Giếng làng

Nguyễn Chí Hiếu |

Cây đa, giếng nước, sân đình là biểu tượng của làng quê truyền thống, từ lâu đã đi vào tâm trí của bao thế hệ người con đất Việt. Trong ba biểu tượng đại diện cho làng quê ấy, thì làng Quảng Xá (xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đều có cả. Tuy nhiên, trải qua bao biến cố của thời gian và thăng trầm lịch sử, đến nay chỉ còn lại cây đa và giếng nước.

Làng Quảng Xá là làng quê thuần nông, là một trong ba vựa lúa lớn nhất của huyện Vĩnh Linh (Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy). Theo lời kể của những người cao tuổi, trước đây trong làng không có giếng, phải đi lấy nước ở các làng khác. Một hôm có ông thầy địa lý đi qua và chỉ cho dân trong làng nơi có mạch nước ngầm nên giếng làng xuất hiện từ đó.

Giếng nằm cách đình Quảng Xá khoảng 200 mét về hướng tây của làng. Trước đây, đình Quảng Xá rất lớn, được xây theo kiểu ba gian, hai chái với những chiếc cột lim rất to, trơn tru, nhẵn bóng. Dưới mỗi đáy cột được lót một phiến đá dày, xung quanh chạm trổ hoa văn rất đẹp. Trong thời kỳ chống Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên đến nay đình làng không còn nữa. Vị trí đình làng ngày xưa được thay thế bằng nhà văn hóa của thôn.

Giếng làng tọa lạc ở vị trí phong quang, sạch sẽ, xung quanh là ruộng lúa và nằm ngay ở giữa làng, có địa thế cao vừa phải so với xung quanh, không bị khô hạn về mùa nắng và ngập lụt về mùa mưa. Nơi đây có nguồn nước mạch quanh năm không bao giờ cạn, dù hạn hán dữ dội đến nhường nào. Khi được hỏi về giếng làng, bà nội tôi năm nay đã bước qua tuổi 97 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, hào hứng kể cho tôi nghe rằng từ khi bà về làm dâu ở làng lúc tuổi còn mười tám, đôi mươi đã có giếng làng. Và từ ngày đó đến bây giờ chưa một lần nào giếng cạn khô nước, cứ múc vơi đi rồi nó lại đầy.

Cây đa giếng nước làng Quảng Xá. Ảnh N.C.H
Cây đa giếng nước làng Quảng Xá. Ảnh N.C.H


Giếng làng Quảng Xá được ghép bằng đá khối vát cong, giếng sâu khoảng 7 đến 8 mét, có đường kính 1,5 mét. Lưng giếng tựa vào làng và cây đa, mặt giếng hướng ra đồng ruộng cùng dòng sông Sa Lung. Trước đây, giếng làng có hình vuông, được kè bốn bên là gỗ trai, nước trong và mát hiếm có. Sau này giếng có hình tròn, được thay bằng chất liệu đá, loại đá khối thường thấy ở huyện Gio Linh, vì thế mà đến nay người dân làng Quảng Xá vẫn còn truyền tai nhau câu nói: “Đất Quảng Xá, đá Kinh Môn”. Thành giếng được xây bằng gạch, cao chừng 1 mét. Bên cạnh giếng trồng một hàng dừa. Từ đường cái của làng vào giếng có một lối đi rộng rãi, hai bên lối đi trồng tre. Trước đây cùng với đình làng, thì giếng cũng được xem là nơi thiêng liêng nhất làng. Nơi đây, ngoài mục đích chính là cung cấp nguồn nước phục vụ cuộc sống hàng ngày cho bao thế hệ, thì giếng còn là nơi đi vào tiềm thức, tâm linh của mỗi người dân trong làng. Nếu đình làng là chốn linh thiêng dùng làm nơi thờ phụng Thành hoàng và làm nơi hội họp của người dân thì giếng làng cũng là nơi không kém phần quan trọng trong phục vụ đời sống dân sinh. Ngày ấy, ngoài bến nước ao làng thì người dân chỉ còn biết lấy nước ở giếng làng về sinh hoạt. Việc lấy nước thường diễn ra từ lúc sáng sớm tinh mơ đến 9 - 10 giờ sáng hoặc buổi chiều lúc trời đã râm mát thì tấp nập người vào ra gánh nước. Ngoài việc người lớn đi lấy nước thì trẻ con cũng có thể theo cha, mẹ, anh, chị để vui chơi hoặc tắm giặt ở khu vực được quy định. Thùng gánh nước được chế tạo từ thùng pháo sáng của Mỹ, gàu múc nước được làm bằng vỏ lốp ô tô cắt may lại giống như hình chiếc mũ ca lô của học sinh. Mỗi khi gánh nước đầy, dân làng thường bẻ lá tre thả trên miệng thùng cho nước không chao đổ ra ngoài.

Trong những năm chiến tranh, làng Quảng Xá cũng như bao làng quê khác của huyện Vĩnh Linh bị giặc Mỹ điên cuồng đánh phá, bom cày, đạn xới làm cho làng mạc tiêu điều. Tuy nhiên, giếng làng vẫn nằm trơ gan và cây đa vẫn đứng vững hiên ngang như thách thức với bom đạn Mỹ. Chiến tranh ngày càng ác liệt, để bảo tồn nòi giống cho con em trong làng và toàn huyện Vĩnh Linh, Đảng và Bác Hồ đưa ra chủ trương sơ tán học sinh, các em nhỏ, người già trên địa bàn huyện Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc (gọi là kế hoạch K8, K10). Biết bao người đã gạt nước mắt chia tay người thân, chia tay giếng làng để lên đường. Những năm tháng ấy, giếng làng vắng đi tiếng cười của trẻ thơ, tiếng chào nhau lúc đi gánh nước, nhưng giếng làng vẫn là nguồn sống cho bộ đội và du kích ở lại bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương.

Ngày hòa bình lập lại, giếng làng là dòng nước mát lành đợi chờ những người con xa xứ trở về, tưới tắm cho những cánh đồng sau nhiều năm khô hạn… Có lẽ vì thế mà giếng làng vừa thiêng liêng vừa gần gũi: cứ độ chiều tà mọi người lại xuống giếng, cởi trần xối nước ào ào kể đủ chuyện trong nhà ngoài ngõ… Đêm xuống, dòng nước lăn tăn gợn sóng, dát ánh trăng bàng bạc như nhân chứng cho mối tình của những đôi lứa yêu nhau. Chẳng thế mà bao nhiêu người nên vợ, nên chồng, có người đi làm ăn xa mỗi lần về quê lại dắt díu nhau thăm giếng làng, ôn lại những kỷ niệm xưa, những đêm trăng hò hẹn. Không ai sinh ra ở làng quê mà không yêu, không quý, không nhớ, không thương và không nghĩ về giếng làng khi ngày rằm, những ngày lễ hội của làng và mỗi dịp tết đến, xuân về. Khi xa quê hương, bôn ba nơi góc bể chân trời, ai ai cũng nhớ về làng quê có hình ảnh mẹ già ngày đêm trông ngóng đứa con xa, có hình ảnh giếng làng gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ và mối tình đầu vụng dại.

Theo những người cao tuổi trong làng kể, nhờ uống nước giếng làng nên tuy là xã thuần nông, ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng con gái trong làng có làn da trắng mịn, tóc đen óng, gót chân hồng, nổi tiếng về xinh đẹp và giỏi giang trong vùng. Bởi thế, làng Quảng Xá là nơi xuất phát câu ca dao: Gái Vĩnh Lâm như trầm loại một. Không những nổi tiếng về xinh đẹp, giỏi giang mà người dân trong làng có tuổi thọ rất cao. Theo thống kê của Hội người cao tuổi huyện Vĩnh Linh thì thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm có số lượng người cao tuổi nhiều nhất trong xã, trong huyện, nhiều cụ sống trên 100 tuổi.

Ngày nay, thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, làng quê Quảng Xá đã có nhiều thay đổi. Đường bê tông từ cổng nhà ra đến đồng ruộng, nhà nào cũng có giếng khoan chạy bằng mô-tơ, chỉ đưa tay gạt công tắc điện là nước ào ra chứ không còn cảnh gánh nước như xưa. Giếng làng hầu như đã vắng bóng người trong những ngày hội, vắng người qua lại gánh nước. Cuộc sống của bà con dân làng ngày càng phát triển, nhưng vẫn còn đó những trăn trở day dứt khi giếng làng cùng với bến nước, sân đình, cây đa… từ bao đời gắn bó với biết bao thế hệ thì nay lại nằm lặng lẽ trong quên lãng. 

Để giếng làng không chỉ đơn thuần là công trình dân sinh, mà còn là nét đẹp văn hóa của mỗi làng quê, là nơi mong đến, chốn mong về của những người con xa xứ, thiết nghĩ chính quyền địa phương và ngành văn hóa huyện cần có phương án bảo tồn, tôn tạo. Đối với lãnh đạo, chính quyền xã, thôn hàng năm mỗi dịp tết đến, xuân về hay ngày hội của làng nên tổ chức cho lớp thanh niên trai tráng trong làng nạo vét giếng làng, vệ sinh cảnh quan môi trường. Tiếp đến một phần nghi thức không thể thiếu đó là lấy nguồn nước mát dâng lên Thành hoàng trong ngày hội làng để cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, con cháu trong làng được khỏe mạnh, đỗ đạt, thành tài. Đối với các hộ gia đình trong làng cũng như những người con xa xứ, trong ngày hội làng hay ngày 29, 30 Tết, sau thủ tục tảo mộ, thắp hương cho dòng họ, chi phái, ông bà thì ghé giếng làng lấy nguồn nước mát về dâng lên bàn thờ gia tiên để bày tỏ lòng biết ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà, cha mẹ và cầu mong năm mới an lành, sức khỏe, hạnh phúc đến với mọi người.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Trên 450 triệu đồng hỗ trợ nâng cao sinh kế và công trình giếng khoan cộng đồng

Minh Long |

Ngày 28/9/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định phê duyệt dự án “Hỗ trợ nâng cao sinh kế và công trình giếng khoan cộng đồng tại huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị” do Tổ chức PeaceTrees Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí thực hiện trên 450 triệu đồng.

Tôn tạo giếng Thung, bảo tồn nét văn hoá làng Phú Thị Đông

Nguyễn Trang |

Từ bao đời nay “cây đa, giếng nước, sân đình” đã trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần của mỗi làng quê Việt Nam. Bởi vậy, đối với người dân khu phố Phú Thị Đông, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), niềm vui khi làng khôi phục thành công giếng Thung từ đầu năm 2021 đến nay vẫn còn lan tỏa. Mọi người kể về câu chuyện cả làng đồng sức khơi thông giếng Thung- mạch nước quý tưởng chừng mất hẳn lại tuôn chảy mát lành với bao tự hào.

Để sinh động hơn những tour du lịch về miền giếng cổ Gio An

Lâm Thanh |

Đón đoàn famtrip quảng bá du lịch, kết nối tour “Đi tìm báu vật Chămpa trên đất Quảng Trị” cho học sinh hay đón các em nhỏ về trải nghiệm làm nông dân… là những hoạt động gần đây diễn ra tại Gio An. Địa danh này ngày càng được nhiều người biết đến sau những trải nghiệm và cảm nhận thực tế từ những người trong cuộc.

Giếng cổ Champa, mạch nguồn trăm năm chảy mãi…

Lê Đức Việt |

Trải qua bao thăng trầm dâu bể và chiến tranh tao loạn, đến nay trên mảnh đất Quảng Trị còn tồn tại rất nhiều giếng cổ Champa nguyên vẹn, vẫn phát huy tốt chức năng cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Người dân tại nhiều làng, xã đã chung tay góp sức giữ gìn, bảo tồn và tôn tạo, phục hồi nhiều giếng cổ bị hư hỏng để giữ gìn cho mai sau.