Thành công từ đam mê sản xuất dược liệu

Anh Vũ |

Trong chuyến công tác đến các tỉnh phía Bắc mới đây, đoàn cán bộ và nông dân huyện Cam Lộ có dịp thăm chi nhánh sản xuất dược liệu của anh Lê Thanh Huệ (Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn, ở Cụm Công nghiệp Cam Thành, Cam Lộ) đặt tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nhìn quy mô, thiết bị, không khí lao động sản xuất, sản phẩm làm ra ở đây mới thấy được ý chí, nghị lực của một thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm, có nhiều ý tưởng trong sản xuất, kinh doanh để cho ra thị trường hàng chục sản phẩm thảo dược mỗi năm.

Sinh năm 1990 ở huyện Gio Linh, tốt nghiệp kỹ sư xây dựng năm 2014, anh Lê Thanh Huệ được nhận vào làm việc tại Viện Nghiên cứu ngành nghề nông thôn, thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thời gian làm việc ở đây, anh chuyên nghiên cứu và thực hiện các dự án về sinh kế bản địa cho người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa; có cơ hội đi nhiều địa phương trong cả nước, được tiếp xúc và làm việc với nhiều chuyên gia nước ngoài, anh Huệ thấy nhiều mô hình, cách làm hay trong việc chế biến dược liệu từ các loại thảo dược.

Anh Lê Thanh Huệ đang hướng dẫn cho công nhân sử dụng thiết bị chiết xuất tinh dầu-Ảnh: A.V
Anh Lê Thanh Huệ đang hướng dẫn cho công nhân sử dụng thiết bị chiết xuất tinh dầu-Ảnh: A.V

Với suy nghĩ tại sao các địa phương khác làm được mà mình không làm được cùng niềm đam mê làm dược liệu, cuối năm 2016, anh Huệ quyết định xin nghỉ việc tại Viện Nghiên cứu ngành nghề nông thôn để về quê xây dựng cơ sở chế biến dược liệu.

Anh bắt đầu bước chân vào lĩnh vực sản xuất dược liệu từ một cơ sở chế biến tinh dầu sả đặt tại khu phố Nam Hùng (nay là Khu phố 9), thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Năm đầu tiên anh trồng 5 ha sả để làm vùng nguyên liệu chế biến tinh dầu nhưng thất bại do thời tiết không thuận lợi nên sả hầu như chết hết. Sau thất bại với cây sả, anh Huệ tiếp tục tìm tòi, học hỏi, đưa thêm nhiều loại cây dược liệu khác để thử nghiệm chiết tinh dầu. Vừa làm vừa học, nghiên cứu, dần dần anh đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm tinh dầu phong phú, đa dạng.

“Lúc đầu mới làm gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là lĩnh vực mới, hiểu biết về các loại cây dược liệu còn mơ hồ nên tôi phải tự mày mò, tìm hiểu kiến thức từ bạn bè, internet gần một năm về các loại cây dược liệu phù hợp trước khi phát triển vùng nguyên liệu và thành lập HTX vào năm 2018. Ngoài ra, nguồn vốn ban đầu còn hạn hẹp nên phải vay mượn, lấy lãi từ những cái ít để đầu tư dần sang cái lớn”, anh Huệ chia sẻ.

Để HTX sản xuất hiệu quả ổn định lâu dài, ngoài việc thu mua các loại thảo dược tự nhiên từ người dân, anh Huệ phát triển thêm các vùng nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại huyện Cam Lộ, anh dành quỹ đất 5 ha chuyên trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu trước khi triển khai để người dân nhân rộng.

Hiện nay, ngoài cơ sở sản xuất đặt tại Cụm Công nghiệp Cam Thành, anh Huệ còn đặt cơ sở tại các vùng nguyên liệu ở 5 tỉnh, thành phố khác. Các loại máy móc, thiết bị chiết xuất tinh dầu, chế biến sản phẩm thảo dược thuộc loại công nghệ tiên tiến trên thị trường. Sản phẩm của HTX Dược liệu Trường Sơn lên đến hàng chục loại, trong đó nhiều nhất là tinh dầu sả, dầu tràm; các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như dầu gội bồ kết, dầu gội thảo dược, xà phòng từ quả bồ hòn…

Mỗi năm, HTX của anh sản xuất khoảng 5.000 lít tinh dầu các loại để cung cấp cho hệ thống siêu thị và công ty dược trong cả nước. Doanh thu của HTX trong năm 2021 lên đến gần 10 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

“Chúng tôi dự kiến sẽ phát triển mạnh các vùng nguyên liệu vì đối với doanh nghiệp sản xuất dược liệu thì nguyên liệu chính là yếu tố sống còn để có thể đứng vững trên thị trường. Có được nguồn nguyên liệu ổn định mới tránh được sự đứt gãy nguồn cung cho các công ty dược phẩm, nhà máy trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang hướng đến sản xuất những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế để xuất khẩu, trên cơ sở đó sẽ xây dựng hồ sơ sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, tạo bước cạnh tranh mới trên thị trường”, anh Lê Thanh Huệ cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cam Lộ: Vùng đất của các loại cây dược liệu

Lệ Như |

Là huyện nằm ở vùng gò đồi, Cam Lộ (Quảng Trị) có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, trong đó có cây dược liệu. Vì thế, trồng cây dược liệu mở ra bước đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Cam Lộ chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ dược liệu

Bảo Bình |

Phát triển các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu đang là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương, đơn vị. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chú trọng đầu tư phát triển cây dược liệu để ngày càng có nhiều hơn sản phẩm từ dược liệu được chứng nhận OCOP.

Cam Lộ: Thử nghiệm phát triển 10 loại cây dược liệu mới

Thanh Hải |

Với định hướng xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh, thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tiến hành trồng thử nghiệm trên 10 loại cây dược liệu mới, gồm: Bạch chỉ, ngưu tất, trạch tả, sinh địa, chè vằng, truột nam, cà gai leo, sâm Bố Chính, ba kích tím, an xoa.

Phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Thanh Trúc |

Là vùng đất nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, Quảng Trị được biết đến là địa phương có nguồn tài nguyên thực vật, trong đó có cây dược liệu rất phong phú và đa dạng, có hàm lượng dược tính cao như chè vằng, nghệ, an xoa, cà gai leo, các loại cây chế biến tinh dầu như cây sả, gừng… Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền.