Tỉnh Quảng Trị có đất đai, khí hậu đa dạng, phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có cây dược liệu. Những năm qua, đã có nhiều mô hình trồng cây dược liệu được các địa phương, cơ quan chuyên môn đưa vào thử nghiệm và đã thu được những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.
Những tín hiệu tích cực
Thời gian qua, huyện Cam Lộ đã hình thành vùng trồng cây chè vằng, cây cà gai leo theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích gần 80 ha. Năng suất thu hoạch đạt 60 tạ/ha đối với cây chè vằng và 40 tạ/ha đối với cây cà gai leo. Phát triển vùng trồng cây an xoa với diện tích 3,5 ha. Dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm 12 ha nhằm đảm bảo nguyên liệu cho việc chế biến, xuất khẩu.
Triển khai trồng mới tập trung 20 ha tràm năm gân tại vùng công nghệ cao xã Cam Thủy theo hướng liên kết cung cấp nguyên liệu cho Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Trường Sơn chế biến tinh dầu. Đặc biệt, đang triển khai kế hoạch trồng mới tập trung khoảng 100 ha quế; tiến tới từng bước hình thành vùng nguyên liệu hữu cơ theo liên kết với Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex).
Cùng với việc mở rộng diện tích, chất lượng sản phẩm dược liệu cũng được nâng lên đáng kể, nhiều sản phẩm đã được “gắn sao” OCOP cấp tỉnh. Có thể kể đến như cà gai leo, cao cà gai leo giải độc gan của Công ty TNHH Cà gai leo An Xuân; cao chè vằng, cao cà gai leo, cao thìa canh, cao lạc tiên của Công ty TNHH Định Sơn Mai Thị Thủy; tinh chất dược liệu dưỡng da mẹ và bé của HTX Dược liệu Trường Sơn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh thông tin, cùng với việc phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, người dân còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cây chè vằng, cà gai leo cho thu nhập khoảng từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây an xoa, hiện đã xuất khẩu được hơn 2 tấn cao an xoa sang thị trường Mỹ với giá 1,7 triệu đồng/kg thông qua hợp tác với Công ty cổ phần Agridynamics Việt Nam, trừ chi phí cho lợi nhuận gần 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với cây quế hiện đang trồng thử nghiệm theo liên kết với Công ty Vinasamex dự kiến sau 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch và ước tính trong một chu kỳ thu hoạch có thể cho thu nhập lên đến 1 tỉ đồng/ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương thông tin, theo kết quả khảo sát, điều tra trên địa bàn tỉnh bước đầu đã thống kê được hơn 230 loài cây dược liệu, phân bố trên diện tích hơn 3.555 ha, tập trung phần lớn ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Trong đó, có khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc như cây ba kích tím, sa nhân tím, sâm ngọc linh, quế, đẳng sâm, lan kim tuyến, chè vằng, sả, nghệ, đinh lăng, cà gai leo, sâm bố chính…
Một số loài có trữ lượng lớn như nghệ hơn 1.234 tấn/năm, đinh lăng hơn 175 tấn/năm, gừng 413 tấn/năm, sả 2.464 tấn/năm, sắn dây 350 tấn/năm, tinh dầu tràm 2.500 tấn lá/năm (tương đương 4.600 lít dầu tràm/năm). Đã tạo ra các sản phẩm dược liệu với số lượng lớn như tinh bột nghệ, tinh dầu sả, tinh dầu tràm, cao an xoa, cao lá vằng, chè vằng hòa tan, cao cà gai leo, trà cà gai leo... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đánh thức tiềm năng
Ông Trần Hoài Linh cho biết, ngoài sản phẩm cao an xoa đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hiện tại Công ty cổ phần Agridynamics Việt Nam đang tích cực kết nối với phía đối tác để đưa thêm một số sản phẩm dược liệu của huyện Cam Lộ như cao cà gai leo, cao chè vằng, tinh bột nghệ sang Mỹ để giới thiệu và kiểm tra thành phần dược chất. Bên cạnh đó, theo biên bản ghi nhớ với Công ty Vinasamex, huyện Cam Lộ cam kết sẽ vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển vùng trồng quế nguyên liệu hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu từ nay đến năm 2025 trồng từ 9.000 - 10.000 ha quế hữu cơ; nghệ, gừng, tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha/năm mỗi loại.
Theo ông Linh, huyện Cam Lộ có trên 22.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, hằng năm diện tích rừng khai thác và cao su đến thời hạn thay thế khoảng 1.500 ha. Do vậy, định hướng của huyện là sẽ dần chuyển đổi diện tích rừng trồng đã khai thác và cao su hết thời hạn khai thác sang trồng quế hữu cơ tập trung. Trước mắt, huyện Cam Lộ đang triển khai kế hoạch thí điểm phát triển cây quế với diện tích khoảng 100 ha trong năm 2022. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ 50% chi phí cây giống và phân bón. Về phía Công ty Vinasamex chịu trách nhiệm cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ nông dân trồng quế trên địa bàn huyện Cam Lộ. Đồng thời, cam kết bao tiêu nguyên liệu quế hữu cơ. “Từ kết quả sản xuất thử nghiệm năm 2021 nếu cho kết quả tốt sẽ chuyển đổi diện tích đất trồng cây lâm nghiệp, cây cao su sang trồng quế với diện tích tăng hằng năm từ 300 - 500 ha”, ông Linh cho hay.
Bà Nguyễn Hồng Phương cho biết, hiện tại ngành nông nghiệp đang xây dựng đề án khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, đánh giá và bộ tiêu chí lựa chọn, bước đầu đề xuất 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển theo trục sản phẩm trên địa bàn tỉnh gồm tràm các loại (tràm gió, tràm năm gân), nghệ, chè vằng, an xoa, bảy lá một hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, dây thìa canh, sâm bố chính, cà gai leo, khôi tía, đẳng sâm, quế. Để phát triển vùng nguyên liệu, ngoài diện tích dược liệu trồng tập trung, toàn tỉnh hiện có hơn 126.000 ha diện tích rừng tự nhiên và 119.000 ha rừng trồng, phân bố ở nhiều vùng địa hình với khí hậu, độ cao phong phú, nhiều diện tích thích hợp để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Do vậy, ngoài cây dược liệu hiện có phân bố tự nhiên trong rừng, có thể mở rộng trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên phòng hộ hiện có 50.000 ha, rừng sản xuất 22.000 ha và trồng xen trong rừng trồng phòng hộ 14.000 ha.
Dự kiến đến năm 2025, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha. Trong đó, trồng mới ít nhất 1.000 ha gồm: trồng mới 200 ha có quy mô sản xuất tập trung đối với những cây dược liệu có tiềm năng như nghệ, chè vằng, sả, cà gai leo, an xoa, dây thìa canh, tràm, sâm bố chính, quế, đẳng sâm. Trồng mới dưới tán rừng ít nhất 800 ha đối với những cây dược liệu như bảy lá một hoa, giảo cổ lam, sâm cau, khôi tía. Phấn đấu đến năm 2030 đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 6.000 ha.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)