Quê ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), đơn vị công tác đóng ở thành phố Đông Hà nhưng anh Lê Tấn Tửu, sinh năm 1978, cán bộ kỹ thuật tổ chức Roots of Peace (ROP), đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh lại chọn nơi sống là huyện Vĩnh Linh bởi “duyên nợ” với cây hồ tiêu trên mảnh đất này.
Làm tròn trách nhiệm “hai vai”
Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế vào năm 2002, anh Lê Tấn Tửu vào miền Nam làm nhân viên kỹ thuật thực hiện các dự án nông nghiệp cho các tổ chức phi chính phủ. Nhờ vậy, anh được đi khắp các tỉnh, thành từ đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ đến vùng đất Tây Nguyên nên đã tích lũy được nhiều kiến thức thực tiễn về trồng trọt, đặc biệt là về cây hồ tiêu. Đến năm 2015, anh Tửu bắt đầu làm việc cho ROP tại Quảng Trị.
Vào năm 2016, khi ROP triển khai xây dựng các mô hình sản xuất tiêu sạch trên địa bàn huyện Vĩnh Linh thì anh Tửu được phân công phụ trách kỹ thuật địa bàn này. Duyên nợ với mảnh đất Vĩnh Linh và người trồng cây hồ tiêu địa phương này bắt đầu từ đây. Đến năm 2017, sau khi lập gia đình, anh Tửu đã chọn xã Vĩnh Hòa làm nơi an cư lạc nghiệp và cũng để thuận tiện hơn trong công việc của mình. Ban đầu, anh chỉ hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng hồ tiêu nằm trong vùng dự án ROP hỗ trợ. Tuy nhiên, sau khi chuyển gia đình về Vĩnh Hòa sinh sống thì anh có thời gian hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu cho cả người dân ngoài vùng dự án. “Lúc bấy giờ, người trồng tiêu ở đây vẫn có thói quen cứ thấy cây tiêu bị vàng lá hay héo lá chết đứng là tự xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật mà không biết cây tiêu bị bệnh gì. Nhiều người đổ đủ các loại thuốc vào gốc tiêu mà không biết rằng mình đã tạo điều kiện cho các loại nấm độc phát triển nhanh hơn vì thuốc hóa học làm vi sinh vật có lợi trong đất chết hết, đồng thời tạo ra vùng ém khí, đất bị chua, axit đốt cháy toàn bộ lông hút của bộ rễ (với cây hồ tiêu bộ rễ quan trọng nhất). Đây là điều kiện thuận lợi cho nấm phytophthora càng phát triển mạnh, nó lấy rễ tiêu làm giá thể, khi nấm càng phát triển mạnh tạo ra axít làm thối toàn bộ rễ và gốc tiêu. Cây không còn lấy được nước và dinh dưỡng nên sẽ chết càng nhanh. Cuối cùng thì nông dân tiền mất, tật mang”, anh Tửu phân tích.
Từ khi về phụ trách địa bàn, anh Tửu thường trực tiếp có mặt tại vườn để “khám” cho cây hồ tiêu bị bệnh. Mỗi lần như thế anh thường quan sát để lựa chọn mức độ nhiễm bệnh của cây hồ tiêu rồi mới đánh giá xem cây nào còn cứu được, cây nào cần phá bỏ. Như vậy, người dân đỡ tốn thêm tiền mua thuốc và hạn chế được mầm bệnh lây lan diện rộng. Anh Tửu nhớ lại: “Nói thì vậy nhưng để thuyết phục người dân làm theo không dễ chút nào. Nhiều trường hợp người dân không tin vì cho rằng cây tiêu vẫn còn xanh lá mà tôi lại khuyên đừng mua thuốc chữa trị nữa là hướng dẫn cho qua chuyện vì sợ tốn công sức, thiếu nhiệt tình. Mỗi lần như vậy tôi phải cam kết và thuyết phục người dân đồng ý cho đào gốc cây hồ tiêu lên để chứng minh tình trạng xanh lá của cây chỉ tạm thời, còn toàn bộ phần rễ của cây đã bị nấm xâm nhập, gây thối đen nên không thuốc gì có thể cứu chữa được”.
Dần dần, cách “bắt tay chỉ việc”, hướng dẫn trực tiếp nông dân trong việc trị bệnh cho cây hồ tiêu của anh Tửu đã thay đổi nhiều thói quen canh tác cây hồ tiêu truyền thống của người dân Vĩnh Linh. Ví dụ như, trước đây người dân trồng tiêu thường đào hố rất sâu, trồng bầu tiêu giống âm dưới đất thì sau này theo hướng dẫn của anh Tửu, người dân chuyển sang trồng bầu tiêu ngang với mặt đất, như vậy gốc cây tiêu sẽ dễ thoát nước trong mùa mưa nên ít phát sinh bệnh. Hay như thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp trước đây, người dân Vĩnh Linh thường chặt phá hết tất cả các hàng tre, cây lâu năm xung quanh vườn nên mỗi lần đến mùa mưa, cây tiêu ở đây thường bị gió bão đánh cho xơ xác, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Sau này, anh Tửu hướng dẫn người dân trồng những hàng cây chắn gió, bảo vệ vườn tiêu…
Chính sự nhiệt tình, am hiểu kiến thức về cây hồ tiêu đã tạo sự gắn bó mật thiết giữa công việc của anh Tửu với chính quyền địa phương và người dân trồng tiêu vùng Đông huyện Vĩnh Linh. Vì thế, khi huyện Vĩnh Linh muốn xây dựng mô hình HTX chuyên về cây hồ tiêu để tạo sự gắn bó, cùng nhau hợp tác của người dân toàn huyện trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu Vĩnh Linh, anh Tửu được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ. Tháng 6/2017, HTX Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh ra đời. Anh Tửu được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX. Ông Cáp Kim Thánh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Anh Tửu là trường hợp cán bộ HTX duy nhất trên địa bàn tỉnh vừa là giám đốc HTX, vừa là cán bộ của một tổ chức phi chính phủ. Ở góc độ quản lý HTX, anh hội tụ được nhiều ưu điểm vừa là cán bộ trẻ tuổi, có kinh nghiệm về lĩnh vực trồng trọt, vừa am hiểu thị trường, đồng thời rất năng động, nhiệt tình vì làm việc trong môi trường của tổ chức nước ngoài. Chúng tôi rất kỳ vọng anh Tửu sẽ là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng thành công mô hình HTX kiểu mới ở huyện Vĩnh Linh nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung”.
Hợp tác xã quy mô toàn huyện đầu tiên của tỉnh
HTX Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh hiện có 315 thành viên là người trồng cây hồ tiêu địa bàn các xã: Kim Thạch, Hiền Thành, Trung Nam, Vĩnh Hòa và thị trấn Hồ Xá với diện tích 120 ha. Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị xây dựng HTX quy mô toàn huyện nhằm tạo mối liên kết, gắn bó trên diện rộng liên vùng, liên xã để cùng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hạt tiêu Vĩnh Linh - một sản phẩm đã có danh tiếng nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.
Hồ tiêu từ lâu là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Linh, được xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý hạt tiêu Quảng Trị. Diện tích hồ tiêu toàn huyện đạt khoảng 1.300 ha, trong đó 1.100 ha đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, phương thức sản xuất truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng với tiềm năng vì sản phẩm làm ra phụ thuộc thị trường tiêu thụ của thương lái.
Dưới sự điều hành, quản lý của Hội đồng quản trị HTX, trong đó anh Tửu là người đứng đầu, lần đầu tiên những người trồng tiêu ở Vĩnh Linh bắt đầu có sự liên kết, hợp tác sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới để đầu tư thâm canh cây hồ tiêu thay cho kiểu làm ăn “mạnh ai nấy làm” trước đây. HTX đẩy mạnh cải tạo các vườn hồ tiêu theo mô hình hồ tiêu sạch để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm hạt tiêu. Dần thay đổi tư duy sản xuất của người trồng tiêu từ quảng canh sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện sản xuất theo hướng thâm canh tạo ra sản phẩm hàng hóa.
“Mô hình trồng tiêu bền vững và hiệu quả mà HTX đang hướng tới là trở thành vùng nguyên liệu tiêu hữu cơ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu”, anh Tửu chia sẻ. Khởi động thực hiện mô hình này, năm 2020, HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh triển khai dự án sản xuất tiêu hữu cơ, xây dựng vùng sản xuất được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam quy mô 20 ha tại các xã Kim Thạch, Vĩnh Hòa, Hiền Thành. Vùng nguyên liệu trồng tiêu hữu cơ ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, dùng phân bón chăn nuôi truyền thống, phân vi sinh, chế phẩm sinh học… để chăm bón cho cây tiêu. Tham gia dự án, các thành viên HTX chuẩn bị những điều kiện thiết yếu cho vườn hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ; tuân thủ quy trình về bón phân, chăm sóc, canh tác hiệu quả trên diện tích của gia đình. HTX Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh được hỗ trợ xây dựng khu sơ chế, nhà kho… Ngoài cách phơi, sấy hạt tiêu đen, tiêu sọ (tiêu trắng) theo cách truyền thống, HTX còn thử nghiệm sơ chế hạt tiêu chín giữ nguyên màu đỏ bằng công nghệ sấy hồng ngoại, sấy lạnh cho ra sản phẩm tiêu hữu cơ chất lượng cao, có bao bì nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tăng giá trị kinh tế. Năm 2020, sản phẩm hạt tiêu đỏ của HTX được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Cũng trong năm 2020, anh Tửu khâu nối để HTX phối hợp với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Doanh nghiệp hỗ trợ HTX kinh phí thực hiện các quy trình đánh giá theo tiêu chí sản xuất hữu cơ trên diện tích thử nghiệm 4,5 ha và thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 14.500 đồng/kg. Dự kiến năm 2021 sẽ mở rộng quy mô hợp tác lên 50 ha. Để hướng tới thị trường xuất khẩu Mỹ, châu Âu, anh Tửu kết nối với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh thực hiện dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ về xây dựng Blockchain - ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc tiêu hữu cơ Vĩnh Linh. Từ đó, đưa lên giới thiệu trên các trang mua bán sản phẩm hồ tiêu uy tín của thế giới nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm. Để làm được điều này, anh Tửu tích cực phối hợp cùng cán bộ dự án hướng dẫn người dân tuân thủ các quy trình kỹ thuật, cách ghi nhật ký sản xuất từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế, phiếu đánh giá nội bộ, xây dựng bản đồ vườn tiêu…
Sau gần 4 năm thành lập, HTX Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đang bước vào hành trình xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để trở thành sản phẩm hàng hóa vươn ra biển lớn. Dù vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, song cách nghĩ, cách làm mới mẻ trong định hướng phát triển sản xuất, khát vọng làm thay đổi vai trò của mô hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của những người đứng đầu HTX như anh Tửu đang mang lại luồng sinh khí mới cho mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)