Nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than ở Đakrông

Sỹ Hoàng |

Các bậc cao niên người đồng bào dân tộc Pa Kô kể rằng, thuở xa xưa người Pa Kô sống du canh, du cư khắp đại ngàn Trường Sơn. Trong hành trình ấy, người Pa Kô luôn mang theo bên mình giống nếp quý là nếp than (đệp cù cha), nếp huyết (đệp a hăm) để gieo trồng trên những đám rẫy vừa phát xong… Bây giờ, chính giống lúa nếp than đang được nhân rộng ở nhiều bản làng vùng cao huyện Đakrông (Quảng Trị) với phương thức canh tác tự nhiên, đang nhen nhóm ước mơ sẽ trở thành sản phẩm OCOP của huyện.


Khi tiết trời giao mùa còn se lạnh, đi qua nhiều bản làng như bản A Đeng (xã A Ngo), Ly Tôn, Tà Lao (xã Tà Long, huyện Đakrông) đã thấy đồng bào dân tộc Pa Kô tập trung tỉa dặm cho những thửa ruộng gieo trồng giống lúa nếp than. Nhiều chân ruộng trồng lúa nếp than đang lên xanh mơn mởn hòa vào màu xanh của núi rừng Trường Sơn đẹp tựa bức tranh thủy mặc.

Ngồi bên bờ ruộng để nghỉ ngơi trong chốc lát, chị Hồ Thị Niêm ở bản A Đeng (xã A Ngo) chia sẻ, giống lúa nếp than, nếp huyết có từ thuở lập bản, lập làng và được đồng bào dân tộc Pa Kô gìn giữ nguồn giống qua từng mùa rẫy. Trước đây, giống lúa nếp than, nếp huyết bắt đầu gieo cấy từ tháng 4 đến tháng 11 dương lịch hằng năm thì cho thu hoạch (mỗi năm chỉ trồng một vụ). Giống lúa nếp than, nếp huyết chịu hạn, chịu rét rất tốt, nên được đồng bào dân tộc Pa Kô gieo trồng trên các đám rẫy nằm dọc theo các triền đồi thoai thoải…

Người dân bản A Đeng, xã A Ngo cấy giống lúa nếp than - Ảnh: S.H
Người dân bản A Đeng, xã A Ngo cấy giống lúa nếp than - Ảnh: S.H

Diện tích trồng lúa nếp than, nếp huyết được tính bằng a chói (cách đồng bào dân tộc Pa Kô tính “phần đất” gieo được một a chói cây giống). “Có thể do giống lúa nếp than, nếp huyết vươn mầm xanh cùng đất trời nhờ hút dưỡng chất của đất, ngậm hạt sương sa của trời, “tắm” nước từ những cơn mưa rừng mà không cần đến bàn tay chăm sóc của con người. Vậy nên hạt nếp than, nếp huyết luôn dẻo, thơm ngon, giàu dinh dưỡng, có tác dụng trong điều trị bệnh, tốt cho sức khỏe con người. Nếp than, nếp huyết thường được các gia đình đồng bào dân tộc Pa Kô xay giã để chuẩn bị nguyên liệu làm bánh peng a chooih, peng tamăr, peng a koat… dâng cúng tổ tiên, cúng Giàng cũng như nhiều dịp lễ hội khác”, chị Hồ Thị Niêm bộc bạch.

Ông Hồ Văn Thon ở bản A Đeng (xã A Ngo) chia sẻ: “Trước đây, giống lúa nếp than được người đồng bào dân tộc Pa Kô ở huyện Đakrông gieo trồng trên rẫy. Vì vậy, năng suất lúa bấp bênh vì bị hạn hán, thú rừng phá hoại. Có nhiều vụ lúa nếp than, chỉ có trồng mà không có thu hoạch vì bị mất trắng. Dù là giống lúa quý, nhưng vì năng suất bấp bênh nên cũng bị mai một dần. Vụ hè thu 2021, xã A Ngo vận động người dân bản A Đeng trồng lúa nếp than trên các chân ruộng thường xuyên thiếu nước. Trước khi bước vào vụ sản xuất, cán bộ của xã đã hướng dẫn cho người dân kỹ thuật cơ bản trong sản xuất từ khâu làm đất đến chế độ tưới tiêu… để người dân thay đổi phương thức canh tác truyền thống (chọc trỉa, ngại sử dụng phân bón)… Gia đình tôi cùng với 4 hộ dân của bản A Đeng tham gia mô hình trồng lúa nếp than. Gạo nếp than thu hoạch được gia đình tôi bán với giá 50 nghìn đồng/kg (nếu quy ra thóc thì bán với giá 40 nghìn đồng/kg). Thu nhập từ việc trồng lúa nếp than mang lại cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa nước thông thường”.

Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho biết, giống lúa nếp than, nếp huyết cách đây vài năm được đồng bào dân tộc Pa Kô gieo trồng trên nương rẫy hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên mà không hề có sự chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng trừ dịch bệnh… nên năng suất của giống lúa nếp than, nếp huyết rất thấp; giống lúa nếp than, nếp huyết không được tuyển chọn qua các vụ sản xuất cũng dần bị thoái hóa… Để bảo tồn cũng như nâng cao giá trị kinh tế từ giống lúa nếp than, thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, vụ hè thu 2019 huyện Đakrông đã hỗ trợ 11 hộ dân ở xã Tà Long xây dựng mô hình trồng lúa nếp than trên chân ruộng thường xuyên thiếu nước. Và giống lúa nếp than đã cho năng suất 38 - 39 tạ/ha.

Đến nay, có khoảng 20 hộ dân ở bản Tà Lao, Ly Tôn (xã Tà Long) tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa nếp than. Tại xã A Ngo, vụ hè thu 2021 huyện Đakrông đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng lúa nếp than thí điểm trên diện tích 0,25 ha cạnh công trình thủy lợi Kỳ Xay (bản A Đeng). Giống lúa nếp than đã cho năng suất 40 tạ/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình đã mang lại lợi nhuận cho các hộ dân tham gia khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân 2021 - 2022, xã A Ngo đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp than lên khoảng 7 ha với 37 hộ đồng bào dân tộc Pa Kô tham gia. Dự kiến trong các năm tới, xã A Ngo sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than lên 20 - 25 ha trên địa bàn toàn xã.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích, thời gian tới xã A Ngo sẽ chú trọng hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác lúa nếp than theo phương thức canh tác tự nhiên, hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các chất kích thích sinh trưởng. Người dân chỉ sử dụng phân hữu cơ; quá trình chăm sóc sẽ sử dụng các chế phẩm vi sinh như đạm cá lên men, nước trái cây lên men, nước thân cây lên men; phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thảo mộc như gừng, tỏi, ớt, cây thuốc lá… Trồng lúa nếp than theo phương thức canh tác tự nhiên mới nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng quá trình tạo phân bón và chế phẩm phòng trừ sâu bệnh trong canh tác lúa tự nhiên thực ra rất dễ làm, nguyên liệu sẵn có và chi phí thấp hơn hẳn so với canh tác lúa theo phương pháp thông thường.

“Về lâu dài, xã A Ngo đang nỗ lực phấn đấu xây dựng nếp than thành sản phẩm OCOP của huyện. Trước mắt, xã A Ngo với sự hỗ trợ tích cực của huyện Đakrông sẽ từng bước nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than; tìm nguồn lực để hỗ trợ làm nhãn mác, bao bì đóng gói tiêu thụ sản phẩm; từng bước liên kết với các địa phương khác trên địa bàn huyện Đakrông để xây dựng thương hiệu nếp than nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo được dấu ấn và sức lan tỏa sản phẩm OCOP của huyện Đakrông trên thị trường trong tương lai”, Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gạo Bắc Thơm số 7 mang hương vị đặc trưng của vùng đất lúa Cam Lộ

Đan Tâm |

Cam Lộ (Quảng Trị) là huyện có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày như cao su, hồ tiêu, lạc, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc… Địa phương cũng đang chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu, phấn đấu trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh. Bên cạnh đó, những xã thuộc vùng đồng bằng của huyện những năm gần đây cũng đã tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm và đóng góp vào việc đa dạng các sản phẩm OCOP của địa phương. Gạo Bắc Thơm số 7 của Hợp tác xã nông nghiệp Cam An, xã Thanh An là một sản phẩm như thế.

Lúa đông xuân đang phát triển tốt

Lê An |

Ngày 4/2, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Quảng Trị Bùi Phước Trang cho biết, đến thời điểm nay toàn tỉnh đã cơ bản gieo cấy xong lúa vụ đông xuân với diện tích trên 25.600 ha, đạt 100,7% kế hoạch. Lúa trà đầu đã được 25 – 30 ngày, trà sau từ 15 – 20 ngày. Với điều kiện thời tiết thuận lợi cùng với việc chăm bón kịp thời của nông dân nên cây lúa đang phát triển tốt.

Hải Lăng, trăn trở từ đất lúa, hạt lúa

Đan Tâm |

Trong phát triển nông nghiệp, thực tiễn đang đặt cho vùng đất lúa Hải Lăng (Quảng Trị) là cần thoát ra khỏi tư duy mùa vụ trước mắt để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn trong thâm canh cây lúa, đồng thời cần kíp một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi cách làm nông “chi phí cao, chất lượng kém”. Do vậy, những năm qua, huyện Hải Lăng đã tập trung chỉ đạo phát triển ngành lúa, gạo bền vững, chuyển dần theo hướng hữu cơ, sản phẩm an toàn, đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, tích cực ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng lúa, gạo và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Hải Lăng: hơn 4.500 ha gieo trồng lúa vụ đông xuân bị ngập hoàn toàn

Lê An |

Ngày 28/12, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng (Quảng Trị) Hồ Quốc Minh cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua trên bàn huyện Hải Lăng có mưa lớn kéo dài, nước tràn qua hệ thống đê bao làm hơn 4.500 ha trong tổng số 6.850 ha gieo trồng lúa vụ đông xuân của huyện bị ngập hoàn toàn.