Đồng bào Vân Kiều dựng xây cuộc sống mới

Văn Cần |

Vùng tây Gio Linh nằm ở phía nam sông Bến Hải một thời bị đạn bom tàn phá hầu hết những làng mạc xóm thôn. Sau chiến tranh, mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách, song đồng bào thiểu số nơi đây đã đoàn kết, chung lưng đấu cật cùng Nhân dân Gio Linh vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.

Vườn tiêu của ông Hồ Văn Ray. Ảnh: V.C
Vườn tiêu của ông Hồ Văn Ray. Ảnh: V.C

Gia đình ông Hồ Văn Ray, thôn Ba De, xã Linh Trường được coi là tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất của đồng bào thiểu số ở miền tây Gio Linh. Gia đình ông trồng được 400 gốc hồ tiêu, năm cao nhất ông thu được 2 tấn hạt tiêu khô. Những năm gần đây tiêu được giá, bình quân mỗi kg hạt tiêu khô được thương lái thu mua với giá gần 200 ngàn đồng. Được mùa lại được giá, nhờ đó ông làm nhà, mua sắm phương tiện, nuôi các con ăn học… Hiện nay, mặc dù giá hồ tiêu không ổn định nhưng ông Hồ Văn Ray vẫn đầu tư mua cây choái, làm hệ thống bơm tưới, trồng mới thêm 200 gốc tiêu. Với ông, nông sản được giá hay rớt giá là câu chuyện bình thường của thời buổi kinh tế thị trường. Vì vậy, sớm chiều ông cùng vợ chăm chỉ chăm bón cho vườn tiêu. Điều đặc biệt là ông luôn giúp đỡ cây giống, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con. Tấm gương của ông được nhiều bà con trong vùng biết đến. Ông Hồ Văn Ray cho biết: “Bản thân tôi nhận thấy rằng mình làm kinh tế trước hết cho bản thân và con cháu mình nên chăm chỉ lao động. Nhờ đó, gia đình tôi khá dần lên, ngôi nhà này tôi làm được cũng nhờ cây tiêu. Bây giờ ai muốn hỗ trợ cây giống hay trao đổi kinh nghiệm làm ăn, tôi đều giúp. Mình khá lên nhưng bà con cũng no đủ thì làng bản mới yên vui…”.

Những ngày đầu mới lập lại, miền tây Gio Linh là vùng đất rộng, người thưa. Phần lớn đồng bào dân tộc Vân Kiều vùng tây Gio Linh định cư ở hai xã Vĩnh Trường và Linh Thượng (nay sáp nhập thành xã Linh Trường). Cũng như bao thế hệ đi trước, người Vân Kiều chỉ quen phát rẫy làm nương hoặc vào rừng đốn củi bán cho người dưới xuôi. Thuở ấy, bom đạn sau chiến tranh sót lại còn khá nhiều, dù rất nguy hiểm nhưng một số hộ gia đình nhặt lượm phế liệu chiến tranh để làm kế sinh nhai. Họ chưa biết cách trồng ruộng nước và hầu như cũng chẳng biết trồng cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu. Thêm vào đó hiểm họa đạn bom ẩn mình trong lòng đất, gây khó khăn cho sản xuất nên cuộc sống của bà con càng vất vả bội phần.

Sau khi lập lại, vùng đất mới tây Gio Linh được lãnh đạo huyện quan tâm nhiều hơn. Dựa vào tiềm năng thế mạnh của miền đất đỏ ba dan, huyện Gio Linh đề ra nhiều giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế vùng gò đồi, nhằm tạo bước đột phá phát triển bền vững cho vùng tây Gio Linh. Theo đó, ủy Đảng, chính quyền các xã miền tây Gio Linh đã lãnh đạo Nhân dân từng bước vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống mới. Khuyến khích, động viên bà con bỏ dần một số tập tục sản xuất lạc hậu, làm quen với cách làm ăn mới. Mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Cùng với cây hồ tiêu, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su cũng được bà con chú trọng diện tích và sản lượng. Hiện nay diện tích trồng cây cao su của toàn xã Linh Trường 633 ha, trong đó khoảng 80% đưa vào khai thác.

Là vùng đất bán sơn địa, vùng tây Gio Linh cũng có lợi thế để phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng mô hình trang trại, gia trại. Huyện Gio Linh đã có những chương trình, dự án đã hỗ trợ giống về cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuồng trại, vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi cho bà con. Mặc dù quy mô sản xuất chưa thật lớn nhưng đã hình thành sự liên kết được giữa các hộ chăn nuôi với doanh nghiệp mang lại hiệu quả khá. Hiện nay, tổng đàn trâu bò của xã Linh Trường có 1.176 con, trong đó có 444 con trâu, 732 con bò; ngoài ra xã có gần 250 con dê.

Những năm qua, huyện Gio Linh thực hiện giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, thu hút được nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng và nhận khoán bảo vệ rừng. Đến nay xã Linh Trường có 12.000 ha rừng phòng hộ và trồng được 1.000 ha rừng lâm nghiệp. Hằng năm cung cấp một số lượng lớn cho các nhà máy sản xuất gỗ băm dăm trên địa bàn tỉnh. Rừng trồng của bà con còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nâng diện tích che phủ, cải thiện môi trường sinh thái.

Sau 30 năm huyện nhà lập lại, đời sống của đồng bào Vân Kiều vùng Tây Gio Linh đổi thay rõ rệt. Đôi bàn tay của họ đã thêu dệt nên những mùa xuân ấm no, hạnh phúc từ vùng đất bời bời bom đạn năm nào. Phát huy thành quả đã đạt được, đồng bào dân tộc thiểu số xã Linh Trường sẽ tiếp tục phấn đấu góp phần cùng Nhân dân huyện Gio Linh xây dựng quê hương giàu đẹp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dấu ấn từ xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm đổi thay trong mỗi làng quê, thôn xóm, từng ngôi nhà trên vùng quê Triệu Phong (Quảng Trị). Diện mạo mới ấy có dấu ấn của sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của mỗi người dân Triệu Phong.

Triệu Độ thất thu dưa hấu

Hồng Lĩnh – Minh Kha |

Những ngày qua, người dân xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong  (Quảng Trị) tiến hành thu hoạch dưa hấu. Tuy nhiên, không khí vào mùa ở nơi đây không còn sôi nổi như mọi năm bởi sản lượng cũng như chất lượng dưa hấu của địa phương giảm hẳn so với những năm trước, bên cạnh đó giá dưa hấu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19.

Quảng Trị: Hướng đến nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Lâm Quang Bửu |

Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) với mục tiêu cải thiện tính bền vững của sản xuất nông nghiệp nhằm hướng đến nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày mới ở Cửa Việt

Lâm Thanh |

Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) từng là một trong những chiến trường ác liệt nhất vào những năm 1972- 1973, thời điểm Hiệp định Paris bước giai đoạn quyết định. Địa danh này gắn liền với những trận đánh lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam trước ngày đất nước thống nhất. Vậy nhưng, chiến trường Cửa Việt những năm tháng ấy giờ là phố thị đang thay da, đổi thịt từng ngày.