Hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, bắt đầu vào mùa mưa. Với những đợt mưa lớn, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng rệp sáp, tuyến trùng, đốm lá, thán thư, chết nhanh, chết chậm... phát sinh gây hại mạnh trên cây hồ tiêu, gây hại nhiều vùng nhất là những nơi thoát nước kém. Vì vậy, người trồng tiêu cần tiến hành vệ sinh vườn, thực hiện các biện pháp chăm sóc, phục hồi lại vườn hồ tiêu, bón phân để tạo điều kiện cho tiêu phân hóa mầm hoa thuận lợi.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 2.505 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa (Quảng Trị). Diện tích cho sản phẩm là 2.042 ha, sản lượng bình quân hàng năm 2.000 tấn. Thời gian gần đây, nhiều diện tích hồ tiêu khi bước vào mùa mưa thường bị thiệt hại nặng do các đối tượng sâu bệnh gây ra. Khi mưa rét kéo dài trong vụ Thu Đông làm vườn tiêu bị úng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch bệnh phát sinh và gây hại đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm.
Trong vụ Hè Thu vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp nên không đảm bảo đủ nguồn nước cho cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển, nhất là trong giai đoạn cây cần nước để nuôi quả. Nhiều vườn tiêu đã trồng lâu năm, trong đất đai tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh gây hại. Vì vậy, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp vào đầu mùa mưa sau khi thu hoạch xong người trồng tiêu cần tiến hành dọn vườn, cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên. Đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 - 50 cm (3 hàng ngang một rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh), nếu đất có độ dốc cao thì đào theo hình xương cá; đào rãnh thoát nước chính sâu trên 50 cm xung quanh vườn. Cùng với đó, người trồng tiêu cần phá bồn giữ nước quanh gốc tiêu để chống đọng nước. Tiến hành chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm hoa và ra hoa, đậu quả thuận lợi.
Đối với cây tiêu trồng mới, thì người trồng tiêu chỉ sử dụng hom giống khỏe từ những cây không bị bệnh; nguồn đất làm bầu lấy từ vườn không bị bệnh, phơi hoặc sấy khô, trộn với phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật có ích như nấm đối kháng Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces và thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, Ankanoid để xử lý nguồn bệnh. Tiêu trồng lại trên đất vườn đã bị bệnh chết nhanh, chết chậm cần được xử lý đất bằng vôi bột và thuốc BVTV trừ tuyến trùng; trước khi trồng bón chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất.
Thạc sĩ Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gio Linh cho biết: để cây tiêu sinh trưởng tốt, phòng trừ kịp thời và ngăn chặn sự phát sinh và lây lan trên diện rộng của bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu trong mùa mưa, thời gian tới người trồng tiêu cần tiến hành dọn vườn sau khi thu hoạch, khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng cách rải vôi bột trên mặt đất, với lượng 1.000kg/ha, chia làm 2 lần, mỗi lần 500kg, không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây; hoặc rắc xuống hệ thống rãnh thoát nước 500-700 kg/ha để khử trùng nguồn bệnh.
Trong công tác phòng bệnh người trồng tiêu cần sử dụng chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma; phòng chống tuyến trùng bằng các sản phẩm thảo mộc chứa hoạt chất Saponin, Ankanoid; phòng chống rệp sáp gốc bằng các chế phẩm nấm ký sinh côn trùng Metarhizium, vi khuẩn Bacillus. Các chế phẩm sinh học trên bón kết hợp với các đợt bón phân cho cây, rắc chế phẩm trong vùng rễ tiêu rồi phủ lớp đất lên, tưới đủ ẩm.
Theo dõi và xử lý thuốc trên những vườn tiêu bị sâu bệnh, nhất là chết nhanh và chết chậm. Đối với bệnh chết nhanh cần kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Những trụ tiêu bị bệnh nhẹ và các trụ liền kề trụ tiêu bị bệnh, cần xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Dimethomorph, Phosphorous acid, … liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao bì. Aliette 800WG, Agrifos 400, EDDY 72WP… Còn trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết thì cần thu gom, tiêu hủy cây bệnh và vệ sinh vườn tiêu; phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại.
Đối với bệnh chết chậm, do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và một số nấm trong đất gây ra. Những trụ tiêu bị bệnh nhẹ - trung bình và các trụ liền kề, người trồng tiêu cần trừ tuyến trùng bằng thuốc chứa hoạt chất Chitosan, Ethoprophos, Carbosulfan, Clinoptilolite, như Map logic 90WP, Marshal 200SC, …trừ nấm gây bệnh bằng thuốc có hoạt chất Fosetylaluminium,Dimethomorph,Chlorothalonil+Mandipropamid, Copper Hydroxide, Cuprous oxide + Dimethomorph, như Aliette 800WG, EDDY 72 ...
Xử lý vào đầu và giữa mùa mưa, liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao bì. Sau xử lý thuốc BVTV 7 ngày, xử lý kích thích ra rễ bằng một trong các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón có khả năng kích thích ra rễ hoặc phân hữu cơ sinh học. Những trụ tiêu bị bệnh nặng: cần thu gom, tiêu hủy cây bệnh hoặc cây chết, vệ sinh vườn; xữ lý thuốc trừ bệnh trên vùng đất có cây bị chết.
Ngoài ra, bà con cần chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại khác như tuyến trùng, rệp sáp, bệnh thán thư, bệnh đốm lá, bọ xít lưới… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây tiêu trong mùa mưa sắp đến người nông dân trồng tiêu cần kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Đối với những vườn hồ tiêu đã bị nhiễm bệnh cần xử lí bằng các loại thuốc BVTV đặc hiệu với liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất theo quy trình phòng trừ bệnh để bào vệ vườn tiêu của mình trong mùa mưa sắp đến.
(Nguồn: QRTV)