Trải qua bao thăng trầm dâu bể và chiến tranh tao loạn, đến nay trên mảnh đất Quảng Trị còn tồn tại rất nhiều giếng cổ Champa nguyên vẹn, vẫn phát huy tốt chức năng cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Người dân tại nhiều làng, xã đã chung tay góp sức giữ gìn, bảo tồn và tôn tạo, phục hồi nhiều giếng cổ bị hư hỏng để giữ gìn cho mai sau.
Độc đáo giếng cổ Champa
Hệ thống các công trình khai thác nước cổ Champa (giếng cổ) ở miền Trung nói chung và tại Quảng Trị nói riêng là sản phẩm văn hóa đặc sắc, độc đáo. Một thực tế cần được nhìn nhận là chính nhờ vào quan niệm phong thủy có liên quan đến giếng nước nên tuy ít hoặc không còn sử dụng để lấy nước thì nhiều giếng cổ Champa ở Quảng Trị vẫn được người dân trong các cộng đồng làng xã ra sức giữ gìn, bảo vệ. Tập quán của người dân không chỉ kiêng việc đào giếng mà còn rất kỵ việc lấp giếng vì cho rằng giếng nước có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến phong thủy nhà ở gia đình cũng như đời sống cộng đồng làng xóm.
Xưa nay, việc coi giếng nước có vai trò cốt yếu trong cân bằng âm dương, tạo sự hài hòa cho gia đình và cộng đồng vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì thế, nhiều nơi, người dân đã liên tục nạo vét để khai thông mạch nước cũng như tu bổ, sửa chữa, tôn tạo lại các giếng cổ để giữ gìn như là di sản văn hóa và niềm tin vào tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng. Tại thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong hiện vẫn còn tồn tại một số giếng cổ Champa lâu đời. Trong đó giếng Tây ở xóm Đìa gần như được giữ nguyên vẹn, dù giếng này nằm ngay giữa ngã ba đường trong khu dân cư. Ông Nguyễn Quang Hanh (62 tuổi) ở xóm Đìa, thôn Lưỡng Kim cho biết ông sống ở quê từ nhỏ và chứng kiến nhiều câu chuyện liên quan đến chiếc giếng cổ của làng mình. “Giếng nước cổ này đối với đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của người dân xóm Đìa hết sức quan trọng. Bởi vậy trải qua hàng trăm năm với biết bao thay đổi của xóm làng, đời người nhưng giếng xóm Đìa vẫn tồn tại như một nhân chứng lịch sử. Thậm chí cách đây nhiều năm, khi đổ đường bê tông đi qua đường chính của xóm, giếng vẫn được người dân trang trọng giữ lại”, ông Hanh nói.
Ở làng An Cư, xã Triệu Phước kế bên, trưởng thôn trẻ tuổi Nguyễn Minh Trí dẫn chúng tôi thăm giếng Côi nằm ngay cạnh cổng làng. Theo anh Trí, giếng này đã được người dân đóng góp kinh phí trùng tu vào năm 2013. “Trước đó, giếng nguyên trạng có hình vuông, phía đáy có khung gỗ, thành giếng làm bằng đá lên rêu xanh đen rất đẹp. Tôi nghe các bậc cao niên ở làng kể là ngay từ thời làng mới lập vào khoảng thế kỷ XV thì giếng này đã có. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, hiện nay mạch nước giếng vẫn ổn định, nước trong vắt, mùa hè rất mát, mùa đông nước có cảm giác ấm”, anh Trí nói.
Ngược lên vùng đất Cùa, tôi được ông Nguyễn Văn Hiếu, trưởng thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ dẫn tham quan một số giếng cổ Champa ở đây. Một phần thôn Mai Lộc 2 có địa thế như cánh cung, hướng ra phía đồng ruộng. Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Hiếu, các xóm ở phía dải đất giáp ruộng có hình cánh cung này đều có mỗi giếng nước cho xóm mình. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy thôn Mai Lộc 2 có khoảng 9-10 giếng cổ Champa. Ngoài 3 giếng gồm giếng Cây Thị được trùng tu năm 2012; giếng Ông Cây trùng tu năm 2019 và giếng Cây Bàng trùng tu năm 2020 thì thôn Mai Lộc 2 vẫn còn nhiều giếng chưa được trùng tu, có nhiều giếng bị hư hỏng nặng hoặc gần như mất dấu. Sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều giếng của thôn được trùng tu phục hồi theo ý nguyện của Nhân dân. Kinh phí trùng tu mỗi giếng trung bình khoảng 30 - 40 triệu đồng, chưa kể công cán. Mọi việc trùng tu giếng đều do người dân tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí”, ông Hiếu khẳng định.
Gìn giữ cho đời sau
Những ngày cuối năm 2020, anh Trần Lộc cùng với người dân xóm Động, thôn Bảng Sơn 3, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đang tích cực tiến hành phục hồi trùng tu giếng Phượng. Chiếc giếng cổ này theo anh Lộc có từ lâu đời. Nguồn nước của giếng từ xưa đến nay được người dân sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Giếng có vị trí nằm ở một triền đồi, hướng mặt ra cánh đồng canh tác lúa và hoa màu của xóm. Anh Lộc cho hay: “Trải qua hàng trăm năm hoạt động, cộng với ảnh hưởng bởi mưa lũ nên giếng Phượng bị bồi lấp dần. Vậy nên vừa qua người dân trong xóm tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để trùng tu lại giếng”. Anh Lộc kể khi triển khai tôn tạo, ban đầu thành giếng được xây bằng viên đá chẻ nhưng lúc xây lên thấy không hợp với giếng cổ nên người dân trong xóm nhất trí thay đổi vật liệu. “Chúng tôi phải huy động nhau vào rừng tìm đào đá tổ ong cho xe tải chở về, sau đó gọt đẽo rồi xếp chồng lên theo thành giếng cũ. Đến nay cơ bản giếng Phượng đã được phục hồi khá đẹp, nguồn nước đã chảy ổn định trở lại. Giếng Phượng là tài sản, vốn văn hóa, lịch sử quý giá của xóm nên chúng tôi sẽ chung sức giữ gìn, quyết tâm giữ cho mạch nguồn luôn chảy mãi như là tâm nguyện cầu cho xóm làng mãi yên vui…”, anh Lộc tâm sự. Chúng tôi cảm nhận rất rõ rằng, nơi nào các giếng cổ được cộng đồng bảo vệ, tu sửa, bảo tồn, thường xuyên nạo vét (cho dù hiện nay ít giếng được dùng để lấy nước) thì ở đó cảnh trí xóm thôn trù phú, tươi đẹp, tốt lành, vượng khí; đời sống người dân phồn thịnh, yên vui và no đủ...
Để phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị”, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2020, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã có chuyến điều tra, khảo sát sơ bộ các giếng cổ trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh cho biết, qua quá trình điều tra, khảo sát và căn cứ vào loại hình giếng, tình trạng sử dụng, không gian tọa lạc và quỹ đất dành cho công tác quy hoạch đã thống nhất chọn 103 giếng cổ đưa vào danh mục lập hồ sơ quốc gia đặc biệt “Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị”. Các giếng được chọn này chủ yếu thuộc: Hệ thống khai thác nước vùng Tây Gio Linh (các xã Gio An - Gio Sơn - Hải Thái - Gio Phong); hệ thống khai thác nước vùng Cùa; hệ thống khai thác nước vùng Đông Hà, phía Đông Gio Linh, phía Đông Cam Lộ, Triệu Phong và Hải Lăng; hệ thống khai thác nước vùng Vĩnh Linh.
Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị thuộc sản phẩm của người Chăm hoặc theo kỹ thuật Chăm bao gồm 2 nhóm loại hình với đặc điểm và kỹ thuật xây dựng đặc trưng. Loại hình 1 là hệ thống công trình khai thác nước gồm nhiều thành phần cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa hình dạng, đa chức năng, nằm ven các triền đồi đất đỏ ba dan hoặc ven các triền đồi cát vùng đồng bằng, ven biển để nhằm khai thác mạch nước nổi (phun lộ thiên hay phun ngầm) được coi là hệ giếng mở. Loại hình 2 là hệ thống các giếng đơn mang hình ảnh của loại giếng khơi được đào sâu xuống dưới mặt đất để khai thác mạch ngầm, được coi là hệ giếng đóng.
Về hướng bảo tồn cho hệ thống giếng cổ Champa trong thời gian tới, ông Lê Đức Thọ nhìn nhận: “Vấn đề cấp thiết là cần phải bảo tồn nguyên trạng hệ thống giếng cổ trên địa bàn tỉnh và có sự kết nối, thông tin giữa các tỉnh miền Trung cùng có chung các công trình giếng cổ tương tự. Đối với di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia cần tiến hành cắm mốc giới bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích để tránh bị xâm hại về đất đai. Không chỉ bảo tồn nguyên trạng các công trình giếng cổ Champa mà còn phải bảo vệ cả không gian môi trường địa cuộc gắn với giếng. Cuối cùng, chính quyền địa phương cần tích cực chỉ đạo, hướng dẫn và cộng đồng phát huy trách nhiệm thường xuyên chăm sóc vệ sinh, nạo vét, khơi thông để mạch nước các giếng không bị tắc nghẽn, cây cối và bùn không bị tràn lấp…”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)