Dương Tường: Bản nháp chiều tơ liễu, đưa mưa…

PV |

Dương Tường luôn có đôi mắt trĩu buồn, hiếm khi thấy ông vui, cũng có thể do sinh ra đã vậy, cũng có thể do ảnh hưởng từ việc chữ nghĩa.

DƯƠNG TƯỜNG TRÊN MÁI        

Đường Dương Tường nghiêng, Dương Tường trên mái nghĩa là gì? Ông thường chơi chữ với chính cái tên của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ta đọc được những câu như: “Dương Tường trên mái”, “đường Dương Tường nghiêng”, “đường Dương Tường lạnh”, đều có xuất xứ.

Trong bài thơ có đề tựa “4” (Mea culpa), ông có viết: “Tôi trót ngót nghét nửa thế kỷ/ngoại tình với tên tôi/zươngtườngtrênmái”… Một cách chơi tên đầy thông minh ngẫu hứng mà hài hước. Về sau, “những ngón tay mưa, dương cầm trên mái” đôi khi được bạn bè đọc trại thành: “những ngón tay mưa, dương tường trên mái”…

Trong Dương Tường, có những lúc thấy lạc lõng như tự vấn mình, như khung cửa sổ, bầu trời, chiếc giường lạnh ông mô tả, “một mảnh trời mất máu zòm/tôi ngồi chênh xà-lim-án-sống/bầy nhầy từng vũng ảo vọng kiệt cạn/màu mận chín/và áp thấp nhiệt đới tâm linh/chân jường lạnh/đâu phải tại tôi…” (Mea Culpa). Ông ngồi đó, sống đó, nhưng luôn day dứt: “Không ai cứu tôi/ tất cả bạn lâm chung/ để mặc tôi bơ vơ/với/sống”.

 
 
Từ sau khi các bạn ra đi, ông như người còn sót lại giữa trần gian, cảm giác của một người phải sống lần hồi chờ tới ngày gặp các bạn, nhưng chỉ là những lúc trống rỗng không còn sức khỏe để làm việc, giữa bề bộn cuộc sống, đó là những giây phút lạc lõng giữa bụi trần của Dương Tường. Ông như không còn thuộc về thế giới này.

TỜ THƯ 24 GÁC MƯA

Con số 24 quả là có duyên trong cuộc đời của Dương Tường. Trong hồi ức năm xưa, thời ấy có một người con gái chơi dương cầm tài hoa bậc nhất Hà Nội. Trong số người mến mộ bà có Phan Vũ và Dương Tường, hai ông cùng bạn bè thường hay tới nghe bà đàn trên căn gác phố Quán Thánh. Về sau, nàng thơ của bao người đã đi vào những câu thơ đầy chất Hà Nội với hình ảnh tuyệt đẹp, lãng mạn đầy yêu thương trân trọng. Dương Tường đã viết “Tình khúc 24”, “Serenade”, còn Phan Vũ viết trường ca “Em ơi, Hà Nội phố”.

Dương Tường đã thỏa sức chơi chữ với những hình ảnh chắt lọc đầy cảm xúc: “Chờ em đường dương cầm xanh/dạy thì nõn dương cầm phố/Chờ em đường dương cầm sương/chúm chím nụ dương cầm biếc/Chờ em đường dương cầm xiêm/vằng vặc ngực dương cầm trinh/Chờ em đường dương cầm khuya/ôi cái im đêm thơm mọng/Chờ em đường dương cầm trăng/ứa nhụy lạch dương cầm xuân/Chờ em đường dương cầm mưa/giọt giọt lá buồn dạ khúc/xào xạc lòng tay khuya/Anh về lối dương cầm lạnh…”.

Một huyền thoại của cô gái 24 tuổi ngồi chơi đàn piano trong căn gác nhỏ của Hà Nội và Dương Tường đã phải thốt lên: “24 phím cầm chiều/24 nhành sương mím/24 tiếng ve sầu đại lộ tháng 4/Gửi lại em/ mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm/ ga khuya 24 lần đưa đón/ bài huê tình 24 lối sân sau…”.

Cũng người con gái ấy trong bản trường ca “Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ như một sự hoài niệm khi ông trở lại Hà Nội năm 1972, căn nhà cạnh nhà người con gái ấy bị bom ném phá tan tành, cây đàn dương cầm vỡ nát, những bản chép nhạc bay lả tả khiến ông không dằn được cảm xúc của mình. “Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa/ Nước mắt lã chã trên áo đỏ… Đường Quán Thánh/Bản giao hưởng lặng câm/Trong một ngôi nhà/…Em ơi/ Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa”…

Thế mới thấy nghệ sĩ và những rung cảm đôi khi cống hiến được cho đời những tác phẩm rất có giá trị. Hai bản này đều đã chạm vào trái tim của nhạc sĩ Phú Quang, ông đã phổ thành hai bản nhạc tuyệt vời về Hà Nội.

VÌ SAO LÀ CON CHIM CHÍCH CHÒE?

Dương Tường có một tiểu luận tiêu đề: “Ai đầu tiên gọi chích chòe là chích chòe?”. Ông viết về chuyến đi thăm Trường đại học Columbia ở New York và gặp ông Gordon, một nhà nghiên cứu Việt Nam học. Ông Gordon có hỏi về lá diêu bông do mê bài thơ “Lá diêu bông” của nhà thơ Hoàng Cầm, và ông tin có lá diêu bông thật.

Nhân cái lý do đó, Dương Tường phân tích luôn quan niệm về thi sĩ, họ là ai, họ chính là người đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh. Thi sĩ chính là người cho vạn vật cái tên mà trước đó chưa có, chưa tồn tại. Ông đặt câu hỏi: “Ai đã đặt tên, gọi con chim kia là chim chích chòe, người ấy đích thị là một nhà thơ!”.

 
 
Hai âm tiết “chích chòe” trúng pắp, không gì thay thế nổi, thì từ đó, cái tên chích chòe mới gắn với loài chim này, nó mới thực sự tồn tại, thêm cho trời đất một cái gì không chỉ đơn thuần là một loài chim. Hoàng Cầm đã “bịa” ra một loài cây cho ai kia mải miết đi tìm dẫu chẳng bao giờ thấy được. Từ hư ảnh vào đời thực, trở thành một thực thể trường tồn, chí ít cũng lâu dài hơn đời một nhà thơ! Ông kết luận vậy!

Dương Tường luôn ủng hộ mọi sự tìm tòi, sáng tạo, ủng hộ mọi thái độ cởi mở chấp nhận cho các loại hình có chỗ đứng dưới ánh mặt trời. “Có tốn gì đâu, một chỗ đứng dưới ánh mặt trời”. Ông suy tôn Trần Dần là người cách tân thơ số 1, Lê Đạt là người lượm, chăn dắt, nâng bóng chữ, Đặng Đình Hưng tạo cho chữ tự hành… Ông cùng nhà văn Mạc Lân xót xa cho bài thơ “Tình Thủ đô” của nhà thơ Hữu Loan viết về Hà Nội có tên: “Tình thủ đô” mà ông coi là một kiệt tác đời hồ như quên hẳn.

Hai ông đã trằn trọc, quyết chép lại, phục chế lại bài thơ theo trí nhớ cho dù có bao lâu đi chăng nữa, và nguyện vọng được gặp Hữu Loan để kiểm tra độ chính xác của bài thơ tuy chưa hoàn thành, nhưng ông cũng đã thỏa nguyện lắm rồi. Bởi bài thơ như một mảnh hồn gắn liền với tuổi trẻ của các ông, những gã trai Hà Nội đã bỏ lại “cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” (Ngày về - Chính Hữu) để lên đường.

CHIỀU BUÔNG ĐẦY TIẾNG THỞ DÀI

Dương Tường luôn có đôi mắt trĩu buồn, hiếm khi thấy ông vui, cũng có thể do sinh ra đã vậy, cũng có thể do ảnh hưởng từ việc viết lách, dịch thuật, nói chung là việc chữ nghĩa. Nhiều khi ông đã phải sử dụng kính lúp để soi từng con chữ, máy tính của ông được chế thêm bàn phím thật khủng để ông có thể gõ từng phím một. Chật vật, khó nhọc là vậy, nhưng nếu không viết, không ra chữ, thì làm sao còn ý nghĩa cuộc sống.

Với Dương Tường, ngoài thơ, ông còn dịch thuật. Một người học hết lớp 7, tự học ngoại ngữ, mê văn thơ nước ngoài, muốn đọc sách nguyên bản, nên ông đọc sách nước ngoài mỗi ngày. Lúc đầu, mục đích học ngoại ngữ của ông chỉ là để đọc sách, sau đó, dịch thuật trở thành nghề kiếm cơm chính của ông để nuôi sống gia đình.

Ông đã dịch trên 50 đầu sách, mà giờ đây khi tổng kết lại, rất nhiều người đã đọc tác phẩm của ông dịch vào thời điểm những năm từ 60 cho đến giờ mà không hề biết. Từ Anton Chekhow với “Chim hải âu” cho tới “Anna Karenina” của Lev Tolstoy, “Trong màn sương cuối mùa” của Alex La Guma, “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell, “Người dưng” (Camus), “Cội rễ” (Alex Haley), “Đồi gió hú” (Emily Bronte), “Alexis Zorba – Con người hoan lạc” (Nikos Kazantzakis), “Bức thư của người đàn bà không quen biết” (Stefan Zweig), “Cái trống thiếc” (Gunter Grass), “Lolita” (Nabokov), “Phố của những cửa hiệu u tối” (Patrick Modiano), “Chết chịu” (Celine), “Đi tìm thời gian đã mất” (Proust).

 
 
Đặc biệt, trong những năm cuối đời, ông đã chạy đua với thời gian để dịch chuyển ngữ cuốn “Kiều” của Nguyễn Du sang tiếng Anh “Kiều in Dương Tường’s version”. Nhiều lần khi đang làm việc, ông bị mờ hẳn đôi mắt, khiến ông phải đi điều trị tiêm thuốc để duy trì thị lực. Sức khỏe đe dọa không cho phép, có những khoảnh khắc, ông nhắm mắt lại, thầm lạy cụ Nguyễn Du phù hộ cho mình được có sức để làm việc, dịch “Kiều” cho trọn vẹn. “Tôi nhắm mắt lại, lạy cụ Nguyễn Du, rồi tự động viên mình, chưa đến lúc tận thế đâu. Khi mở mắt, tôi thấy lờ mờ các nét chữ trên màn hình, chợt thở phào nhẹ nhõm, sống rồi! Nhiều buổi sáng, tôi tự trấn an mình, chưa tận thế đâu, chưa tận thế đâu!”.

TÔI ĐỨNG VỀ PHE NƯỚC MẮT

Đang thời đất nước khó khăn, nhạy cảm, mà Dương Tường sáng tác những bài thơ không dễ đọc, lại tân hình thức, nhiều chủ đề không nên đề cập tới, nhưng ông vẫn viết, đề từ cẩn thận, như: “Tặng những cô gái làm vợ người ta”. Bài thơ có thời bị cho là khiêu dâm, đồi trụy.

Cái thời mà “Ở đây tất cả đều tủn mủn/ Chỉ riêng khổ đau là hoành tráng”, khi bạn bè ông có người bị kỷ luật, đi cải tạo, ông không bỏ ai, vẫn thầm lặng chăm sóc, quan tâm tới gia đình bạn. Thời đó Dương Tường cũng đi học một khóa chỉnh huấn ở Thái Hà, sau đó đi lao động ở mỏ than Cẩm Phả và khu Gang thép Thái Nguyên với gần 100 văn nghệ sĩ, trong đó có vài chục người liên quan tới nhóm Nhân văn Giai phẩm. Lúc đó, nhóm Nhân văn Giai phẩm do nhà thơ Nguyễn Đình Thi phụ trách, có cố Tổng bí thư Đỗ Mười chính là một trong số những người giảng bài và hướng dẫn làm kiểm điểm. Hết hạn, Dương Tường được điều chuyển về làm phóng viên Thông tấn xã phân xã Nghệ An.

Bình luận về việc này, ông nói: “Tôi cũng dính sáng chút thôi, nhẹ thôi, nhẹ nhất hội, tôi phải đi lao động công trường Gang thép Thái Nguyên, rồi mấy tháng ở Cẩm Phả. Tinh thần lúc đó cũng như các anh em Nhân văn thôi, phải chịu kỷ luật, còn thì mình không thấy mình sai!”. “Chúng tôi hồi ấy, mới lớn 14, 15 tuổi đã theo Việt Minh suốt mấy cuộc kháng chiến. Giờ nhìn lại, đất nước mình thương yêu, bỏ cả đời xây dựng lại không như mình nghĩ.

Nhiều khi chúng tôi sống trong tâm trạng đau đớn. Tôi thường nhớ tới những người bạn đã mất của tôi, như anh Mạc Lân, như Bùi Ngọc Tấn, tới khi mất, vẫn trong sáng không chút hận thù. Tôi nhớ ông Đặng Tiến có câu: Cái lý tưởng là cái lý, được tưởng tượng”. Bài thơ một câu để ghi trên mộ chí: “Tôi đứng về phe nước mắt”, sau nhiều suy tư vật vã, những nung nấu khát khao, cuối cùng, kết đọng trong 6 chữ: “Tôi đứng về phe nước mắt”, vậy thôi.

TRIPLE CONCERTO CỦA BEETHOVEN

Dương Tường khi còn sống, thường nói với nhà thơ Lê Đạt: “Mình chỉ ước sao khi nào chết, sẽ ra đi trong tiếng nhạc này”. Tiếng nhạc này, như ông đã từng “ao ước”, đó là bản nhạc Triple concerto in C major, op. 56 của Beethoven. Ông đi trong tiếng nhạc của Phú Quang và những bản nhạc giao hưởng mà khi còn sống ông vẫn thường nghe. Lễ tiễn ông có đông người trẻ, người già, bạn bè gần xa, tiễn đưa những ngón tay mưa, những đường dương cầm lạnh, những chiều buông đầy tiếng thở dài hay 24 phím cầm chờ, 24 gác mưa, 24 lời hò hẹn…

Con số 24 thật đẹp. Dương Tường ra đi, vào ngày 24.2.2023, thọ 91 tuổi. Ông đã sống rất trọn vẹn! Dương Tường mất, trên bia mộ ông, gia đình đã rất trân trọng ghi dòng chữ theo nguyện vọng của ông: “Người đứng về phe nước mắt”.

Mea Culpa, lặn mặt trời rồi, tôi về, m ư ư a a!

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Tiếc thương nhà thơ, dịch giả Dương Tường

PV |

Nhà thơ - dịch giả Dương Tường qua đời tối 24.2.2023 ở tuổi 92, đã khiến nhiều bạn văn cả nước thương tiếc.

Phạt hành chính 75 triệu đồng Công ty tổ chức sự kiện tôn vinh “Nhà thơ thế giới”

PV |

Ngày 6/1, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh thông tin: Thanh tra Sở này đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt Công ty cổ phần Hằng Holy 75 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo liên quan đến vụ việc vinh danh “nhà thơ thế giới” tại thành phố Hạ Long hồi cuối tháng 12/2022; đồng thời, buộc công ty phải tháo gỡ các hình ảnh đăng tải logo của các đơn vị: VOV, VTV, VTC, ANTV, Hà Nội TV trong các sự kiện diễn ra ngày 22/12/2022.

Vụ "nhà thơ thế giới" Tống Thu Ngân: Đơn vị tổ chức bị xử lý

Thanh Mai |

Mọi thông tin liên quan đến bà Ngân cũng như các tổ chức trên danh hiệu của bà đều rất mập mờ, không rõ ràng.

Thực hư sự kiện vinh danh "nhà thơ thế giới" Tống Thu Ngân

Thanh Mai |

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khẳng định, đơn vị không có cam kết cùng tham gia tổ chức sự kiện này.