Mùa xuân Quý Sửu năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Đó là mùa xuân đầu tiên người dân Quảng Trị được đón Tết trong tiếng pháo giao thừa chứ không phải tiếng đạn bom. Trở lại Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) ở Cam Lộ, trong không gian tĩnh lặng, trang nghiêm giữa những bức tranh, kỷ vật tại phòng trưng bày, qua câu chuyện của Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN Hoàng Phước Lãm, chúng tôi ngược dòng thời gian trở về những mốc lịch sử của gần 50 năm trước.
Tiếp nối đà thắng lợi, để tạo thế và lực cho ta bước vào “giai đoạn nước rút” của đàm phán Paris trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Xuân - Hè 1972 trên toàn chiến trường miền Nam. Đây được xem là cuộc tổng tấn công chiến lược của quân dân ta trên các hướng chiến trường trọng điểm Trị Thiên, Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên bằng các chiến dịch hợp đồng binh chủng trên quy mô lớn, mở màn từ ngày 30/3/1972. Đến ngày 1/5/1972, Quảng Trị được giải phóng, sự kiện này đã gây rúng động cả thế giới. Để cứu vãn tình thế, phía Việt Nam cộng hòa, dưới sự yểm trợ của Mỹ quyết tâm tái chiếm Quảng Trị trước ngày 13/7/1972 để có cái mặc cả trên bàn đàm phán. Trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị vì thế diễn ra quyết liệt, giằng co giữa hai phía, trở thành một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Do tầm quan trọng của trận đánh này trên bàn đàm phán mà ta quyết tâm phải giữ vững Thành Cổ Quảng Trị bằng mọi giá. Trên cơ sở tình hình chiến trường trong nước lúc đó sẽ góp phần quan trọng quyết định phương thức đấu tranh trên bàn đàm phán tại Paris, chính cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã thúc đẩy đàm phán đi vào thực chất. Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện chính nghĩa sáng ngời của cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Paris cũng là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, trong đó Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Sau ngày Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (27/1/1973), vùng giải phóng Quảng Trị chiếm 85% đất đai của tỉnh với khoảng 13 vạn dân, đủ ba vùng rừng núi, đồng bằng, đô thị, có cảng Cửa Việt, có nhiều đường giao thông thủy bộ ngang dọc. Vùng giải phóng Quảng Trị là vùng giải phóng hoàn chỉnh nhất của toàn miền Nam, trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, để tạo ra bộ mặt mới về trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam, thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ CMLTCHMNVN chọn huyện Cam Lộ để xây dựng trụ sở trong thời điểm thế và lực của ta trên chiến trường đã hoàn toàn chủ động. Vị trí đặt trụ sở cũng rất thuận lợi cho khách quốc tế và đặc biệt là các đại sứ bên cạnh Chính phủ CMLTCHMNVN đến trình Quốc thư hoặc làm việc.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Trụ sở CMLTCHMNVN Hoàng Phước Lãm thông tin: Với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN 6/6 (1969-1973). Đầu năm 1973, những chuyến tàu đầu tiên vận chuyển vật liệu xây dựng như: Xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn ván từ miền Bắc vào cập Cảng Đông Hà. Huy động một lực lượng cán bộ, công nhân hơn 500 người của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An, do 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc, thi công liên tục suốt cả ngày lẫn đêm. Sau 25 ngày đêm công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như dự kiến.
Khu Trụ sở Chính phủ được xây dựng trên diện tích 17.300 m2 , chia làm 2 khu độc lập. Khu A gồm 3 dãy nhà: Nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, nhà ăn dành riêng cho khu A. Khu B gồm 5 dãy nhà: Hai nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các cán bộ, nhân viên của Chính phủ. Mặc dù được xây dựng khẩn trương, điều kiện thi công khó khăn nhưng khu trụ sở vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu. Khu Chính phủ được phân bố hài hòa giữa các dãy nhà quy hoạch thoáng đẹp. Trong khuôn viên trồng nhiều loại cây cổ thụ và cây cảnh, đặc biệt có hàng dừa biểu tượng sức sống quật cường của Nhân dân và cách mạng miền Nam.
Sau khi hoàn thành, ngày 6/6/1973, Chính phủ CMLTCHMNVN đã làm lễ ra mắt Nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên, báo chí, trong và ngoài nước. Từ năm 1973 đến năm 1975, Chính phủ CMLTCHMNVN đã đón trên 40 đoàn khách quốc tế, các đại sứ đến đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ. Đặc biệt, nơi này đã đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị, một chuyến đi có ý nghĩa hết sức đặc biệt, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của quân và dân miền Nam Việt Nam. Việc thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN là kết quả đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng rất anh dũng của quân và dân miền Nam, đánh dấu bước thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta. Chính phủ CMLTCHMNVN ra đời là sách lược sáng suốt của cách mạng miền Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vị thế chính trị của ta trên trường quốc tế.
Sau năm 1975, khi Chính phủ CMLT kết thúc vai trò lịch sử của mình, toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Năm 1985, do một cơn bão tàn phá nên công trình khu trụ sở bị hủy hoại hoàn toàn. Với giá trị to lớn của di tích, ngày 25/1/1991, Khu trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Sau đó, việc tôn tạo khu di tích được tiến hành, khu trụ sở đã được phục dựng khá hoàn chỉnh với khuôn viên xanh, sạch, đẹp và đón các đoàn khách đến tham quan di tích, tìm hiểu lịch sử cách mạng.
Ông Hoàng Phước Lãm thông tin thêm: “Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ song Khu di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN mãi mãi là minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của quân và dân ta. Đó còn là biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Sau khi được phục dựng khá hoàn chỉnh, khu di tích mở cửa hằng ngày để đón tiếp các đoàn du khách và học sinh các trường trên địa bàn đến tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”.
Những ngày cuối năm, đến Khu di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN, giữa sân vẫn còn đó ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng tung bay kiêu hãnh trong nắng xuân bên cạnh cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Qua bao tháng năm đấu tranh giành độc lập, dưới lá cờ chung ấy, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)