Gìn giữ cho mai sau

Sỹ Hoàng |

Lâu nay, người dân ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quen với hình ảnh người đàn ông dân tộc Vân Kiều lặng lẽ xuống nhiều bản, làng để sưu tầm hàng trăm hiện vật gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô từ thuở lập bản, lập làng... Đó là anh Hồ A Chõ (sinh năm 1978) ở bản Thuận 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Người đàn ông này tự bỏ tiền túi xây dựng một “bảo tàng nhỏ” bên dòng sông Sê Pôn với ước mơ cháy bỏng là mai sau con cháu ghé thăm, có thể chạm vào từng hiện vật mà tìm về quá khứ nguồn cội dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Căn nhà sàn dùng làm nơi trưng bày hơn 100 hiện vật chủ yếu là các loại nhạc cụ dân tộc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá suối độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mà anh Hồ A Chõ công phu sưu tầm trong thời gian dài, nằm giữa khu vườn yên bình bên dòng sông Sê Pôn. Khi có khách đến thăm, anh Chõ hào sảng với khách rằng đó là “bảo tàng nhỏ” được xây cất từ tâm huyết cùng ước mơ gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô theo cách của riêng anh.

Anh Hồ A Chõ giới thiệu công năng sử dụng của các hiện vật mà mình sưu tầm được - Ảnh: S.H
Anh Hồ A Chõ giới thiệu công năng sử dụng của các hiện vật mà mình sưu tầm được - Ảnh: S.H

Anh Hồ A Chõ nhớ lại, niềm đam mê sưu tầm các loại nhạc cụ dân tộc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá suối... của anh bắt đầu từ tháng ngày anh làm Bí thư Xã đoàn xã Thuận (từ năm 2000 - 2012) cho đến tận bây giờ là công chức thông tin và truyền thông xã Thuận.

Hồi ấy, mỗi lần đặt chân xuống các bản, làng, anh tận mắt chứng kiến các loại nhạc cụ dân tộc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá suối... ngày càng ít hiện diện dưới mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Nhiều hiện vật quý giá về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô bị “cơn lốc” thị trường biến thành hàng hóa, khiến không ít bản làng trở nên vô hồn, mất dần gốc rễ. Đơn cử như các loại nhạc cụ dân tộc gồm cồng, chiêng, trống Xà cơng (đồng bào dân tộc Pa Kô gọi là trống A cưr), đàn Pa lứa, sáo Khui, sáo Pi... gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Bởi trong từng giai đoạn của đời người như thuở lọt lòng, lớn lên, nên duyên vợ chồng rồi rời xa bản, làng về với Giàng Kaneaq đều có sự hiện diện của các loại nhạc cụ này hòa nhịp với các điệu múa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô qua bao mùa lễ hội. Nhưng rồi, nhiều bộ cồng, chiêng, trống Xà cơng/A cưr... rời bỏ bản, làng với “cái giá” cao ngất ngưởng của các lái buôn săn tìm cổ vật.

Chỉ cách đây khoảng chục năm, thỉnh thoảng lại có khách lạ đến hỏi mua bộ cồng, chiêng cùng nhiều loại nhạc cụ dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mà anh Chõ sưu tầm được với giá cao nhưng anh cương quyết khước từ.

Bởi theo anh, cho dù có “đói ăn, thiếu mặc” cũng không được bán những hiện vật đã làm nên “hồn cốt” văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

“Bảo tàng nhỏ” nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật mà anh Hồ A Chõ sưu tầm được - Ảnh: S.H
“Bảo tàng nhỏ” nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật mà anh Hồ A Chõ sưu tầm được - Ảnh: S.H


Thực tế, trong nhiều bản, làng đến thời điểm hiện tại, số gia đình gìn giữ được cồng, chiêng, trống Xà cơng/A Cưr, đàn Pa lứa, sáo Khui, sáo Pi... chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người già ít đánh, đám trẻ không mấy mặn mà nên các nhạc cụ bị bỏ không ở xó nhà. Cũng có vài người lén lút bán với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng một chiếc hoặc một bộ chiêng, cồng tùy loại to, nhỏ và nguyên liệu đúc cồng, chiêng...

Thực tế ấy khiến anh Chõ trăn trở, suy tư trong một thời gian dài và đi đến quyết định sẽ bỏ “tiền túi” sưu tầm, lưu giữ các hiện vật với ước nguyện sẽ truyền lại cho con cháu mai sau.

Đến năm 2022, khi hiện vật sưu tầm được đã “chất đầy” trong căn nhà mà vợ chồng anh Chõ hiện đang sinh sống, anh quyết định đầu tư hơn 80 triệu đồng để xây dựng căn nhà sàn dùng làm nơi trưng bày hiện vật mà anh sưu tầm được.

Bằng sự am tường từng hiện vật được trưng bày ở “bảo tàng nhỏ” của mình, anh Chõ giới thiệu cho khách về một số loại nhạc cụ dân tộc độc đáo của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Ví như trống Xà cơng/A Cưr có thân trống làm từ đoạn thân cây dài khoảng 50 - 60 cm (đường kính khoảng 25 - 30 cm) được khoét rỗng.

Da để làm trống là da bò hoặc trâu được phơi khô từ 7 - 10 ngày mới căng mặt trống. Trống Xà cơng/A cưr thường được sử dụng trong tất cả các dịp lễ hội, đám tang... của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Hay đàn Pa lứa được làm bằng ống tre với chiều dài từ 40 - 50 cm (đường kính khoảng 0,8 - 10 cm).

Một đầu thân ống tre được khoan 5 lỗ nhỏ (để cộng hưởng âm thanh) và đầu còn lại là 2 nhánh tre nhỏ cắm xuyên qua thân ống tre để buộc dây đàn. Ngày xưa, dây đàn Pa lứa được làm từ loại dây rừng có tên gọi là dây Tờ roa.

Hiện tại, dây đàn Pa lứa được cải tiến thành dây kim loại. Muốn đánh đàn Pa lứa phải dùng cung kéo làm từ thanh nứa được bôi nhựa thông. Đàn Pa lứa thường được người Vân Kiều độc tấu hoặc hòa tấu với những loại nhạc cụ dân tộc khác để đệm cho các làn điệu dân ca Vân Kiều.

Chiếc Tacoi Ta riếc (người Pa Kô gọi là Tăng coi ti riet và có tên gọi khác là tù và) được làm bằng sừng trâu. Tacoi Ta riếc được sử dụng vào các dịp lễ hội lớn của người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đặc biệt, chiếc Tacoi Ta riếc chỉ duy nhất già làng mới có quyền sử dụng để thông báo, tập hợp dân bản.

Ngày xưa, trước khi mang nhạc cụ này ra sử dụng, đích thân già làng phải làm lễ cúng Giàng, bởi một khi tiếng Tacoi Ta riếc vang lên, dân bản sẽ biết rằng già làng đang thông báo trong bản, làng có người săn được con thú lớn hay con dân của bản không may gặp nạn... Sáo Khui của người Vân Kiều được làm bằng ống tre rừng với chiều dài khoảng 60 - 70 cm.

Trước khi bắt tay vào làm sáo Khui, nghệ nhân phải lên rừng tìm cây tre ưng ý, rồi sau đó mới chọn ngày để chặt tre mang về.

Cây tre được chặt mang về sẽ được đẽo, gọt thành hình hài của chiếc sáo Khui, sau đó mang hong khô trên gác bếp vài tháng mới đến công đoạn khoét lỗ trên thân sáo Khui. Công đoạn này đòi hỏi phải là những nghệ nhân am hiểu về âm luật mới làm được...

Đến bây giờ, “gia tài” nhạc cụ dân tộc mà anh Hồ A Chõ sưu tầm được chỉ thiếu khoảng vài hiện vật là đầy đủ. Ngoài nhạc cụ dân tộc, anh còn sưu tầm hàng chục hiện vật là dụng cụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá suối như A ruông (dùng để đánh bắt cá suối sâu), A rơi, A noac (dụng cụ đánh bắt cá suối cạn), A đư ku pô (giỏ đựng cá), A luôi (dùng để đựng lúa giống), Xa ra (dùng để sàng lúa), Sang (dùng để gùi lúa, củi từ rẫy về nhà), A viết (dùng để phơi lúa), Tiar (giàn sấy, hong khô thịt, cá treo trên bếp lửa nhà sàn), Pa điêng (bàn dọn thức ăn), A giang (dùng để đựng áo quần)...

Trong dự định của anh Chõ, thời gian tới anh sẽ sưu tầm thêm các loại trang phục của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, sắp xếp lại các hiện vật theo từng chủ đề và kèm theo hình ảnh giới thiệu công năng sử dụng của từng hiện vật.

Cho dù mai này, các bản, làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô không ngừng phát triển thì âm thanh của các loại nhạc cụ dân tộc không thể thiếu trong các mùa lễ hội. Và những đứa con của núi rừng Trường Sơn như anh Hồ A Chõ càng ý thức sâu sắc hơn việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ký ức Trung thu

Hoàng Nguyên |

Nhìn lại, Trung thu tuổi thơ của mình không giống nhiều người. Một phần vì mình sợ ông địa với đầu lân đến mức cứ gặp là khóc, một phần vì mình ngày nhỏ lặng lẽ và nhút nhát nên chẳng khi nào đi rước đèn trông trăng với mấy đứa bạn trong xóm. Những bài văn miêu tả tết Trung thu ngày nhỏ có mâm cỗ, có ông trăng, có chúng bạn đối với mình chẳng mấy quen thuộc.

“Phế liệu chiến tranh” hóa thanh âm núi rừng

Sỹ Hoàng |

Vẫn còn trong ánh hồi quang soi chiếu từ quá khứ chưa xa của nhiều già làng người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô là bao lần băng rừng, lội suối gùi cõng đạn dược, lương thực cho bộ đội dưới tán rừng già thâm u được soi chiếu bằng pháo sáng; băng qua cánh rừng bị thiêu rụi bởi bom napan của Mỹ ngụy. Xác máy bay hay pháo sáng cùng nhiều loại bom, đạn của Mỹ ngụy dội xuống những cánh rừng Trường Sơn năm xưa, đến bây giờ được các nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô tỉ mẩn chế tác thành đàn Ta lư, Xar (có tên gọi khác là xập xõa)... để hòa âm cùng các làn điệu dân ca.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc Việt Nam

TS. Vũ Đăng Minh |

Cách đây tròn 55 năm, ngày 2/9/1969 (tức ngày 21/7 Âm lịch), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từ biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng. Trái tim của Người ngừng đập nhưng những di sản của của Người vẫn còn sống mãi...

Ký ức của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Nguyên Đồng |

Những ngày tháng 5/2024, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh khắp các địa phương trên cả nước hướng đến sự kiện lớn: 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn 19/5 (1959 - 2024). Tại huyện Vĩnh Linh, nơi được chọn làm điểm bắt đầu để mở đường Trường Sơn huyền thoại vào năm 1959, thời điểm bấy giờ có trên 600 nam, nữ thanh niên tham gia vào lực lượng bộ đội Trường Sơn. 65 năm đã trôi qua, mỗi dịp cùng nhau ôn lại một thời hào hùng ấy, với những người lính còn ở lại, đường Trường Sơn luôn là niềm tự hào, kỷ niệm đặc biệt không bao giờ quên trong ký ức.