Từ nhiều năm nay, tuy đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về giống cây trồng, vật nuôi, song người dân vùng Lìa vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Để giúp người dân có thêm những giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã tiên phong đưa cây cà gai leo đến với đồng bào vùng đất biên cương này.
Nếu như các năm trước đây cây sắn KM94 được xem là cứu cánh để người dân có mức thu nhập tương đối khá, hay cây chuối đã góp phần giúp người dân bớt đi những ngày đứt bữa lúc giáp hạt thì nay, theo thời gian, cả hai loại cây này đã dần mất đi vai trò “trụ cột” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của người dân với lý do sản lượng, chất lượng sản phẩm bị giảm sút, đầu ra bấp bênh, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường hoặc thời tiết... Bên cạnh đó, việc trồng cây sắn KM94, người dân sử dụng nguồn thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, nhất là thuốc diệt cỏ nên đã nhanh chóng làm cho đất đai bị bạc màu, dẫn đến cây trồng kém phát triển, sản lượng thấp và người dân không còn lưu tâm đến kỹ thuật chuyên canh mà chuyển qua việc khai hoang đất mới, từ đó đã làm cho rừng ngày càng bị thu hẹp dần diện tích, còn đất trống, đồi trọc thì ngày càng mở rộng.
Trước nguy cơ đất đai bị hoang hóa, tỉnh Quảng Trị đã đề ra chủ trương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển KT - XH ở mỗi địa phương, tiến tới xây dựng và duy trì có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn biên giới với tiêu chí sản xuất khép kín từ việc cung cấp cây giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp người dân ý thức hơn trong quá trình làm ra những sản phẩm sạch, có đầu ra ổn định... để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thực hiện chủ trương của tỉnh và với trách nhiệm của mình trước Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng đem lại lợi ích kinh tế cao hơn. Bằng sự liên kết với doanh nghiệp thảo dược Huệ Đà tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã xây dựng mô hình trồng cây cà gai leo thí điểm trên vùng đất đã bạc màu để tuyên truyền, nhân rộng cho người dân trên địa bàn phụ trách.
Tháng 1/2021, cây giống cà gai leo đầu tiên được trồng xuống trên diện tích gần 3 ha sau hơn 2 tháng chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh, Trung tá Ngô Trường Khôi cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là trồng thí điểm để đúc rút kinh nghiệm, sau đó tuyên truyền, vận động người dân làm theo nhằm từng bước tạo nên một vùng dược liệu sạch, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ tháng 1/2021 đến nay, đơn vị thu hoạch được 4 đợt và đã thu lại vốn đầu tư ban đầu là hơn 100 triệu đồng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Khưa, 52 tuổi ở thôn Mới, xã Thanh, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Trước đây, gia đình mình chỉ trồng sắn trên những vạt đất đồi mà gia đình đã khai hoang từ lâu. Mấy vụ đầu, sắn lên tốt, cho năng suất khá, thu nhập cũng tạm ổn, thế nhưng càng ngày đất càng bị bạc màu, cây sắn còi cọc, củ ít, vất vả từ đầu vụ cho đến cuối vụ, sau khi thu hoạch tính toán lời lãi chẳng được là bao. Tháng 8/2021, được cán bộ Đồn Biên phòng Thanh và chính quyền tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, được Công ty Huệ Đà cung cấp cây giống nên mình đã trồng cà gai leo với hơn 1 ha, đến nay đã thu hoạch được 1 đợt và đang chuẩn bị thu đợt thứ 2. Giá bán từ 20 - 25 ngàn đồng/kg cây khô, hơn nữa Công ty Huệ Đà bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên so với cây sắn thì cây cà gai leo mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều”.
Từ mô hình điểm của Đồn Biên phòng Thanh và gia đình ông Khưa, đến nay, xã Thanh đã có thêm 9 hộ chuyển đổi sang trồng cây cà gai leo với tổng diện tích khoảng hơn 10 ha. Theo đánh giá của người dân thì cây cà gai leo với tính năng chịu hạn tốt, không kén đất và việc chăm sóc cũng không phức tạp nên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây cũng như trình độ canh tác của người dân. Cây sinh trưởng tốt, 3 tháng cho thu hoạch một lần, sản phẩm thu một lứa là toàn bộ thân cây từ gốc đến ngọn, cây có thể tái sinh sau khi thu hoạch và duy trì gốc sau 3 năm thì trồng mới. Với quy trình sản xuất thuận lợi, được sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật của các chiến sĩ biên phòng, cùng lời đảm bảo của Công ty Huệ Đà về bao tiêu sản phẩm, giá cả hợp lý nên cây cà gai leo hiện đang phát triển khá mạnh tại vùng Lìa.
Bí thư Đảng ủy xã Lìa Hồ A Dược cho biết: “Cây cà gai leo tuy chỉ mới gần 2 năm bám rễ nơi đây nhưng rất khả quan và hiệu quả kinh tế cao gấp rất nhiều lần so với một số loại cây trồng khác. Hiện nay, nhiều hộ dân có nguyện vọng được trồng cây cà gai leo nên địa phương đang tích cực phối hợp cùng Đồn Biên phòng Thanh hướng dẫn kỹ thuật, kết nối với doanh nghiệp Huệ Đà hỗ trợ thêm về cây giống, phân bón để người dân tích cực thực hiện chuyển đổi cây trồng bằng việc trồng cây cà gai leo”.
Mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo theo công nghệ sạch đang mang lại kỳ vọng là cây góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi vùng cao biên giới, người dân được nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)