Là vùng đất nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, Quảng Trị được biết đến là địa phương có nguồn tài nguyên thực vật, trong đó có cây dược liệu rất phong phú và đa dạng, có hàm lượng dược tính cao như chè vằng, nghệ, an xoa, cà gai leo, các loại cây chế biến tinh dầu như cây sả, gừng… Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình sản xuất và cơ sở chế biến các sản phẩm dược liệu với sản lượng lên đến 8.000 tấn/năm. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là quy mô vùng nguyên liệu còn nhỏ, hạ tầng và quy trình sản xuất chưa hoàn thiện. Việc khai thác, sử dụng các loài dược liệu trong tự nhiên chưa gắn với các giải pháp bảo tồn và phát triển. Trên địa bàn tỉnh còn thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu đầu tư vào sản phẩm dược liệu, chủ yếu tiêu thụ ở dạng sản phẩm làm thực phẩm (trà, cao dược liệu…), chưa có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Theo thống kê, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh hơn 3.555 ha, tập trung phần lớn ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Qua khảo sát có 230 loài cây dược liệu, trong đó có 199 loài thuộc danh mục dược liệu được Bộ Y tế quy định. Có khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc. Đó là cây ba kích tím, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh, quế, đẳng sâm, lan kim tuyến, chè vằng, sả, nghệ, đinh lăng, cà gai leo, sâm Bố Chính... trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Từ việc xác định cây dược liệu là cây có giá trị kinh tế cao và có vai trò quan trọng trong Đông y và Tây y, nhiều địa phương đã tổ chức phát triển và hình thành nên các vùng sản xuất dược liệu, một số sản phẩm của tỉnh đã tiếp cận và được đón nhận trên thị trường trong và ngoài nước. Đã hình thành một số công ty, doanh nghiệp đầu tư trồng, thu mua chế biến dược liệu cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô hộ gia đình, trong đó, một số cơ sở đã tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, uy tín trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ mỗi năm chế biến tổng sản lượng cao các loại như chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô…, trung bình khoảng 135 tấn sản phẩm, tương đương sử dụng khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi/ năm. Năm 2017, huyện Cam Lộ ban hành chính sách phát triển vùng nguyên liệu cao dược liệu với quy mô 30 ha trồng cây chè vằng ở các xã: Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ, khắc phục một bước tình trạng khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào cho Làng nghề cao dược liệu Định Sơn. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh, huyện định hướng phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn, sản xuất chuyên canh vùng nguyên liệu tập trung trước mắt khoảng 200 ha cung cấp cho Làng nghề cao dược liệu Định Sơn và các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn, tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương, xây dựng sản phẩm OCOP.
Toàn tỉnh hiện có 19 sản phẩm dược liệu được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao. Có 12 chủ thể được chứng nhận OCOP, trong đó có 1 hợp tác xã, 7 doanh nghiệp và 4 hộ sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm và đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn, trong đó có các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, chế biến, khai thác dược liệu trên địa bàn có hiệu quả. Đến nay, có nhiều HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ ... trồng dược liệu để bán cho các cơ sở sản xuất, chế biến trong nước và trong tỉnh như: Công ty Dược Việt Nam, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Tuệ Lâm; Công ty TNHH QT Minh, Công ty Cổ phần AGRYDYNAMICS Việt Nam, Công ty TNHH thảo dược Huệ Đà, Công ty TNHH MTV Mai Thị Thủy, Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị … Nhu cầu tiêu thụ của các cơ sở chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh khoảng 6.000 tấn nguyên liệu/năm, đến nay sản xuất trong tỉnh đáp ứng được 100% nguyên liệu so với công suất hiện tại. Một số loài dược liệu ngoài tự nhiên có trữ lượng lớn chưa được khai thác hết.
Để phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu gắn với chương trình OCOP của tỉnh, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần có chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu theo các hướng như sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm dược liệu, sản phẩm dược liệu là nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà thuốc, tập đoàn lớn về dược phẩm trên toàn quốc, sản phẩm dược liệu làm thuốc… Ưu tiên quy hoạch vùng dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn, phát triển từng loài dược liệu phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu, nhất là các huyện trọng điểm phát triển dược liệu như Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa; có kế hoạch khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn. Bố trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp phù hợp để phát triển vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn.
Khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận và tự nguyện giữa người có đất với người có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao, trong sản xuất, chế biến dược liệu nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, hạ giá thành, có sức cạnh tranh trên thị trường. Áp dụng công nghệ cao trong trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch và chế biến cây dược liệu. Ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay, giống, chuyển giao khoa học công nghệ cho các các đối tượng tham gia trồng cây dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)