Di tích giếng cổ Gio An hay còn gọi là hệ thống giếng cổ Gio An (Gio Linh, Quảng Trị) đang được cơ quan chức năng tỉnh trình Chính phủ đưa vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, hệ thống giếng cổ này đang đứng trước sức ép của sự phát triển kinh tế, xã hội rất lớn. Thời gian qua đã xảy ra không ít việc người dân tác động làm ảnh hưởng ít nhiều đến di tích giếng cổ. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Văn hóa - lịch sử LÊ ĐỨC THỌ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.
- Thưa ông! Hệ thống giếng cổ Gio An là di tích quốc gia độc đáo. Chính ông là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, khám phá về hệ thống giếng cổ này. Xin ông cho biết những giá trị đặc biệt của hệ thống giếng cổ Gio An?
- Hệ thống giếng cổ Gio An nằm ở xã Gio An, huyện Gio Linh hay nói chính xác là Hệ thống các công trình khai thác nước sử dụng đá xếp trên địa bàn vùng đồi đất đỏ miền Tây Gio Linh, trong đó tập trung nhất ở xã Gio An là những công trình điển hình, tiêu biểu của hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị và của cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Đây là một loại hình công trình thủy lợi có một chưa hai đặc trưng của Quảng Trị”.
Hệ thống giếng cổ này trước hết là sự thể hiện cách ứng phó khôn khéo, linh hoạt của con người với tự nhiên. Sự tổ chức khai thác nước, sử dụng các nguồn nước của con người phù hợp với điều kiện địa lý, môi trường, thủy văn trên vùng mình cư trú là một thành tựu văn hóa. Đó là văn hóa thủy lợi. Từ người Chăm đến người Việt, trải qua thời gian, những công trình khai thác nước sử dụng đá xếp Gio An đã trở thành một trong những sản phẩm văn hóa đặc sắc, độc đáo, thể hiện lối ứng xử khôn khéo, thông minh của con người trước tự nhiên nhằm khai thác tốt những tiềm năng vốn có của vùng đất mà họ gắn bó.
Hệ thống giếng cổ Gio An với nhiều kiểu cấu trúc độc đáo, mang tính chất đa chức năng, phục vụ đắc lực cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người bao đời nay. Phương thức chủ yếu của các công trình này là khai thác mạch nước nổi (phun lộ thiên hay phun ngầm) từ trong các đồi đất đỏ ba dan theo cơ chế hoạt động: nước tự dâng, tự chảy. Tức là nước từ mạch ngầm tự dâng ở một bể chứa, sau đó đổ vào các bể, rãnh theo lối nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Mục đích là cung cấp nguồn nước để không chỉ phục vụ cho sinh hoạt của con người mà còn phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho ăn, uống, tắm, giặt, chăn nuôi, trồng trọt của người dân trong khu vực. Cấu trúc của hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An phụ thuộc vào từng loại mạch cụ thể (ngầm hay phun nổi), nhưng tất cả đều lợi dụng sự chênh lệch về độ cao để tạo ra dòng chảy tự nhiên. Các hệ thống bể giếng tham gia điều tiết nước bằng kỹ thuật gia cố nguyên liệu sẵn có là đá cuội ba dan và đá phong hóa ba dan (dân địa phương gọi là đá tổ ong); có khi là những viên đá tự nhiên, có khi lại được chế tác công phu bằng kỹ thuật đục, đẽo tinh vi, điêu luyện để tạo ra các máng dẫn, bi giếng hay đá lát nền giếng.
Về cơ bản có 3 loại hình: Có loại cấu trúc gồm nhiều thành phần phức tạp, liên hoàn với nhau tạo thành hệ thống với sự có mặt của các bể lắng, máng/vòi dẫn, bể hứng, vũng, các mương phai bên cạnh những hồ chứa, đập nước cùng tham gia vào quá trình lưu thông dòng chảy (như giếng Đào, giếng Trạng, giếng Máng, giếng Gái); lại có loại chỉ cấu trúc đơn giản, gồm một, hai thành phần với bể và mương dẫn (như giếng Ông, giếng Bà, giếng Tép, giếng Gai) hoặc có loại chỉ như một giếng khơi được xây dựng ở ngay chân đồi bằng cách đào sâu xuống đất - nơi có mạch nước ngầm - rồi thả những bi giếng được chế tác chồng lên nhau tạo thành vách nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc tự dâng, tự chảy.
Có thể nói rằng Hệ thống giếng cổ Gio An là sản phẩm văn hóa được nhiều cộng đồng tộc người khác nhau sử dụng (Chăm, Việt, Bru-Vân Kiều), kế tục và phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử không chỉ ghi dấu ấn các lớp cư dân, thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, tính liên tục của một di sản văn hóa mà còn minh chứng cho giá trị hữu dụng, bền vững vì mục đích phục vụ đời sống con người.
- Thời gian qua đã xảy ra không ít việc người dân tác động làm ảnh hưởng ít nhiều đến di tích quốc gia này. Với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, xin ông cho biết những giải pháp để hướng đến việc bảo tồn tốt hơn cho di tích này?
- Hệ thống này được hình thành vì mục đích tìm kiếm nguồn nước để phục cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân nên sự tồn tại khách quan của di sản văn hóa này phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng nguồn nước của người dân. Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, khi điều kiện xã hội ngày một thay đổi, đời sống kinh tế người dân ngày càng phát triển thì việc khai thác và sử dụng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt từ các công trình giếng cổ đã không còn như trước. Từng gia đình đã có các giếng khoan lấy nước ngầm dùng trong sinh hoạt hằng ngày ngay trong vườn đã giải phóng việc đi lấy nước vất vả từ các giếng về nhà. Vì thế, đa phần các giếng cổ chỉ còn chức năng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp mà cụ thể là trồng rau liệt và lúa nước ở các chân ruộng bậc thang. Quy luật tất yếu là khi người dân ít sử dụng cho sinh hoạt thì nhiều giếng không được chăm sóc, vệ sinh bảo vệ nguồn nước nên dòng chảy bị ứ tắc hoặc không được định hướng. Từ đó, nhiều công trình bị hoang phế, xuống cấp, thay đổi dòng chảy hoặc cạn mạch nguồn.
Quá trình phát triển loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo là cây rau liệt (xà lách xoong) đã vô hình trung làm cho khu vực xung quanh các giếng cổ bị thay đổi trầm trọng do người dân đào bới để thiết lập các ruộng rau. Khi địa hình thay đổi thì mạch nước không còn được định hướng đã làm cho cấu trúc của giếng bị phá vỡ, không còn bảo tồn được nguyên trạng.
Sau khi trở thành di tích quốc gia đặc biệt thì tỉnh sẽ tiến hành lập hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Tuy đây là công việc hoàn toàn không đơn giản nhưng đối chiếu với các nội dung quy định trong “Hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới” của UNESCO thì di sản này có nhiều khả năng. Ý kiến này cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của nhiều nhà nghiên cứu và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương liên quan.
Cùng với đó việc khoan hàng loạt giếng để khai thác nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, kể cả tưới cho cây công nghiệp trên các đồi cũng là nguyên nhân làm thay đổi dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm vốn là nguồn cung chủ yếu cho các giếng cổ. Thảm thực vật dày đặc bao phủ trên bề mặt với sự tồn tại của các khu rừng tự nhiên trước đây đã bị phá vỡ hoàn toàn để thay vào đó là các rừng cao su với thảm thực vật che phủ thưa là một nguyên nhân gián tiếp đe dọa sự tồn tại bền vững của các giếng cổ.
Vì thế, dù đã quá muộn nhưng bảo tồn nguyên trạng địa hình, môi trường và cảnh quan không chỉ trong khu vực giếng cổ mà toàn bộ vùng địa lý thuộc các làng nơi có sự tồn tại của các giếng cổ là cần thiết. Nhưng cấp bách hơn là cần có chủ trương từ các cấp chính quyền dừng việc đào bới lấy đá, san ủi các thửa đất cận kề giếng cổ để không làm thay đổi diện mạo, không làm rối loạn các mạch phun và dòng chảy. Hạn chế phát triển giếng khoan một cách bừa bãi; ưu tiên quy hoạch trồng cây tự nhiên trên các đồi đất liền kề các giếng, trên các đầu giếng để chống xói lở và giữ độ ẩm cần thiết. Thiết lập điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ đất đai di tích theo hướng mở rộng để không chỉ bảo vệ các công trình giếng mà cả cảnh quan, môi sinh trong khu vực có giếng.
- Nói đến hệ thống giếng cổ Gio An là nói đến cả hệ sinh thái của giếng như những đồi đá, cây cối tại các sườn đồi dẫn đến giếng. Song hiện tại hoạt động khai thác đá kinh doanh xây dựng của các cá nhân, doanh nghiệp đã làm biến dạng nhiều quả đồi, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Những năm gần đây, ở miền Tây Gio Linh, việc khai thác đá cuội ba dan, đá phong hóa ba dan diễn ra một cách bừa bãi, thiếu sự quản lý của các cấp và người dân trong vùng, trong đó có Gio An là nguy cơ trực tiếp đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của hệ thống giếng cổ. Kết cấu địa tầng vùng đồi đất đỏ với hệ đá ba dan trong lòng đất là điều kiện quan trọng để giữ mạch nước ngầm. Khi một khối lượng lớn đá cuội ba dan bị đào đưa lên khỏi lòng đất không chỉ làm thay đổi lưu lượng mạch nước ngầm mà còn dẫn đến nguy cơ bị sạt lở các chân đồi khiến đất đai trôi xuống làm lấp các giếng cổ vào mùa mưa lũ.
Khai thác tài nguyên phải được kiểm soát, việc khai thác đá bừa bãi trong thời gian qua không thể để tiếp tục. Chính quyền địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này. Cần phải quy hoạch phù hợp các khu vực có thể khai thác đá nhưng không làm ảnh hưởng đến dân sinh, kinh tế xã hội và nhất là không được khai thác đá ở những khu vực rộng trong vùng có sự tồn tại của các giếng cổ.
- Với những giá trị đặc biệt của hệ thống giếng cổ Gio An và các xã quanh vùng, tỉnh có thể lập hồ sơ trình các cấp bảo vệ, công nhận là di sản thế giới về kiệt tác kiến trúc nhân loại không, thưa ông?
- Di tích Giếng cổ Gio An đã được xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 2001 theo Quyết định số 08- 2001/QĐ-BVHTT với 14 giếng tiêu biểu trong toàn bộ hệ thống. Từ năm 2019, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã giao cho ngành chức năng tiến hành các thủ tục lập hồ sơ để đề nghị Chính phủ xếp hạng “Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị”, trong đó có Giếng cổ Gio An vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt. Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị đang triển khai việc này.
- Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)