Ghép giống bơ đầu dòng nhân rộng mô hình “Bơ sáp Quảng Trị”

Tú Linh |

Từ đề tài điều tra chọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ sáp địa phương có triển vọng tại huyện Gio Linh (Quảng Trị) do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì.

Sau hai năm thực hiện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gio Linh đã hoàn thiện quy trình tạo ra vườn cây gốc ghép đạt chuẩn để ghép với bơ đầu dòng tạo giống phục vụ mô hình trồng bơ sáp hàng hóa của người dân trên địa bàn.

 
 Chị Tuyết Trinh đang ghép giống bơ sáp chất lượng từ cây đầu dòng vào cây gốc ghép. Ảnh: TL

Từ giống bơ sáp ngon nổi tiếng...

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gio Linh Võ Thị Tuyết Trinh cho biết, bơ là cây ăn quả có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, nhưng rất nhanh bị thoái hóa do quá trình trồng, người trồng bơ chủ yếu gieo bằng hạt, chưa chú ý đến việc chọn lọc giống thường xuyên, cũng như chưa nắm vững về kỹ thuật trồng và đặc tính sinh học của cây bơ.

Xác định việc tuyển chọn và lai tạo giống bơ tốt là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng của sản phẩm nên từ những năm còn làm Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, biết địa phương có giống bơ sáp dẻo ngon nổi tiếng, ông Trần Ngọc Lân luôn tìm cách chọn lựa, nhân giống bơ này trên diện rộng, phục vụ chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến khi về nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở KH&CN thì ông Trần Ngọc Lân lại có thêm cơ hội thúc đẩy triển khai đề tài này. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gio Linh được Sở KH&CN và UBND huyện Gio Linh chọn thực hiện đề tài và do chị Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng làm chủ nhiệm.

Chị Trinh cho biết, trạm được cấp 1 ha đất làm vườn mô hình thực nghiệm và 200 m2 đất làm nhà lưới để xây dựng vườn ươm cây bơ gốc ghép. Từ mùa bơ năm trước, cán bộ của trạm đến từng nhà dân của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh tìm chọn được 3.000 hạt giống bơ sáp từ những cây bơ mạnh khỏe, không sâu bệnh về ươm 3.000 cây làm vườn bơ gốc ghép. Vườn cây bơ gốc ghép có đặc điểm là giống bơ đã thuần hóa, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hằng ngày, trước khi đến cơ quan, chị Trinh đều ghé qua vườn nghiên cứu ứng dụng tại chân Dốc Miếu, xã Phong Bình để thăm vườn cây gốc ghép. Nhìn 100% hạt bơ đâm chồi, nảy lộc, lên cây mạnh mẽ, chị rất hài lòng. Đam mê với công việc chị lăn lộn suốt ngày với vườn ươm bơ, hái từng lá vàng, chăm từng cây bơ non từ khi ươm đến 6 tháng sau, khi đó cây trưởng thành, đủ tuổi để ghép.

Hôm chúng tôi đến đúng thời điểm chị đang ghép cây giống. Mỗi thanh giống để ghép vào cây gốc ghép chỉ dài 10cm, đường kính khoảng bằng đường kính chiếc đũa. Đôi tay chị nhẹ nhàng cắt ngang thân cây gốc ghép, chỉ để lại chiều cao chừng 30cm rồi dùng dao tách đôi ngay phần cắt theo chiều dọc của gốc một đoạn khoảng 5cm rồi dắt chồi ghép vào, sau đó dùng ni lông quấn lại. Chị Trinh cho biết với thời tiết bình thường không mưa rét và nắng hạn thì khoảng sau 15 ngày các chồi ghép sẽ ra mầm. Trong thời gian này những cây vừa được ghép vẫn được chăm sóc, theo dõi trong nhà lưới thêm 5 đến 6 tháng nữa, đợi khi chồi ghép ra đủ 4 đến 5 cặp lá, lúc ấy mới đưa ra vườn trồng.

Đến vườn bơ đầu dòng 200 cây

Hoàn thành vườn bơ gốc ghép mới là giai đoạn một của đề tài này. Để có giống ghép đúng chuẩn, trước đó chị Trinh cùng cán bộ của mình điều tra nhiều tháng tại hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh để chọn được 5 cây bơ đạt tiêu chuẩn bơ sáp dẻo, mạnh khỏe rồi phối hợp với nhà vườn chăm sóc, tiến đến công nhận cây đầu dòng phục vụ việc lấy chồi ghép.

Trên thị trường giống bơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận cho sản xuất thử 4 giống bơ TA1, TA3, TA5 và Booth 7 có khả năng chín muộn từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, đây là những giống quốc gia có năng suất và chất lượng cao. Tỉnh Lâm Đồng cũng có giống bơ đầu dòng 034 đạt năng suất cao và chất lượng tốt. Nhưng có một điểm khác biệt tạo thuận lợi cho người trồng bơ ở Quảng Trị là cây bơ cho thu hoạch trái mùa với bơ Tây Nguyên nên vẫn đảm bảo được thị trường tiêu thụ. Vì thế Sở KH&CN cùng trạm quyết tâm chọn được giống bơ sáp dẻo để có lối đi riêng, mang lại lợi thế cạnh tranh thương mại.

Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, huyện giao nhiệm vụ cho trạm tiếp tục chăm sóc, theo dõi vườn gốc ghép 3.000 cây để ghép giống bơ đạt tiêu chuẩn nhằm triển khai mô hình trồng bơ sáp dẻo, phần còn lại phục vụ giống cho người dân, tổ chức có nhu cầu nhân rộng mô hình trên diện tích lớn. Bước tiếp theo là trên cơ sở từ 5 cây bơ đầu dòng, trạm thực hiện ghép thêm 200 cây bơ được trồng ở vườn thực nghiệm để làm vườn cây giống đầu dòng lấy chồi ghép cung cấp cây giống cho chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Gio Linh.

Theo chị Trinh, tổng diện tích cây bơ đang cho thu hoạch của huyện Gio Linh hiện có gần 100 ha, quả bơ cho chất lượng cao, nhưng năng suất thấp, chưa có thương hiệu. Trước mắt muốn nâng cao năng suất, sản lượng và thương hiệu của diện tích cây bơ đang có sẵn trên các vườn thì cần phải thực hiện việc ghép cải tạo giống. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Gio Linh hỗ trợ một phần kinh phí để trạm thực hiện công việc ghép cải tạo này. Cây bơ già được ghép giống tốt sẽ rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản so với trồng mới từ 2 đến 3 năm, sớm cho thu hoạch giúp nông dân nâng cao thêm thu nhập từ việc trồng trọt. Hiện tại những hộ dân có nhu cầu ghép giống bơ chất lượng để phát triển diện tích trồng bơ tập trung đều được chị Trinh tận tình giúp đỡ.

Lý giải về việc đặt ra mục tiêu nhân giống bơ ngon tạo thương hiệu riêng cho Quảng Trị, Giám đốc Sở KH&CN Trần Ngọc Lân cho biết, cây bơ sáp dẻo ở Gio Linh sinh trưởng tốt, trong đó một số cây chất lượng nổi trội được thị trường ưa chuộng, nhưng sản lượng còn rất ít. Do vậy, việc thực hiện đề tài “Điều tra chọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng tại huyện Gio Linh” để chọn ra được giống bơ tốt rồi thực hiện quy trình chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu “Bơ sáp Quảng Trị” là yêu cầu bức thiết, vừa phù hợp với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, góp phần vào thành công của chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi. Theo ông Lân, sau khi phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình trồng bơ ghép ở huyện Gio Linh, sẽ đề nghị các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa tiếp tục nhân rộng mô hình ý nghĩa này.

 (Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đề xuất xây dựng khu đô thị xanh và thông minh tại Quảng Trị

Tiến Nhất |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam về đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Đông Hà.

Nhiều địa phương ở Quảng Trị trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính

Lâm Hạnh |

Sâm Bố Chính là một loài thực vật có hoa, thuộc họ cẩm quỳ, là loại sâm hoang dã bản địa của Việt Nam. 

Nghèo nhất bản, vẫn xung phong ra khỏi hộ nghèo

Hưng Thơ |

Hướng Lập là xã nghèo nhất ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), còn A Xóc - Cha Lỳ là bản làng nghèo nhất ở Hướng Lập. Ở bản, có 2 người phụ nữ đơn thân suốt ngày cắm mặt trên rẫy làm lụng gánh vác cả gia đình, và là hộ nghèo nhất bản. Vậy mà, trong cuộc họp diễn ra gần đây ở xã, 2 cánh tay đen nhẻm, gầy guộc và chai sạn của 2 người phụ nữ thẳng thớm đưa lên, xin rút ra khỏi hộ nghèo trong ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người.

Thêm hai dự án điện gió tại Quảng Trị về tay Xây lắp điện 1

Thanh Thủy |

Sau thương vụ M&A Công ty Điện gió Liên Lập với giá hơn 195 tỷ đồng, CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1, mã PC1) tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào hai doanh nghiệp điện gió khác, cũng đều đang sở hữu các dự án tại Quảng Trị.