Xứ Cùa hôm nay

Xuân Dũng |

Nói gì thì nói xứ Cùa vẫn là vùng núi nên cho dù có thuận lợi đến đâu vẫn tiềm ẩn những khó khăn, thử thách trong hành trình đi lên của mảnh đất này. Cho nên xứ này luôn cần đến những ước mơ và khát vọng thay đổi hiện thực. Đó chính là động lực từ trước đến nay góp phần làm thay đổi diện mạo xứ Cùa.

Cổng làng Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa huyện Cam Lộ
Cổng làng Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa huyện Cam Lộ

Cả một vùng nguyên liệu nông sản đã hình thành từ phía Tây Cam Lộ, cung cấp cho nhiều doanh nghiệp, cho thị trường trong và ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Xứ Cùa bằng khát vọng chảy bỏng được nuôi dưỡng từ ngày xưa thuở khai thiên lập địa, thời chiến chinh khốc liệt và trong những ngặt nghèo của đói cơm rách áo và thiếu khát học hành đã vươn mình đứng dậy trong những ngày mới hôm nay. Người Cùa đã tự tay mình viết nên những trang sử chói ngời của quê hương Cam Lộ. Rất nhiều làng quê đã đi lên bằng sức mạnh nội sinh để giã biệt đói nghèo và lạc hậu.

Xứ Cùa có rừng bao bọc nên cũng từ đây mà thiên nhiên ưu đãi. Nhiều năm nay người dân gắn bó với rừng và việc trồng rừng. Đây vừa là khai thác thế mạnh của  đất đai rộng lớn và màu mỡ để thay đổi đời mình vừa là kéo thiên nhiên gần lại với con người hay nói cách khác là chung sống hòa thuận với thiên nhiên, muốn thiên nhiên che chở cho mình. Trong những sản vật được coi là ân tứ đất trời thì lá vằng một loại cây gắn bó với người dân từ thưở ban sơ khi con người còn hồn nhiên như cây cỏ. Dần dà, từ một cây lá làm dùng làm nước uống hàng ngày, tốt và lành cho sức khỏe, lá vằng đã thành cây dược liệu sau những nghiên cứu khoa học. Lá vằng nếu hái về, phơi phóng và chế biến theo cách cổ truyền không có hóa chất can thiệp thì sẽ là loại cao lá vằng thương phẩm được thị trường ưa chuộng và người dân đem bán ở gần xa. Một số làng quê như Định Sơn xã Cam Nghĩa đã thành làng cao lá vằng, chuyên nghề nấu cao dược liệu và giải khát cho sinh hoạt hàng ngày. Nghề này từ lá cây rừng dân dã đã  đem lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho dân làng, mở ra một hướng mới cho nhiều người dân xứ Cùa. Chị Mai Thị Thủy người thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa cho biết chính cao lá vằng đã làm giúp chị nhiều bà con đổi đời từ ân tứ của thiên nhiên và sức người cần lao.

Trang trại gà Cùa của anh Phạm Hữu Phương ở làng Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa
Trang trại gà Cùa của anh Phạm Hữu Phương ở làng Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa

Trong đời sống kinh tế những năm gần đây, cây nghệ bỗng được giá và người nông dân đã đầu tư cho loại cây trồng này. Cây nghệ ngoài tác dụng làm gia vị còn là vị thuốc dân gian và có mặt trong nhiều bài thuốc Đông y thông dụng. Cùa cũng là nơi thời tiết, thổ nhưỡng thích hợp với loại cây này nên được nhiều nhà nông ưa chuộng và đã có những doanh nhân theo đuổi, dù việc kinh doanh không thành công trong một sớm một chiều và mọi việc không dễ thông đồng bén giọt. Trên vùng đất Bảng Sơn ngày xưa vua từng ở lại nơi đây trong những ngày bôn tẩu chống giặc cứu nước nay đã thành nơi gieo mầm khát vọng đổi đời trong hòa bình, đổi mới. Anh Trần Đức ở thôn Bảng Sơn, một trí thức đã tạm biệt công ăn việc làm ổn định để về làm một nông dân, một doanh nhân gắn bó với cây nghệ. Khát vọng của anh thật đáng trân trọng và cần được cơ quan chức năng tiếp sức kịp thời.

Phần cuối thiên ký sự này chúng tôi muốn nói đến một nhân vật khá đặc biệt ở Cùa, đó là anh Phạm Hữu Phương ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, chủ của Phương gia trang được khá nhiều người biết đến. Anh Phương từng tốt nghiệp đại học Huế, từng là cán bộ xã nhiều năm liền. Nhưng rồi niềm đam mê lập thân, lập nghiệp từ tiềm năng, lợi thế của quê hương đã hút hồn anh. Sau nhiều ngày nghĩ suy, tính toán, anh đã mạnh dạn vay vốn mở trang trại trên đất của gia đình. Một trang trại bạc tỷ với đàn gà Cùa cả ngàn con, đàn vịt trời hai ngàn con là những vật nuôi cho ẩm thực đặc trưng của quán anh. Chưa hết còn có cả đàn heo rừng được nuôi dưỡng trong vườn nhà và cả ao cá, vườn rau hết thảy đều là những thực phẩm sạch. Ngôi nhà anh được bày biện, trang trí theo cảm quan văn nghệ cùng với người bạn đời là cô gái Huế đảm đang, xuất thân là hướng dẫn viên du lịch đang trở thành nội tướng của gia đình. Vợ chồng anh đang mong muốn biến trang trại và ngôi nhà-quán ăn Phương gia trang thành một điểm du lịch đặc biệt ở xứ Cùa, thu hút du khách khi muốn tham quan di tích Tân Sở và cao điểm 241. Khi chúng tôi thực hiện ký sự này đã nhận được thông tin Phương gia trang của vợ chồng anh đã được xem xét để chính thực đưa vào bản đồ du lịch của Quảng Trị trong hành trình DMZ, du lịch khu vực phi quân sự. Tâm tình của anh thật xứng đáng cần lắng nghe và chia sẻ. Anh Phạm Hữu Phương ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa đã tâm sự : "Tôi muốn đi lên bằng bàn tay, khối óc của mình và gắn bó với quê hương. Tôi muốn nhà mình, quán mình, trang trại mình sẽ sớm trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn ở xứ Cùa".

Giếng cổ Cùa
Giếng cổ Cùa

Một xứ Cùa đã và đang chuyển động từng ngày với những con người đang có nhiều dự phóng tâm huyết, nhiều khát vọng đổi đời, không và mãi mãi không bao giờ chấp nhận cuộc sống đứng yên một chỗ, hoặc là một cuộc sống bình lặng, yên ả những thiếu vắng hoài bão. Đi và gặp những con người như thế, chúng tôi cảm thấy khâm phục và ngưỡng mộ những ước mơ không chấp nhận sự bằng phẵng, đơn điệu của cuộc sống đời thường. Họ, có thể đã thành công, hoặc đang còn trên đường thực hiện những mơ ước của mình, cũng có thể đang ấp ủ những ý tưởng để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho dù phải trả giá vì sự dấn thân lập thân lập nghiệp. Đó là hình mẫu của con người hôm nay mà chúng tôi tìm kiếm và bắt gặp ở xứ Cùa, lại xuất hiện ở nhiều làng quê trên mảnh đất này, lặng thầm và bình dị, là là tác giả và cũng là chứng nhân cho mọi sự đổi đời trên đất đai hương hỏa của cha ông. Muốn quê hương thay đổi thì chúng ta phải thực sự quan tâm đến những con người như thế, những tâm thế chấp nhận chông gai để quyết tìm đường hướng tiến về phía trước.

 Có một xứ Cùa với những điều hiển lộ như quặng mỏ lộ thiên, đã nhìn là thấy, đã đến là gặp, đã hẹn là không thể hai lời. Một vùng đất hiển ngôn, khi cần ăn cục nói hòn, chắc như đinh đóng cột. Ai nghe cũng hiểu, thậm chí chưa nghe đã hiểu.  Và còn một xứ Cùa khác nữa, dù có nhìn chưa hẳn đã thấy, dù có thấy chưa chắc đã hiểu. Những biểu hiện đa thanh, đa sắc và hàm ngôn, tinh tế không dễ gì hiểu được và không chỉ một đôi lần mà hiểu được, có khi cả đời giải ngôn cũng thế. Mỗi vùng quê có những bí mật cần cất giữ, lưu truyền.  Những bí ẩn muôn đời của Tạo Hóa và của cả nhân gian. Đó là những con người, ngôi nhà, mảnh vườn và những nơi chốn có thể đi qua nhưng phải lắng nghe, lắng lòng lại, may ra mới cảm và hiểu được đôi phần. Những bí ấn của con người và đất đai may ra chỉ có những bậc đại trí, đại nhân mới có thể tường minh. Những người ấy đã cận kề với cái tên Cao Xanh. Nhưng dù là người thường nếu bạn trải lòng ra thì cũng không ngại tình quê nơi đây khép lại vội vàng. Nhưng dù là dễ hiểu hay khó hiểu thì xứ Cùa qua cảm nhận của chúng tôi lúc nào cũng tràn trề khát vọng.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Đồng bào Vân Kiều dựng xây cuộc sống mới

Văn Cần |

Vùng tây Gio Linh nằm ở phía nam sông Bến Hải một thời bị đạn bom tàn phá hầu hết những làng mạc xóm thôn. Sau chiến tranh, mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách, song đồng bào thiểu số nơi đây đã đoàn kết, chung lưng đấu cật cùng Nhân dân Gio Linh vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.

Dấu ấn từ xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm đổi thay trong mỗi làng quê, thôn xóm, từng ngôi nhà trên vùng quê Triệu Phong (Quảng Trị). Diện mạo mới ấy có dấu ấn của sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của mỗi người dân Triệu Phong.

Quảng Trị: Hướng đến nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Lâm Quang Bửu |

Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) với mục tiêu cải thiện tính bền vững của sản xuất nông nghiệp nhằm hướng đến nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Câu chuyện những người đi mở đất

Minh Tâm |

Xã Gio Hòa (nay là xã Gio Sơn) thuộc vùng gò đồi miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Được thành lập vào cuối năm 1975 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất hai miền, cán bộ và nhân dân nơi đây không chỉ chứng kiến và gánh chịu những hậu quả khôn lường do chiến tranh để lại mà còn nỗ lực vươn lên, đổ mồ hôi và cả máu của mình để biến vùng đất được mệnh danh là “Vùng đất chết” trong chiến tranh thành vùng quê trù phú, vững bước đi lên.