Người góp phần xây dựng thương hiệu cao dược liệu Định Sơn

Anh Vũ |

Làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được nhiều người biết đến là làng nghề nấu các loại cao dược liệu gần 20 năm nay. 

Trong số hàng chục hộ sống với nghề nấu cao dược liệu ở đây thì gia đình ông Trần Văn Luyến là một trong những hộ phát triển với quy mô lớn, mỗi năm nấu và bán ra thị trường hàng tấn cao dược liệu các loại, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chúng tôi tìm về làng Định Sơn vào những ngày cuối năm. Đến đầu cổng làng, hỏi nhà ông Trần Văn Luyến thì hầu như từ người già đến trẻ nhỏ đều biết bởi ngôi nhà nằm cạnh đường, hằng ngày có nhiều người, xe ra vào giao dịch nhập nguyên liệu, vận chuyển cao dược liệu đi tiêu thụ.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Luyến phấn khởi cho biết, những ngày cuối năm, công việc nấu cao phải tất bật, khẩn trương hơn để kịp cung cấp cho thị trường phục vụ tết Nguyên đán Nhâm Dần. Hơn thế nữa, cơ sở của ông được tham gia đơn hàng 4 tạ cao an xoa xuất khẩu sang Mỹ lần thứ 2 của huyện Cam Lộ nên ngoài những lao động thường nhật, ông Luyến còn phải thuê thêm 4 người để tham gia nấu cũng như đóng gói sản phẩm, dán nhãn mác...

Gia đình ông Trần Văn Luyến đang đóng gói sản phẩm cao dược liệu -Ảnh: ANH VŨ
Gia đình ông Trần Văn Luyến đang đóng gói sản phẩm cao dược liệu -Ảnh: ANH VŨ

“Gia đình tôi làm nghề nấu cao dược liệu đã lâu lắm rồi nhưng sản phẩm chủ yếu bán trong nước, bây giờ được xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, người dân chúng tôi rất phấn khởi, ai cũng chăm chỉ, quyết tâm nấu những mẻ cao ngon nhất, chất lượng tốt nhất. Ngoài giá trị kinh tế mang lại cho người dân, mỗi sản phẩm xuất sang Mỹ còn mang theo uy tín và thương hiệu của quê hương mình. Với giá hiện tại, 1 tạ cao an xoa xuất khẩu sang Mỹ cho thu nhập 140 triệu đồng”, ông Luyến chia sẻ. Cũng theo ông Luyến, để nấu được 1 tạ cao an xoa phải có hơn 1,2 tấn lá khô, thời gian nấu mất khoảng 6 - 8 giờ đồng hồ và thời gian cô đặc cao mất thêm 6 - 7 giờ.

Cũng như nhiều người ở làng Định Sơn, gia đình ông Luyến bắt đầu nấu cao dược liệu khoảng 15 năm nay, ban đầu chỉ nấu cao lá vằng với quy mô nhỏ, theo phương thức thủ công. Qua quá trình vừa nấu, vừa đúc rút kinh nghiệm cộng với nhu cầu thị trường tiêu thụ các loại dược liệu ngày càng nhiều nên ông mở rộng quy mô và nấu nhiều loại cao khác nhau. Từ ban đầu chỉ một vài loại, nấu theo phương thức truyền thống bằng lò đất, lò xi măng tự làm, dần dần ông đầu tư sang nấu bằng điện với công nghệ ngày càng hiện đại. Trước đây nguyên liệu để nấu cao chủ yếu là người nhà tự lên rừng thu hái hoặc mua lại của người ở địa phương hái về, nhưng hiện nay nguồn dược liệu tự nhiên cạn kiệt nên phải mua từ các vùng nguyên liệu do người dân trồng. Có một số loại ở Cam Lộ không cung ứng đủ, gia đình ông phải mua ở nhiều địa phương khác.

Theo ông Luyến, nghề nấu cao dược liệu không khó nhưng đòi hỏi sự công phu, phải theo dõi kỹ từng công đoạn, nhất là công đoạn cô cao, nếu sơ suất, cao có thể không tới độ đặc hoặc quá một chút là bị cháy. Mỗi loại cao có thời gian nấu và cô khác nhau. Hiện nay, gia đình ông nấu lên đến hơn chục loại cao các loại. Trong đó nhiều nhất vẫn là cao chè vằng, cao an xoa, cà gai leo, lạc tiên, hà thủ ô, đinh lăng… Riêng cao chè vằng mỗi năm từ 3 - 4 tấn, cao đinh lăng khoảng 5 tạ, các loại cao khác mỗi loại từ 2 - 3 tạ. Thời gian gần đây gia đình ông còn nấu thêm cao trinh nữ hoàng cung. Đây là loại cao dược liệu mới, được nhiều người tìm mua với giá 3,5 triệu đồng/kg.

Ông Luyến cho biết, nhu cầu sử dụng các loại dược liệu của người dân ngày càng tăng nên sản phẩm cao làm ra chừng nào bán hết chừng đó. Sản phẩm của gia đình ông bán ra khắp cả nước và bây giờ là ra thế giới. Bình quân mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông có thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ bán cao dược liệu. Đồng thời, còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc nấu và chiết xuất các loại cao dược liệu, ông Luyến còn là người đi đầu trong việc đưa nhiều loại cây dược liệu mới về trồng thử nghiệm rồi nhân rộng để chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chiết xuất cao.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Lê Văn Tuấn khẳng định: “Mô hình nấu cao dược liệu của ông Trần Văn Luyến mang lại hiệu quả cao, được nhiều hội viên nông dân ở địa phương nhân rộng. Trước đây, mô hình này còn thô sơ nhưng quá trình được hội giúp đỡ cùng với sự nỗ lực của gia đình đã đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị khá hiện đại để chế biến dược liệu. Đặc biệt là đã kết nối được với thị trường, có sự liên kết theo chuỗi, tạo thương hiệu sản phẩm. Nhờ đó, mấy năm trở lại đây thu nhập của gia đình từ mô hình này tăng lên rõ rệt; giải quyết được việc làm, thu hút lao động ở địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khảo sát tiềm năng cây dược liệu

Lê An |

Với mục tiêu xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển cây dược liệu, các sản phẩm dược liệu của tỉnh, trong hai ngày 24, 25/12, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị cùng đoàn tư vấn khảo sát tiềm năng cây dược liệu do PGS.TS Trần Văn Ơn, Cố vấn quốc gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu làm trưởng đoàn có chuyến khảo sát các vùng trồng loại cây này trên địa bàn Quảng Trị.

Thành công từ đam mê sản xuất dược liệu

Anh Vũ |

Trong chuyến công tác đến các tỉnh phía Bắc mới đây, đoàn cán bộ và nông dân huyện Cam Lộ có dịp thăm chi nhánh sản xuất dược liệu của anh Lê Thanh Huệ (Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn, ở Cụm Công nghiệp Cam Thành, Cam Lộ) đặt tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nhìn quy mô, thiết bị, không khí lao động sản xuất, sản phẩm làm ra ở đây mới thấy được ý chí, nghị lực của một thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm, có nhiều ý tưởng trong sản xuất, kinh doanh để cho ra thị trường hàng chục sản phẩm thảo dược mỗi năm.

Cam Lộ: Vùng đất của các loại cây dược liệu

Lệ Như |

Là huyện nằm ở vùng gò đồi, Cam Lộ (Quảng Trị) có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, trong đó có cây dược liệu. Vì thế, trồng cây dược liệu mở ra bước đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Cam Lộ chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ dược liệu

Bảo Bình |

Phát triển các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu đang là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương, đơn vị. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chú trọng đầu tư phát triển cây dược liệu để ngày càng có nhiều hơn sản phẩm từ dược liệu được chứng nhận OCOP.