Quảng Trị phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Bá Thuần |

Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực ở tỉnh Quảng Trị và một thời mang lại thu nhập cao, nhiều hộ trở nên giàu có. Tuy nhiên do giá cả biến động xuống thấp và nhiều loại dịch bệnh phát sinh gây hại, không ít vườn tiêu bị chết. Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Trị có chủ trương vận động người dân mạnh dạn phá bỏ những vườn tiêu lâu năm già cỗi, thực hiện các chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng mô hình trồng và chăm sóc hồ tiêu theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học, phát triển bền vững.

Người trồng tiêu nghe hướng dẫn sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt
Người trồng tiêu nghe hướng dẫn sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Ông Lê Thanh Phương ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết: Sống ở vùng Đông Vĩnh Linh, lâu nay gia đình ông đã khai thác lợi thế đất đỏ ba zan trồng tiêu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là thời tiết diễn biến phức tạp, năng suất tiêu ngày càng thấp và hàng trăm cây bị bệnh chết nhanh. Đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, ông và 19 hộ liền kề đã tập trung cải tạo gần 2,5 ha, xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Khác với phương thức canh tác theo kiểu truyền thống cũ, các hộ gia đình đã thiết kế hệ thống thoát nước không để vườn bị úng vào mùa mưa, sử dụng các chế phẩm sinh học ủ với phân chuồng hoai mục để bón cho cây, giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây. Đồng thời, xử lý thuốc để diệt nấm và tuyến trùng, làm sạch cỏ trên vườn tiêu, tạo tỉa thông thoáng bộ tán lá. Nhờ vậy, tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn và giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường.

Bà Lê Thị Hiền Lương, Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh cho hay: Cùng với hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây hồ tiêu, huyện đã đầu tư xây dựng mô hình tưới tiết kiệm, nhỏ giọt công nghệ Israel trên diện tích hơn 63,2 ha tại 2 xã Kim Thạch và Vĩnh Hòa. Cùng với nguồn vốn hơn 760 triệu đồng từ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới, vận động 40 hộ gia đình, mỗi hộ đối ứng 35 đến 40 triệu đồng, mua sắm vật tư, đào giếng, lắp đặt hệ thống bơm, đường ống, bộ lọc, van xả khí, van điều áp, đồng hồ đo áp lực, bộ châm phân bón. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật về tại vườn cây, giới thiệu về quy trình công nghệ và hướng dẫn sử dụng, giúp cho bà con thao tác thuận lợi trong quá trình chăm sóc, bón phân. Sau khi áp dụng vào thực tế, người dân rất phấn khởi bởi với công nghệ này, chỉ cần một người thao tác thì cả khu vườn đều được cung cấp một cách đều đặn lượng nước tưới cần thiết, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại quanh gốc và sâu bệnh. Mặt khác, phân bón và các chế phẩm sinh học cũng được hòa tan với nước thông qua ống dẫn để cung cấp nguồn dinh dưỡng đều cho từng cây theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, không bị rửa trôi, thấm sâu, giảm chi phí, giảm công lao động, khắc phục tình trạng đào bới gốc để bón phân như trước đây dễ làm cho bộ rễ nhiễm các loại sâu bệnh. 

Cùng với các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân từng bước phục hồi các vườn tiêu cũ, áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, phát triển bền vững. Nhờ vậy, nhiều nơi đã xây dựng được một số mô hình, bước đầu cho thấy có những tín hiệu khả quan, tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, cho nhiều quả, đặc biệt không còn tình trạng bị nhiễm các loại sâu bệnh.

Theo ông Nguyễn Tấn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh: Cái được lớn nhất của mô hình này là trang bị những kiến thức mới về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Trên cơ sở đó, xã sẽ tổ chức cho các hộ gia đình trong địa phương đến tham khảo, học tập và khuyến cáo chuyển những vùng đất trồng các loại khoai sắn không hiệu quả cũng như phá bỏ những vườn tiêu bị dịch bệnh, cải tạo đất đai, phát triển hồ tiêu theo hướng này.

Phát triển hồ tiêu bền vững ở huyện Vĩnh Linh
Phát triển hồ tiêu bền vững ở huyện Vĩnh Linh

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.500 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích khai thác khoảng 2100 ha. Do canh tác theo kiểu cũ nên năng suất bình quân 1 ha khoảng 1 tấn, thấp hơn nhiều so với các nơi khác, trong lúc tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường và bất lợi, nếu không kịp thời các các nhóm giải pháp khắc phục thì người trồng tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn. Thấy rõ điều này, trong những năm qua, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp cho người dân trồng, chăm sóc hồ tiêu theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học. Thực tế cho thấy, mô hình này đã làm thay đổi tư duy sản xuất, kết quả vườn tiêu xanh hơn, đặc biệt không có các loại dịch bệnh như trước đây, nhiều nơi thu bói nhưng cũng cho năng suất cao và tạo ra sản phẩm sạch, bán được giá.

Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Có thể nói, phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững là hướng đi đúng, đã làm thay đổi tư duy sản xuất, được người dân đánh giá cao, tuy nhiên do mức đầu tư xây dựng mô hình khá lớn nên hiện toàn tỉnh mới triển khai trên diện tích gần 200 ha. Để nhân rộng mô hình, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm và tập huấn kỹ thuật.  Mặt khác, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng như tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn ưu đãi.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Đưa ô tô ra đồng làm dịch vụ thu hoạch lúa

Nhơn Bốn |

Hơn 10 năm trước, cứ đến mùa gặt là người nông dân phải vất vả còng lưng giữa cái nắng chói chang để thu hoạch lúa rồi dùng sức người kéo xe chở lúa về nhà, thậm chí là gánh bộ cho kịp tiến độ. Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi việc dồn điền đổi thửa được chú trọng, bê tông hóa giao thông nội đồng, giao thông nông thôn được xây dựng khá hoàn thiện thì việc đưa máy móc, ô tô ra đồng cùng nông dân thu hoạch lúa đã trở nên quen thuộc...

Đột phá trong xây dựng cánh đồng lớn ở Triệu Phong

Nguyễn Loan – Thanh Châu |

Xây dựng cánh đồng lớn là một trong những chủ trương mang lại bước đột phá cho ngành nông nghiệp Triệu Phong (Quảng Trị) đặc biệt là đối với cây lúa. Nhờ thực hiện chủ trương này mà năng suất lúa đã tăng gấp đôi so với thời kỳ tái lập huyện.

Thanh niên 9x khởi nghiệp thành công từ mô hình chăn nuôi vịt

Hồng Nhung |

Sáu năm khởi nghiệp với nhiều gian truân, thử thách, thế nhưng bằng sự cần cù, sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, nay chàng thanh niên Trần Anh Tài ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã sở hữu mô hình chăn nuôi vịt với hơn 4000 con, mang lại thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Anh Tài trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp tại địa phương.

Đồng bào Vân Kiều dựng xây cuộc sống mới

Văn Cần |

Vùng tây Gio Linh nằm ở phía nam sông Bến Hải một thời bị đạn bom tàn phá hầu hết những làng mạc xóm thôn. Sau chiến tranh, mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách, song đồng bào thiểu số nơi đây đã đoàn kết, chung lưng đấu cật cùng Nhân dân Gio Linh vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.