Đường thiên lý hay còn được gọi bằng đường cái quan, quan lộ, được hình thành từ lâu trong lịch sử. Các triều đại nối tiếp nhau cùng với sự mở rộng lãnh thổ trên con đường mở cõi về phương Nam, đường thiên lý ngày càng được quan tâm, mở rộng, các cung đường, nhà trạm được thiết lập để làm nơi vận chuyển văn thư.
Đường thiên lý hay còn được gọi bằng đường cái quan, quan lộ, được hình thành từ lâu trong lịch sử. Các triều đại nối tiếp nhau cùng với sự mở rộng lãnh thổ trên con đường mở cõi về phương Nam, đường thiên lý ngày càng được quan tâm, mở rộng, các cung đường, nhà trạm được thiết lập để làm nơi vận chuyển văn thư, công văn của triều đình đến các địa phương trong cả nước và còn là trạm nghỉ chân của các quan lại triều đình trên đường công cán. Cùng với đường thủy, con đường thiên lý Bắc - Nam là tuyến giao thông vận tải chính và chủ yếu cùng với mạng lưới đường mòn lớn nhỏ từ nó tỏa đi các hướng, đến tận phủ huyện xa xôi ở miền ngược hay miền xuôi. Nhưng con đường này thực sự được quan tâm, mở rộng khi đất nước được thống nhất dưới thời vua Nguyễn - Gia Long, đường thiên lý trở thành con đường huyết mạch nối liền hai miền đất nước, đặt nền móng vững chắc cho những vua kế nghiệp xây dựng một quốc gia hùng mạnh.
Dựa vào những tài liệu thư tịch cổ hiện có, nhất là phần khảo tả chi tiết về đường trạm của nước ta thời Nguyễn đoạn ngang qua tỉnh Quảng Trị, những ghi chép của Thượng thư Bộ Binh, Mẫn Chính hầu Lê Quang Định khi được giao trọng trách biên soạn bộ sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí1 chúng tôi phác thảo lại đường thiên lý đoạn ngang qua tỉnh Quảng Trị. Những địa danh được nhắc đến trong phần khảo tả này so với hiện nay có phần thay đổi về tên gọi, làng xã, địa giới hành chính... phần in nghiêng trong (.) chúng tôi chú thích theo tên gọi hiện nay để tiện theo dõi.
Từ kinh đô Phú Xuân nhìn về Thăng Long, con đường thiên lý đầu địa giới Quảng Trị bắt đầu từ phía Bắc sông Lương Phước (có lẽ là sông Ô Lâu thuộc huyện Hải Lăng) cho đến cuối địa giới là cầu khe nhỏ thôn Chấp Lễ (xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh), tổng số đo là 37.629 tầm 4 thước. (Tầm là đơn vị đo chiều dài thời xưa, 1 tầm bằng 8 thước, quy ra thước Anh bằng 6 feet, tức bằng 1,825m.)
Đầu địa giới: Sông Lương Phước, phía Nam sông này thuộc huyện Hương Trà, là cuối địa giới của dinh Quảng Đức, phía Bắc của sông thuộc huyện Hải Lăng, đầu địa giới của dinh Quảng Trị.
7.358 tầm đến trạm hành cung Thượng Xá
Từ sông Lương Phước đi ngang qua khu dân cư và ruộng vườn, đến khe nhỏ Trường Sanh (thôn Trường Sanh, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng), khe rộng 4 tầm, hai bên khe có đá tảng nổi lên nên tục gọi là Bến Đá, mùa xuân hè nước cạn có thể lội qua, đến thu đông do mưa lụt nên nước đầy phải dùng thuyền mới qua được, đến chợ xã Diên Sanh (làng Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng), tục gọi là chợ Kẻ Diên, chợ đông vào buổi sáng, về phía Nam của chợ có quán xá đông đúc, khách đi đường nghỉ lại rất tiện. Tiếp tục đi đến đường rừng xã Diên Sanh, tục gọi là truông Kẻ Diên. Đường này toàn cát sâu, vào trưa hè nắng to cát nóng rất khó đi, hai bên đường là rừng cây xanh tốt, cuối đường rừng này có điếm xã Mai Đàn (làng Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng), tục gọi là Quán Dê, khách đi đường có thể nghỉ chân. Hai bên đường có ruộng cấy lúa, đến cầu khe nhỏ Mai Đàn, cầu dài 6 tầm, giữa khe có cát, mùa xuân hè nước cạn có thể lội qua. Thượng lưu của khe này là do nhánh của sông Giòng chảy xuống, nước có màu vàng như thể nước trà nên tục gọi là suối nước Trà. Qua cầu, dọc hai bên đường là ruộng cấy lúa, đến sông nhỏ xã Thượng Xá (làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng), sông rộng 18 tầm, nước sâu 1 tầm 2 thước, sông này chảy vòng vèo khuất khúc nên tục gọi là sông Giòng Giòng. Ở sông này vào mùa xuân hè thì có cầu đến thu đông do mưa lụt thì cầu bị ngập, người địa phương phải dùng thuyền để qua. Qua khỏi cầu này hai bên đường có dân cư và ruộng vườn đến trạm hành cung Thượng Xá (làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng), đặt lính thường trực ở trạm là 80 người.
9.461 tầm 3 thước đến trạm hành cung An Lạc
Dọc hai bên đường là ruộng và dân cư liền nhau, ở ngoài hành cung có một đường đất thấp ngập nước, đến mùa thu đông mưa lụt người đi đường rất ngại vì bùn lầy, chỉ có trong núi ở phía Tây có đường quan cũ có thể đi được nhưng lại nhiều cọp nên phải hết sức lưu ý. Đến sông lớn Thạch Hãn, sông rộng 117 tầm, nước sâu 1 tầm, lệ cắt cử dân xã An Tiêm (làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) 25 người lo việc đưa đò. Từ bến đò đi xuống ước chừng 100 tầm thì nước cạn, đáy sông có cát, mùa hè có thể lội sang được, nước trong và ngọt, xưa có câu rằng: Chẳng thơm cũng vốn bạch đàn/ Chẳng trong vốn nước sông Hàn (Hãn) chảy ra.
Qua khỏi sông lớn gần bên bờ Bắc, hai bên đường có quán xá, khách đi đường có thể nghỉ lại, đến cầu khe nhỏ xã Nhan Biều (làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong), cầu dài 5 tầm 1 thước, vào mùa xuân hè có thể lội qua. Đến đoạn đường cát, đường cát này trên địa phận xã Nhan Biều tục gọi là truông Cồn Kỳ (Cờ), tức Dinh Cát cũ, nay lập công khố và công đường của dinh Quảng Trị tại đây. Bên phía Tây đường này toàn đất cát, mùa hè gió nam thổi rất mạnh, cát bay mù trời có thể sập cả nhà cửa. Đến cầu nhỏ sông Ái Tử, cầu dài 12 tầm 2 thước. Nước sông này sâu 3 thước, ngọt nhưng đục, thượng lưu sông này do nước trong núi xã Ái Tử chảy ra, đến xã Trà Bát thì hợp lưu với sông Vịnh, rồi chảy ra sông lớn đổ ra cửa Yên Việt. Đi tiếp, phía Đông bắc có ruộng cấy lúa, phía Tây nam có dấu tích đồn cũ, tục truyền rằng ngày trước quân phương Bắc (chỉ quân Trịnh) xâm lấn có lập đồn tại xã Phước Toàn (làng Phước Mỹ, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong), tức nhà kho của Dinh Cát cũ. Dọc hai bên đường có nhiều quán xá, khách đi đường có thể nghỉ lại. Đến sông Lai Phước, sông rộng 45 tầm, nước sông sâu 1 tầm 3 thước, lệ cắt cử dân xã Lai Phước (khu phố Lai Phước, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà) người lo việc đưa đò. Sông này nước đục mà ngọt, mùa hè có hơi mặn. Bên bờ bắc sông phía Tây đường đi có chợ nhưng quán xá sơ sài, khách đi đường có thể nghỉ chân. Qua khỏi sông này, phía Đông là ruộng cấy lúa, phía Tây là rừng rậm, đến cầu khe nhỏ xã Trung Chỉ (khu phố Trung Chỉ, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà), cầu dài 5 tầm, khe này chảy từ trong hang núi qua xã Trung Chỉ, chảy vào đồng ruộng rồi đổ ra sông lớn (Thạch Hãn). Qua khỏi khe Trung Chỉ, phía Đông là ruộng cấy lúa và dân cư, phía Tây là đất cát và rừng, đến cầu khe nhỏ xã Đông Hà (làng Đông Hà, phường 3, thành phố Đông Hà), cầu dài 7 tầm. Cầu này là ranh giới giữa hai xã Tây Trì (khu phố Tây Trì, phường 1, thành phố Đông Hà) và Đông Hà, khe này xuất phát từ vùng ruộng núi chảy đến xã Đông Hà thì nhập vào sông lớn (sông Hiếu).
Dọc hai bên đường là đất khô phù sa, đến sông An Lạc (sông Hiếu) sông rộng 48 tầm 2 thước. Nước sông sâu 1 tầm 3 thước, lệ cắt cử dân xã An Lạc (khu phố An Lạc, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà) 18 người lo việc đưa đò, sông này vào mùa xuân hè thì nước mặn, thu đông mới ngọt. Ngày trước đường quan đi qua xã Điếu Ngao (làng Điếu Ngao, phường 2, thành phố Đông Hà) nên bến đò gọi là Đò Điếu, nay lập hành cung tại địa phận xã An Lạc, đắp lại đường quan mới và dời bến đò đến đây nên nay gọi là bến đò An Lạc. Đi thêm một đoạn nửa là đến trạm hành cung An Lạc, lệ đặt lính thường trực ở trạm là 1 đội 80 người.
9.421 tầm 1 thước đến trạm hành cung Cao Xá
Hai bên đường có dân cư và ruộng vườn, đến cầu khe nhỏ xã An Bình (làng An Bình, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ) cầu dài 7 tầm, khe này do dòng nước ruộng chảy ra sông lớn, phía Đông có chợ Kim Đâu, tục gọi là chợ Sòng, chợ đông vào buổi sáng, quán xá rất đông đúc, vào các mùa xuân thu chợ bán nhiều trầu cau và chuối. Qua khỏi cầu, dọc hai bên đường là dân cư và ruộng vườn. Phía Tây đường này có cái ao chứa nước, nước trong ao cạn mà trong, giữa ao có đá, tục gọi là Bàu Đá. Đến cầu khe nhỏ xã Kim Đâu (làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ), cầu dài 7 tầm 3 thước. Nước khe sâu 4 thước, nhiều bùn, nguồn của khe này là từ Cồn Tiên chảy xuống, chảy rộng ra khắp ruộng của các xã rồi đổ ra sông lớn. Qua khỏi cầu, hai bên đường là ruộng cấy lúa, đến cầu xã Trúc Khê (làng Trúc Khê, xã Cam An, huyện Cam Lộ), cầu dài 8 tầm 1 thước. Khe này nước cạn, nhiều bùn, phát nguyên từ Cồn Tiên, chảy qua ruộng đồng các xã rồi đổ ra sông lớn. Qua khỏi xã, hai bên đường là dân cư và ruộng vườn, đến cầu khe nhỏ xã Trúc Lâm (làng Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh), cầu dài 3 tầm 2 thước. Khe này nước cạn, nhiều bùn, do dòng nước chảy giữa ruộng xuống đến cầu Kim Đâu thì cũng đổ ra sông lớn. Nửa cầu phía Nam thuộc huyện Đăng Xương, nửa cầu phía Bắc thuộc địa phận huyện Minh Linh.
Đến đường rừng cát xã Hà Hạ (?) mọc rất nhiều cỏ thanh hao (cây làm chổi) nên tục gọi là Truông Hao, phía Tây đường này là rừng thưa và cát mỏng, cách phía Tây chừng 512 tầm đến thánh điện xã Hà Trung (làng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh). Tục truyền rằng thời tiền triều có người xã Hà Trung (Trần Đình Ân, ông làm quan thời các chúa Nguyễn, trải qua bốn đời chúa: Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Trăn, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu) là Hộ bộ là Đông Triều hầu dựng ngay trên xã mình ba tòa điện: Văn Thánh, Tiên và Phật, nay hai điện Tiên và Phật đã hư hỏng chỉ còn lại điện Văn Thánh đang tồn tại. Có lần vua đi ngang đường phía Đông vùng này, qua một cái bến đến nay còn gọi là Bến Ngự. Đoạn này phía Đông là chân rừng và cát trắng, phía Tây là vùng ruộng thấp và bùn lầy, đến cầu xã Hà Thượng (làng Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh), cầu dài 14 tầm, cầu này giữa vùng ruộng thấp, đầu cầu bên phía Bắc có chợ, tục gọi là Chợ Cầu, đông vào buổi sáng, đất vùng này thích hợp với cây chuối, đến mùa hè thì chuối càng nhiều. Đi tiếp, ven đường là đất đỏ, dân trồng nhiều loài đậu, có rừng tạp xen lẫn, đến điếm xã Lễ Môn (làng Lễ Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh). Ở đoạn đường này có núi đất chắn ngang nên tục gọi là Quán Dốc, khách đi đường có thể nghỉ chân. Qua khỏi Quán Dốc, hai bên đường đều là ruộng, đến cầu xã Cao Xá (làng Cao Xá, xã Trung Hải, huyện Gio Linh), cầu dài 9 tầm, khe sâu 2 thước, nhiều bùn nên khó lội qua, vào mùa hè thì nước ở đây mặn, đến thu đông mới ngọt, nguồn của khe này xuất phát từ trong núi xã Lễ Môn rồi chảy ra thành dòng. Đến trạm hành cung Cao Xá thuộc xã Cao Xá huyện Minh Linh (làng Cao Xá, xã Trung Hải, huyện Gio Linh), lệ đặt lính trạm là 80 người.
7.761 tầm đến trạm hành cung Thượng Lập
Qua khỏi trạm hành cung Cao Xá, hai bên đường là ruộng vườn và dân cư xen nhau, đường này ở vùng đất thấp, mùa thu đông vì mưa lụt, bùn lầy rất sâu nên đi bộ rất khó nhọc, đến chợ Võ Xá (làng Võ Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh). Chợ này ở về phía đường bên đông, giáp địa phận xã Kinh Môn (làng Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) nên tục gọi là chợ Kênh, người buôn bán họp chợ vào buổi sáng, hai bên đường có quán xá, người đi đường có thể nghỉ lại.
Qua khỏi chợ, phía Đông là ruộng cấy lúa, phía Tây chạy dọc theo sông, đến sông Minh Lương (Hiền Lương) sông rộng 102 tầm, sâu 3 tầm, phía bờ Nam là xã Thời Hòa (làng Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) giáp địa phận phường An Xuân (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh), bờ phía Bắc thuộc địa phận xã Minh Lương (làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh) nên mới có tên là đò Minh Lương. Nước sông này từ tháng 2 đến tháng 8 thì mặn, tháng 9 đến tháng 1 có hơi ngọt, lệ cử 30 người, trong đó 15 người thuộc phường An Xuân và 15 người thuộc phường Thời Hòa lo việc đưa đò. Hai bên bờ sông đều có quán xá, khách đi đường có thể nghỉ lại. Qua khỏi sông Minh Lương, phía Đông là ruộng vườn, phía Tây chạy dọc theo bờ sông, đến cầu xã Đan Trì (làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh?), cầu dài 5 tầm, khe này sâu 3 thước, có bùn, nước cạn nhưng khó lội, khe này do dòng chảy giữa đồng ruộng ra sông lớn mà thành. Qua cầu, phía Đông là ruộng cấy lúa, phía Tây chạy dọc theo sông, đến chợ phường Châu Thị. Chợ này đông vào buổi sáng, tục gọi là chợ Châu, thổ sản ở đây vào mùa thu thì có nhiều quả trám, tục gọi là trái bùi, những thứ ấy gốc từ xã Đơn Duệ (làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh). Phía Bắc của đường này là lỵ sở cũ của huyện Minh Linh. Qua khỏi chợ, đi tiếp, phía Đông bắc là rừng và ruộng cấy lúa, phía Tây nam thì dọc theo sông, đến chợ Hàm Hòa. Chợ này xưa nguyên tại địa phận xã Hồ Xá (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh), phía sau có công khố hành cung Thượng Lập, nay dời về đây là địa phận xã Hàm Hòa (làng Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh) cho gần với nhà kho, ngày nay vẫn còn gọi tên cũ là chợ Nhà Hồ. Chợ này đông vào buổi sáng, thổ sản ở đây như mùa thu thì có bán sắn cơm, mùa xuân thì bán dâu quả, rượu thì lấy từ xứ Bến Do dinh Quảng Bình. Hai bên đường quán xá rất trù mật, khách đi đường ở lại rất tiện.
Qua khỏi chợ, đến trạm hành cung Thượng Lập. Hành cung vốn đặt tại địa phận xã Hàm Hòa, vì trước đó có kho đặt tại địa phận xã Thượng Lập, nay mới đặt hành cung ở đây để gần với nhà kho nên mới gọi là hành cung Thượng Lập, lệ đặt lính trạm ở đây là 80 người. Phía Tây trạm này có đường xe vận chuyển. Nơi hành cung này ngày xưa cây cối xanh tốt, trong đó có một gốc đại thụ rất cao, tục gọi là hành cung Cây Da Ngoi, từ đó trở ra là rừng cát lồi lõm, rộng rãi thoáng đãng chẳng thấy bóng người, tục gọi là Truông Nhà Hồ. Ngày xưa nơi này có nhiều bọn cướp thường lảng vảng ở chợ Hồ Xá rồi chúng leo lên cây cao do thám, hễ thấy có khách đi đường một mình liền cải trang đi theo sau, đến đoạn đường vắng chúng báo cho đồng bọn rồi bắt họ vào rừng để cướp bóc, khách buôn chuyến rất lo sợ. Đương thời có câu ca rằng: Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ Truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
Nạn ấy kéo dài trong nhiều năm, về sau có quan Nội tán Diên Thọ hầu (Nguyễn Khoa Ðăng làm quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu) ra lệnh dân chặt hết cây cối rồi cho quân lùng bắt hết bọn cướp, nghiêm cấm người trong chợ không được dung túng bọn chúng, từ đó bọn cướp này mới tan, nạn sợ cướp bóc mới yên, người đi đường đi lại bình thường, dù đi đêm cũng không ngại, lúc ấy người ta lại ca rằng: Phá Tam Giang tuần rày đã cạn/ Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.
Đến điếm Hà Kỳ, hai bên điếm là nhà cửa liền nhau, khách đi đường nghỉ lại rất tiện. Tục truyền rằng, thời xưa vì đất Hà Kỳ nghèo đói, dân trong xã đi xiêu tán, ruộng đồng hoang hóa, đến niên hiệu Dương Đức năm thứ 2 (Lê Gia Tông, 1673) xã Chấp Lễ huyện Lệ Thủy là làng bên cạnh, thấy đất đai bỏ hoang nên mới bẩm xin khai thác rồi lập ra thôn Chấp Lễ (Nguyên xưa, thôn Chấp Lễ có 4 xóm là xóm Đông, xóm Tây, xóm Bắc và xóm Nam. Về sau thì các xóm này được chia thành các thôn là Chấp Đông, Chấp Nam, Chấp Bắc, xóm Tây trở thành thôn Tây Sơn), nay dân thôn này về các việc sưu sai thì thuộc vào huyện Lệ Thủy dinh Quảng Bình, còn lại tô thuế điền thổ thì nộp cho huyện Minh Linh thuộc dinh Quảng Trị, cho nên họ vẫn lấy tên cũ mà gọi là quán Hà Kỳ. Qua khỏi quán, đến cầu khe nhỏ, cầu dài 4 tầm, hai bên là bờ cao, khe sâu, nước cạn nhưng khó lội, phía trên của khe xuất phát từ ruộng xứ Sơn Trạch chảy xuống hướng Nam ra sông Lai Cách. Qua cầu, phía Đông chạy dọc theo ruộng vùng Sơn Trạch, phía Tây dọc theo sông liền với núi rừng. Ngày trước Hồ Hán Thương cho đào sông này, phía trong từ bến Hồ Xá, ngoài đến cầu dinh Quảng Bình, tùy vào hình thế, có chỗ thì đào lấy bùn cát, chỗ thì lấp lại nhưng công dụng chẳng thành, đến cầu khe nhỏ thôn Chấp Lễ, cầu dài 3 tầm, nước khe tuy cạn nhưng bờ quá cao nên khó lội, cầu thôn Chấp Lễ này được sửa chữa thường xuyên. Phía trên của khe này xuất phát từ ruộng đồng xứ Sơn Trạch chảy xuống, qua hướng Nam rồi đổ vào sông Lai Cách. Nửa cầu phía Nam thuộc huyện Minh Linh, tức cuối địa giới của dinh Quảng Trị, nửa cầu phía Bắc thuộc huyện Lệ Thủy tức đầu địa giới của dinh Quảng Bình.
*
Qua phần mô tả trên, chúng ta nhận thấy đường thiên lý trên đất Quảng Trị bắt đầu từ phía Bắc sông Lương Phước đến cầu khe nhỏ ở thôn Chấp Lễ đi qua 4 trạm hành cung, 46 cầu và 6 đò ngang. Phần lớn các cung đường được thiết lập trên vùng đồng bằng, ở những nơi có địa hình thuận lợi cho việc đi lại và nghỉ chân của người đi đường. Các làng xã đường thiên lý đi qua bao gồm: Trường Sanh, Diên Sanh, Thượng Xá (thuộc huyện Hải Lăng), Nhan Biều, Ái Tử, Phước Mỹ (thuộc huyện Triệu Phong), Lai Phước, Trung Chỉ, Đông Hà, An Lạc (thuộc thành phố Đông Hà), An Bình, Kim Đâu, Trúc Khê, Trúc Lâm, Hà Thượng, Lễ Môn, Cao Xá, Võ Xá (thuộc huyện Gio Linh), Hiền Lương, Đan Trì, Châu Thị, Thượng Hòa, Thượng Lập, Hà Kỳ, Chấp Lễ (thuộc huyện Vĩnh Linh).
Như vậy, đường thiên lý - đường cái quan - quan lộ là con đường huyết mạch đảm bảo sự thông suốt thông tin từ kinh sư đến các tỉnh thành trên cả nước, đồng thời là con đường nối liền các vùng miền tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, của đất nước. Các triều đại trước, nhất là thời nhà Nguyễn thường xuyên chăm lo đầu tư mở rộng, sửa chữa con đường ngàn dặm này và những thông tin liên quan đến các cung đường đều được ghi chép cẩn thận.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)