sự xâm phạm các quyền con người và các thế hệ.

Trong khi đó, nhật báo der Bund (derbund.ch) của Thụy Sĩ cũng đăng bài viết ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường của người phụ nữ 79 tuổi người Pháp gốc Việt đang mang trong mình nhiều bệnh tật, song đã kiên quyết và bền bỉ chiến đấu chống lại 14 tập đoàn hóa chất nhằm tìm lại công lý cho hàng triệu nạn nhân Việt Nam.

Theo tác giả bài báo Vincenzo Capodici, trong số những người bị phơi nhiễm trực tiếp với thuốc diệt cỏ, hàng trăm nghìn người đã chết vì ung thư. Ngoài ra, chất độc da cam/dioxin cũng làm ô nhiễm hơn 2 triệu ha đất trong thời gian dài, trong đó có những cánh rừng, nguồn nước và đất nông nghiệp.

Chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc từ ngày 30/4/1975, nhưng chất độc da cam/dioxin vẫn đang đầu độc người dân Việt Nam cho tới ngày nay, khi có hàng nghìn trẻ em bị thiểu năng trí tuệ và dị tật về thể chất được sinh ra mỗi năm.

Tác giả bài báo nhấn mạnh thay mặt cho khoảng 4 triệu nạn nhân ở Việt Nam, bà Tố Nga muốn đòi lại công lý. Bài báo dẫn lời bà Tố Nga nêu rõ không bao giờ được quên những gì chất độc da cam/dioxin gây ra ở Việt Nam, tội ác chống lại loài người phải bị trừng trị và những công ty liên quan phải chịu trách nhiệm. Theo bà Tố Nga, tòa án cuối cùng sẽ phải thừa nhận chất hủy diệt môi trường đã được sử dụng ở Việt Nam.

Tác giả cho biết bà Tố Nga sinh năm 1942, khi còn nhỏ đã chứng kiến cảnh cha mẹ chiến đấu chống thực dân Pháp và khi lớn lên đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965 với vai trò là giáo viên và phóng viên chiến trường.

Ảnh chụp màn hình nhật báo der Bund viết về vụ bà Tố Nga kiện các công ty hóa chất. (Ảnh: Mạnh Hùng - P/v TTXVN tại Đức)
Ảnh chụp màn hình nhật báo der Bund viết về vụ bà Tố Nga kiện các công ty hóa chất. (Ảnh: Mạnh Hùng - P/v TTXVN tại Đức)

Bà đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin lần đầu tiên vào tháng 12/1966 khi máy bay vận tải C-123 của Mỹ rải chất bột trắng xuống khu rừng thuộc Đường mòn Hồ Chí Minh. Bà Tố Nga sống ở Việt Nam cho đến năm 1992 sau đó chuyển sang Pháp và nhập quốc tịch. Là công dân Pháp bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, bà có quyền khởi kiện các công ty nước ngoài tại Pháp.

Những năm 2000, bà Tố Nga càng cảm thấy rõ ràng tác hại về sức khỏe do chất độc da cam/dioxin gây ra. Bà thường xuyên về Việt Nam tham gia các dự án xã hội cho các nạn nhân bị phơi nhiễm và nhận thấy sự tương đồng với tình trạng sức khỏe yếu của bà.

Bài báo nêu rõ cho tới nay, các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam/dioxin chưa bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam, điều trái ngược với các cựu chiến binh Mỹ cũng bị phơi nhiễm chất độc này. Vụ kiện tại Tòa án New York năm 2005 của hàng chục nạn nhân Việt Nam đã thất bại khi Tòa phúc thẩm và Tòa án Tối cao sau đó giữ nguyên bản án sơ thẩm với kết luận rằng các nguyên đơn không thể chứng minh một cách rõ ràng rằng chất độc da cam/dioxin là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về sức khỏe của họ.

Tuy nhiên, bài báo dẫn lời nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá phán quyết của tòa án Mỹ mang động cơ chính trị, bởi phía Mỹ lo sợ sẽ có hàng loạt đơn kiện đòi bồi thường với số tiền cao khó có thể ước định.

Theo bài báo, niềm hy vọng của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam giờ đây đặt trên vai bà Tố Nga, người cùng các cộng sự sẽ phải tiến hành một cuộc chiến khó khăn, bởi phải mất tới 7 năm kể từ khi nộp đơn kiện đến khi bắt đầu phiên tranh tụng đầu tiên tại tòa hồi tuần trước.

Trong những năm gần đây, bà Tố Nga cũng đã đi tới nhiều nước để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến đấu đòi công lý của bà.

(Nguồn: TTXVN)

TAGS

Quảng Trị là điểm sáng về khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn

Đức Việt |

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam khi làm việc với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao về tình hình công tác đối ngoại của tỉnh Quảng Trị vào hôm nay 1/12/2020.

Bắt giữ 2 nhóm giang hồ 59 người chuẩn bị hỗn chiến tranh giành đất đai

Hà Anh Chiến |

Hơn 60 đối tượng thuộc 2 băng nhóm giang hồ ở Đồng Nai đang chuẩn bị “hỗn chiến” để tranh giành đất thì bị lực lượng Công an phát hiện vây bắt.

Người thương binh lưu giữ hàng nghìn kỷ vật chiến tranh

PV |

Những năm qua, cựu chiến binh Bùi Văn Bình, thương binh hạng 4/4 ở Phú Thọ, đã đi khắp mọi miền đất nước để sưu tầm, lưu giữ và trưng bày hàng nghìn kỷ vật từ các cuộc kháng chiến tại nhà riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Vũ đạt Giải B, Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Q.H |

Với tác phẩm giao hưởng “Thạch Hãn cổ thành”, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Vũ (sinh năm 1970), Trưởng Khoa Âm nhạc – Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vừa vinh dự nhận giải B tại lễ trao Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014 – 2019 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.