Ngày 11/3, UBND tỉnh Quảng Trị nghe Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo Đề án Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc.
Theo Đề án Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án), toàn tỉnh hiện có hơn 3.555 ha cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Về thành phần loài, hiện có hơn 230 loài cây dược liệu, trong đó có 199 loài thuộc danh mục dược liệu được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT.
Có khoảng 40 loài cây dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài được người dân thu hái để làm thuốc như: Ba kích tím, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh, quế, đảng sâm, lan kim tuyến... Một số loại có sản lượng lớn như nghệ hơn 1.234 tấn/năm, đinh lăng 175,5 tấn/năm, gừng 413 tấn/năm, sả 2.464 tấn/năm, sắn dây 350 tấn/năm, tràm 2.500 tấn lá/năm (tương đương 4.600 lít dầu tràm/năm),…
Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá và bộ tiêu chí lựa chọn, bước đầu có 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển theo trục sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Nhóm cây dược liệu đặc thù, thế mạnh của tỉnh là chè vằng, an xoa. Nhóm cây dược liệu đặc thù của cộng đồng là các loài cây được chọn gắn với sản phẩm, theo chu trình OCOP như: Thất diệp nhất chi hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, cà gai leo, đẳng sâm, sâm Bố Chính. Nhóm cây dược liệu có thế mạnh thị trường cần được khảo nghiệm, đánh giá từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh như quế…
Mục tiêu cụ thể của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha, trong đó trồng mới ít nhất 1.000 ha; có thêm 30 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Phấn đấu đến năm 2030 đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 6.000 ha, trong đó trồng mới thêm ít nhất 1.500 ha. Có thêm 40 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Các đại biểu đã đóng góp các ý kiến về nguồn lực thực hiện Đề án; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm kết nối vào các chuỗi cung ứng; đối tượng và điều kiện hỗ trợ của Đề án…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, Đề án là rất cần thiết để phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; tránh tình trạng nhiều loài cây dược liệu có giá trị kinh tế nhưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hộ gia đình… không thu hút được sự tham gia, đầu tư của nhà khoa học, doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp và PTNT cần cụ thể hóa cũng như xác định lại các nguồn lực để thực hiện đề án.
Cân nhắc lựa chọn, loại bỏ và bổ sung thêm các loài cây dược liệu trong số 14 loài có tiềm năng phát triển cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển được đề cập trong đề án. Cần cụ thể hơn các vấn đề về chế biến, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ… của các sản phẩm từ cây dược liệu. Chú trọng việc truyền thông, quảng bá cũng như thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)