Cây trái cho đời

Yên Mã Sơn |

Năm ngoại ngoài bảy mươi, ở nhà trông cháu đi ra đi vào buồn tay buồn chân nên ngoại thường ra vườn trồng cây.

Quẩn quanh bên cái ang nước ngoại cũng có thể tìm thấy mấy cây mít vừa lên hay vài cây bơ mới nảy mầm mà cách đó vài tuần lũ cháu ngoại ăn vứt xuống.

Cái thị trấn nửa phố nửa quê cũng khiến cho đất đai ngày một hẹp dần. Thế nên trồng cây gì trong vườn cũng là một lựa chọn khó khăn đối với ngoại. Hôm ngoại trồng cây mít, một ông lão hàng xóm bảo: “Bà sống được bao lâu nữa mà trồng. Có khi cây chưa lớn thì mình đã quy tiên”. Ngoại cười, nụ cười sóm sém vì cái răng sâu đã bị gãy: “Trồng cho con cho cháu chứ phải cho mình đâu”.
 
 Tranh của Dung Boxit

Năm ngoại tám mươi, sức khỏe vẫn tốt. Cây mít thoáng cái mà đã có gần 10 năm tuổi, bằng tuổi thằng út em mình. Mỗi mùa mít đến ngoại cứ đi ra đi vào trông chừng những trái mít sắp chín như sợ ai đó trèo hàng rào vào hái mất. Khi mít chín, mạ mình giục lên hái xuống, mít thơm lừng cả xóm thế mà ngoại không ăn. Ngoại bảo “bây ăn đi, khi nào tao khuất núi rồi thờ cả quả cũng được”. Nói xong ngoại cười khì khì làm hở những cái răng đã sún.

Nhìn lũ cháu móc từng múi mít ăn ngon lành, ngoại nói: “Cái tay tao mát lắm. Trồng cây là sum sê trái. Đứa nào thích ăn nhãn, mai kiếm giống về tao trồng cho”.

Mấy năm sau cây nhãn trong khu vườn chật chội đã có quả đầu tiên. Hái chùm nhãn đầu tiên cho ngoại, vẫn nụ cười sóm sém, ngoại bảo: “Đời tao thế mà may mắn, trồng cây gì là ăn được cây đó”.
 
 Tranh của Dung Boxit

Vừa rồi trường học kỷ niệm mấy chục năm thành lập, tôi về dự, gặp bạn bè một thuở vui như tết. Có đứa chỉ tay vào cây phượng, cây bàng hay cây muồng bảo cây này do tay tao trồng nè. Mới đó mà trên hai chục năm. Hèn gì tóc đã bạc. Tự nhiên nhận ra trong khu vườn rộng thênh thang của trường mình chẳng để lại một thứ gì để mà nhớ. Những mầm bàng, mầm phượng của mấy chục năm trước mọc cơ man dưới chân nhưng chẳng bao giờ tôi để ý.

Ở tuổi nào thì trồng cây chưa muộn? Tôi thường hỏi như thế để rồi thấy mình ngây thơ. Ngay cả ngoại mình đến 80 tuổi vẫn trồng cây dù chẳng trông mong ngày hái quả.

Tương truyền, Lão Tử trước khi cưỡi trâu xanh đi ở ẩn đã để lại bộ sách Đạo Đức Kinh mà người đời sau xem là học thuyết vô vi huyền diệu, xứng đáng là ông tổ của Đạo giáo. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong trong cuộc đời ngắn ngủi cũng kịp để lại vài bản nhạc. Những tình khúc như Giọt mưa thu, Con thuyền không bến đã làm tiền đề cho tân nhạc ra đời.
 
 Tranh của Dung Boxit

Chúa Nguyễn Hoàng trước lúc viên tịch căn dặn Chúa Sãi lấy dân làm gốc, dựa vào dân để nuôi quân chống Chúa Trịnh. Đó là kế sách lâu dài của một triều đại... Những con người như thế, trong hoàn cảnh như thế đã để lại di sản như thế âu cũng là một cuộc đời viên mãn bất kể ngắn hay dài. Những gì họ để lại cũng là một “cây ăn trái” mà họ chẳng mong mình hái được quả!

Di sản thuộc về những người cầm trên tay hạt giống và chọn một khoảnh đất màu mỡ. Chỉ có thế thôi mà đến nửa đời người mình mới nhận thấy!

Tháng Mười hai lặng lẽ

Diệu Ái |

Tháng Mười hai lặng lẽ sang khi người ta chưa kịp chuẩn bị gì cho cuối năm nhiều trăn trở. Gió đung đưa chiếc phong linh từ ngôi quán nhỏ và mùi cà phê thơm rộn rã khiến góc phố vốn bình yên thêm dịu dàng.

Mùa đông lên Lao Bảo tìm nắng

Phan Khang |

Trong khi dưới đồng bằng vào độ lập đông, trời đang lún phún mưa phùn, gió bấc thì ở miền biên giới Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) nắng vàng hươm.

Mùa đông

Yên Mã Sơn |

Tôi sợ mùa đông. Bàn tay mạ nhăn nheo, khô khốc đặt xuống dòng nước lạnh căm để kiếm ốc, kiếm nhái bằm cho vịt. Đàn vịt ngày một lớn lên nhưng thưa dần vì dăm ba bữa mạ lại mang ra chợ bán. 

Dã quỳ bừng sáng, gọi mùa đông đến xứ mộng mơ

Thùy Trang - Hồ Quốc |

Nếu ở phía Bắc có hoa cải, tam giác mạch thì núi rừng Tây Nguyên lại có một mùa hoa Dã quỳ như gọi mùa đông về.