Dấu ấn từ xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm đổi thay trong mỗi làng quê, thôn xóm, từng ngôi nhà trên vùng quê Triệu Phong (Quảng Trị). Diện mạo mới ấy có dấu ấn của sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của mỗi người dân Triệu Phong.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở Triệu Phong. Ảnh: T.L
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở Triệu Phong. Ảnh: T.L

Với xuất phát điểm là xã thuần nông có thu nhập chính từ nông nghiệp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Triệu Thượng xác định, nâng cao thu nhập cho người dân đóng vai trò then chốt. Do vậy, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, chính quyền địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng đến sản xuất nông sản sạch. Khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi gia trại xa khu dân cư, phát triển diện tích cao su, sản xuất sản phẩm sạch, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để từng bước thực hiện mục tiêu tăng thu nhập cho người dân…Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền cùng với sự đồng thuận của người dân nên chỉ sau một thời gian thực hiện, cuộc sống của người dân đã có sự cải thiện đáng kể. Khi kinh tế phát triển đúng hướng, đời sống người dân được nâng cao đã tạo điều kiện để địa phương hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM vào cuối năm 2019.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng Lê Ngọc Dũng cho hay: “Sau gần 10 năm triển khai, chương trình xây dựng NTM đã tạo ra diện mạo mới cho nông thôn Triệu Thượng với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng cây, con chủ lực của tỉnh, huyện. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố. An ninh, trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững… Xác định xây dựng NTM là chương trình có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nên trong thời gian tới xã Triệu Thượng sẽ tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được. Đồng thời từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng xã hội, chú trọng phát triển kinh tế để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân”.

Năm 2010, khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn huyện Triệu Phong chỉ có 3 xã đạt 7/19 tiêu chí; 2 xã đạt 6/19 tiêu chí, 4 xã đạt 5/19 tiêu chí, các xã còn lại đều đạt dưới 5 tiêu chí xây dựng NTM. Bên cạnh một số thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thì khó khăn gặp phải trong quá trình xây dựng NTM tại huyện Triệu Phong đó là nền sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, sản xuất hàng hóa chưa phát triển mạnh, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Khả năng nguồn lực của một số địa phương về nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất cho quá trình xây dựng NTM còn nhiều hạn chế...Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, số tiêu chí NTM đạt trên địa bàn huyện Triệu Phong tăng dần theo từng năm. Đến năm 2020, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn huyện có 10/17 xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được những kết quả đó, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện đã lấy lợi ích của người dân làm trung tâm, lấy tiêu chí nâng cao thu nhập làm chủ đạo, từ đó phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Toàn huyện Triệu Phong đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư khu vực nông thôn được trên 1.872 tỉ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 41 tỉ đồng để xây dựng NTM. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã tập trung huy động nguồn lực của người dân, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của ngân sách, các dự án, doanh nghiệp, các tổ chức khác, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo làm chuyển biến một bước hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã. Ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu dân sinh bao gồm giao thông, thủy lợi nội đồng… Nhờ vậy, hệ thống giao thông nông thôn từ huyện đến xã, thôn được rải nhựa và bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa. Hệ thống thủy lợi từng bước được hoàn thiện, đảm bảo diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên, đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa phát triển bền vững.

Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống thủy lợi, các thiết chế văn hóa cơ sở và hệ thống trường học, chợ, nhà ở dân cư... cũng từng bước được huyện Triệu Phong hoàn thiện đồng bộ. Đến nay, toàn huyện có trên 61% số xã đạt chuẩn tiêu chí trường học; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao từ xã đến thôn từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân…Trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp trọng tâm của tỉnh, các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế của Huyện ủy đề ra, đưa thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đến nay đạt 45,2 triệu đồng/người/năm.

Huyện Triệu Phong đặt ra mục tiêu phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn NTM và huyện đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Giữ vững và tăng các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân… Để hoàn thành mục tiêu đề ra, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM, đồng thời chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Câu chuyện những người đi mở đất

Minh Tâm |

Xã Gio Hòa (nay là xã Gio Sơn) thuộc vùng gò đồi miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Được thành lập vào cuối năm 1975 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất hai miền, cán bộ và nhân dân nơi đây không chỉ chứng kiến và gánh chịu những hậu quả khôn lường do chiến tranh để lại mà còn nỗ lực vươn lên, đổ mồ hôi và cả máu của mình để biến vùng đất được mệnh danh là “Vùng đất chết” trong chiến tranh thành vùng quê trù phú, vững bước đi lên.

Thực hiện hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh

Bá Thuần - Minh Kha |

Vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) gieo cấy gần 6.000 ha lúa với các loại giống ngắn ngày, có tiềm năng năng suất cao và hiện tại bà con nông dân đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch. 

Hướng Hóa: Người trồng chuối gặp khó khăn khi giá giảm sâu

Hoàng Hùng |

Tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), nắng hạn khiến năng suất chuối xuống thấp cùng với đó là ảnh hưởng của dịch COVID- 19 đã làm thị trường tiêu thụ loại nông sản này bị thu hẹp. Hiện nay, giá chuối đang giảm sâu khiến doanh nghiệp, tiểu thương và người dân gặp nhiều khó khăn.

Lần theo dòng nước mặn

HTS |

Càng bước vào các tháng cao điểm của mùa khô hạn, những người làm công tác khí tượng thủy văn phải luôn có mặt từng phút, từng giờ trên nhiều khúc sông để làm công việc lần theo dòng nước mặn xâm nhập vào các con sông. Việc xâm nhập mặn trong mùa khô hạn luôn tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân.