Thanh niên 9x khởi nghiệp thành công từ mô hình chăn nuôi vịt

Hồng Nhung |

Sáu năm khởi nghiệp với nhiều gian truân, thử thách, thế nhưng bằng sự cần cù, sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, nay chàng thanh niên Trần Anh Tài ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã sở hữu mô hình chăn nuôi vịt với hơn 4000 con, mang lại thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Anh Tài trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp tại địa phương.

Vượt qua nhiều khó khăn, nay mô hình chăn nuôi vịt đã giúp anh Trần Anh Tài từng bước cải thiện kinh tế gia đình.
Vượt qua nhiều khó khăn, nay mô hình chăn nuôi vịt đã giúp anh Trần Anh Tài từng bước cải thiện kinh tế gia đình.

Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Điện lực miền Trung, anh Trần Anh Tài đã bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi nghề mong cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, hai năm làm việc vất vả với mức lương “ba cọc ba đồng”, anh Tài quyết định về quê lập nghiệp. Sống ở vùng đồng bằng với diện tích ruộng lúa rộng lớn, cùng với hồ nước có sẵn cạnh trang trại của gia đình, anh Tài đã tận dụng làm nơi chăn nuôi vịt. Để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp của mình, năm 2014 anh mạnh dạn vay mượn ngân hàng, gia đình và bạn bè số tiền 50 triệu đồng, đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 500 con giống.

Ý tưởng khởi nghiệp này của anh Tài đã nhận được sự ủng hộ, động viên nhiệt tình từ phía bạn bè và người thân. Tuy nhiên, thời gian đầu khi bắt tay vào thực hiện, do kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi còn hạn chế nên anh đã gặp không ít khó khăn. Anh Trần Anh Tài chia sẻ: “ Thời gian đầu khởi nghiệp, do chưa qua một lớp học nào về chăn nuôi mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm từ gia đình, bạn bè, nên đàn vịt của tôi bị bệnh, chết khá nhiều, có lúc lên đến 50%”.

Để khắc phục tình trạng này, anh Trần Anh Tài đã không ngừng học hỏi, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức ngay từ khâu chọn giống đến chăm sóc. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho vịt cũng được anh đặc biệt chú trọng. Chăn nuôi sạch sẽ, an toàn, nói không với cám công nghiệp là tiêu chí của anh Tài trong quá trình phát triển trang trại. Để chủ động cho nguồn thức ăn, anh đã mở rộng diện tích trồng lúa, lấy đó làm thức ăn chính, kết hợp với ngô, sắn, cá… Với hình thức nuôi gối vụ, từ 500 con ban đầu đến nay trại vịt của anh Tài có hơn 4000 con. Mỗi lứa anh thả từ 500 đến 700 con và có thể xuất bán sau hơn 3 tháng, thu lãi hơn 30 triệu đồng, một năm nuôi từ 3 đến 4 lứa.

Không chỉ cung cấp vịt thịt, trang trại của anh Trần Anh Tài còn nuôi hơn 1000 con vịt đẻ, mỗi ngày thu hơn 800 quả trứng. Toàn bộ số trứng này đều được xuất đi trong ngày cho các cửa hàng, đại lý trên địa bàn huyện và một số địa phương khác. Ngoài ra, để mô hình chăn nuôi vịt đạt hiệu quả cao, năm 2018, anh Tài đã bàn bạc với gia đình dồn điền đổi thửa, chuyển đất ruộng sang đào ao, thả cá. Với 1.5ha diện tích mặt nước này, anh Tài vừa dùng làm nơi nuôi vịt, vừa để nuôi các loại cá trắm, mè, trê… Việc tận dụng ao hồ đã giúp anh có thêm nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng mỗi năm.

Anh Tạ Quang Lực, Bí thư Đoàn xã Trung Sơn, huyện Gio Linh cho biết: “Đồng chí Trần Anh Tài không chỉ là một đoàn viên thanh niên năng nổ, nhiệt tình với phong trào Hội mà còn là tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu ở địa phương với mô hình chăn nuôi vịt. Mô hình này đã giúp anh từng bước cải thiện kinh tế gia đình, đồng thời trở thành nơi tham quan, học tập của nhiều đoàn viên thanh niên khác trên địa bàn. Thời gian qua, các cấp Hội Đoàn luôn thường xuyên động viên, đồng hành cùng anh Tài tháo gỡ mọi khó khăn nhằm giúp anh yên tâm tiếp tục phát triển sản xuất”.

Chăn nuôi vịt tuy không còn là mô hình mới, thế nhưng, hiệu quả mà nó mang lại là điều không ai có thể phủ nhận được. Và kết quả mà anh Trần Anh Tài có được hôm nay chính là minh chứng. Với những gì đạt được, anh Tài xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần khởi nghiệp cho các đoàn viên, thanh niên khác trên địa bàn noi theo.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Đưa dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 vào khai thác trong tháng 9

Quang Toàn |

Với việc hoàn thành 90-95% khối lượng công việc, tính tổng tiến độ, dự án đang vượt gần 4 tháng so với mốc 31/12/2020 mà Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Dấu ấn từ xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm đổi thay trong mỗi làng quê, thôn xóm, từng ngôi nhà trên vùng quê Triệu Phong (Quảng Trị). Diện mạo mới ấy có dấu ấn của sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của mỗi người dân Triệu Phong.

Câu chuyện những người đi mở đất

Minh Tâm |

Xã Gio Hòa (nay là xã Gio Sơn) thuộc vùng gò đồi miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Được thành lập vào cuối năm 1975 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất hai miền, cán bộ và nhân dân nơi đây không chỉ chứng kiến và gánh chịu những hậu quả khôn lường do chiến tranh để lại mà còn nỗ lực vươn lên, đổ mồ hôi và cả máu của mình để biến vùng đất được mệnh danh là “Vùng đất chết” trong chiến tranh thành vùng quê trù phú, vững bước đi lên.

Hướng Hóa: Người trồng chuối gặp khó khăn khi giá giảm sâu

Hoàng Hùng |

Tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), nắng hạn khiến năng suất chuối xuống thấp cùng với đó là ảnh hưởng của dịch COVID- 19 đã làm thị trường tiêu thụ loại nông sản này bị thu hẹp. Hiện nay, giá chuối đang giảm sâu khiến doanh nghiệp, tiểu thương và người dân gặp nhiều khó khăn.