Hơn 10 năm trước, cứ đến mùa gặt là người nông dân phải vất vả còng lưng giữa cái nắng chói chang để thu hoạch lúa rồi dùng sức người kéo xe chở lúa về nhà, thậm chí là gánh bộ cho kịp tiến độ. Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi việc dồn điền đổi thửa được chú trọng, bê tông hóa giao thông nội đồng, giao thông nông thôn được xây dựng khá hoàn thiện thì việc đưa máy móc, ô tô ra đồng cùng nông dân thu hoạch lúa đã trở nên quen thuộc...
Quảng Trị là tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa. Hằng năm, người dân Quảng Trị làm 2 vụ lúa đông xuân và hè thu với tổng diện tích gieo trồng trung bình trên 50.000 ha. Bên cạnh đó, việc dồn điền đổi thửa được chú trọng đã đem lại nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp như giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất và ứng dụng cơ giới dễ dàng hơn. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn, từ đó giúp người dân thuận lợi hơn trong việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến về giống, kỹ thuật canh tác, thực hiện ba cùng “cùng giống, cùng cánh đồng, cùng thời vụ”. Đồng thời áp dụng có hiệu quả chương trình “1 phải, 5 giảm”, phòng trừ sâu bệnh theo IPM, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch.
Song song với việc chú trọng dồn điền đổi thửa, toàn tỉnh còn đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hệ thống thủy nông; mở rộng, bê tông hóa giao thông nội đồng nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc hiện đại, phương tiện ra đồng sản xuất, thu hoạch lúa. Những thửa ruộng manh mún, kém hiệu quả đã không còn mà thay vào đó là những vùng lúa tập trung và các cánh đồng mẫu lớn cho năng suất, chất lượng cao. Hình ảnh của những người nông dân lam lũ, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn không mấy ấm no nay đã không còn mà thay vào đó là những người nông dân hiện đại, thành thạo việc điều khiển máy móc và đưa cả ô tô ra đồng làm dịch vụ nông nghiệp. Sự thay đổi ấy đã góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh.
Những ngày cuối tháng 4/2020 là thời điểm người nông dân trên địa bàn tỉnh ra đồng thu hoạch vụ lúa đông xuân. Năm nay, lúa được mùa, được giá nên nông dân lại càng phấn khởi. Trên các cánh đồng ở huyện Triệu Phong, hàng chục chủ xe tải đã đưa xe cùng nhân công ra tận đồng ruộng làm dịch vụ vận chuyển lúa. Xe ô tô ra đồng làm dịch vụ vận chuyển lúa, kết hợp với máy gặt đập liên hợp tạo nên dây chuyền thu hoạch - vận chuyển nhịp nhàng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí so với lúc chưa có cơ giới hóa như trước đây đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân. “Bây giờ người nông dân ở quê tôi hầu như chỉ đứng “chỉ đạo” trong quá trình thu hoạch lúa. Bởi đã có máy gặt đập liên hợp, gặt xong chủ máy gặt buộc lúa hạt thành từng bao để sát bờ ruộng, sau đó đội nhân công cùng xe ô tô sẽ đảm nhận khâu bốc lúa lên xe chở về nhà và bốc lúa xuống để đúng vị trí yêu cầu của người thuê dịch vụ. Giá thuê dịch vụ gặt bằng máy gặt đập liên hợp là 110 nghìn/sào 500m2 và bình quân giá bốc, chở lúa bằng ô tô từ ruộng về nhà giao động từ 100 - 150 nghìn đồng/chuyến (tùy theo số lượng lúa đã đóng bao và đoạn đường di chuyển). So với thu hoạch thủ công, vận chuyển bằng xe kéo thì việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp kết hợp vận chuyển lúa về nhà bằng ô tô vừa tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thu hoạch, giải phóng được sức lao động chân tay và người nông dân có thể chủ động bố trí thời gian làm các công việc khác. Thêm vào đó, việc làm nông bây giờ không cần quá nhiều lao động như trước nên cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác như dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”, Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Duy Phiên (thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong) Trương Văn Toàn chia sẻ.
Khoảng 3 năm nay, ở thôn Bắc Phước, mùa gặt như mùa hội. Nhiều người nông dân không còn vất vả, lo toan như trước mà thay vào đó họ thoải mái trò chuyện, hỏi thăm nhau trong lúc chờ đến lượt máy gặt vào thu hoạch lúa trên khu vực ruộng tập trung của mình. Đường giao thông nội đồng ở đây đã được bê tông hóa khoảng 40%, các tuyến đường đất khá rộng và thoáng nên xe ô tô tải làm dịch vụ vận chuyển lúa di chuyển rất thuận lợi ra tận từng thửa ruộng. Mùa này, ở trên cánh đồng thôn Bắc Phước mỗi ngày có khoảng 3 - 5 xe ô tô tải, xe khách hạ tải đến làm dịch vụ vận chuyển lúa. Xe ô tô chở lúa lúc thì nối đuôi nhau về làng, lúc thì tránh nhau tạo ra hai chiều xuôi ngược đầy sắc màu giữa con đường bê tông nội đồng rộng rãi đã khiến nhiều người con xa xứ khi trở về thăm quê thích thú, phấn khởi, tự hào vì sự thay đổi ở quê mình. Nhận thấy sự thuận tiện đó nên có một số người dân đã mạnh dạn đưa ô tô có giá gần cả tỉ đồng của mình ra đồng chở lúa về nhà.
“Nhà tôi làm gần 2 mẫu lúa, năm nào cũng thuê xe dịch vụ để chở lúa về nhà nên tốn một khoản chi phí khá cao. Năm nay, hai anh em tôi quyết định đưa 2 chiếc Toyota Hilux bán tải ra đồng phụ giúp gia đình chở lúa về nhà. Chỉ tốn khoảng 30 nghìn đồng tiền xăng, dầu/chiếc nhưng thuận lợi cả đôi đường bởi mỗi xe vừa chở được 1 tấn lúa/chuyến về nhà, vừa đón đưa người nhà đi ra đồng, trở về nhà khi xong việc. Khi nắng nóng, mệt nhọc có thể bật điều hòa ngồi nghỉ ngơi cũng khá thú vị. Thêm vào đó, việc chạy ô tô ra đồng vận chuyển lúa trên những con đường bê tông, đường đất rộng lớn khá an toàn, nhanh chóng, tiện lợi nên cũng tiết kiệm được khá nhiều chi phí so với việc thuê xe ô tô dịch vụ để vận chuyển lúa về nhà”, anh Trương Quang Vân (30 tuổi) ở thôn Bắc Phước thổ lộ.
Rời cánh đồng thôn Bắc Phước, ngược theo hướng xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, vòng quanh vào huyện Hải Lăng, rồi ra Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đâu đâu chúng tôi cũng thấy rợp màu vàng óng của lúa chín. Vào mùa thu hoạch lúa, nguời dân những địa phương nơi chúng tôi đi qua đều rất thảnh thơi bởi mọi khâu thu hoạch, vận chuyển đa số đã được cơ giới hóa. Và chỉ cần thuê máy dịch vụ gặt đập liên hợp, kết hợp xe ô tô vận chuyển lúa thì mỗi nhà chỉ cần 1 - 2 người đã có thể thu hoạch cả mẫu ruộng/ngày. Nhiều hộ gia đình làm lúa với diện tích lớn đã quyết định bán ngay sau khi vừa gặt xong với giá giao động từ 5,5 - 6 triệu đồng/tấn. Người nông dân chỉ cần đứng trên bờ điều hành công việc thu hoạch, giao dịch buôn bán còn lại mọi thứ đều được dịch vụ nông nghiệp lo liệu. Lúa hạt đóng bao được chất lên xe ô tô dịch vụ rồi vận chuyển đến bán cho thương lái đợi sẵn trên các tuyến đường chính của thôn. Mọi việc đã có dịch vụ bốc xếp giá bình dân đảm nhận, nhiệm vụ của người nông dân chỉ là đếm tiền, chi trả phí dịch vụ rồi còn lại bỏ túi mang về. Chưa bao giờ việc làm nông lại nhàn rỗi, nhẹ nhàng nhưng không kém phần hiệu quả như những năm gần đây.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết: “Những năm trở lại đây, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, sản lượng và đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, những cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả rõ nét. Ngành nông nghiệp còn chú trọng đến dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh quy hoạch, phát triển đồng bộ hệ thống thủy nông, giao thông nội đồng, giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc cơ giới hóa hiện đại vào sản xuất, thu hoạch nông sản. Những kết quả đó đã góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên toàn tỉnh”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)