Hồi sinh trên “vành đai trắng” Gio Linh

Khánh Ngọc |

Nằm ở bờ Nam vĩ tuyến 17 mang nỗi đau chia cắt đất nước, huyện Gio Linh (Quảng Trị) bước ra từ cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại với khung cảnh tiêu điều, đổ nát…

50 năm sau ngày quê hương giải phóng, vượt lên gian khó với ý chí quyết tâm cao và khát vọng tái thiết quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gio Linh đã biến vùng đất “bời bời cỏ lút đồng hoang” năm xưa thành bạt ngàn cao su, hồ tiêu xanh ngút mắt ở vùng gò đồi - miền núi; những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay ở vùng đồng bằng và tôm cá mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng cát ven biển... Trên những “vành đai trắng”, “vùng đất chết” ken đầy hố bom, đạn pháo quân thù để lại, giờ đây cuộc sống yên bình, no ấm hồi sinh mãnh liệt từng ngày.

Những năm qua, thực hiện chủ trương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, huyện đã xác định một số cây trồng, con nuôi chủ lực để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật mới, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng cánh đồng lớn; mời gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, ký hợp đồng thu mua nông sản cho nông dân.

Cây hồ tiêu phát triển mạnh ở vùng gò đồi Tây Gio Linh - Ảnh: K.N
Cây hồ tiêu phát triển mạnh ở vùng gò đồi Tây Gio Linh - Ảnh: K.N

Đến nay, vùng gò đồi và miền núi phía Tây Gio Linh đã duy trì chăm sóc ổn định diện tích cây công nghiệp gồm 3.762 ha cao su tiểu điền; 428 ha hồ tiêu và hơn 21.000 ha rừng. Cây cao su trên địa bàn có nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cao su Quảng Trị thu mua bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Đối với cây hồ tiêu, địa phương đã xây dựng mô hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và chế phẩm sinh học để thâm canh tăng năng suất hồ tiêu theo quy trình chỉ dẫn địa lý tiêu Quảng Trị tại các xã vùng Tây mang lại hiệu quả cao; mô hình hỗ trợ thực hiện sản xuất 65 ha tiêu hữu cơ tại xã Gio An và được cấp chứng nhận tiêu hữu cơ quốc tế 52 ha, sản lượng tiêu hữu cơ được công ty OganicMore thu mua với giá cao hơn 1,5 lần so với giá thị trường.

Vùng đồng bằng đã hình thành các vựa lúa chất lượng cao sản xuất hai vụ/năm ở các xã Trung Sơn, Trung Hải, Gio Quang, Gio Mai; sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt hơn 45.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực.

Ở vùng cát và ven biển, nếu như trước đây còn tình trạng cát bay, cát lấp, người dân để đất cát hoang hóa từ đời này sang đời khác, thì nay vùng cát được quy hoạch trở thành vùng nuôi tôm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng các loại cây như mướp đắng, dưa lưới, dứa… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh xác định các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, huyện Gio Linh là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản.

Về trồng trọt, trên địa bàn đã xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sâm Bố Chính tại xã Gio An với diện tích 3 ha, năng suất 9 - 10 tấn/ha, doanh thu 300 triệu đồng/ ha/năm; mô hình sản xuất mướp đắng vụ đông xuân trong nhà lưới đơn giản quy mô 2 ha với 30 hộ tham gia tại HTX Lại An, xã Gio Mỹ theo hướng sản xuất rau an toàn, năng suất đạt 20 - 30 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau xà lách xoong tại xã Gio An diện tích 8 ha, đã xây dựng nhãn hiệu tập thể rau xà lách xoong; mô hình trồng ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn ViêtGap diện tích 2,2 ha tại xã Phong Bình, doanh thu 200 - 400 triệu đồng/ha/ năm…

Về chăn nuôi, hiện nay mô hình nuôi chim yến có giá trị kinh tế cao đang nhân rộng ở thị trấn Cửa Việt, các xã Gio Việt, Gio Mỹ, Trung Giang, Gio Châu, mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, so với các địa phương trong tỉnh, huyện Gio Linh có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản.

Với lợi thế có vùng cửa lạch và cảng cá Cửa Việt thuận lợi phát triển nghề khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, địa phương động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền có chiều dài từ 15 m trở lên để vươn khơi bám biển đánh bắt xa bờ và lắp thiết bị giám sát hành trình, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại, phát triển các nghề mới khai thác thủy sản; đồng thời, tích cực tham gia thực hiện chương trình khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, toàn huyện Gio Linh có 939 tàu thuyền khai thác và dịch vụ thủy sản, trong đó có 154 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tổng sản lượng thủy sản khai thác hằng năm đạt hơn 16.000 tấn, chiếm hơn một nửa sản lượng khai thác thủy sản của toàn tỉnh. Gio Linh cũng là huyện có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh.

Đi đôi với nghề khai thác, lĩnh vực chế biến hải sản phát triển mạnh, nhất là chế biến mực, cá khô xuất khẩu, chế biến nước mắm… tạo được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là lao động nữ ở vùng biển. Về nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi thủy sản toàn huyện ước đạt 711 ha, sản lượng đạt 1.115 tấn.

Trong nuôi trồng thủy sản, huyện đã triển khai ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến như mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm 2 giai đoạn trên cát ở Trung Giang, sử dụng chế phẩm sinh học cho năng suất 25 - 30 tấn/ha/vụ, được nhân rộng ở Trung Giang, Trung Hải, Gio Mai; mô hình nuôi xen ghép tôm - cua - cá (cá diêu hồng, cá nâu, cá dìa,...) ít dịch bệnh, thu nhập 80 -100 triệu đồng/ha ở xã Trung Giang 8 ha, đang triển khai mở rộng ở xã Gio Mai, Gio Việt, Trung Hải…

Có thể khẳng định, nhờ sự năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm huy động nguồn nhân lực, vật lực khai hoang phục hóa, cải tạo đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nên sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân Gio Linh đã có những đổi thay đáng kể.

Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2021 đạt 50 triệu đồng/năm. Diện mạo nông thôn mới chuyển biến tích cực. Đến nay, vùng trọng điểm lúa gạo của huyện cơ bản đã được dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích 3.000 ha sản xuất tập trung.

Đi trên những cứ điểm quân sự nổi tiếng của quân thù năm xưa như Cồn Tiên, Dốc Miếu không còn hình ảnh hố bom, hố pháo, dây kẽm gai, mà thay vào đó bạt ngàn màu xanh cao su, hồ tiêu và cây trái vườn nhà... Đất không phụ công người trồng vun xới cho những mùa vàng bội thu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đưa tiêu quê ra thế giới

Tây Long |

Dầu dãi nắng mưa với cây tiêu, người nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn mong muốn đưa sản vật cay nồng của quê nhà ra thế giới để mang về cuộc sống no ấm. Ước mong ấy đã trở thành hiện thực nhờ sự góp sức của Tổ chức Roots of Peace (ROP) đến từ Mỹ.

Quảng Trị có 4 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022

Kăn Sương |

Ngày 18/8, tại Long Thuận Hotel Resort, thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận diễn ra lễ khai mạc hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong số 124 sản phẩm, bộ sản phẩm được Cục Công thương địa phương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022, Quảng Trị vinh dự có 4 sản phẩm, bộ sản phẩm.

Đặt mục tiêu hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030

PV |

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Hướng Hóa tích cực phục hồi diện tích cây hồ tiêu

Bích Liên |

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng với sự bấp bênh về giá cả nên nhiều hộ nông dân trồng tiêu tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không đầu tư chăm sóc, làm cho cây hồ tiêu bị giảm năng suất. Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện và giá hồ tiêu đang tăng lên đã tạo động lực cho nhiều hộ nông dân Hướng Hóa tích cực phục hồi, trồng mới diện tích cây hồ tiêu.