Hướng Hóa tích cực phục hồi diện tích cây hồ tiêu

Bích Liên |

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng với sự bấp bênh về giá cả nên nhiều hộ nông dân trồng tiêu tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không đầu tư chăm sóc, làm cho cây hồ tiêu bị giảm năng suất. Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện và giá hồ tiêu đang tăng lên đã tạo động lực cho nhiều hộ nông dân Hướng Hóa tích cực phục hồi, trồng mới diện tích cây hồ tiêu.

Xã Tân Liên là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất ở huyện Hướng Hóa. Những năm gần đây, bên cạnh các loại cây trồng khác, hồ tiêu được xem là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nhiều hộ dân tại địa phương này. Toàn xã hiện có gần 60 ha hồ tiêu. Với năng suất bình quân những năm gần đây đạt trên 2 tấn/ha, mỗi năm sau vụ thu hoạch, nhiều nông dân trồng tiêu cũng có thu nhập khá. Để duy trì và phát triển tốt diện tích hồ tiêu hiện có, hằng năm chính quyền xã Tân Liên đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các cấp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng tiêu cho người dân, đồng thời tích cực hỗ trợ các hộ gia đình phục hồi những diện tích tiêu bị bệnh chết. Chính vì vậy mà diện tích cây hồ tiêu tại xã luôn được duy trì ổn định.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa hướng dẫn nông dân phục hồi những gốc tiêu bị dịch bệnh - Ảnh: B.L
Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa hướng dẫn nông dân phục hồi những gốc tiêu bị dịch bệnh - Ảnh: B.L

Gia đình ông Nguyễn Hóa ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên là một trong những hộ trồng tiêu lâu năm. Hơn 10 năm trở lại đây, mỗi năm vườn gia đình ông luôn duy trì từ 250 - 300 gốc tiêu. Do có kinh nghiệm lâu năm trong khâu trồng và chăm sóc nên vườn tiêu của gia đình ông luôn xanh tốt, cho sản lượng cao. Tuy nhiên, từ sau đợt mưa lũ năm 2020, dù đã chăm sóc rất kỹ lưỡng, vườn tiêu của gia đình ông liên tục bị dịch bệnh, mỗi năm chết trên 50 gốc. Dù vậy, ông Hóa chưa bao giờ có ý định chặt bỏ vườn tiêu mà vẫn tích cực tìm hiểu, đầu tư để phục hồi, trồng mới. Năm nay, với sự hỗ trợ của cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa, ông Hóa quyết tâm triển khai trồng mới, tiếp tục phục hồi những gốc tiêu bị bệnh chết.

Ông Hóa cho biết: “Đối với gia đình tôi thì cây tiêu là cây trồng chủ lực, gắn bó trong làm ăn, phát triển kinh tế lâu nay. Những năm trước tiêu được mùa thì rớt giá, hơn một năm trở lại đây giá tiêu lên cao thì cây lại bị bệnh chết. Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với loại cây trồng này. Hiện nay giá tiêu đang lên, chúng tôi rất phấn khởi, cố gắng tìm hiểu kỹ thuật cải tạo vườn để nâng cao thu nhập.”

Sở hữu diện tích đất gần 2 ha, trong đó gần 1,5 ha được anh Nguyễn Công Văn ở thôn Tân Tiến, xã Tân Liên dùng để trồng tiêu. Từng thất thu vì nhiều gốc tiêu chết vì dịch bệnh vài năm trước nhưng anh Văn vẫn quyết tâm khôi phục lại vườn tiêu. Hằng năm, anh đều tiến hành phục hồi, trồng mới thay thế những gốc tiêu già cỗi, chết do dịch bệnh. Đến nay, vườn tiêu của gia đình anh luôn duy trì từ 1.500 - 2.000 gốc. Để vườn tiêu phát triển tốt, anh Văn tiến hành lắp đặt hệ thống nước tưới, sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phân chuồng, tự ươm giống để sử dụng và bán cho người trồng thay vì mua giống bên ngoài dễ phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, anh Văn còn tích cực học hỏi kinh nghiệm của các thành viên trong Câu lạc bộ chăm sóc tiêu tại địa phương nên đến thời điểm hiện tại vườn tiêu của anh đã phát triển tốt.

Anh Văn cho biết: “Những năm gần đây, giá tiêu tăng lên tạo động lực rất lớn cho người trồng tiêu. Chúng tôi nỗ lực tìm hiểu cách chăm sóc hợp lý, áp dụng vào vườn tiêu của mình để hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn tiêu. Bên cạnh đó, để cây tiêu phát triển bền vững, chúng tôi tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo quy trình từ chọn giống đến chăm sóc và thu hoạch để đem lại năng suất, sản lượng, chất lượng cao.”

Huyện Hướng Hóa hiện có gần 250 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Liên, Hướng Phùng, Hướng Tân… Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là mưa rét kéo dài làm một số vườn tiêu bị úng nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch bệnh phát sinh và gây hại. Kết hợp với giá hồ tiêu xuống thấp những năm trước đã khiến cho nhiều vườn tiêu bị bỏ bê, không được chăm sóc, nhiều hộ đã phá bỏ cây tiêu để chuyển sang trồng các loại cây khác. Để phục hồi cây tiêu, thời gian qua đã có một số tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng và mang lại hiệu quả cao.

Ông Võ Khánh Ngọc, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa cho biết: “Hiện nay, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang tích cực triển khai việc phục hồi các vườn tiêu cũ, quy hoạch vùng trồng mới cây hồ tiêu ở những nơi có điều kiện thuận lợi, áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Chúng tôi đang tiến hành hỗ trợ các địa phương thiết lập kênh thông tin thị trường vật tư phân bón và sản phẩm hồ tiêu để giúp nông dân chủ động hơn trong đầu tư sản xuất, đồng thời khuyến cáo người trồng tiêu, trong quá trình trồng mới, phục hồi, nếu phát hiện dịch bệnh cần thông tin kịp thời đến Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện để có hướng hỗ trợ, xử lý, hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng”.

Hiện nay, bên cạnh khuyến khích phục hồi diện tích hồ tiêu kém hiệu quả, các cơ quan chuyên môn và chính quyền huyện Hướng Hóa đang tích cực hỗ trợ nông dân phòng, chống dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu chọn giống, chăm sóc và thu hoạch để cây hồ tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao, đem lại nguồn thu nhập khá cho người trồng tiêu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hỗ trợ đồng bào trồng cà gai leo

Nguyễn Thành Phú |

Từ nhiều năm nay, tuy đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về giống cây trồng, vật nuôi, song người dân vùng Lìa vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Để giúp người dân có thêm những giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã tiên phong đưa cây cà gai leo đến với đồng bào vùng đất biên cương này.

Nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than ở Đakrông

Sỹ Hoàng |

Các bậc cao niên người đồng bào dân tộc Pa Kô kể rằng, thuở xa xưa người Pa Kô sống du canh, du cư khắp đại ngàn Trường Sơn. Trong hành trình ấy, người Pa Kô luôn mang theo bên mình giống nếp quý là nếp than (đệp cù cha), nếp huyết (đệp a hăm) để gieo trồng trên những đám rẫy vừa phát xong… Bây giờ, chính giống lúa nếp than đang được nhân rộng ở nhiều bản làng vùng cao huyện Đakrông (Quảng Trị) với phương thức canh tác tự nhiên, đang nhen nhóm ước mơ sẽ trở thành sản phẩm OCOP của huyện.

Năng suất hồ tiêu giảm gần 50% so với trung bình nhiều năm

Thanh Lê |

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong năm 2021, năng suất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm gần 50% so với trung bình nhiều năm, ước đạt từ 6-6,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.487,7 tấn.

Người duyên nợ với cây hồ tiêu Vĩnh Linh

Lâm Thanh |

Quê ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), đơn vị công tác đóng ở thành phố Đông Hà nhưng anh Lê Tấn Tửu, sinh năm 1978, cán bộ kỹ thuật tổ chức Roots of Peace (ROP), đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh lại chọn nơi sống là huyện Vĩnh Linh bởi “duyên nợ” với cây hồ tiêu trên mảnh đất này.