Câu chuyện những người đi mở đất

Minh Tâm |

Xã Gio Hòa (nay là xã Gio Sơn) thuộc vùng gò đồi miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Được thành lập vào cuối năm 1975 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất hai miền, cán bộ và nhân dân nơi đây không chỉ chứng kiến và gánh chịu những hậu quả khôn lường do chiến tranh để lại mà còn nỗ lực vươn lên, đổ mồ hôi và cả máu của mình để biến vùng đất được mệnh danh là “Vùng đất chết” trong chiến tranh thành vùng quê trù phú, vững bước đi lên.

Trong cuộc trường chinh mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt, có nhiều tên làng đi theo từ miền quê cha đất tổ hoặc được đặt từ những mong ước của người ly hương về tương lai tốt đẹp cho một cộng đồng. Ở Quảng Trị, bên cạnh những làng cổ thì đã có những làng được hình thành sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tại đây có các làng mà khi đọc tên chữ đầu sẽ có cụm từ: “Đại Đồng Tâm Nhất Trí Tiến”. Đằng sau tên gọi độc đáo này là cả một câu chuyện dài của những người đi mở đất.

Quang cảnh chẻ đá của những người thợ tại Gio Hòa
   Một vườn cao su đang cho nhựa  tại Gio Hòa

Hiện cư dân các làng nằm hai bên trục đường tỉnh lộ có tên là đường 74, con đường bắt đầu từ quốc lộ 1 A và nối vào đường Hồ Chí Minh. Đường 74 là nơi đã ghi đậm các chiến thắng qua 02 cuộc kháng chiến của dân tộc, trong đó có trận đánh Pháp “Nam Đông – Đường 74” vang dội vào năm 1952, mà thơ ca kháng chiến đã từng ghi lại:“Nam Đông cho chí Hà Thanh/ Con đường 74 hôi tanh máu thù”

Sau năm 1972, vùng miền Tây huyện Gio Linh dân cư thưa thớt, thiếu sức lao động, trong khi đó miền Đông dân cư ly tao trong binh lửa đã dần tụ họp về đông đúc. Trước tình hình đó, Huyện ủy Gio Linh đã có chủ trương khai hoang vùng miền Tây, tổ chức vận động đưa một bộ phận nhân dân các xã vùng Đông lên để phát triển kinh tế. “Hưởng ứng lời kêu gọi,  nhân dân các xã vùng Đông trong đó chủ yếu nhân dân các xã: Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Hải, Gio Việt tình nguyện lên vùng đất mới. Trên vùng đất này, mọi người già trẻ, gái trai, không phân biệt vùng miền, không phân biệt câu chuyện buồn vui đã qua trong khứ, cùng đồng hành hướng đến tương lai”. ông Nguyễn Đa - Trưởng làng Nhất Hòa. tâm sự với chúng tôi như vậy.

Xã Gio Hòa được chính thức thành lập vào ngày 13 tháng 8 năm 1975. Sau khi được thành lập, chính quyền xã Gio Hòa đã chia địa bàn thành 06 khu dân cư gồm các thôn: Đại Hòa, Đồng Hòa, Tâm Hòa, Nhất Hòa,Trí Hòa và Tiến Hòa. Với ý nghĩa: có đồng tâm lớn, có nhất trí cao mới vượt qua được những khó khăn để xây dựng Gio Hòa ngày một tiến lên, như 2 câu đối thuở mới lập làng:“Đường Bảy Bốn anh hùng hiển hách/ Đại Đồng Tâm Nhất Trí Tiến lên.”…

Bà Dương Thị Sành ,nguyên Bí thư Chi bộ đầu tiên xã Gio Hòa cho biết: “Những ngày đầu trên vùng đất mới, nhân dân đều ra đi từ những vùng quê nghèo bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nên hành trang mang theo chỉ là đôi bàn tay và giấc mơ về ngày mai tươi sáng. Tuy có sự hỗ trợ từ Huyện, nhưng trong những ngày đầu Huyện mới giải phóng nên còn nhiều khó khăn, bà con phải tự lực tự cường là chính”.

Quang cảnh chẻ đá của những người thợ tại Gio Hòa
Quang cảnh chẻ đá của những người thợ tại Gio Hòa

Chúng tôi hôm nay về vùng đất đỏ này. đi trên con đường 74 huyền thoại, bên cạnh cái ngút ngàn  màu xanh của của cây trái thì hai bên đường có nhiều bãi đá lớn nhỏ đứng, nằm ngổn ngang mà người dân nơi đây gọi là “ Đá mồ côi”. Có những viên nặng hàng tấn, mới đưa từ dưới đất lên thơm tho mùi gió mới. Dù nắng hay mưa, chúng ta sẽ bắt gặp các vóc dáng trai tráng, đẫm mồ hôi đang quai búa, chế tác ra những viên đá xinh xắn, vuông thành sắc cạnh dùng để xây dựng công trình. Đây là thế hệ thứ hai của những người năm xưa đi mở đất, thế hệ này tràn đầy sức khỏe và có niềm tin vào tương lai tươi sáng, hăng hái trong việc “ làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”.

Theo các cụ cao niên thì nghề đá của bà con xã Gio Hòa có từ khi cư dân các làng đã an cư, nhưng thời đó thì bà con chỉ biết chế tác đá dùng làm cối giã gạo, và kê cột gỗ nhà ở. Từ  năm 1986, khi các nông trường cao su thành lập, đã lập nên các đội làm đá thì nghề làm đá mới dần dần chuyên nghiệp và trở thành các làng nghề. Các thợ đá của Gio Hòa được cho là các thợ đá giỏi nhất trong tỉnh, không chỉ làm công việc tại địa phương mà còn đi làm ở các tỉnh bạn, tham gia xây dựng các con đường quốc phòng- dân sinh, ra tận đảo Cồn Cỏ.

Nói về đá, anh Nguyễn Cường một thợ làm đá kỳ cựu cho chúng tôi biết “đá ở đây thuộc loại đá xanh, một trong loại đá cứng nhất, được hình thành rất lâu từ nham thạch núi lửa, nó nằm rải rác trên mặt đất và sâu khoảng 1 mét khắp trong vùng các xã vùng tây của huyện, nhưng tập trung nhiều nhất ở Gio Hòa. Loại đá này có độ cứng, bền cao nên người ta dùng để chế tác các vật liệu xây dựng, do chất liệu đá tốt và người làm lại thạo nghề nên sản phẩm đá của Gio Hòa được nhiều địa phương trong tỉnh ưa chuộng, đến nay các cơ sở sản xuất đá không đủ cung cấp hàng cho địa phương trong và ngoài tỉnh”.

Hiện nay, công việc làm nghề đá đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 30 % số lượng người trong độ tuổi lao động. Hiện chính quyền của địa phương cũng đang khuyến khích cũng như quản lý chặt chẽ việc khai thác để đảm bảo nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong quá trình phát triển của mình, tuy không được thiên nhiên ưu đãi, diện tích canh tác ít, nhưng cán bộ và nhân dân Gio Hòa đã đoàn kết, gắn bó, phát huy nội lực, không ngừng học hỏi; phát huy truyền thống của quê hương để xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển. Năm 2016, Gio Hòa đã về đích nông thôn mới, trong tổng số 3/21 xã, thị trấn của huyện Gio Linh. Đầu năm 2020, xã Gio Hòa sáp nhập vào xã Gio Sơn để thành một xã, với bao điều hy vọng về một tầm phát triển mới.

Đi trong các rặng cao su đang mùa thu hoạch, mùi cao su non còn đọng lại trong sương đêm của bàn tay tảo tần người thợ cạo như còn vương vấn trong những bước chân của lữ khách. Chúng tôi chợt nhận ra rằng, đàng sau những nụ cười sảng khoái, cái bắt tay mạnh mẽ, chai sạn của những người dân ở mảnh đất nơi đây là những tấm lòng nhân hậu, chân chất của những người xuất thân từ các miền quê đến từ nơi từ mưa bể gió ngàn, từ vùng một nắng hai sương quê lúa. Phía xa kia, bóng những người thợ đá vẫn đang miệt mài bên những khối đá khổng lồ, để chế tác ra những thành phẩm làm đẹp cho con người cả ở hai thế giới âm - dương. Lòng chợt bâng khâng nhớ về những câu thơ “ Vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông:

“Chúng ta đoàn áo vải 

Sống cuộc đời rừng núi bấy nay

Ðồng xanh ta thiếu đất cày 

Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng 

Tháng ngày ta góp sức chung 

Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây

Bàn tay ta làm nên tất cả 

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” 

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Thực hiện hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh

Bá Thuần - Minh Kha |

Vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) gieo cấy gần 6.000 ha lúa với các loại giống ngắn ngày, có tiềm năng năng suất cao và hiện tại bà con nông dân đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch. 

Người tiên phong phát triển kinh tế vùng gò đồi

Minh Dương – Minh Trí |

Lên lập nghiệp ở vùng đất Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) từ năm 1993. Nhận thấy tiềm năng đất đai vùng gò đồi, gia đình ông Trần Văn Phẩm đã mạnh dạn khai hoang, lập hóa. 

Trên phòng tuyến sông Mỹ Chánh – Ngày ấy và bây giờ

Mai Trang – Thanh Châu |

Hải Lăng là địa phương cuối cùng được giải phóng của tỉnh Quảng Trị, trước khi trở thành vùng đệm để quân và dân ta tiến vào giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng vào năm 1975. Đặc biệt, tại phòng tuyến sông Mỹ Chánh, nơi được coi là vành đai lửa trong chiến dịch năm xưa nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh thần cách mạng thì vẫn còn nguyên vẹn nơi những cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích ngày đó và được nối tiếp cho thế hệ hôm nay.

Trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 20 tấn/ha

Anh Vũ |

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), anh Hoàng Ngọc Khánh, ở thị trấn Cam Lộ đã đầu tư mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn 2 tháng xuống giống, đến nay dưa hấu đã cho thu hoạch với năng suất đạt 20 tấn/ha.